Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Tông thư ĐTC Phanxicô - Gởi các Gia đình

Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô 

gửi các gia đình

Kêu gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10/2014

Rôma – 25/02/2014 (Zenit.org)

"Tôi xin các gia đinh hãy tích cực cầu nguyện Chúa Thánh Thần, để Ngài soi sáng các Thượng Phụ tham dự Thượng Hội Đồng" và để "Giáo Hội có những phương tiện mục vụ thích hợp nhằm giúp đỡ các gia đình đương đầu với những thách đố hiện tại với ánh sáng và sức mạnh xuất phát từ Phúc Âm": đó là lời hô hào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một tông thư gửi các gia đình, được công bố ngày hôm nay, 25/02/2014.
Đức Giáo Hoàng nhắc tới các biến cố sắp tới của Giáo Hội sẽ diễn ra chung quanh vấn đề gia đình, trong đó có Hội Nghị Khoáng Đại bất thường của Thượng Hội Đồng các Giám Mục, được triệu tập vào tháng 10 năm 2014, trên tiêu đề "Những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh Phúc Âm hóa".
Ngài nhấn mạnh cái đẹp của đời sống gia đình được sống trong đức tin: "Chúa Giêsu làm cho các thế hệ gặp gỡ nhau và gắn kết với nhau! Ngài là nguồn mạch bất tận của tình yêu này luôn chiến thắng mọi sự đóng cửa, mọi sự cô đơn, mọi sự buồn rầu…
Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình
Các gia đình thân mến,
Tôi đến trước cửa nhà quý anh chị em để nói về một biến cố, như đã biết, sẽ diễn ra vào tháng 10 sắp tới đây tại Vatican. Đó là Đại Hội Khoáng Đại bất thường của Thượng Hội Đồng các Giám Mục được triệu tập để bàn thảo về chủ đề: "Những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh Phúc Âm hóa". Ngày hôm nay, Giáo Hội được kêu gọi phải loan truyền Phúc Âm trong lúc cũng phải đương đầu với những khẩn cấp mục vụ mới liên quan đến gia đình.
Cuộc hẹn hò quan trọng này kéo theo toàn thể Dân Thiên Chúa, các giám mục, các linh mục, những người tận hiến và các tín hữu giáo dân của các Giáo Hội riêng biệt trên toàn thế giới, đang tham gia tích cực vào việc chuẩn bị bằng những đề nghị cụ thể và bằng sự dâng hiến lời cầu nguyện không thể thiếu được. Sự nâng đỡ của lời cầu nguyện, hơn bao giờ hết, tỏ ra rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt từ phía anh chị em, hỡi các gia đình thân mến. Quả vậy, Hội Nghị Khoáng Đại Thượng Hội Đồng được cống hiến cách đặc biệt cho quý anh chị em, cho ơn gọi của quý anh chị em và cho sứ vụ của anh chị em trong Hội Thánh và trong xã hội, cho những vấn đề hôn nhân, vấn đề đời sống gia đình, vấn đề giáo dục con cái, và cho vai trò của các gia đình trong sứ vụ của Giáo Hội. Vì thế, tôi xin quý anh chị em hãy sốt sắng cầu nguyện Chúa Thánh Thần, để Ngài soi sáng các Thượng Phụ Công Nghị và dẫn dắt các ngài trong nhiệm vụ khắt khe của các ngài. Như quý anh chị em đã biết, Hội Nghị bất thường kỳ này sẽ được tiếp nối, năm tới, bởi Hội Nghị thường xuyên, cũng trên chủ đề gia đình. Và, trong bối cảnh này, vào tháng 9/2015 cũng sẽ diễn ra Cuộc Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình tại Philadelphia. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để, qua những biến cố này, Giáo Hội hoàn tất được một linh đạo phân định chính đáng và để Giáo Hội có những phương tiện thích hợp để giúp đỡ các gia đình đương đầu với những thách thức hiện nay với ánh sáng và sức mạnh đến từ Phúc Âm.

Giáo lý ĐTC Phanxicô - Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Hãy có thói quen mời linh mục tới bên cạnh bệnh nhân

Bài giáo lý về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân ngày 26 tháng 02 năm 20114 (toàn văn)

Rọma – 27/02/2014 (Zenit.org)

