Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Giới thiệu Sách - Tự thuật của Thánh Giáo Hoàng JP II

ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO!
“LEVEZ-VOUS! ALLONS!”
 
(TỰ THUẬT CỦA Thánh GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II)

 
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu gương “MỤC TỬ CHÂN CHÍNH” cho hết mọi mục tử trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay. Những tâm tình mục tử của ngài đã được chính ngài ghi lại trong quyển tự thuật dưới nhan đề “LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO!) vào năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 45 năm tấn phong giám mục và 25 năm triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài được yêu cầu viết ra những hoài niệm liên tục kể từ năm 1958 là năm ngài được bổ nhiệm giám mục.
Đức Thánh Cha thuật lại những gì Chúa Quan Phòng đã tiên liệu cho ngài. Độc giả say mê quyển sách đó vì những “TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI MỤC TỬ” tỏ lộ nơi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi Ngài còn là Giám Mục, Tổng Giám Mục, cho đến Hồng Y rồi Giáo Hoàng.
 
Đành rằng môi trưòng mục vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xảy ra trong một thời điểm khác, với một không gian và thời gian đặc thù, nhưng “TINH THẦN CŨNG NHƯ TÂM TÌNH MỤC TỬ” của ngài thì chung cho hết mọi mục tử, vượt qua mọi không gian và thời gian cố định, để trở nên ngọn đèn soi sáng các mục tử khắp nơi, ngõ hầu “chăn dắt những đoàn chiên con và chiên mẹ của Chúa Kitô” theo tâm tình và ý hướng của Chúa Kitô.
 
Lời giới thiệu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
 
Khi phát hành quyển sách “Ma vocation: don et mystère” (“Ơn gọi của tôi: tặng phẩm và huyền nhiệm”) ghi lại những kỷ niệm và suy tư về lúc khởi đầu cuộc đời linh mục của tôi, tôi đã nhận được nhiều chứng từ đón tiếp nồng hậu đối với quyển sách đó, nhất là về phía giới trẻ.  
Theo những gì người ta nói với tôi, đối với nhiều người trong giới trẻ đó, phần bổ sung của Tông Huấn “Pastores dabo vobis” (“Thầy sẽ ban cho các con những mục tử”) được xác nhận là một sự hỗ trợ quí báu để trao ban cho họ một sự nhận thức đúng đắn về ơn gọi của họ.  
Điều đó khiến tôi rất vui. Cầu xin Chúa Kitô tiếp tục dùng những suy tư đó để đem nhiều người trẻ khác lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người.” (Mc 1,17). 
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm tấn phong giám mục và 25 năm triều đại giáo hoàng của tôi, tôi được yêu cầu ghi lại những hoài niệm liên tục kể từ năm 1958 là năm tôi trở thành giám mục. Tôi thiết tưởng phải chấp nhận lời thỉnh cầu đó, cũng như tôi đã chấp nhận sự gợi ý để cho ra đời quyển sách trước đây.  
Một lý do nữa để thu thập và sắp xếp cho có thứ tự những ký ức và suy tư đó phát sinh bởi một trình tự tăng tiến của một tài liệu dành cho sứ vụ giám mục. Đó là Tông Huấn “Pastores gregis” (“Các mục tử đoàn chiên Chúa”) mà trong đó tôi đã trình bày một cách có hệ thống những ý tưởng được phát biểu suốt khóa họp khoáng đại lần thứ X của Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra trong dịp kỷ niệm năm thánh 2000.  
Trong khi lắng nghe những nghị phụ trình bày cũng như nắm bắt ý nghĩa những văn bản đề nghị, tôi cảm thấy thức dậy trong tôi nhiều kỷ niệm, cũng như nhiều năm tôi được giao phó việc phục vụ Giáo Hội ở Cracovie và trải qua những kinh nghiệm mới tại Roma, trong tư cách người kế vị Thánh Phê-rô.  

