Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Thánh Phaolô - 29.06

PHAOLÔ - VỊ TÔNG ĐỒ VĨ ĐẠI


"Vì tôi là người hèn mọn nhất trong các Tông Đồ, và tôi cũng không đáng gọi là Tông Đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa." (1 Cr 15,9)

Trước khi trở lại, đối với Phaolô, Tin Mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất, chưa từng nghe nói đến bao giờ. Làm thế nào mà một người có lý trí như Phaolô lại có thể tin được? Ông không thể chấp nhận. Nhảm nhí, vô lý. Ông không phải là một người ngu. Ông đã từng nghe nói đến nhiều tà thuyết. Ông đã từng là một môn sinh ở trường Kinh Thánh. Thầy của ông đã chẳng là những vị giáo sư hiểu biết tiếng tăm nhất đó sao? Thầy Pharisêu Gamalen chẳng hạn.

Phaolô đã từng học cách phân biệt phải trái, điều hợp lý với điều vô lý, điều tin được với điều không thể tin được. Ông cũng đã biết nhiều về thần thoại Hy Lạp, nhưng đấy chỉ là thần thoại kia mà... Không một người học thức nào lại không biết Zeus, Apollo: đó chỉ là những nhân vật tưởng tượng. Mặt khác Aristote, Socrate là những vĩ nhân nhưng họ chỉ là con người mà thôi...
Thế còn câu chuyện điên đầu về Giêsu Nazareth Các người thất học ấy muốn gì đây?
Không ai phủ nhận Giê-su Nazareth là một người có thật. Ông ta sinh ra ở Bêlem và lớn lên ở Nazareth: ai cũng biết. Đầu tiên, Giêsu lôi cuốn đám đông, chữa bệnh và làm một vài chuyện lạ... Phaolô đã từng nghe nói như thế và ông không nghi ngờ gì cả. Bạn của ông trong Hội Đồng đã chứng kiến Giêsu làm phép lạ.
Dù sao thì Giêsu cũng không xuất thân từ một trường Kinh Thánh, ông ta chỉ là một người rao giảng nay đây, mai đó, với một lập trường riêng tư. Phaolô có được nghe kể lại về những bài giảng của Giêsu, Phaolô công nhận rằng Giêsu có kiến thức, hiểu biết sâu rộng. Dĩ nhiên những điều Giêsu nói đều có liên quan đến lề luật. Vâng, Giêsu biết rõ về Môsê, về các tiên tri. Giêsu có một lối nhìn vấn đề thật độc đáo và có uy quyền. Nhưng, chỉ có thế thôi...
Tuy nhiên, khi Giêsu bắt đầu gây rối, ông ta la lối, xua đuổi mọi người trong Đền Thờ thì ông ta đã đi quá xa rồi. Ông ta lấy quyền gì? Ai cho phép ông ta?
Dĩ nhiên, Caipha có lý khi đã xử tử ông ta. Phải công nhận rằng tử hình bằng thập giá thì hơi nặng tay đấy, nhưng Giêsu cứ tưởng mình là ai mới được chứ?...
Rồi, bây giờ xảy ra cái tin động trời là Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại. Có một tí gì hữu lý không chứ ? Lẽ dĩ nhiên, là Biệt Phái, Phaolô tin rằng người ta sẽ sống lại nhưng vào ngày tận thế kia chứ. Bụt thần thì có nhiều, nhưng Thiên Chúa của dân Do Thái thì chỉ có một. Phaolô nhớ sách Đệ Nhị Luật: "Ítraen, này nghe đây, Chúa là Thiên Chúa, Chúa chúng ta là một Thiên Chúa duy nhất” (Đnl 6,4).
Còn Giêsu, ông ta chỉ là một người thợ mộc Do Thái, một người hiền lành, có uy quyền khi rao giảng. Ông ta có thể là một Ngôn Sứ là quá lắm rồi. Nhưng Giêsu cũng lại là một người gây rối.
Thật ra ông không phải là một người Do Thái đàng hoàng.
Ông ta cố tình không giữ việc kiêng cữ trong ngày Hưu Lễ.
Ông ta ít đến Nhà Thờ trong những năm cuối cùng,
Ông ta tự cho phép tha tội cho những loại người bất xứng,
Ông ta lại còn làm loạn trong Đền Thờ Giêrusalem.
Không, đó không phải là lối sống của một người Do Thái đứng đắn!