"Bí tích này là sự bảo đảm rằng Chúa Giêsu gần gũi với người bệnh và cũng với người già cả, bởi vì mỗi người già cả, mỗi người trên 65 tuổi, có thể nhận lãnh bí tích này, qua đó đích thân Chúa Giêsu đến gần chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân là chủ đề bài giáo lý ngày thứ Tư tuần này, 26/02/2014, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha tiếc rằng người ta còn tin rằng hễ cứ gọi linh mục đến giường bệnh của ai đó là sẽ dẫn tới sau đó phải gọi "nhà đòn": ngài kêu gọi các linh mục hãy thăm viếng bệnh nhân, và gia đình hãy mời linh mục để ban Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, hay xức dầu người già, bởi vì sự thăm viếng của linh mục và bí tích, chính là một cuộc viếng thăm của Đức Giêsu Kitô: "Niềm an ủi to lớn nhất đến từ sự kiện là chính đích thân Chúa Giêsu hiện thân trong bí tích, Ngài nắm tay chúng ta, Ngài vuốt ve chúng ta như Ngài vuốt ve những bệnh nhân và nhắc nhở chúng ta là từ nay, chúng ta thuộc về Ngài và không có gì - kể cả sự ác và sự chết - có thể phân rẽ chúng ta ra với Ngài được.
Ngài mời gọi hãy có thói quen mời linh mục đến với bệnh nhân: Chúng ta hãy có tập quán này là mời linh mục, đưa linh mục đến để ngài ban cho các bệnh nhân (…) và cũng cho những người già cả của chúng ta, bí tích này, niềm an ủi này, sức mạnh này của Chúa Giêsu để tiếp tục đi tới! Chúng ta hãy làm đi!"
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý do Đức Giáo Hoàng tuyên đọc bằng tiếng Ý
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân
Thân chào quý anh chị em thân mến!
Hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là bí tích cho phép chúng ta sờ mó được lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với con ngươòi. Ngày xưa, người ta gọi bí tích này là "xức dầu cuối cùng", bởi vì bí tích này được coi như sự an ủi thiêng liêng và lúc lâm chung. Trong lúc đó, nói về "Xức dầu bệnh nhân" giúp cho chúng ta mở rộng tầm nhìn của chúng ta về kinh nghiệm về bệnh hoạn và đau ốm, ra chân trời lòng thương xót của Thiên Chúa.
1. Có một hình tượng Thánh Kinh diễn tả trong cả chiều sâu của nó mầu nhiệm đang chói sáng qua Xức Dầu Bệnh Nhân là dụ ngôn "Người Samari Tốt Lành" trong Tin Mừng Thánh Luca (Lc 10, 30-35). Mỗi lần chúng ta cử hành bí tích này, Chúa Giêsu, trong con người vị linh mục, tới gần những người đang chịu đau đớn và lâm trọng bệnh hay đang già yếu. Dụ ngôn người Samari tốt lành kể rằng người này săn sóc nạn nhân, bằng cách đổ dầu và rượu trên các vết thương của nạn nhân. Dầu khiến chúng ta nghĩ tới đến dầu hàng năm được Đức Giám Mục làm phép, trong Lễ Truyền Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chính là để xức cho người lâm bệnh. Còn rượu là dấu chỉ của tình yêu và ân điển của Đức Kitô tuôn chảy từ sự hiến ban mạng sống Ngài cho chúng ta và biểu lộ trong tất cả sự phong phú của chúng trong đời sống bí tích của Giáo Hội. Sau cùng, người bệnh được gửi gấm cho chủ quán trọ, để ông ta tiếp tục săn sóc, bất kể tốn kém.  Bây giờ, ai là cái người chủ quán trọ này? Chính là Giáo Hội, là cộng đoàn Kitô hữu, chính là chúng ta, là những người mỗi ngày được Chúa Giêsu gửi gấm những người bị bệnh, trong thể xác hay trong tinh thần, để cho chúng ta tiếp tục đổ trên người đó, bất kể bao nhiêu, tất cả lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài.

Chuẩn bị Bản tin #13.2014

TÂM TÌNH BAN BIÊN TẬP BẢN TIN ULTREYA XUÂN LỘC

Kính thưa quý anh chị cursillistas rất kính mến,

Trước hết chúng tôi xin hiệp lời tạ ơn Chúa cùng với quý anh chị về những hoa trái trong đời sống cursillistas thể hiện qua những tin tức, hình ảnh sinh hoạt và những chia sẻ chứng nhân của quý anh chị gởi về cho Ban Biên Tập Bản tin trong suốt thời gian vừa qua.

Những cảm nghiệm sống, những tâm tình chia sẻ, trao gởi yêu thương đã giúp nối kết ACE chúng ta trong tinh thần MỘT TAY NẮM LẤY CHÚA, MỘT TAY NẮM LẤY ANH CHỊ EM để đời sống người cursillistas ngày càng thăng tiến hơn.

BBT chúng tôi rất trân trọng những đóng góp, hỗ trợ của quý anh chị để Bản tin có thể phát hành, qua đó tin tức Phong trào và các chia sẻ chứng nhân có thể chuyển gởi đến từng ACE cursillista trong PT, để tất cả ACE đều hiệp thông, tham gia và cầu nguyện, đồng hành với mọi công tác phát triển Phong trào, và anh chị em chia sẻ, trợ giúp nhau cùng thăng tiến qua những cảm nghiệm rất riêng của mỗi người trong đời sống Ngày Thứ Tư.

Tiếp theo Bản tin số 12 (tháng 1) mừng kính lễ Thánh Phaolô Trở Lại, Quan Thầy Phong trào; được phép của Cha Linh hướng và BPV Giáo Phận, BBT chúng tôi tiếp tục phát hành Bản tin điện tử số 13 (tháng 3) mừng kính Thánh Giuse - Quan Thầy Giáo Hội VN - Quan Thầy GPXL và cũng là Quan Thầy của Cha Linh hướng Giuse và quý Cha, quý anh trong PT Cursillo XL.

Cũng là tâm tình SÁM HỐI - CANH TÂN - HÒA GIẢI bước vào Mùa Chay Thánh theo tinh thần Sứ điệp Mùa Chay 2014 của ĐTC Phanxicô.

BBT rất mong nhận được những đóng góp, chia sẻ tin tức, hình ảnh sinh hoạt và chia sẻ chứng từ của quý anh chị để Bản tin ngày càng phong phú và chất lượng hơn, phản ánh bao quát các mặt hoạt động của PTXL hơn.

