Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Sự hy sinh cao cả

BỨC TRANH "BÀN TAY NGUYỆN CẦU"


Một vài nhà thờ không có cây thập giá trên bàn thờ tế lễ , thay vào đó là đôi bàn tay, chắp lại với nhau trong tư thế cầu nguyện, và chạm trong gỗ. Chúng thể hiện một bản vẽ gốc về đôi bàn tay của họa sĩ vĩ đại Albrecht Durer.
Albrecht được sinh ra là con thứ ba của một gia đình có mười tám người con. Vì gia đình quá đông nên Albrecht phải chăm sóc vài đứa em. Họ sống ở Nuremburg, một thành phố của nước Đức. Cha của chúng là thợ kim hoàn. Ông tha thiết muốn thằng bé Albrecht cũng trở thành thợ kim hoàn giống như ông. Tuy nhiên, Albrecht thích môn hội họa. Vì thế khi cậu trở thành một trang nam nhi, cậu rời nhà và gặp một thanh niên khác cũng muốn học để trở thành họa sĩ. Họ trở thành đôi bạn thân và mướn một căn nhà tranh nhỏ ở chung để đi học, vì họ không có nhiều tiền.
Chẳng bao lâu, Albrecht và người bạn nhận thấy rằng họ không thể kiếm đủ tiền cho cả hai người vừa đi học vừa mua thực phẩm, quần áo và tiền mướn nhà. Do đó, người bạn nói với Albrecht:
- Này, tôi đã nhận một công việc trong nhà hàng. Tôi sẽ làm việc nhiều giờ và kiếm tiền để cho cả hai chúng ta đủ sống. Bạn hãy tiếp tục học để trở thành một họa sĩ. Bạn còn trẻ hơn tôi và vẽ giỏi hơn tôi xa. Sau khi bạn học thành tài, sẽ điến phiên bạn nuôi tôi để tôi có cơ hội đi học lại.
Người bạn của Albrecht làm việc nhiều giờ trong công việc rửa chén, hầu bàn, và dọn dẹp sau bữa ăn để kiếm tiền nuôi Albrecht ăn học. Albrecht cố gắng miệt mài học và chẳng bao lâu anh đã trở thành một họa sĩ tài danh. Sau khi công thành danh toại và đã có tiền, Albrecht nói với bạn:
- Bây giờ đến phiên tôi nuôi bạn, bạn có thể đi học trở lại để trở thành họa sĩ như ước mơ.
Người bạn từ bỏ công việc trong nhà hàng và bắt đầu học nghệ thuật vẽ tranh. Tuy nhiên, người bạn đã làm việc quá lâu với đôi bàn tay thường tiếp xúc với nước đến nỗi chúng không còn lanh lợi, mềm mại. Bàn tay của người bạn trở nên nhức nhối sưng phồng và cứng ngắc. Cậu ta cố gắng hết sức để trở thành họa sĩ, nhưng sau cùng người bạn nhận thấy rằng mình không thể nào thành công.
Albrecht quyết định cậu sẽ luôn luôn làm việc để chăm sóc cho người bạn, người đã làm việc siêng năng quá lâu vì cậu. Một ngày kia, khi trở về nhà, cậu thấy người bạn đang qùy gối cầu nguyện một mình. Đôi bàn tay nhăn nheo đan vào nhau trong tư thế cầu nguyện. Albrecht nghĩ:"Mình không thể nào làm cho đôi tay của bạn mình khá hơn được. Tuy nhiên, mình sẽ vẽ đôi bàn tay tiều tụy, gân guốc như mình thấy bây giờ, để cho mọi người thấy được bạn mình đã làm việc vì mình như thế nào."
Và bức tranh "Đôi bàn tay nguyện cầu" được ra đời từ đó.
Đôi bàn tay làm việc cực nhọc nhưng nó vẫn đẹp. Người ta thích có được bức tranh hoặc nhìn bản sao chạm trổ bằng gỗ trong nhà thờ vì nó giúp họ dễ dàng cầu nguyện với Chúa.
***

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Nhân bản - Dấu hiệu của người trưởng thành


 
(trích tập sách Nhân bản Kitô Giáo dẫn đến trưởng thành)

Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. (1Cr 13, 11).

1/17: Hãy sống tốt đẹp trong giây phút hiện tại. Vì quá khứ chỉ còn là kinh nghiệm, tương lai ngoài vòng tay ta, chỉ có hiện tại mang theo mình một trách nhiệm.

Khi ta chọn điều tốt để làm, phải nhớ rằng có ba cấp độ tốt: Tốt thôi, tốt hơn, tốt nhất (x Rm 12, 2). Do đó trong cùng một điều kiện, một hoàn cảnh, một khả năng, phải tìm cách làm việc đạt hiệu quả tốt nhất để nên giống Cha trên trời (x Mt 5, 48).

Vậy từng giây hiện tại đẹp, làm nên phút hiện tại đẹp; từng phút hiện tại đẹp, làm nên giờ hiện tại đẹp; từng giờ hiện tại đẹp, làm nên một ngày hiện tại đẹp; từng ngày hiện tại đẹp, đan kết thành một cuộc đời đẹp.

2/17: Hãy đón nhận chân lý bất cứ từ phía nào tới. Dù đối phương là kẻ thù hay con nít, hãy học nơi họ điều tốt. Vì mọi chân lý phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, đón nhận chân lý là đón nhận Thiên Chúa; khước từ chân lý là loại trừ Thiên Chúa! (x Mt 23, 8-10; Lc 10,16). Thậm chí ta phải noi gương quỷ hai điều: Nó rất mau lẹ và rất thuộc Lời Chúa. Thực vậy, khi nó cám dỗ Adam-Eva, cũng như cám dỗ Đức Giê-su, nó dùng Lời Chúa để tấn công (x St 3,1-7 ; Mt 4,1-11).