Thánh Phêrô - 29.06

PHÊRÔ - VỊ TÔNG ĐỒ KHIÊM NHƯỜNG


(Mt 4, 18 – 20)


Trong số 12 Tông Đồ, vị được nhắc đến nhiều nhất là Phêrô. Phêrô đứng đầu danh sách. Người ta thường nghĩ Phêrô là một Tông Đồ nhiều khuyết điểm nhất, điều đó không hoàn toàn là sai, vì Phêrô đã có nhiều hành động hăng hái nhất, đồng thời cũng có nhiều hành động sai lầm nhất. Nhiều người nhìn ông như một con người bốc đồng. Thật ra ông là Tông Đồ nổi bật nhất, nhiều khả năng nhất, sáng chói nhất.
Chúng ta đã nói nhiều về các Tông Đồ kia, để thấy rằng họ là những con người tầm thường, khả năng của họ rất ít:
Anrê, anh của Phêrô, chỉ có khả năng duy nhất là đem từng người đến với Chúa.
Giuđa Tađêô là một người thinh lặng, ăn nói khó khăn.
Giacôbê Hậu thì sống trong bóng tối, không một ai chú ý đến.
Nhưng, những gì họ thiếu thì Phêrô có đủ,
Và ngay cả khả năng họ có thì Phêrô lại cũng giỏi hơn họ...
Trong nhóm cần một người đứng đầu, người đó phải là Phêrô.
Trước khi gặp Chúa, Phêrô đã là người chỉ huy trong việc chài lưới.
Phêrô luôn ra lệnh cho mọi người.
Khi trở thành Tông Đồ, ông nổi bật trong Kinh Thánh:
Phêrô là người mở miệng đầu tiên,
Phêrô là người hành động trước nhất:
ông nóng bỏng, hăng say, tích cực,
cực đoan, hướng ngoại.
ông là ĐÁ TẢNG, vì: "Thầy bảo anh, anh là ĐÁ".
Nhưng con đường phải đi để trở nên Phêrô,
để trở nên ĐÁ,
để trở nên vững chắc và cứng rắn,
không phải là con đường dễ đi.
Đó là con đường hẹp mà Phúc Âm đã vạch ra một cách lý thú.
Phêrô, với tất cả lời nói và hành vi có vẻ đao to búa lớn,
lại mang bên trong một tâm hồn nhạy cảm.
Phêrô biết rõ lòng mình,
và chính lòng khiêm nhường này
đã làm cho ông trở nên một vị thánh lớn.
Phêrô không sử dụng những khả năng để tìm lợi lộc cho mình,
Phêrô cũng biết mình còn nhiều thiếu sót.
Điều này hiện rõ ngay trong lần đầu tiên chúng ta gặp ông:
Họ vừa đi chài về, suốt một đêm không có gì, họ mệt mỏi...
Chúa Giêsu đến giảng bên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét.
Giảng xong, Người bảo Simôn: "Hãy ra khơi mà thả lưới đánh cá".
Dĩ nhiên, ông phản kháng: "Thưa Thầy, suốt đêm chúng tôi đã vất vả mà không bắt được gì..." Rồi ông lại đổi ý: "Nhưng nếu Thầy bảo thế thì tôi thả vậy..." (Lc 5, 4–6)
Sau một đêm thất bại, họ lại đi thả lưới,
Và họ đã bắt được một mẻ thật lớn, lớn đến độ lưới rách mất.
Anrê không phải là không xúc động,
Gioan thì bị lay chuyển sâu xa,
Nhưng Phêrô, trước phép lạ, đã bỏ thuyền, chạy đến sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà nói: "Thưa Thầy, xin Thầy hãy tránh xa tôi vì tôi là kẻ tội lỗi" (Lc 5, 8)
Phêrô không thể chịu đựng nổi sự hiện diện của Chúa,
Lòng ăn năn bộc phát và tức thời này,
Lòng khiêm nhường chân thành này,
đã biến Phêrô trở nên người thuyền trưởng
trên một thuyền chài loại mới,
Đó là thủ lĩnh của Nhóm 12:
"Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới người."
Và suốt đời, Phêrô vẫn thế,
Ông là một người khiêm nhường,
Và nhờ đó, ông học hỏi được nhiều nơi Chúa,
Vì ơn Chúa chỉ ban cho những kẻ khiêm nhường.
Chính lòng khiêm nhường này đã cứu ông, vì ông cũng phản bội như Giuđa. Nhưng nhờ khiêm nhường mà ông không tuyệt vọng như Giuđa...