Quý anh chị có thể gởi bài với nhiều hình thức:

- Chia sẻ chứng nhân
- Chia sẻ cảm nghiệm sống Ngày Thứ Tư
- Thơ
- Vui Cười
- Ghi nhận tin Ultreya từ Liên Nhóm + hình ảnh
- Tâm tình sống theo gương Thánh Giuse - mẫu gương sống và loan báo Tin Mừng đối với các Gia đình trong năm 2014: Gia đình Sống và Loan báo Tin Mừng
- Và những thể loại khác....

Bài viết xin gởi về email của BBT: bantin.cursilloxl@gmail.com hoặc email của anh Thành (joacthanh@gmail.com), chị Minh Trang (minhtrang_1961@yahoo.com)

Xin gởi bài từ nay đến hết ngày 09/03/2014 để chúng tôi kịp biên tập, layout và in ấn cho kịp ạ.

Chân thành cám ơn sự cộng tác của quý anh chị.

Xin cùng hiệp nguyện để mọi công tác phát triển Phong trào trổ sinh hoa trái đẹp lòng Chúa.

Trân trọng kính chào!

Ultreya! Ultreya!!

T/M Ban Biên Tập Bản tin Ultreya Xuân Lộc
Gioakim Nguyễn Đức Thành
Handphone: 0913 757078

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxico - Bí tích Hòa Giải


Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

về Bí Tích Hòa Giải


Một bí tích chữa lành (toàn văn)

Rôma – 19/02/2014 (Zenit.org)


Bí tích Hòa Giải là một bí tích chữa lành, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong bài giáo lý về phép bí tích này, trước 20.000 khách hành hương trên quảng trường Thánh Phêrô.
Ngài mời gọi không nên e ngại cảm tưởng xấu hổ khi phải thú nhận tội lỗi của mình - ai không biết xấu hổ là người "vô sỉ" – và hãy gieo mình vào đôi vòng tay của Cha đầy lòng thương xót.
Rồi Đức Thánh Cha đã hỏi: anh chị em xưng tôi lần chót là khi nào vậy? "Và nếu đã lâu rồi, thì bạn đừng mất thêm một ngày nào nữa, bạn hay đi đi, và vị linh mục sẽ rất khoan dung. Chính là Chúa Giêsu đang ở đó, và Chúa Giêsu là vị linh mục tốt lành nhất trong các linh mục, Chúa Giêsu sẽ đón tiếp bạn, đón tiếp bạn với rất nhiều tình thương. Bạn hãy can đảm lên và hãy đi xưng tội!"
Dưới đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha bằng tiếng Ý, ngày thứ Tư 19/02/2014, trên quảng trường Thánh Phêrô.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Bí Tích Hòa Giải
Thân chào quý anh chị em!
Qua các bí tích khai tâm Kitô giáo, bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, con người lãnh nhận sự sống mới trong Đức Kitô. Bây giờ, tất cả chúng ta đều biết, chúng ta mang sự sống này "trong những cái bình bằng đất sét" (2 Cr 4, 7), chúng ta còn bị cám dỗ, còn bị đau khổ, còn bị chết, và bởi vì tội lỗi, chúng ta còn có thể mất đi cả sự sống mới này nữa. Vì thế Chúa Giêsu đã muốn rằng Giáo Hội tiếp tục sự nghiệp cứu rỗi của Ngài đối với những thành viên của mình, đặc biệt nhờ vào bí tích Hòa Giải và bí tích Xức Dầu bệnh nhân, vốn có thể hợp lại dưới tên gọi "các bí tích chữa lành". Bí tích hòa giải là một bí tích chữa lành. Khi tôi đi xưng tội, chính là để được chữa lành, để chữa lành linh hồn tôi, chữa lành trái tim tôi và những gì tôi đã làm mà không tốt. Hình ảnh Thánh Kinh biểu lộ rõ ràng nhất những điều này, trong mối quan hệ sâu sắc, là đoạn nói về sự tha thứ và chữa lành người bị liệt, khi Chúa tỏ ra là thầy thuốc vừa cho phần hồn vừa cho phần xác (x. Mc 2, 1-12; Mt 9, 1-8; Lc 5, 17-26).

Tin GH Hoàn vũ 17.02.2014 - ĐTC Phanxico thăm viếng Ad Limina


Các giám mục Séc thăm viếng Ad Limina:

làm việc cho các gia đình


Phục vụ con người và nhân phẩm (toàn văn)

Rôma – 17/02/2014 (Zenit.org)