Giới thiệu sách - Tiếng Kêu

TIẾNG KÊU
​(Tác giả - Cursillista Micae Bùi Công Thuấn - XL)
 
 
 
LỜI GIỚI THIỆU

Giáo phận Xuân Lộc được Đức Thánh Cha Phaolô VI thành lập ngày 14 tháng 10 năm 1965. Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, Giáo phận luôn dành cho Đức Maria một sự tôn kính đặc biệt. Ước mơ có một trung tâm hành hương dâng kính Đức Mẹ luôn được các Đức cố Giám Mục ấp ủ. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi Đức Cha Cố Giuse Lê Văn Ấn, vị Giám mục tiên khởi, cho khởi công xây dựng trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu và tượng đài Chúa Giêsu núi Tao Phùng vào năm 1972, nhân dịp cử hành Năm Thánh Mẫu.
Đến năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo phận, đức Cha Cố Phaolô Maria đã trao cho Ban Xây dựng Giáo phận nhiệm vụ trùng tu hai công trình hành hương Bãi Dâu và tượng đài Chúa Giêsu núi Tao Phùng.
Công việc trùng tu được mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận tích cực hưởng ứng. Mặt bằng được mở rộng, các hạng mục công trình được đồng loạt tiến hành, bao gồm tượng đài Đức Mẹ, đường Thánh Giá, đường Mân Côi, đồi Calve, nhà thờ, nhà chầu Thánh Thể, nhà hành hương và hàng ngàn bậc tam cấp đi lên các công trình đang xây dựng. Công viên cây xanh, công trường, bãi đậu xe ở trung tâm Bãi Dâu đã được chỉnh trang.
Tại tượng đài Chúa Giêsu núi Tao Phùng, công việc cũng nhộn nhịp không kém. Hàng ngàn bậc tam cấp được xây dựng dẫn lên nhà nghỉ, trạm dừng chân, lên các công trình phụ, lên tượng đài, qua các chặng đàng Thánh Giá, nhà nguyện ở chân tượng đài, và theo 33 bậc trong lòng tượng lên đến tay Chúa Giêsu. Từ đây du khách có thể nhìn ra đại dương bát ngát.
Cả hai công trình tạm hoàn thành vào ngày 22 tháng 07 năm 1997, kỷ niệm 22 năm Giám mục của Đức Cha Cố Phaolô Maria.
Vào dịp đại lễ khánh thành hai công trình này, nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tề tựu về trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Chúa, Đấng qua tay Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã ban cho Giáo phận phát triển mạnh mẽ về nhân sự, cơ sở và đời sống đức tin.
Ngày 22 tháng 11 năm 2005, Giáo phận Bà Rịa được thành lập và tách ra từ Giáo phận Xuân Lộc. Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu và tượng đài Chúa Giêsu núi Tao Phùng đã được trao lại cho Giáo phận mới. Cũng từ đó, Giáo phận Xuân Lộc không còn trung tâm hành hương. Đứng trước những nhu cầu mục vụ của một Giáo phận có số giáo dân đông nhất nước, việc xây dựng một trung tâm hành hương mới lại càng trở nên khẩn thiết hơn.
Sau một thời gian dài tìm kiếm, Giáo phận đã có được một mặt bằng gần 20 hecta ở Russeykeo, nơi có các giáo dân vừa thoát nạn diệt chủng về sinh sống và lập xứ tại đó. Vì thế, nơi đây được xem là nơi lý tưởng để xây dựng một trung tâm hành hương dâng kính Đức Mẹ và tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa vì thời gian qua Giáo phận đã được Chúa, qua sự bầu cử của Đức Mẹ, ban cho biết bao ơn lành. Vì thế Giáo phận cần có nơi để bày tỏ tâm tình tạ ơn và đền tạ. Giáo phận dự tính sẽ dâng kính trung tâm hành hương này cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bởi Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là ơn đầu tiên và cao trọng nhất mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, nâng con người lên địa vị cao trọng nhất; nhưng ngược lại, con người ngày nay khắp nơi trên thế giới đang vùi dập phẩm giá con người xuống vực thẳm bằng mọi phương thế, mọi thủ đoạn, cụ thể là việc bách hại các Kitô hữu, nạn phá thai lan tràn, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nạn diệt chủng… Nhưng tiếc rằng phần đất này không được chấp thuận vì nằm trong vành đai an ninh quốc phòng.