Chia sẻ cảm nghiệm

Từ Bỏ Mình

Năm nay, Giáo hội Mẹ Việt Nam cũng như người Công giáo Việt Nam khắp nơi hân hoan mừng kỷ niệm 25 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 vị tử vì đạo Việt Nam vào ngày 19 tháng 6 năm 1988. Việc phong thánh là biến cố lịch sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam, để mọi người đón nhận hồng ân Thiên Chúa, để mọi người sống noi gương các vị tiền nhân anh dũng. Các Ngài đã sống và kết thúc cuộc đời chứng nhân tuyệt vời cho chân lý tối thượng của tình yêu: “Tình yêu mạnh hơn sự chết” và “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng chết vì người mình yêu”.
Năm 2011, tôi đạt được một nguyện vọng là đến viếng Trung tâm hành hương các Thánh Tử đạo Sở Kiện (Bắc Việt), nơi có Vương cung Thánh Đường, nơi có nhiều di tích của các Thánh Tử đạo Việt Nam, và đặc biệt nơi đây lưu giữ nhiều hài cốt các Ngài nhất. Vào phòng trưng bày Thánh tích, ngắm nhìn cụ thể các vật dụng tra tấn, những vật dụng liên quan đến các Ngài, những hũ đựng đất nhuốm máu hồng tử đạo, tôi không những cảm thấy hân hoan vui mừng về bài học đức tin, mà còn cảm thấy sức sống mãnh liệt từ các Ngài truyền sang. Lúc đó Vương cung Thánh Đường đang trong thời gian tu sửa toàn diện, chúng tôi được cùng dâng Thánh lễ trong ngôi nhà nguyện nhỏ. Trên cao của gian cung thánh, một vòng tròn lớn có những lỗ để 117 hài cốt của các Thánh, tôi nhìn thấy đã kín gần hết.
Thánh lễ hôm đó đã đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, có cảm nhận rất gần gũi với Chúa về tình yêu và sự quan phòng của Chúa; rất gần gũi với các Thánh Tử đạo, như có các Ngài ngay bên cạnh. Các Ngài đã và đang là của lễ. Của lễ các Ngài kết hợp mật thiết với của lễ chính Chúa Giêsu. Trong sự xúc động mạnh mẽ, tâm hồn phấn chấn trong Chúa, lòng tôi cũng dấy lên ước vọng làm một của lễ với các Ngài, với Thầy Chí Thánh để dâng lên Chúa Cha...
Ngày phong thánh đến nay đã hai mươi lăm năm mà người ta gọi là mừng Ngân Khánh. Một phần tư thế kỷ qua đi là thời gian khá dài, cần được kỷ niệm và cũng là dịp để tôi học hỏi thêm, nhìn lại mình đã sống như thế nào và có thực đúng là người tín hữu đã được nẩy sinh bởi máu tử đạo các ngài đổ ra hay không.
Trong lúc hướng lòng các Thánh, tôi được đọc bài của Đức ông Vinh sơn Trần Ngọc Thụ, cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh, tường thuật về các diễn tiến ngày ấy cũng như lập lại một vài gương chứng nhân tuyệt vời của các Ngài. Tỷ như Thánh Giuse Maria Diaz An (Sanjurjo), Giám mục Bùi Chu, bị trảm quyết tại Bảy Mẫu ngày 20/7/1857. Lời vị Thánh: “Tôi để lại món tiền nho nhỏ 300 đồng này với lời thỉnh nguyện tha thiết là đừng chém tôi một nhát, nhưng xin chém ba nhát. Nhát thứ nhất để cảm tạ Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi và đã cho tôi phúc đến truyền đạo tại Bắc Việt. Nhát thứ hai để tỏ lòng tri ân cha mẹ tôi vì công sinh thành dưỡng dục tôi. Nhát thứ ba tôi để lại như một lời di chúc cho giáo dân (VN) của tôi. Đó là cầu cho họ được can đảm đón nhận cái chết như vị chủ chăn của họ với hi vọng sẽ được cùng nhau hưởng phúc quang vinh với các Thần Thánh trên trời”.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Tin Khóa Hội Thảo CLW1-XL