Giám mục là người "được gọi để cống hiến tại khắp mọi nơi câu trả lời của Đức Kitô, là người hiến thân toàn diện phục vụ Phúc Âm, là người thánh hóa, giảng dạy và chăn dắt Dân của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng nhắc nhở cho các Đức Giám Mục của nước Cộng Hòa Séc vào cuối cuộc thăm viếng Ad Limina, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh.
Đức Giáo Hoàng đã gửi thông điệp này tới các Đức Giám Mục được triều kiến ngày sáng hôm thứ Sáu, 14/02/2014, tại Vatican.
Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi các Đức Giám Mục hãy nâng đỡ các gia đình Séc: "chính chỉ có làm việc phục vụ cho các gia đình mà người ta có thể làm mới lại mô thức của cộng đoàn Giáo Hội và của cả xã hội dân sự nữa".
Ngài nhắn nhử hãy "làm cho người ta nhìn Giáo Hội như một đồng minh của con người, phục vụ cho phẩm giá con người", và ngài yêu cầu một sự chú tâm đặc biệt tới những vấn đề vật chất nhằm để bảo đảm quyền tự do hành động của Giáo Hội: "Phải có một sự cảnh giác cẩn thận để những của cải Giáo Hội được quản lý với sự thận trọng và trong sáng, để chúng được bảo vệ, lưu trữ, với sự giúp đỡ của cả những tín hữu giáo dân có khả năng";
Sau đây là bản dịch toàn văn thông điệp của Đức Giáo Hoàng.

A.B.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi các Đức Giám Mục Séc
Thưa quý huynh trong hàng giám mục,
Tôi đón tiếp quý huynh nhân cuộc viếng thăm "Ad Limina Apostorum" của quý huynh, qua đó, quý huynh đã lập lại và củng cố sự hiệp thông của Giáo Hội ở nước Cộng Hòa Séc với Tòa Thánh Phêrô. Những buổi gặp gỡ và những cuộc hội thảo thân thiện trong ngày hôm nay, trong đó quý huynh đã đối thoại với tôi và với các cộng sự viên của tôi trong giáo triều Rôma về những niềm vui và hy vọng, cũng như những khó khăn và những lo âu của cộng đoàn dưới quyền cai quản của quý huynh, đối với tôi đã là cơ hội để hiểu biết rõ hơn tình hình Giáo Hội trong vùng của các quý huynh. Quý huynh đã hãnh diện một cách rất chính đáng về những nguồn gốc Kitô giáo vẵng vàng của dân tộc quý huynh, mà đức tin đã được xây dựng từ thời kỳ Phúc Âm hóa của thánh Cyrille và thánh Méthode; đồng thời quý huynh cũng ý thức rằng sự kết hợp với Đức Kitô không phải chỉ là hậu quả của một quá khứ, dù là nó quan trọng, mà là một hành động cá nhân và Giáo Hội dấn thân mỗi ngày trong lịch sử của mỗi người, mỗi cộng đoàn.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Sống tinh thần Phong trào


Ông Eduardo Bonnín Aguiló và
Đặc Sủng Cursillo

(Giuse Nguyễn Đức Tuyên)

Thưa quý anh chị,
Chủ đề tháng 2 của Phong Trào chúng ta là sống Đặc sủng Cursillo. Tôi xin chia sẻ đôi điều về cuộc sống trung thành suốt đời của ông Eduardo Bonnin với Đặc sủng Chúa Thánh Linh ban cho ông và Phong Trào Cursillo.

1.      Vài hàng về ông Eduardo Bonnin
Ông Eduardo Bonnin sinh ngày 4.5.1917, mất ngày 6.2.2008, thọ 91 tuổi, và như vậy, tuần trước là giỗ 6 năm người sáng lập Phong Trào Cursillo.   
Ông Bonnín được biết tới là một thiếu niên có lòng mộ đạo, có văn hóa cao, thông minh. Ông là người luôn khao khát đọc sách. Ông được giáo dục trong một bầu khí đức tin và chuyên tâm học hỏi về Con Người.
Một dịp may đến với ông. Trong huấn từ đọc tại Roma ngày 6.2.1940, ĐGH Piô XII khuyến khích các thành phần lãnh đạo trong Giáo Hội nỗ lực tìm cách đem những người xa Chúa trở về các giá trị đạo đức Kitô Giáo. Ngài đặt ra phương châm: cầu nguyện, học tập và hành động. Khi đọc huấn từ này, ông Bonnin được đánh động và khởi sự tận lực nghiên cứu bối cảnh xã hội thời đó một cách có hệ thống và nghiêm túc. Năm 1940 tập tài liệu mang tên Nghiên Cứu Môi Trường của ông ra đời, đó là khởi điểm của Đặc sủng Cursillo. Ông đã tổ chức Khóa Cursillo đầu tiên vào ngày 20.8.1944.
Phong Trào Cursillo liên hệ mật thiết với cuộc đời của ông Bonnin. Ông có một viễn ảnh về một thế giới đặt trên nền tảng Kitô Giáo, với những giá trị được nhận biết từ Kinh Thánh.
Trong Đại Hội Ultreya thế giới tại Roma năm 2000, ông Bonnin đã nói như sau: Tôi thật xúc động và biết ơn, vì những ý tưởng đã thấm nhập vào tâm hồn tôi, đã không là một ảo ảnh, không là ước vọng tưởng tượng của tuổi mới lớn, mà là một chương trình của Chúa Thánh Linh. Đó là Đặc Sủng, một món quà, Chúa ban tặng.

2.      Ân sủng và Đặc sủng
Ân sủng là ân huệ, là sự cứu giúp nhưng không, Chúa ban cho ta nhờ phép Rửa Tội. Người ta phân biệt ân sủng thường xuyên hay Thường sủng hay Ơn Thánh hóa (Habitual Grace, grâce habituelle) và các ân sủng tức thời hay Hiện sủng hay Ơn Trợ Giúp  (Actual Grace, grâces actuelles). Đặc Sủng là một Ân sủng đặc biệt, món quà Thánh Linh ban tặng cho một người mà Ngài chọn, nhưng mục đích không phải dành riêng cho người ấy, mà để mang lại hạnh phúc cho một cộng đồng và Giáo Hội.