3/17: Đừng đồng hóa điều vẫn có với điều hoàn hảo. Sự hoàn hảo chỉ có được vào ngày cánh chung. (x Mt 9, 16;1Ga 3, 2).

Thí dụ một vật cổ không hợp với nhu cầu sinh hoạt của tập thể trong hiện tại, thì phải dẹp bỏ điều vẫn có, đừng bám lấy tín điều “phi cổ bất thành kim”, mà để điều cổ ấy có phương hại, ngăn trở cho sinh hoạt tập thể. Do đó, ta nên coi chừng khi quá tôn kính những tập tục “truyền thống”. Chúa Giê-su phản đối kẻ giữ đạo trên môi mép, vì chúng cố thủ “truyền thống”, đó là cớ người ta giết Ngài! (x Mc 7, 6t)

4/17: Không nên nói: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại!” mà phải nói: “Nhiệt tình mà thiếu Thánh Thần mới là kẻ phá hoại.”

Bởi vì thế nào là ngu dốt? Thế nào là sáng suốt? Ông Phao-lô khi chưa có Thánh Thần, ông cho những người theo đạo Công giáo là ngu dốt, còn ông mới là người khôn ngoan sáng suốt và rất nhiệt tình thờ Chúa theo luật Mô-sê dạy. Do đó ông hăng hái ra tay triệt hạ những người theo đạo Công giáo ở Đa-ma! Nhưng sau khi ông được Chúa cho khỏi “mù”, vì được Chúa Thánh Thần chiếm đoạt, ông đã trở nên Tông Đồ nhiệt thành nhất của Chúa hơn các Tông Đồ thượng đẳng (x Cv 9; 2Cr 11, 5).

5/17: Hãy nhiệt tình trong mọi việc làm, nhưng không bắt buộc người khác phải nhiệt tình như mình, vì như thế sẽ trở nên kiêu hãnh và là kẻ khó tính với người khác.

6/17: Không phải mọi hiệp nhất đều đưa đến sự sống. Nhưng biết nhờ Thánh Thần chia rẽ người khác mới đem lại sự sống. Cụ thể thánh Phao-lô được Thánh Thần soi sáng, ông nói về sự sống lại để chia rẽ Biệt phái và Sa-đốc, nhờ đó ông thoát chết! (x Cv 23, 6-10).

Vậy chỉ nhờ Chúa Thánh Thần hiệp nhất mọi người trong Chúa Giê-su Phục Sinh mới đem lại sự sống thật (x Ga 17,3.21). Bởi vậy, trước khi ta rước Lễ, ta nghe vị chủ tế cầu nguyện cho cộng đoàn: “Xin cho chúng con được hiệp nhất theo thánh ý Chúa”. Vì càng nhiều điều đúng mà thiếu hiệp nhất, sự ác càng gia tăng. Thí dụ: Vợ muốn bán nhà ở thành phố về quê sinh sống vì như thế thì tốt hơn trong việc giáo dục con cái; nhưng chồng thì lại chủ trương ở lại thành phố tốt hơn, vì con cái đi học tiện lợi. Nếu hai vợ chồng, ai cũng quyết định làm theo điều tốt mỗi người đã xác định, thì gia đình tan rã!

7/17: Nên bình tĩnh và sáng suốt nghe góp ý

-          Ai khen ta mà khen đúng, ấy là bạn ta.

-          Kẻ nịnh hót tâng bốc ta, nó là thù ta.

-          Người chê ta mà chê đúng, đấy là thầy ta. (x Mt 23)

Bởi vì yêu hoa không có nghĩa là yêu cả con sâu nằm trong bông hoa, mà phải giết con sâu đó, dù có phải làm rụng phấn hoa.

Thánh Giuđa - 28.10


GIUĐA TAĐÊÔ - VỊ TÔNG ĐỒ TRUNG KIÊN


( Ga 14, 22 )

Tôi vẫn còn nghe văng vẳng câu nói của một anh bạn: "Chúa không bao giờ làm phép lạ để tặng thưởng cho sự bê bối của chúng ta. Những gì thuộc về nhiệm vụ của chúng ta, nếu chúng ta không làm, chúng ta sẽ để lại một lỗ trống trong Nhiệm Thể, lỗ trống đó sẽ tồn tại đến muôn đời để chứng tỏ rằng chúng ta thiếu tình yêu..."

Vâng, một khi người không chu toàn nhiệm vụ thì lỗ trống không có gì lấp đầy được. Đó là trường hợp xảy ra khi một Kitô hữu bỏ cuộc. Và điều này xảy ra rất thường. Nhiều người đi theo Chúa Giêsu, thế rồi, vì một lý do nào đó, không muốn tiếp tục nữa...

Nhưng có một Tông Đồ đã được chú ý đến nhờ lòng trung kiên. Về nhân vật này có nhiều điểm mơ hồ: Mátthêu gọi ông là "Lêbêô, tục danh là Tađêô." Máccô gọi ông là Tađêô, Luca và Gioan lại gọi ông là Giuđa con của Giacôbê...

Sau khi Chúa Giêsu bị phản bội, tên gọi Giuđa bị một vết đen, có lẽ vì thế mà Mátthêu và Mác-cô không muốn dùng tên ấy. Dù sao thì Gioan và Luca vẫn gọi ông là Giuđa, Giuđa Tađêô để phân biệt với Giuđa Ítcariốt, và chúng ta cũng sẽ gọi ông như thế...