HỘI THẢO LÃNH ĐẠO CẤP I (CLW1) XUÂN LỘC
 
 21 - 23/06/2013

Cùng trong chương trình đào luyện những nhà lãnh đạo của VPĐH LGP Việt Nam, tiếp theo Khóa Hội Thảo Lãnh Đạo Cấp I (CLW1) tại Phú Cường là Khóa Hội thảo tại GP Xuân Lộc.
Khóa Hội Thảo diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23/06/2013 tại Tu hội Bác Ái Phú Dòng – Định Quán – Xuân Lộc. Khóa Hội thảo do Cha Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm (Hoa Kỳ) làm linh hướng, Anh Đa Minh Vũ Đức Thịnh (TGP Sài Gòn) làm Khóa Trưởng, và Anh Joakim Nguyễn Đức Thành (GP Xuân Lộc) làm Khóa Phó.
Khóa Hội Thảo quy tụ được 41 tham dự viên của Giáo phận Xuân Lộc và 7 tham dự viên đến từ GP Long Xuyên, cùng 21 trợ tá, làm nên một Khóa Hội thảo sinh động, những câu hỏi đa số đặt trọng tâm vào Phương Pháp, Mục Đích và Sách Lược của PT Cursillo nhằm giúp tham dự viên hiểu rõ hơn về Phong trào, đồng thời, Khóa Hội Thảo cũng đặt ta nhiều thách thức cho tất cả quý tham dự viên.
Xin tạ ơn Chúa, cám ơn Palanca của quý cha, quý srs và quý anh chị từ khắp các giáo phận, cám ơn tinh thần hiệp thông, chia sẻ và hy sinh của quý anh chị trợ tá, và cám ơn tinh thần học hỏi của quý anh chị tham dự viên.
Ước mong qua Khóa Hội Thảo, VPĐH các Giáo Phận sẽ có thêm nhiều cánh tay đắc lực, những nhà lãnh đạo hiểu rõ về Phương Pháp, Mục Đích, Sách Lược Cursillo, từ đó quyết tâm sống theo phương pháp của Phong trào, và cùng nhau thực thi những công việc chung, qua đó giúp Phong trào thăng tiến trên quê hương Việt Nam.
De Colores!
BPV. PT Cursillo GPXL


Xem hình thêm tại link : https://plus.google.com/photos/114995733896943805909/albums/5892823780984461553?authkey=CMyn7oaVyr7IrAE

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Hậu Cursillo

Hậu Cursillo, Một Tiến Trình Sống Động

 

(Trích Tóm lược tư tưởng Cursillo - Nguyễn Đức Tuyên)
 