3.      Ông Bonnin và Đặc sủng Cursillo
Chúng ta không ngần ngại khi nói rằng, nhờ Chúa Thánh Linh mà Phong Trào Cursillo được khai sinh, điều mà ngày nay ta gọi là Đặc Sủng Sáng Lập. Phong Trào Cursillo đã khai sinh vào một thời điểm lịch sử đúng lúc có những nhu cầu đặc biệt.
ĐGH Phaolô VI đã công nhận Đặc sủng của Phong Trào Cursillo trước sự hiện diện của các Cursillistas tham dự Ultreya Thế giới kỳ I, tại Roma, năm 1966 và Ultreya Thế giới kỳ II tại Mexico, ngày 21.5.1970. Ngài nói: “Các con hãy nêu cao tinh thần Cursillo!  Cầu mong tình bằng hữu của các con với Chúa Kitô nở rộ trên toàn thế giới với muôn màu muôn sắc.” Trong những năm cuối của thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, Chân Phước Gioan Phaolô II yêu cầu các dòng tu và các tổ chức thuộc về Giáo Hội trở về nguồn, tìm kiếm ơn Đặc sủng soi dẫn các vị sáng lập. Phong Trào Cursillo đã đón nhận lời thách đố này và học hỏi về ơn Đặc sủng của vị sáng lập trong Đại Hội Cursillo Thế Giới kỳ V tổ chức tại Seoul, Đại Hàn năm 1997.
Ngày 6.5.2002, Chân Phước Gioan Phaolô II gi li khuyến khích đến Phong Trào Cursillo, mt n lc canh tân đời sng Kitô hu, hin có mt trong 800 giáo phn, trên 60 quc gia. Số cursillista lên tới 8 triêu người. Đặc sủng Cursillo thể hiện trong tâm tưởng (Mentality), yếu tính (Essence), mục đích (Purpose), phương pháp (Method)sách lược (Strategy) Cursillo.

Bài giảng ĐTC Phanxicô - 16.02.2014


Ai quyết tâm tránh nói xấu sẽ trở nên thánh

Kinh Truyền Tin ngày 16 thàng 02 năm 2014, toàn văn.

Rôma – 16/02/2014 (Zenit.org) 


"Tôi xác tín rằng nếu mỗi người trong chúng ta lấy quyết định tránh nói xấu, cuối cùng người đó sẽ trở nên thánh", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 16/02/2014 vừa rồi, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Để bắt đầu kinh Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng đã cảnh giác chống lại những lời ba hoa, đồn thổi, nói xấu: "những lời nói đó cũng có thể giết người!".
Như vậy, cấm giết người, không phải là chỉ "không được xâm hại mạng sống người khác", mà còn là "không được đổ lên đầu họ thuốc độc của sự giận dữ" hay là "đánh phá họ bằng sự vu khống hay "nói xấu về họ", ngài nhấn mạnh. 
Quả vậy, "những lời nói xấu, cũng có thể giết người, bởi vì nó giết tiếng thơm của người ta! Thật là quá xấu xa khi nói xấu (người khác)… Điều đó khiến trong lòng chúng ta tràn đầy cay đắng, và cũng đầu độc chính chúng ta nữa".

Lời Đức Thánh Cha Phanxicô trước Kinh Truyền Tin.
Thân chào quý anh chị em,
Bài Tin Mừng ngày Chúa Nhật này cũng còn là một phần của bài được gọi là "Bài Giảng Trên Núi", bài giảng quan trọng đầu tiên của Chúa Giêsu. Hôm nay đề tài là thái độ của Chúa Giêsu đối với lề luật Do Thái. Ngài khẳng định rằng: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn" (Mt 5, 17). Như thế, Chúa Giêsu không muốn bãi bỏ những giới luật mà Chúa đã ban cho ông Mô-sê, nhưng Ngài muốn đưa lề luật lên đến chỗ vẹn toàn. Và Ngài nói thêm ngay sau đó rằng "sự kiện toàn" Lề Luật đòi hỏi một nền công lý cao hơn, một sự tuân thủ chính đáng hơn. Ngài đã nói rõ ràng với các môn đệ của Ngài rằng: "Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 5, 20). 

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô - 12.02.2014

Thánh Thể thôi thúc mở lòng ra với tha nhân
 

Bài giáo lý ngày 12 tháng 02 năm 2014, toàn văn

Rôma – 12/02/2014 (Zenit.org)