Giuđa Tađêô là một Tông Đồ trung kiên.
Vì sao lại mệnh danh như thế?
Một Giuđa bỏ rơi Chúa, phản bội và nộp Ngươì cho kẻ thù.
Giuđa kia không bỏ cuộc,
Ông không phản bội,
Ông vẫn trung tín, bền đỗ...
Điều đó cũng tạm đủ để gọi ông là một Tông Đồ trung kiên.
Nhưng còn một lý do khác:
Một lần Giuđa Tađêô được Phúc Âm nhắc đến,
Nhắc đến chỉ một lần duy nhất.
Lần duy nhất đó giúp chúng ta tìm hiểu về ông.
Lần đó ông đã đặt một câu hỏi.
Bối cảnh: Bữa Tiệc Ly
Thời gian: Sau bữa ăn
Vấn đề: Tương lai của các Tông Đồ
Lời dạy dỗ: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu sẽ gửi Thánh Thần đến với họ, họ sẽ nhận ra, nhưng thế gian lại không nhận ra...
Giuđa Tađêô nghe chăm chỉ trong ba năm trung thành theo Chúa. Ông tin tưởng, phó thác, thinh lặng... Nhưng giờ đây, sắp có sự đổi thay, Ông muốn biết trước mọi sự cho rõ ràng, để nhận diện ra Chúa Giê-su trở lại trong Thánh Thần, một hiện diện mà thế gian không thể cảm biết:
"Còn một ít nữa, thế gian không còn thấy Thầy,
Phần anh em, anh em thấy Thầy." (Ga 14, 19)

Thánh Simon - 28.10


SIMON - VỊ TÔNG ĐỒ NHIỆT THÀNH


(Mt 10, 4)


Những văn sĩ ngày nay khi viết về thời vàng son của mình thường nhắc nhở đến nhóm thân hữu với một niềm rung cảm, khiến cho ta biết từng người bạn một, biết tên tuổi, tính tình và sự liên kết của họ với nhau. Những tác giả của Phúc Âm không làm như thế, và một đôi khi có thể quên hẳn một số Tông Đồ bạn. Đó là trường hợp Simôn, số 11 trong danh sách. Trong danh sách này có hai ông Simôn. Người đầu tiên là Simon Phêrô, làm nghề chài lưới, người được Chúa đặt làm nền tảng Giáo Hội, mọi người đều biết rõ. Người thứ nhì mang số 11, trước có Giuđa Ítcariốt, ông được gọi là Simon người Canaan.

Simon Phêrô càng nổi danh bao nhiêu thì Simon người Canaan càng lu mờ bấy nhiêu. Dù sao ta cũng cố gắng tìm ra một vài điểm về ông Simôn này.

Simon Canaan có thể là người xuất thân từ vùng Canaan, nhưng Mátthêu không cho ta biết rõ gì thêm. Ta thử tìm trong Phúc Âm của Mác-cô và Luca xem sao.

Mác-cô gọi ông là Simon Nhiệt Thành (Le Zélé), còn Luca gọi ông là Simon thuộc Nhóm Quá Khích (Si-môn le Zélote). Điều này có thể là vì Simon thuộc Nhóm Dê-lốt ( Zélote ), một đảng phái chính trị. Họ là những người ái quốc cuồng nhiệt, họ là một nhóm người Do-thái tin tưởng ở sự độc lập của Ítraen và không hợp tác với Rôma. Phái này xuất hiện chừng 20 năm trước khi Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng và tíếp tục phát triển sau khi Chúa Giêsu chịu chết. Họ ảnh hưởng đến độ có sử gia đã cho rằng họ dính líu trong vụ Rôma cho tàn phá Giêrusalem. Họ đã làm cho Giêrusalem chống lại Rôma khoảng 40 năm sau khi Chúa sống lại.

Si-môn là một đảng viên của đảng này. Ông là một đảng viên chính trị trước khi trở nên Tông Đồ của Chúa. Trước đó, ông thuộc về nhóm người chiến đấu cho tự do độc lập, những người ái quốc sẵn sàng hy sinh cho Ítraen. Thế giới chúng ta hiện nghe nói nhiều đến những người ấy. Không kể những nước đã được những người ấy giải phóng, còn phải kể đến bao nhiêu nước của thế giới thứ ba có mặt trận giải phóng dân tộc, ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Họ là những người “Do-thái" nhiệt thành vì “Do-thái", chỉ muốn có một điều duy nhất là có được Độc Lập và Tự Do trên đất nước của họ.

Bạn quan tâm điều gì?

THẮNG VÀ THUA
 
“Trong cuộc sống, nơi nào có một người chiến thắng, nơi đó có một người thua cuộc. Nhưng người biết hy sinh vì người khác luôn luôn là người chiến thắng”.
 

- Nếu người chiến thắng luôn tìm cách giải quyết vấn đề
          thì kẻ thua cuộc thường dễ nản lòng mỗi khi gặp phải khó khăn.
- Nếu người chiến thắng luôn chịu trách nhiệm cho hành động của mình
          thì kẻ thua cuộc lúc nào cũng tìm lời bào chữa cho những hành động của mình.
- Nếu người chiến thắng nói: “để tôi giúp bạn làm điều đó
          thì kẻ thua cuộc thường né tránh: “đó không phải công việc của tôi”.
- Nếu người chiến thắng nói: “có lẽ khó nhưng tôi tin mình sẽ làm được
          thì kẻ thua cuộc lại bảo rằng: “tôi làm được nhưng nó khó quá”.
- Nếu người chiến thắng luôn quyết tâm thực hiện lời cam kết của mình
          thì người thua cuộc chỉ biết hứa hẹn.
- Nếu người chiến thắng cho mình là một thành viên trong tập thể
          thì kẻ thua cuộc thường tách mình ra khỏi tập thể.
- Nếu người chiến thắng luôn biết tìm kiếm cơ hội trong mọi trở ngại
          thì kẻ thua cuộc chỉ nhìn thấy toàn trở ngại trong mỗi cơ hội.
- Nếu người chiến thắng luôn muốn tất cả mọi người cùng thắng
          thì kẻ thua cuộc lại tin rằng họ sẽ là người duy nhất chiến thắng.
- Nếu người chiến thắng thường trình bày những lời lý lẽ vững chắc bằng ngôn từ mềm mại
          thì kẻ thua cuộc luôn sử dụng những lý lẽ yếu ớt bằng ngôn từ cứng rắn.
- Nếu người chiến thắng kiên định với những giá trị cao đẹp và bỏ qua những điều nhỏ nhặt
         thì kẻ thua cuộc hơn thua nhau bằng những điều nhỏ nhặt mà bỏ qua những giá trị cao đẹp của cuộc sống.
- Nếu người chiến thắng sống theo quan điểm: “đừng làm những điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình”
       thì kẻ thua cuộc lại sống theo phương châm: “phải quan tâm bản thân mình trước tiên”. 
Bạn là kẻ thua hay người thắng? 
 