I. Qua giai đoạn hậu Cursillo[1], trải dài suốt cuộc đời sau khi tham dự khóa học, phong trào cung ứng cho người cursillista những phương tiện cần thiết để hoàn thành những đòi hỏi thích đáng của Giáo hội là: 1) chu toàn ơn gọi nên thánh, 2) tham gia sinh hoạt cộng đồng và 3) Phúc âm hóa; nói cách khác là hình thành những nhóm nhỏ Kitô hữu, làm men muối môi trường bằng việc Phúc âm hóa.
Cốt lõi của sinh hoạt hậu Cursillo là hỗ trợ những cá nhân đã được hoán cải để họ xây dựng Giáo hội nơi trần thế và trở thành chất xúc tác tích cực trong thế giới.
Sinh hoạt hậu Cursillo nhắm 2 phương diện cá nhân và cộng đồng. Cá nhân phải hoán cải hằng ngày và hoạt động tích cực hơn mỗi ngày. Cá nhân hoạt động trong cộng đồng, trong tình thân hữu, cùng cam kết, cùng chia sẻ trong tình thương.
Mục đích hậu Cursillo là cung ứng cho cursillista biết khám phá, khơi động và đào sâu 4 điểm trực diện là: 1) trực diện với chính mình, 2) trực diện với Thiên Chúa, 3) trực diện với cộng đồng và 4) trực diện với thế giới, để rồi nhận ra vị trí riêng biệt của mình trong Giáo hội và trong thế giới, dấn thân vào sinh hoạt môi trường nhờ đời sống Kitô của mình.
Hậu Cursillo có 2 phương tiện căn bản làm cho đời sống Kitô hữu tăng trưởng và kiên trì là Hội Nhóm dành cho lợi ích cá nhân và Ultreya dành cho nếp sống cộng đồng.

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

ĐHY Thuận và Giới trẻ

Thập đại bệnh



Ghi lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ Việt Nam tại Strasbourg, Pháp, ngày 12.9.1998.


Giới thiệu
Muốn thành công trước hết phải chữa trị tận gốc mười (10) chứng bịnh làm băng hoại xã hội ngày nay. Cuộc sống cộng đồng và Giáo hội, không những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại, hiện đang có những bất ổn. Không hoặc chưa phát huy được nét tích cực của mình. Do đâu? Có rất nhiều căn nguyên. Những căn nguyên này là những chứng bịnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm đang hoành hành trong xã hội, và có cơ nguy làm cho cuộc sống xã hội băng rã. Tôi qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bệnh.
1. Bệnh quá khứ cục bộ
Bệnh này thể hiện qua tâm trạng chỉ nhớ và khen cái quá khứ của mình mà thôi và đóng khung lại trong đó. Ngày tôi bị đưa đi tù ra Bắc, thỉnh thoảng gặp giáo dân và ai cũng hớn hở tâm sự: "Thưa cha, chúng con thấy sung sướng nhất là thời còn Đức khâm sứ . Chúng con đi rước kiệu đầy đường phố, quanh cả bờ hồ Hoàn Kiếm, và thấy Đức khâm sứ quỳ trên chiếc xe, tay cầm Mình Thánh Chúa, mặt ngài sáng láng đỏ hồng như mặt trời. Không biết bao giờ chúng con mới trở lại được như thời kỳ có Đức khâm sứ!". Ta không quên quá khứ, vì đó là bài học kinh nghiệm, nhưng ta không dừng lại đó, ta nhìn tương lai để xây dựng còn đẹp hơn xưa.
Bà con chỉ sống trong quá khứ, mong trở về quá khứ. Mà thời gian thì bao giờ quay trở lại!
Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều anh chị em tới một tuổi nào đó. Chén thù chén tạc bên nhau than thở: "Biết bao giờ bọn mình trở lại được thời Cộng hoà. Mọi thứ rẻ mạt. Lương tháng mấy nghìn. Một tạ gạo giá chỉ mấy trăm bạc. Sướng thiệt!"
Ta đang ở năm 1998, làm sao mà lùi lại 1960 được!
Do vậy mà chúng ta đâm ra thiển cận. Thay vì nhìn tới thì lại nhìn lui. Giống như người lái xe, không nhìn đằng trước mà cứ chăm chăm vào kính chiếu hậu để ngắm xe sau. Vậy làm sao mà tiến được.
Mà dù thế nào thì mình vẫn phải sống. Quá khứ không bao giờ trở lại. Và thời gian thì cứ tiến mãi.
Nhìn lại gương Chúa Giêsu. Từ trời cao xuống thế, Ngài cứ nhắm tới, một mạch đi tới và cứ nói: "Thầy sẽ lên thành Giêrusalem chịu nạn". Ngài dư biết cuộc tử nạn sẽ rất đau đớn, nhưng vẫn đi tới, chấp nhận. Bởi qua cái đau khổ đó con người được cứu độ.
Cũng vậy, nếu chúng ta muốn cho Đất nước và Giáo hội mình tiến, thì phải nhìn về tương lai. Không quên quá khứ, vì đó là bài học cho tương lai. Nhưng đừng có viễn mơ lui lại quá khứ.
Mỗi người, mỗi thời đại đều có cái hay, cái đẹp. Phải làm sao biết khai triển cái hay cái đẹp đó cho hiện tại đang sống, chứ đứng đó mà than thở tiếc nuối thì ích gì ! Nhìn quá khứ để tạ ơn Chúa, để sám hối. Nhìn hiện tại để hăng say phục vụ với trách nhiệm - Nhìn tương lai với hy vọng.