Thánh Thể phải thôi thúc người Công Giáo coi tha nhân "như anh chị em mình", phải làm lớn lên nơi người Công Giáo "khả năng vui với người đang vui và khóc với người đang khóc", và khả năng "đi tới những người nghèo khổ, những người bệnh tật, những người ngoài lề xã hội", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.
Ngài đánh giá rằng "cách chúng ta nhin và đối xử với tha nhân" quả là "một dấu chỉ cho chúng ta thấy, chúng ta có sống bí tích Thánh Thể cách đúng đắn, hay là không".
Trong buổi triều kiến chung ngày thứ Tư 12/02/2014, Đức Giáo Hoàng đã tiếp nối loạt bài giáo lý mà ngài đã khởi sự hồi đầu năm về các phép bí tích. Sau bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, Đức Giáo Hoàng đã dành buổi sáng nay cho bài giáo lý thứ hai của ngài về bí tích Thánh Thể.
Ngài đã mời gọi hàng ngàn khách hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô hãy xét mình: "tôi đi dự Thánh Lễ, nhưng tôi có lo giúp đỡ những người đang bị vấn đề, có lo đến với họ, có lo cầu nguyện cho họ không? Hay là tôi có chút vô cảm?".
Đức Thánh Cha cũng đưa ra hai chỉ dấu khác để biết nếu người Công Giáo sống bí tích Thánh Thể cách đích thự : "ơn phúc cảm thấy mình được tha thứ và sẵn sàng tha thứ" và "sự xuyên suốt giữa phụng vụ và đời sống".
 
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Trong bài giáo lý lần trước, tôi đã chứng minh sự kiện là bí tích Thánh Thể dẫn dắt chúng ta vào trong sự hiệp thông thật sự với Chúa Giêsu và mầu nhiệm của Ngài. Bây giờ, chúng ta có thể tự đặt cho mình vài câu hỏi về mối quan hệ giữa Thánh Lễ mà chúng ta cử hành và cuộc đời chúng ta, với tư cách Hội Thánh và cá nhân, với tư cách người Kitô hữu. Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta sống Thánh Thể như thế nào? Khi chúng ta đi lễ ngày Chúa Nhật, chúng ta trải nghiệm thánh lễ như thế nào? Có phải đó chỉ là một khoảnh khắc lễ hội, có phải là tập tục đã có từ trước, có phải đó là một cơ hội để chúng ta gặp nhau hay để chúng ta an tâm làm đúng lề luật, hay còn cái gì hơn thế nữa?
Có những dấu chỉ rất cụ thể cho ta hiểu được chúng ta trải nghiệm điều đó như thế nào, trải nghiệm Thánh Thể như thế nào; những dấu chỉ cho chúng ta biết chúng ta có trải nghiệm Thánh Thể cách đúng đắn không, hay chúng ta trải nghiệm chưa được đúng đắn lắm.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô ngày 9/02/2014 (Mt 5,13-16)

Ơn gọi của người Kitô hữu
là mang ánh sáng Chúa Kitô đến cho mọi người

 

Kinh Truyền Tin ngày 09 tháng 02 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 09/02/2014 (Zenit.org)

Mang ánh sáng Thiên Chúa và chuyển giao ánh sáng đó cho thế giới như một "ngọn đèn thắp sáng", theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đó là "ơn gọi của người Kitô hữu".
Đức Giáo Hoàng đã chủ sự Kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật 09/02/2014, từ cửa sổ văn phòng dinh Giáo Hoàng mở ra quảng trường Thánh Phêrô, vào đúng lúc mặt trời bắt đầu tỏa sáng trên thành phố Rôma, sau 15 ngày trời mưa ròng rã.
Sau đây là bản dịch toàn văn lời huấn đức bằng tiếng Ý của Đức Thánh Cha trước Kinh Truyền Tin.

Bài huấn đức của Đức Thánh Cha trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật này, ngay sau Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Anh em là muối cho đời… Anh em là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5, 13-14). Điều này có thể làm chúng ta có đôi chút ngạc nhiên, nếu chúng ta nghĩ tới những người đang đứng trước Chúa Giêsu khi Chúa phán những lời này. Các môn đệ của Chúa là những ai? Họ là những ngư dân, là những người đơn sơ… Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn họ với nhãn quan của Thiên Chúa, và lời Ngài khẳng định phải được hiểu, chính như hậu quả của Tám Mối Phúc Thật. Ngài muốn nói: nếu anh em có tinh thần nghèo khó, nếu anh em dịu hiền, nếu anh em có lòng trong sạch, nếu anh em có lòng thương xót, anh em là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian!
Để hiểu rõ hơn những hình ảnh này, chúng ta hãy nhớ rằng Lề Luật Do Thái ấn định phải bỏ một chút muối vào trong mọi lễ vật dâng lên Thiên Chúa, như một dấu chỉ của Giao Ước. Và rồi ánh sáng, đối với dân Israel, là biểu tượng của mặc khải cứu thế chiến thắng u tối của ngoại đạo.

Giáo lý về BT Thánh Thể - ĐTC Phanxicô 05-02-2014

Đi lễ ngày Chúa Nhật bởi vì "trải nghiệm điều này thật là đẹp!"

Bài giáo lý ngày 05-02-2014 về Bí Tích Thánh Thể

Rôma – 05/02/2014 (Zenit.org) 


Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích giáo dân đi lễ ngày Chúa Nhật : "trải nghiệm điều này, thật là đẹp"
Đức Thánh Cha đã tiếp tục chuỗi bài giáo lý của ngài về các bí tích và đã dành buổi triều kiến ngày thứ tư 05/02/2014 này, trên quảng trường Thánh Phêrô, cho bài về bí tích Thánh Thể.
"Các bạn thân mến, ngày nói, chúng ta không bao giờ cảm ơn Chúa cho đủ vì hồng ân của Ngài đã ban cho chúng ta qua phép Thánh Thể! Đây là một hồng ân quá to lớn, và vì lẽ đó, thật quá là quan trọng phải đi lễ ngày Chúa Nhật. Đi lễ không phải chỉ là để cầu nguyện, mà còn là để Rước Lễ, rước tấm bánh vốn chính là thánh thể của Chúa Giêsu Kitô, đấng đã cứu chuộc chúng ta, đã tha thứ cho chúng ta, đã kết hợp chúng ta với Đức Chúa Cha. Trải nghiệm điệu này thật là đẹp!"
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô được ngài đọc bằng tiếng Ý, kể cả những đoạn ngài ứng khẩu.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay, tôi sẽ trình bầy với anh chị em về Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể, là trung tâm của công cuộc "khai tâm Kitô giáo", cùng với bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, và là chính nguồn mạch sự sống của Giáo Hội. Quả vậy, từ bí tích tình yêu này, đã tuôn ra mọi con đường đức tin đích thực, con đường hiệp thông và chứng tá.
Điều chúng ta nhìn thấy khi chúng ta tề tựu để cử hành bí tích Thánh Thể, trong Thánh Lễ, đã khiến chúng ta cảm nhận được ngay là chúng ta sẽ được sống. Ở giữa không gian dành cho việc cử hành, là bàn thờ, vốn là một cái bàn được trải bằng khăn bàn làm cho chúng ta liên tưởng đến một bàn tiệc. Trên bàn, có cây Thánh Giá để chỉ rõ là trên bàn thờ, chúng ta dâng Đức Kitô lên như của hy tế : chính Ngài là của ăn thiêng liêng mà chúng ta lãnh nhận, dưới hình thể của bánh và rượu. Bên cạnh bàn thờ, có bục giảng, nghĩa là nơi chúng ta tuyên đọc Lời Chúa : điều này cho thấy rằng chúng ta tập họp lại để nghe Chúa phán với chúng ta qua các Thánh Kinh, và như thế, lương thực mà chúng ta nhận được cũng là Lời của Ngài.

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Mục đích của PT Cursillo

Những gì được thực hiện phù hợp với mục đích và phương pháp Cursillo đều lấy Hậu Cursillo làm mục tiêu cuối cùng. Tiền Cursillo và Khóa Học chỉ là những bước đầu tiến tới Hậu Cursillo. Giống như mọi thứ trong cuộc sống, việc này cũng phải trải qua một tiến trình.
·      Tiền Cursillo – con người tìm kiếm Chúa Kitô
·      Khóa Cursillo 3 Ngày – con người gặp Chúa Kitô
·      Hậu Cursillo – con người theo Chúa Kitô; quanh năm sống những điều căn bản để trở nên Kitô hữu đích thực.

Mục Đích PT Cursillo

Cursillo theo đuổi một mục đích hai mặt: mục đích tức thời và mục đích tối hậu:
Mục đích tức thời:
Đặt nền tảng để người ta sống những điều căn bản hầu trở nên Kitô hữu đích thực – tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, được cảm nghiệm qua ba cuộc gặp gỡ thiết yếu: gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Chúa Kitô và gặp gỡ tha nhân.

Mục đích tối hậu:
Đặt Kitô giáo làm “cột sống” (hay nền tảng) trong xã hội, với những người sống những điều căn bản để trở nên Kitô hữu đích thực, phát huy tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, sống đời sống thường ngày trong khi đó vẫn tiếp tục củng cố ba cuộc hội ngộ nói trên.

Mục Đích của Hậu Cursillo

Nói chung, mục đích tức thời của Hậu Cursillo sẽ đạt được nhờ Tiền Cursillo và Khóa Cursillo 3 Ngày. Mục đích tối hậu khởi sự từ  mục đích tức thời này, và dự tính sẽ đạt được trong giai đoạn Hậu Cursillo.
Mục đích căn bản của Hậu Cursillo là canh tân, gia tăng tốc độ và tiếp tục tiến trình hoán cải của mỗi cá nhân, và nhờ đó có thể liên tục biến đổi các môi trường mà những cá nhân đó chịu trách nhiệm, đặc biệt là môi trường gia đình, hàng xóm, sở làm, hội đoàn và những hoàn cảnh thế tục khác. Bởi vì các môi trường này chỉ được biến đổi từ bên trong, cho nên chúng ta phải hướng dẫn các tân Cursillistas nhắm đến các môi trường thích hợp của chính họ. Không cần thiết phải tìm một công tác tông đồ mới hoặc môi trường mới cho họ khi họ rời Khóa Học.
Hậu Cursillo không hề có mục đích biến PT Cursillo thành một đoàn thể hay một tổ chức cho những người đã trải qua một Khóa Học Cuối Tuần. Cũng không có nhiệm vụ cung cấp nhân sự cho mọi thứ công việc của nhà thờ hay các dự án nhân sinh, cho dù những việc này có tốt đẹp cách mấy! Mục đích chính của Hậu Cursillo là cung cấp phương tiện cho mỗi cá nhân, giúp họ kiên trì cố gắng sống cuộc đời Kitô hữu đích thực, làm men muối ngay tại nơi chốn duy nhứt mà Chúa đã đặt để họ; trong các môi trường của họ.
Hậu Cursillo cũng không có mục đích cho người ta tham gia các Hội Nhóm Thân Hữu và Ultreyas để chứng minh họ là Cursillistas; càng không phải quy tụ người ta lại để họ có thể xét mình xem họ đã thực hiện một số công việc hay cam kết gì. Mục đích của Hậu Cursillo là giúp đỡ các Cursillistas nhận ra ơn gọi giáo dân của mình là Giáo Hội một cách tự nhiên, đó là bản chất thế tục của giáo dân. Hơn nữa, Các Cursillistas nên sống ơn gọi giáo dân của mình trong các cơ cấu trần thế nơi họ đang sống.