Ngô Thích sưu tầm
 

ĐỪNG TỪ BỎ ƯỚC MƠ

GIẤC MƠ CỦA BA THÂN CÂY
 
Ba cái cây trên một ngọn đồi trong rừng cùng tranh luận với nhau về những hi vọng và giấc mơ của chúng…
Cái cây đầu tiên nói: “Tôi hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành tủ đựng vàng bạc châu báu. Tôi sẽ được nhét đầy vàng, bạc và ngọc quý, được trang hoàng với nghệ thuật chạm khắc cầu kỳ và mọi người sẽ thấy rằng tôi rất đẹp”.
 
Sau đó cái cây thứ hai nói: “Còn tôi lại ước có ngày sẽ trở thành một con tàu đồ sộ. Tôi sẽ đưa vua và hoàng hậu đi đến khắp mọi nơi trên thế giới. Mọi người sẽ cảm thấy được an toàn bởi con tàu to lớn và vững chãi là tôi đây”.
 
Cuối cùng cái cây thứ ba nói: “Tôi muốn lớn lên trở thành cái cây cao nhất và thẳng nhất trong khu rừng. Mọi người sẽ nhìn thấy tôi trên đỉnh đồi và sẽ phải ngưỡng mộ những cành cây của tôi, tưởng tượng về Thiên đường và Chúa. Tôi sẽ trở thành cái cây vĩ đại nhất mọi thời đại và mọi người sẽ luôn luôn nhớ đến tôi”.
 
Một vài năm sau buổi cầu nguyện, những giấc mơ của chúng tưởng chừng như có thể thành sự thật, một nhóm người đi lấy gỗ đến khu rừng đó. Khi một người đến cái cây đầu tiên, anh ta nói, “Nhìn cái cây này có vẻ to khoẻ này, tôi nghĩ có thể bán gỗ cho một người thợ mộc”… và anh ta bắt đầu hạ nó xuống. Cái cây rất vui, bởi vì nó biết người thợ mộc sẽ làm nó thành một cái tủ đựng châu báu.

Đến cái cây thứ hai người lấy gỗ nói “Nhìn cái cây này trông cũng khoẻ đấy chứ, tôi sẽ bán nó cho một xưởng đóng tàu”.

Chữ Tâm trong cuộc sống




Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động từ xa đến tỉnh này. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương. Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Đặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó. Những tiếng rỉ tai: “Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ hồ hởi kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Đúng là người nhà quê”- Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩm môi đánh thượt một cái và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.
 
– Xin chào.. xin….
 
Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Đi đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi” Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vờ ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản.
 
“Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” – Người phụ nữ xót xa nghĩ. Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Đúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh. Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói:


- Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?


Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:


- Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ? Người phụ nữ gật đầu:


- Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không?
 

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Cáo Phó 22.10.2013

TRONG NIỀM TIN VÀO CHÚA KITÔ PHỤC SINH
Gia Đình Hội Học Kitô Giáo Cursillo GP Xuân Lộc 
vô cùng thương tiếc báo tin:


Anh ĐAMINH ĐINH VĂN QUẢ

SINH NĂM 1928, DỰ KHÓA #1 TÂY NINH, NĂM 1967
Anh Đa Minh sinh hoạt tại Nhóm Bùi Thái, Liên Nhóm Tân Mai.

ANH ĐÃ HOÀN TẤT HÀNH TRÌNH NGÀY THỨ TƯ
vào lúc 10g30' ngày Thứ Ba 22/10/2013

THÁNH LỄ AN TÁNG SẼ ĐƯỢC CỬ HÀNH vào lúc 4h00 ngày Thứ Sáu 25/10
TẠI THÁNH ĐƯỜNG GIÁO XỨ BÙI THÁI - HẠT TÂN MAI

Trong tình hiệp thông chia sẻ của Gia Đình Cursillo GP Xuân Lộc, 
Kính xin Đức Ông, quý Cha, quý Tu sỹ và quý anh chị cursillistas hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn ĐA MINH sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa.

Tuy tuổi già sức yếu, nhưng Anh Đa Minh thời gian vừa qua vẫn hiện diện, đồng hành cùng ACE Cursillistas Nhóm Bùi Thái, LN Tân Mai trong các Sinh hoạt Ngày Thứ Tư.
Sự hiện diện đồng hành của Anh khi còn sống đã là niềm khích lệ rất lớn để các cursillistas thế hệ trẻ luôn noi gương các bậc tiền bối sống tinh thần Phong trào, tinh thần chứng nhân trong các môi trường.
Và giờ đây, có lẽ linh hồn Anh Đa Minh luôn hướng về PT Cursillo Xuân Lộc trong lời cầu nguyện mỗi ngày.

Với niềm tiếc thương gia đình Cursillo Xuân Lộc vừa mất đi một cursillista cựu trào.
Xin quý anh chị hiệp thông cầu nguyện và nếu có thể được, xin đến thăm hỏi, an ủi, nâng đỡ gia đình Anh Đa Minh.


Trân trọng kính báo!