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Như Hạt Cà Phê

Câu chuyện về Hạt Cà Phê


Một cô gái đến gặp Mẹ mình và than thở rằng cô gặp quá nhiều thử thách trong đời mình. Cô không biết phải chống đỡ thế nào với nghịch cảnh và muốn buông xuôi mọi sự, cô quá mệt mỏi rồi, cứ giải quyết một vấn đề thì dường như một vấn đề khác lại nảy sinh.
Mẹ cô đưa cô xuống bếp. Bà đổ nước vào ba nồi. Trong nồi thứ nhất bà đổ vào vài củ cà rốt, nồi thứ hai vài quả trứng, nồi thứ ba vài hạt cà phê đã rang rồi. Bà đặt lên bếp nấu cho nước sôi mà không nói một lời. Sau khỏang 20 phút bà tắt bếp. Bà lần lượt lấy cà rốt, trứng và cà phê ra và đặt vào 3 tô khác nhau.
Bà quay lại hỏi con gái mình: “Con thấy gì trước mắt con?” – “Cà rốt, trứng và cà phê”. Bà đưa tô cà rốt cho cô gái cầm lấy. Cô cảm thấy cà rốt rất mềm. Rồi Bà bảo con mình đập vỏ trứng ra. Sau khi lột vỏ, thấy trứng đã đông cứng lại. Cuối cùng bà bảo con mình ngửi cà phê. Cô gái nói rằng nước đã có hương vị cà phê.
Cô gái bèn hỏi: “Nhưng Mẹ muốn nói gì vậy?”
Bà mẹ giải thích rằng ba vật này đều gặp một nghịch cảnh giống nhau là nước sôi, nhưng phản ứng ba cách khác nhau. Thoạt đầu cà rốt cứng, nhưng sau khi bị nước sôi tác động thì trở nên mềm nhũn. Trước đó, trứng là một chất lỏng và phải được vỏ trứng che đậy, nhưng sau một thời gian ở trong nước sôi, nó đã cứng lên. Tuy nhiên, hạt cà phê thì độc đáo nhất, sau khi qua nước sôi, nó đã biến đổi nước.
Bà mỉm cười và nói với con mình: “Con là cái gì nào? Khi gặp nghịch cảnh, con phản ứng thế nào. Con là cà rốt, trứng hay hạt cà phê?”
Phải chăng tôi là củ cà rốt, bình thường thì có vẻ cứng rắn, nhưng khi gặp nghịch cảnh, tôi trở nên mềm yếu và mất hết sức lực?
Phải chăng tôi là quả trứng, khởi đầu thì có một con tim dịu mềm, nhưng càng đối diện với thử thách càng trở nên cứng cỏi; phải chăng nhìn bề ngoài thì tôi vẫn như xưa, nhưng trong tôi, con tim đã xơ cứng rồi?
Hay phải chăng tôi là hạt cà phê? Hạt cà phê đã thay đổi qua quá trình chịu đựng bao nhiêu gian khổ khó khăn! Khi nước sôi lên, nó pha hương vị mình vào nước và làm cho nước đổi thay.
Nếu bạn giống như hạt cà phê, khi mọi sự trở nên tồi tệ, bạn sẽ tốt hơn lên và làm thay đổi môi trường sống quanh bạn.
Đối diện với nhưng giờ phút cam go và thử thách, bạn có thăng tiến bản thân và tác động tích cực vào môi trường sống của mình không?
Bạn, chính bạn, phản ứng thế nào trước một nghịch cảnh?
Bạn là củ Cà Rốt, Quả Trứng hay hạt Cà Phê?