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô - Ơn Sức Mạnh

Ơn Sức Mạnh là thuốc giải của bệnh lười biếng và nản chí

Bài giáo lý thứ tư về các ơn Chúa Thánh Thần (toàn văn)

Rôma – 14/5/2014 (Zenit.org)

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nên kêu cầu Chúa Thánh Thần và xin Người ban Ơn Sức Mạnh khi chúng ta nản chí hoặc lười biếng.
"Mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta phải mạnh mẽ, chúng ta cần có sức mạnh này để điều khiển cuôc đời chúng ta, gia đình chúng ta và để sống đức tin của chúng ta", Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích trong bài giáo lý ngày thứ tư 14/5/2014 này về ơn thứ tư của Chúa Thánh Thần: Ơn Sức Mạnh.
Đức Thánh Cha đã chỉ ra phương thuốc giải cho bệnh lười biếng và nản lòng: "Chúng ta đôi khi có thể bị cám dỗ để mặc cho mình bị bệnh lười biếng, hay tệ hơn nữa, bệnh nản lòng xâm chiếm, nhất là trước những mệt mỏi và thử thách của cuộc đời. Trong những trường hợp này, chúng ta đừng mất can đảm, mà hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần, để với ơn Sức Mạnh, Người có thể nâng đỡ tâm hồn chúng ta và thông truyền cho cuộc đời chúng ta, theo chân Chúa Giêsu, một sức mạnh và một sự phấn khởi mới".
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý bằng tiếng Ý của Đức Thánh Cha.
A.B.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về Ơn Sức Mạnh
Thân chào quý anh chị em!
Trong các bài giáo lý trước đây, chúng ta đã suy nghĩ về 3 ơn đầu tiên của Chúa Thánh Thần: ơn Khôn Ngoan, ơn Trí Tuệ và ơn Soi Sáng. Hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến điều Chúa đã làm: Người luôn đến để nâng đỡ chúng ta trong lúc yếu đuối và Người thực hiện chuyện này bằng một ơn đặc biệt: ơn Sức Mạnh.
1. Có một dụ ngôn, được Chúa Giêsu kể, Người giúp chúng ta nắm bắt được tầm quan trọng của ơn này. Một người gieo hạt ra đồng gieo giống; nhưng không phải mọi hạt giống người này gieo xuống đất đều đâm bông kết hạt. Có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất; có hạt rơi trên sỏi đá hay rơi vào bụi gai, có nẩy mầm thì cũng nhanh chóng bị khô cháy dưới ánh nắng hay bị gai góc làm chết nghẹt. Chỉ có những hạt rơi nhằm đất tốt mới có thể mọc lên và đơm hoa kết quả (x. Mc 4, 3-9; Mt 13, 3-9; Lc 8, 4-8).

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Giới thiệu sách - Nhật ký tâm hồn của TGH Gioan XXIII

NHẬT KÝ TÂM HỒN CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG


    LỜI GIỚI THIỆU [1]

Quyển sách không cần đề tựa dài dòng, chỉ cần đọc những dòng đầu, đủ khiến bạn suy nghĩ và biết đâu bạn sẽ có nhiều quyết định đổi mới đời sống, vì chỉ riêng tên gọi Gioan XXIII đã gây niềm thông cảm và tin tưởng sâu xa nơi lòng bạn.
Đây là những dòng tâm huyết trong ngần của một con người, của người linh mục, đơn sơ nhưng chứa đựng sức sống bên trong dồi dào với những vẻ đẹp hấp dẫn, an ủi và khích lệ người đọc.
Đây những trang nhật ký, tác giả đã tự ghi lại khi tuổi vừa 14, từ năm 1895 đến vài tháng trước khi về cùng Chúa (lễ Hiện xuống 1962), BẢY MƯƠI NĂM dài của con người từ chủng sinh đến cương vị Giáo hoàng.
Chính Đức Gioan XXIII đề tên cho quyển sách là “Tâm hồn Nhật ký” từ năm 1902, dưới ánh đèn dầu leo lét của chủng viện, sau giờ nguyện ngắm. Những quyển Nhật ký được ngài đọc lại luôn để tự kiểm thảo và nhìn thẳng vào tâm hồn mình.