BPV PT Cursillo GP Xuân Lộc


Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Khánh Nhật Truyền Giáo 20.10.2013

 
TRUYỀN GIÁO BẰNG CHỨNG TÁ ĐỜI SỐNG:
AI CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC
 
Có lẽ chúng ta đã nghe nói nhiều đến việc truyền giáo. Năm nào cũng nghe, nghe nhiều. Vậy thì truyền giáo là gì? Truyền giáo không phải là tuyên truyền, không phải là quảng cáo. Truyền giáo cũng không phải là áp đặt, cưỡng chế người khác theo mình, cũng không phải là mua chuộc, dụ dỗ người khác theo đạo bằng tiền của, bằng quyền lợi hay bằng những hứa hẹn suông. Truyền giáo là chia sẻ niềm vui, hạnh phúc vì được đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô. Thế nhưng, bao nhiêu người cảm thấy hạnh phúc vì được biết Chúa. Có nhiều người tôi tin rằng, đi đạo là chỉ giữ một số các quy định, một số các lề luật, tham dự các nghi thức, để sau này được lên Thiên đàng. Chấm hết. Còn việc truyền giáo là việc của các linh mục, các nam nữ tu sĩ, của Tiểu ban Truyền giáo, hay của một số người có ơn gọi đặc biệt, như thánh Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, v,v…, chứ chẳng phải là việc của mình. Tuy nhiên, truyền giáo là ơn gọi, là trách nhiệm gắn liền với mọi người Kitô hữu. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn phải loan báo Tin Mừng. Có thể chúng ta không có khả năng lôi kéo, thuyết phục để cho người khác theo đạo, nhưng “nói” cho người khác biết về đạo bằng chứng tá đời sống thì ai ai cũng có thể làm được. Vậy chứng tá cụ thể đó là gì?
 
- Trước hết là chứng tá bằng đời sống cầu nguyện hy sinh
 
Đây là hoạt động đi đầu và không thể thiếu trong việc loan báo Tin mừng. Nhìn thấy gương chúng ta cầu nguyện, gương chúng ta hy sinh, người ta sẽ được đánh động, được cảm hoá. Nếu đời sống tâm linh của chúng ta được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện hy sinh, thì mọi việc ta làm đều có giá trị truyền giáo, đều có khả năng làm cho người khác nhận biết Chúa và đem lại rất nhiều lợi ích cho các linh hồn. Như vậy, ngồi ở nhà, chúng ta vẫn có thể truyền giáo.
 
Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện. Không ai có thể nói là tôi không có cơ hội để hy sinh. Và để rèn luyện được nếp sống thấm nhuần tinh thần cầu nguyện hy sinh, có sức giới thiệu Đức Kitô cho người khác, thiết tưởng chúng ta có thể nhờ đến Chuỗi Kinh Mân Côi. Nhờ Mẹ dẫn chúng ta bước đi từng bước nhỏ trên đường vâng phục thánh ý Chúa và phục vụ các linh hồn.

Học giống Đức Kitô

NÊN GIỐNG ĐỨC KITÔ
CHRISTI BROWN
 
Là Kitô hữu, chúng ta muốn càng nên giống Đức Kitô hơn. Chúng ta biết rằng cuộc đời này là hành trình tìm kiếm một mục đích, tìm kiếm hàng ngày, để những người khác cũng có thể thấy Đức Kitô trong chúng ta và để họ tìm đến Ngài. Đây là vài cách thực hành để có thể đạt được mục đích trong cuộc sống thường nhật, làm cho Đức Kitô ngày càng lớn lên, còn chúng ta phải càng ngày càng nhỏ lại. Hãy cố gắng noi gương Thánh Phaolô: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:19-20).
 
1. Đọc Kinh Thánh. Để nên giống Chúa, bạn phải biết Chúa. Bằng cách nào? Hãy tìm hiểu Ngài, nghĩa là nhận biết Ngài qua các giáo huấn và lời Ngài. Hãy học cách Chúa Giêsu đối xử với mọi người, cách sống của Ngài. Cách duy nhất để làm được điều này là hàng ngày đọc Kinh Thánh và suy niệm!
 
2. Hành động. Giờ bạn đã biết Chúa, đến lúc bạn phải vâng lời Ngài và tin rằng Chúa Thánh Thần ở trong bạn, giúp bạn nhận thức và hiểu biết. Vô tri bất mộ. Hãy đến bất kỳ nơi nào Ngài dẫn bạn tới, và tin rằng Ngài sẽ chỉ cho bạn biết cách hành động. Đừng viện cớ mà thoái thác. Hãy lên đường!
 
3. Khiêm nhường. Hãy cố gắng khiêm nhường, dù rất khó. Hãy dẹp bỏ tham vọng cá nhân và tập trung vào nhu cầu của người khác ở xung quanh bạn. Hãy ưu tiên ý của người khác hơn ý mình. Thánh Phaolô khuyên: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2:3-4).
 
4. Làm đúng. Đừng cả tin những gì người ta bảo là đúng. Đa số không hẳn đúng. Chúa Giêsu đã xác định lời Ngài là chân lý. Hãy tách mình ra khỏi thế gian. Đây là việc khó thực hiện lắm, vì chúng ta đang sống trong đó, mà chúng ta lại không được dính líu tới thế gian, vì nó làm hại đức tin của chúng ta.
 
5. Tử tế. Hãy bước đi trong tình yêu của Chúa. Hãy tử tế với những người bạn gặp, dù họ không tử tế với bạn. Hãy cảm thông và nâng đỡ những người đau khổ, hãy mở rộng lòng và mở rộng cả đôi tay, làm thật chứ không nói suông!
 
6. Tạ ơn Chúa. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi trường hợp và hãy để Ngài xử lý những khó khăn mà bạn gặp phải. Trong Vườn Dầu, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha cất chén đắng, nhưng Ngài bảo đừng theo ý Ngài mà xin cho ý Cha nên trọn, dù cho điều gì xảy ra. Ngài tín thác nơi Cha và nhận biết sự tốt lành trong nỗi đau khổ. Cuối cùng, Ngài làm vinh danh Cha và phục vụ mỗi người chúng ta bằng sự hy sinh của Ngài.
 