Mắt Chúa nhìn tôi


Tôi đã thấy Chúa nhìn tôi chăm chú
Đôi mắt Ngài như khuyên nhủ thiết tha
Đôi mắt Ngài đầy yêu dấu mặn mà
Đầy thương xót thứ tha và lân tuất

Đôi mắt Chúa đầy tình yêu chân thật
Đã nói lên tình thân mật Cha con
Đôi mắt Ngài như mời gọi van lơn
Như ngóng đợi đứa con từng phung phí

Nhìn mắt Chúa lòng tôi như tan rã
Được hòa tan trong biển cả yêu thương
Được nâng niu được sưởi ấm tâm hồn
Được tắm gội trong suối nguồn ơn thánh

Nhìn mắt Chúa những khi lòng giá lạnh
Giúp hồn tôi được sưởi ấm tin yêu
Khi cuộc đời càng trống rỗng bao nhiêu
Nhìn mắt Chúa lòng phiêu diêu thoát tục

Ôi đôi mắt nguồn chứa chan hạnh phúc
Xin dìu con vào phủ phục bên Cha
Xin giúp con trong những lúc chiều tà
Được dựa gối quỳ bên Cha thổn thức

Ôi lạy Chúa từ nhân xin giúp sức
Ánh mắt Ngài là hạnh phúc đời con
Rồi mai đây khi gối mỏi chân chồn
Đôi mắt Chúa ru hồn con an nghỉ.


(NHĐ - Cursillista 71)

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Phương Pháp Hậu Cursillo

TRƯỜNG LÃNH ĐẠO
(ĐỨC CỐ HỒNG Y - CURSILLISTA FX. NGUYỄN VĂN THUẬN)
 

HỌP NHÓM VÀ ULTREYA

1.        Hướng dẫn:
2.        Giải thích chung
3.        Bầu không khí
4.        Chúa gọi bạn dự Khóa Cursillo để làm gì?
5.        Ơn Bền Đỗ

1.      Hướng dẫn :
a) Tại sao họp nhóm và Ultreya là quan trọng?
Vì dự Khóa Ba Ngày mới là 50% của Phong trào.
-  Họp Nhóm là 50% nữa, mới đạt mục đích Cursillo.
-  Học phải có Hành. Bạn đi học kỹ sư 5 năm, 7 năm rồi đi làm cả đời, mục đích là để sống và phục vụ, không thì học có ích gì cho bạn, cho Hội Thánh, cho xã hội?
b) Khi nói đến Họp Nhóm và Ultreya, phải đề cập đến những điểm chính nào?
Có bốn điểm chính yếu :
-  Vấn đề chính là sống đạo và bền đỗ,
-  Muốn bền đỗ, phải sống trong một cộng đoàn với người khác, đời sống Ðức Kitô.
-  Họp Nhóm xây dựng một tình bạn: gần gũi, sâu sắc. Tình bạn ấy đến mức tình yêu trong Chúa.
-  Ultreya cho bạn một cái nhìn rộng hơn. Cộng đoàn Cursillo đây đi đến nhân loại. Không có Ultreya thì tinh thần cộng đoàn của Họp Nhóm không đạt mục đích.