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Suy niệm TM CN V - Thường Niên A

DỤ NGÔN HẠT MUỐI
Hạt muối Bé nói với hạt muối To: “Em đến chia tay chị, em sắp được hòa trong đại dương”. Muối To trố mắt: “Em dại quá, sao lại để đánh mất mình như thế. Em muốn thì em cứ làm, chị không điên!”.
Muối To thu mình co quắp lại, nhất định không để biển hòa tan. Muối To lên bờ, sống trong vuông muối. Nó vẫn ngạo nghễ, to cứng và nhìn chúng bạn bé tí ti đầy khinh khỉnh. Thu hoạch, nông dân gạt nó ra ngoài, xếp vào loại phế phẩm, còn những hạt muối tinh trắng kia được đội lên đầu, hay bê bên lưng rồi đóng vào bao sạch đẹp… Lần đầu tiên nó thấy mình bị xúc phạm!
Sau một thời gian lăn lóc hết xó chợ này đến xó chợ khác, cuối cùng người ta cho nó vào nồi cám heo. Phải hóa thân phục vụ cho lũ heo dơ bẩn này ư? Nó tủi nhục ê chề! Lòng kiêu hãnh không cho phép nó “tế thân” cho lũ heo hạ tiện. Nó thu mình co cứng hơn mặc cho nước sôi trăm độ cũng không lấy được, dù là cái vảy da của nó.
Khi rửa máng heo, người ta phát hiện nó, và chẳng cần nghĩ suy, ném nó ra đường lộ. Người người qua lại đạp lên nó!
Hạt muối là để hòa tan. Hạt Muối phải chịu tan biến chính mình mới thể hiện giá trị đích thực của hạt muối. Muối đã lạt và không còn khả năng hòa tan thì cũng bị quên lãng hay vứt bỏ ta đường cho người qua lại dẫm đạp mà thôi!

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Cáo Phó - 01/02/2014

TRONG NIỀM TIN VÀO CHÚA KITÔ TỬ NẠN và PHỤC SINH
Gia Đình Hội Học Kitô Giáo Cursillo GP Xuân Lộc 
trân trọng báo tin:

 Anh Đaminh Vũ Văn Hiển
SN 1933 - Dự Khóa #XI năm 1971 tại Gia Viên - Xuân Lộc
 
Đã HOÀN TẤT HÀNH TRÌNH NGÀY THỨ TƯ lúc 19h00 ngày 01/02/2014
(nhằm ngày Mùng 2 Tết Giáp Ngọ)
tại Giáo xứ Tân Mai - Hạt Tân Mai - Hưởng thọ 81 tuổi.
 
Anh Đaminh là Thân Phụ của ANH CURSILLISTA GIUSE VŨ ĐÌNH THẾ, TRƯỞNG LIÊN NHÓM TÂN MAI
và cũng là Thân Phụ của CHỊ CURSILLISTA TÊRÊSA VŨ THỊ HỒNG VÂN, Khóa #14.2012
 

Kính thưa Cha Linh hướng, quý Srs. và quý anh chị,
Trong vòng 2 tuần lễ, gia đình anh Thế đã đón nhận 2 Đại tang...Bà Maria đã được Chúa gọi về ngày 18/01, và nay Ông Đaminh lại được Chúa gọi về nhằm ngày Mùng 2 Tết kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ.

Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại,
vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
Các ngài được mồ yên mả đẹp
và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài
và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.
(Hc 44, 13-15)
Bài đọc trích sách Huấn Ca trong Thánh lễ kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ hôm nay là niềm an ủi và hy vọng cho gia đình anh Thế và chị Vân trong lúc này. 
Khi còn sinh thời, anh Đaminh dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn hiện diện đồng hành với ACE cursillistas Liên Nhóm Tân Mai trong Giờ Tông Đồ hàng tuần và Ultreya hàng tháng. Anh Đaminh là tấm gương sáng và sống động cho ACE cursillistas thế hệ trẻ noi theo về tinh thần kiên trung. Ngày hôm nay, chắc chắn anh Đaminh vẫn luôn hiệp lời nguyện với PT Cursillo Xuân Lộc trong việc thực thi sứ mạng Phúc Âm Hóa môi trường...
Trong tình hiệp thông chia sẻ của Gia Đình Cursillo GP Xuân Lộc, kính xin quý Cha, quý Tu sỹ và quý anh chị cursillistas hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn ĐAMINH và MARIA sớm được hợp hoan cùng Cộng Đoàn Các Thánh trên Thiên Quốc. 
BPV Cursillo Xuân Lộc xin chia buồn cùng anh Thế, chị Vân và toàn thể Tang Quyến. Nguyện xin Thiên Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu xoa dịu nỗi đau mất mát Cha Mẹ kính yêu và an ủi, nâng đỡ gia đình anh chị.
Xin cùng hiệp nguyện, 

BPV PT Cursillo GP Xuân Lộc.