7. Kiên vững. Hãy kiên tâm và mạnh mẽ khi quyết định theo Ngài. Đừng nao núng hoặc nghi ngại, hãy luôn luôn tập trung vào Chúa. Điều này cần can đảm, quy luật và hy sinh, nhưng là bước quan trọng để càng ngày càng nên giống Chúa hơn.
 
8. Khôn ngoan. Hãy nhờ người giúp tư vấn. Hãy chắc chắn rằng lời tư vấn của họ phải dựa trên Lời Chúa, và hãy trắc nghiệm để tránh những gì ngược với Lời Chúa. Ngay cả các Kitô hữu đạo đức nhất cũng vẫn sai lầm. Chính bạn phải biết Lời Chúa, để khi bạn nghe điều trái với Lời Chúa, bạn có thể có quyết định sáng suốt và khôn ngoan, chứ không nhắm mắt đưa chân. Coi chừng “người mù dắt người mù” thì chỉ có nước té lăn cù mà thôi!
 
9. Sám hối. Ai cũng có tội nên luôn phải sám hối. Muốn sám hối thì phải biết mình là tội nhân. Rất nguy hiểm khi lương tâm chai lì vì không còn khả năng nhận ra tội là tội. Nhận biết tội thì sám hối, để trở lại chính lộ mà Thiên Chúa đã vạch ra. Nên sám hối thường xuyên, bất cứ lúc nào, chứ không chỉ sám hối khi tham dự phụng vụ.
 
10. Cầu nguyện. Có ai thương nhau mà không muốn nói chuyện với nhau? Cầu nguyện là tâm sự và trò chuyện với Chúa không chỉ hàng ngày, mà còn phải mọi nơi mọi lúc, ngay khi bạn đánh răng hoặc lái xe cũng đừng rời xa Ngài. Ngài thêm sức mạnh cho bạn và hướng dẫn bạn trong suốt cuộc sống hàng ngày. Bạn rất cần trò chuyện với Ngài.
 
TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ beliefnet.com)

Tin báo 20.10.2013

TRONG NIỀM TIN VÀO CHÚA KITÔ PHỤC SINH
Gia Đình Hội Học Kitô Giáo Cursillo GP Xuân Lộc 
trân trọng báo tin:
 
Bà MARIA BÙI THỊ THÚ (LÂM)
 
Thân Mẫu của CHỊ CURSILLISTA MARIA PHẠM THỊ THI, DỰ KHÓA # 4 NHA TRANG
Hiện sinh hoạt tại Nhóm Đức Long, Liên Nhóm Gia Kiệm.
 
Đã được Chúa gọi về ngày 18/10/2013
 
 
Trong tình hiệp thông chia sẻ của Gia Đình Cursillo GP Xuân Lộc, kính xin Đức Ông, quý Cha, quý Tu sỹ và quý anh chị cursillistas hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn MARIA sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa.
 
Cũng xin chia buồn cùng Chị Thi và Tang Quyến.
Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương an ủi, nâng đỡ gia đình Chị.
 
BPV PT Cursillo GP Xuân Lộc.

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Truyền Giáo


NĂM ĐỨC TIN:
LỜI MỜI GỌI TRUYỀN GIÁO

(Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - GM Phụ Tá GP Xuân Lộc)
I. NĂM ĐỨC TIN VÀ VIỆC TRUYỀN GIÁO
1.   Lý do việc cử hành Năm Đức Tin
Ngay từ những số đầu của Tự sắc “Porta Fidei”, Đức Thánh Cha đã nói đến lý do của việc cử hành Năm Đức Tin. Đó là hoàn cảnh của Giáo Hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin sâu rộng (x. PF 2-3).
Một cái nhìn tổng quát cho thấy thế giới hôm nay đang trải qua một cuộc chuyển mình vô cùng rộng lớn và hết sức sâu đậm, làm rúng động các cơ cấu và giá trị văn hóa, xã hội và ngay cả cơ cấu và giá trị tôn giáo. Chỉ nghĩ đến một số hiện tượng đang được cổ võ trên thế giới hôm nay, chẳng hạn, hiện tượng thế tục hóa đang lan tràn khắp nơi, ngay cả trong hàng ngũ các linh mục tu sĩ, theo đó, chính cuộc sống hay nhiều khía cạnh quan trọng của cuộc sống, không còn được nhìn trong mối tương quan với Thiên Chúa, việc thay đổi ý nghĩa và nội dung của hôn nhân và gia đình, việc xóa bỏ sự khác biệt về phái tính, trào lưu coi thường và phá hoại sự sống, việc đối xử với con người như một đồ vật nằm trong tay một người, một nhóm người nhân danh khoa học. Do đó, thế giới hôm nay đang đánh mất nhiều giá trị căn bản nhất và nền tảng nhất của cuộc đời.
Theo Tự sắc “Porta Fidei”, “các Kitô hữu quan tâm nhiều hơn tới những hậu quả về phương diện xã hội, văn hóa và chính trị của sự dấn thân, cứ tưởng rằng Đức Tin là tiền đề hiển nhiên của đời sống xã hội. Nhưng thực tế cho thấy tiền đề ấy không chỉ không còn được coi là hiển nhiên nữa mà nhiều khi còn bị phủ nhận. Trong khi ngày xưa, người ta có thể nhận thấy được một môi trường văn hóa thống nhất, nhắc đến nội dung Đức Tin và những giá trị chịu ảnh hưởng của Đức Tin, và được nhiều người chấp nhận, ngày nay, nơi nhiều bộ phận của xã hội có lẽ không còn như vậy nữa, do cuộc khủng hoảng sâu đậm về đức Tin đã ảnh hưởng tới nhiều người.” (PF 2).