2.      Giải thích chung :
Các bài trong Ba Ngày Khóa Cursillo chuẩn bị Cursillistas và Họp Nhóm và Ultreya như thế nào?
-  Ngày 1: Các bạn thấy được tiếng Chúa gọi theo một Lý Tưởng - biến đổi thế giới - sống với Chúa, với Hội Thánh - Nhiệm Thể Chúa Giêsu;
-  Ngày 2: Công việc của bạn thật là nghiêm chỉnh - bạn muốn làm tông đồ, dấn thân qua chương trình: đạo đức - học hành - hoạt động;
-  Ngày 3: Hoạt động theo lối nào? - Nơi môi trường - Bạn thấy chương trình như bản đồ - để chuyển đổi trần thế. Sứ Vụ Lệnh gắn bó bạn với Chúa hơn - Bạn phải ở trong NHÓM tông đồ mới đắc lực và bền đỗ - Tiếp xúc cá nhân.

Chia sẻ cảm nghiệm

CẢM NGHIỆM CỦA TRỢ TÁ KHÓA #16 NỮ

Tôi mới là cursillita được tròn một năm, tuy trải nghiệm chưa nhiều, nhưng nhờ được sinh hoạt với các ACE GX Tân Mai, những lần được tham dự giờ tông đồ, những lần hội nhóm, Ultreya…nhờ sự nâng đỡ quan tâm của các cursillítas đi trước mà tôi đã được đào luyện để trưởng thành hơn trong việc Học Đạo - Sùng Đạo và Hành Đạo. Tôi - một người trước kia rụt rè, e ngại và khép kín. Vậy mà mới chỉ qua K3N năm 2012 đến nay thì khác hẳn, một luồng khí mới thay đổi trong tôi, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, can đảm hơn, biết sống kết hợp với Chúa hơn, Cầu nguyện tha thiết hơn và biết Suy niệm lời Chúa sâu sắc hơn. Tôi luôn tự tìm tòi, học hỏi, đào luyện để có thể nói về Chúa. Tôi cảm thấy mình hăng say hơn, dấn thân hơn mặc dù đã ở độ tuổi bị các cơ quan thải trừ. Đôi khi tôi trộm nghĩ mình đang là nhân viên rao bán “Bảo Hiểm Nước Trời”…

Rồi tôi được giao sống tinh thần một Rollo, được làm trợ tá cho Khóa # 16 Nữ 2013. Một công việc không đơn giản vì phải sống lời mình rao truyền. Ban đầu tôi cũng cảm thấy ít nhiều khó khăn. Thế nhưng với ơn Chúa và nhờ những lời cầu nguyện của muôn người mà tôi đã rất cố gắng để mong hoàn thành tốt nhất.

Cảm nghiệm đầu tiên của tôi khi đặt chân tới Phú Dòng là một sự bằng yên.  Dòng chữ: “Vinh quang cho Thiên Chúa - Niềm vui cho tha nhân - hy sinh dành cho tôi” như nhắc nhở mọi người đến đây là để phục vụ. Vì thế dù là bao việc chờ đón: dọn dẹp, sắp xếp phân công nhau mỗi người mỗi việc không ngừng nghỉ mà nụ cười không tắt trên môi. Tất cả đều cố gắng làm nhanh để kịp đón các tham dự viên – Các nhân vật trung tâm của Khóa # 16 Nữ này.

Trong những ngày làm trợ tá Decuria, tôi mới có dịp cùng các TDV học lại hơn những kiến thức, kỹ thuật của Khóa. Mặc dù phải có nhiều trách nhiệm hơn nhưng tôi vẫn hồn nhiên phó thác trong tay Thầy Chí Thánh, điều mà trước kia tôi không hề có. Bởi tôi vốn là một kẻ hay lo, việc lớn nhỏ… tôi đều sợ hãi, lo lắng có khi thái quá. Thế mà bây giờ thì tôi cảm thấy mọi sự bình an hơn nhiều vì tôi biết Chúa Thánh Thần luôn đồng hành cùng tôi. Ngày đầu tiên của khai khóa lại đúng là ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nhờ các lời cầu nguyện, sự quan tâm, cầu chúc của quý Cha, các trợ tá …và nhất là nhờ ơn Chúa Thánh Thần hoạt động trong tôi mà tôi đã hoàn thành bài Rollo đầu tiên trong đời mình theo cách của Chúa.