2.   Mục đích của Năm Đức Tin
Để trả lời cho tình trạng khủng hoảng Đức Tin trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã cho cử hành Năm Đức Tin nhắm mục đích canh tân đức tin của mọi thành phần trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể để cho ánh sáng bị che lấp và muối bị lạt” (PF 3). “Cần phải khám phá lại hành trình Đức Tin để làm cho sáng tỏ niềm vui và lòng hăng say, nhiệt tình vì gặp được Chúa Kitô.” (PF 2).
Công việc canh tân Đức Tin có những yếu tố sau đây:
a)  Cần phải có một cuộc trở lại chân thật với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại (x. PF 6) để tìm lại được niềm vui và lòng hứng khởi vì được biết Chúa và gặp Chúa (x. PF 2).
b)  Cần phải tăng cường việc suy tư để xác tín về Đức Tin, qua việc yêu thích lắng nghe và nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa (x. PF 3), qua việc học hỏi các văn kiện của Công đồng Vaticanô II (x. PF 5) và Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (x. PF 11).
c)   Tuyên xưng và cử hành Đức Tin tại các nhà thờ cũng như tại tư gia.
d)  Sống Đức Tin, tức là đưa Đức Tin vào cuộc sống theo mẫu gương của những chứng nhân của Đức Tin, bắt đầu từ chính Đức Mẹ, qua các Thánh Tông Đồ, các tín hữu đầu tiên, các Thánh Tử Đạo, những tín hữu, nam cũng như nữ, đã dâng hiến cuộc sống trong đời sống thánh hiến, các tín hữu đã sống Đức Tin trong gia đình, nghề nghiệp… (x. PF 13)
e)  Hăng say truyền giảng Tin Mừng  (PF 7): truyền đạt Đức Tin cho các thế hệ trẻ và cho anh chị em lương dân.
Xem như thế thì việc truyền giáo không những là một yếu tố của Năm Đức Tin mà còn là điểm tới của tất cả hành trình canh tân Đức Tin: Canh tân Đức Tin để hăng say truyền đạt Đức Tin cho những thế hệ trẻ và cho anh chị em lương dân. Do đó, trong khi chúng ta nỗ lực canh tân Đức Tin, Năm Đức Tin cũng mời gọi chúng ta canh tân tinh thần truyền giáo để ra đi chia sẻ niềm vui Đức Tin với anh chị em lương dân.

Sinh hoạt TLĐ Tháng 10 - 2013

THÔNG BÁO SINH HOẠT TRƯỜNG LÃNH ĐẠO
THÁNG 10 - 2013
Kính thưa quý Cha, quý Srs. linh hướng
Thưa quý anh chị cursillistas rất kính mến,
Chúng con xin kính mời quý Cha, quý Srs. và quý anh chị đến tham dự buổi Sinh hoạt Trường Lãnh Đạo tháng  10/2013.
CHƯƠNG TRÌNH:
- Thời gian: 8h30' Thứ Bảy ngày 26/10/2013
- Địa điểm: Hội trường Gx Bùi Chu - Hạt Phú Thịnh
- Nội dung chính:
1/. Thông điệp Ánh Sáng Đức tin của ĐTC Phanxico.
2/. Dự thảo Quy Ước SHPT - Trách nhiệm các Khối
3/. Các Nhóm Khối mời gọi nhân sự và triển khai công việc của Khối
(Nhóm TLĐ, Nhóm Khối Tiền, Nhóm Khối Hậu, Nhóm Khối 3 Ngày)

Kính mong BPV các Liên Nhóm thông báo cho cursillistas trong đơn vị mình và những người không có địa chỉ email tích cực tham gia sinh hoạt TLĐ.
 
Xin cùng hiệp nguyện để mọi công tác của Phong trào trổ sinh hoa trái như lòng Chúa mong muốn.
 
De Colores! Ultreya!!

BPV. GP
=====
TRƯỜNG LÃNH ĐẠO PT CURSILLO XUÂN LỘC

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Truyền Giáo khởi đi từ những nghĩa cử yêu thương

CÁNH CỬA TRUYỀN GIÁO
Trong bài báo: “Khi các sao Việt quy y cửa Phật”, tác giả Ngọc Hoa đã viết: là một trong những nữ diễn viên hàng đầu thời phim “Mỳ ăn liền” còn hoàng kim. Thế nhưng, Việt Trinh lại luôn lận đận về chuyện tình duyên. Những người đàn ông đã từng yêu Việt Trinh sau này đều dính đến pháp luật, chính điều đó đã khiến có người dành những lời không thiện cảm cho người đẹp này. Cùng thời gian đó, dòng phim “mỳ ăn liền” xuống dốc, Việt Trinh trở nên hụt hẫng, tuyệt vọng, có những lúc chị cảm thấy bi quan và chán nản cuộc sống.
Thế nhưng, chính trong những lúc tuyệt vọng nhất, một cánh cửa khác đã mở ra cho người phụ nữ đa truân này. Đó chính là Phật pháp. Vô tình đến với đạo Phật, Việt Trinh ngộ ra nhiều điều, chị tìm hiểu rõ hơn về đạo Phật, về nhân quả, nghiệp báo, bỏ tính nóng này, thậm chí còn làm phim liên quan đến đề tài này. Chính xác là từ năm 2001, chị quyết định đi theo đạo Phật bằng sự thành kính. Cô tâm sự:
“Cách đây không lâu, trong lúc tôi đang còn ngụp lặn trong biển khổ ái tình, tôi rất buồn, lúc nào cũng chỉ biết khóc, không biết làm sao để giải thoát khỏi mối tình cay nghiệt. Khi lồng tiếng cho phim Duyên Trần Thoát Tục, đọc tới đoạn Hòa thượng dạy cho Thường Chiếu: “Còn duyên thì hợp hết duyên thì tan”, tự nhiên tôi rùng mình, tự hỏi rằng tại sao mình phải ngụp lặn trong sự đau khổ của ái tình? Từ đó, tôi không vướng bận vào chuyện tình cảm đau khổ nữa” –
Đối với những người theo đạo Phật thì Cửa Phật là nơi ẩn náu bình yên sau những vật lộn của thế gian. Họ sẽ tìm đến cửa Phật một khi không còn thấy hạnh phúc nơi phong trần. Họ quy y cửa Phật như nói lên quyết tâm của họ rũ bỏ đường trần để tìm sự thanh thoát bình yên nơi cửa Phật.
Còn đối với đạo Công giáo thì lý do nào khiến người ta trở về với Chúa? Chúng ta sẽ giới thiệu Chúa như thế nào để những người ngoại trở lại để náu nương, và những người lạc bước được sớm quay trở về? Chúng ta có con đường nào cho anh em quay trở về như cửa Phật đã từng rộng mở cho thiện nam tín nữ của họ?

Sự thánh thiện quan trọng nhất!

THÁNH THIỆN VÀ DỄ THƯƠNG
Chúng ta đang sống trong một thời đại có xu hướng muốn giảm sự thánh thiện xuống chỉ còn là sự tử tế và vẻ dễ thương. Theo cách nghĩ này, sự thánh thiện sẽ có những dạng khác nhau: Hòa hợp với mọi người, tử tế, dễ thương, hữu ích, đáng yêu, rộng lượng, vui vẻ, hơi kiểu cách, nhã nhặn, khôi hài, chịu đựng, điềm tĩnh, nhân hậu, thân thiện, kiên nhẫn, tha thứ, biết điều, và những thứ tương tự. Có thể tóm gọn: “Chủ nghĩa đại khái là người tốt về cơ bản”. Như vậy, mục đích tốt có vẻ tử tế hơn là thánh thiện.
Nếu bạn nghĩ nó không như vậy, hãy nghe người ta bàn tán trong đám tang: “Joe là người vĩ đại… chúng ta sẽ nhớ mãi cách khôi hài của anh… Joe quý mến mọi người! Joe làm mọi thứ cho người khác!”. Cũng tốt. Nhưng Joe có cầu nguyện không? Joe có dạy con kính mến Chúa không? Joe có làm gương cho người khác sống thánh thiện? Có thể có nhưng người ta không thường xuyên nói về điều đó, nhất là trong khi thi hài người quá cố chưa an táng. Mọi người chỉ thấy Joe là “người vĩ đại”. Nhưng mục đích cuộc sống không chỉ là trở nên người vĩ đại, mà là người thánh thiện.
Ngày nay, không có phẩm chất nào được liệt kê trên là sai trái hoặc tồi tệ. Nhưng vấn đề là chúng ta đã coi sự thánh thiện thấp hơn những điều đó, và chỉ cần là “người vĩ đại”. Chắc chắn rằng những người thánh thiện phải siêng năng cầu nguyện, không được tức giận hoặc phạm tội. Dễ thương có hai dạng: Tính tình và ngoại hình. Có người nhìn xinh xắn mà không dễ thương – theo bề ngoài chứ chưa nói tới tâm hồn. Có người dễ thương về ngoại hình mà không hề dễ thương về tính tình. Có người không dễ thương bề ngoài, thậm chí còn xấu xí, nhưng lại rất dễ thương về tâm hồn. Nhưng người thánh thiện thì luôn dễ thương.

Tân PAH trong đời sống Cộng đoàn

CN NHÌN ĐÚNG V “TÂN PHÚC ÂM HÓA”
TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Trong các thông điệp gần đây, “Tân Phúc Âm Hóa” được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rất quan tâm, phải chăng đề tài này rất thời sự cho mọi thời đại và đặc biệt là thời đại chúng ta? Tuy nhiên, tôi vẫn cứ tự hỏi, chúng ta phải làm thế nào để có cái nhìn đúng về “tân Phúc Âm hóa” trong đời sống cộng đoàn? Và sau đây là một góc nhìn về lối tiếp cận của đề tài này.

Chuyện kể rằng trong lớp học Kinh Thánh, một giáo lý viên đang dạy và bàn thảo hăng say về các bản “dịch” Kinh Thánh của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ hay bản “dịch” của Cha Thuấn rất hấp dẫn. Lập tức, có một học sinh giơ tay lên xin được phát biểu, em nói “Thưa thầy, em thấy mẹ em là người luôn “dịch” Kinh Thánh. Có thể là hay hơn những bản “dịch” thầy vừa nói”. Giáo lý viên lấy làm bỡ ngỡ, nhưng cũng rất bình tĩnh rồi hỏi: “Mẹ của em dịch bản Kinh Thánh nào, mà lâu nay thầy không nghe”. Câu hỏi có vẻ hơi nghi ngờ, nhưng em vẫn điềm tĩnh giải thích: “Mẹ của em không dịch bằng sách, nhưng mẹ “dịch” bằng cách sống”. Rồi em thêm “mỗi lần đi lễ và lắng nghe Lời Chúa, mẹ của em áp dụng Lời Chúa vào đời sống hằng ngày. Vì vậy, em nghĩ rằng mẹ em “dịch” Kinh Thánh rất hay”. Giáo lý viên nghe đến đó và lấy làm vui mừng mà hô lên: “Thật là tuyệt vời, tuyệt vời đúng không các em!”.

Có lẽ câu chuyện trên đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về “tân Phúc Âm hóa” trong đời sống của cộng đoàn. Để “tân Phúc Âm hóa”, chúng ta cần áp dụng triệt để Lời Chúa vào đời sống của mình và làm sao cho Lời Chúa như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời sống. Có như vậy, cộng đoàn mới triển nở và lớn mạnh.