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô - Ơn Soi Sáng

Cầu nguyện trong thinh lặng trên xe buýt, ngoài đường phố: "Lạy Chúa, xin hãy chỉ bảo cho con"

Bài giáo lý về Ơn Soi Sáng ngày 07 tháng 5 năm 2014

Rôma – 07/5/2014 (Zenit.org)

 
Đức Giáo Hoàng mời gọi hãy cầu nguyện "trên xe buýt, ngoài đường phố, trong lòng chúng ta: "Anh chị em hãy cầu xin Chúa: 'Lạy Chúa, xin giúp đỡ con, xin chỉ bảo cho con, con phải làm gì bây giờ?' ".
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục chu trình giáo lý của ngài về 7 ơn của Chúa Thánh Thần, sáng nay, 07/5/2014, trong phiên triều kiến chung: sau Ơn Khôn Ngoan ngày 09/4/ và Ơn Trí Tuệ ngày 30/4, Đức Giáo Hoàng đã suy ngẫm về Ơn Soi Sáng, "ơn mà qua đó Chúa Thánh Thần khiến cho lương tri có khả năng lựa chọn cụ thể theo lôgic của Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người".
Qua ơn soi sáng, chính là "Thiên Chúa, qua Thần Khí của Người", sẽ "soi sáng" tâm trí con người bằng cách "làm cho con người hiểu được cách phát ngôn và hành xử đúng đắn và con đường phải noi theo"
"Trong thâm tình với Thiên Chúa và trong sự lắng nghe Lời Người, dần dần chúng ta sẽ bỏ qua một bên cái lôgic cá nhân của chúng ta, cái lôgic thường hay bị chi phối bởi những khép kín, những định kiến và những tham vọng của chúng ta và trái lại, chúng ta học được cách hỏi Chúa: Chúa mong muốn điều gì? Thánh Ý Chúa là thế nào? Điều gì làm Chúa hài lòng?", Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.
Nhưng Chúa không "chỉ nói với con người trong thâm tâm", Người cũng còn nói với con người "qua tiếng nói và sự làm chứng của các anh em, những con người nam và nữ của đức tin", những người "giúp cho mình soi sáng tâm hồn mình và nhận biết Thánh Ý Chúa", ngài nói thêm.
A.K.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Trong đoạn này của sách Thánh Vịnh, chúng ta đã nghe đọc: "Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy: ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con" (Tv 16, 7). Và đây là một ơn nữa của Chúa Thánh Thần: ơn soi sáng. Chúng ta đều biết rằng trong những lúc tế nhị nhất, thật là quan trọng nếu chúng ta có thể tin cậy được vào những gợi ý của những người khôn ngoàn và yêu thương chúng ta. Bây giờ, qua ơn soi sáng, chính Thiên Chúa, nhờ Thần Khí của Người, soi sáng tâm trí chúng ta và làm cho chúng ta thấu hiểu cách đúng đắn nhất để phát ngôn và để hành xử, cũng như con đường phải theo. Ơn này tác động trong chúng ta như thế nào?
1. Khi chúng ta chào mừng và đón nhận Chúa Thánh Thần vào trong lòng, Người liền bắt đầu làm cho chúng ta nhậy cảm với tiếng nói của Người và hướng tư tưởng, tình cẳm và ý định của chúng ta theo lòng trí của Thiên Chúa. Đồng thời, Người thúc đẩy chúng ta ngày càng hướng tầm nhìn nội tâm của chúng ta vào Chúa Giêsu, khuôn mẫu của phương cách hành động và sống trong quan hệ với Thiên Chúa Cha và với anh em chúng ta. Ơn soi sáng như thế là ơn, qua đó, Chúa Thánh Thần khiến cho lương tri chúng ta có khả năng lựa chọn cụ thể trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, theo lôgic của Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người. Bằng cách này, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta lớn lên về nội tâm, Người làm cho chúng ta lớn lên cách tích cực, Người làm cho chúng ta lớn lên trong cộng đoàn và giúp cho chúng ta thoát khỏi tính ích kỷ và cách nhìn sự việc của riêng chúng ta. Như vậy, Chúa Thánh Thần giúp cho chúng ta lớn lên và sống cộng đồng. Điều kiện cốt yếu để gìn giữ ơn này là cầu nguyện. Chúng ta lại trở về với tiêu đề cũ: cầu nguyện! Nhưng cầu nguyện thật quá là quan trọng. Cầu nguyện bằng những câu kinh mà chúng ta đã học thuộc lòng từ lúc còn bé, nhưng cũng phải cầu nguyện với những lời lẽ riêng của chúng ta. Cầu xin Chúa: "Lạy Chúa, xin Chúa gíúp con, xin Chúa soi sáng cho con, con phải làm gì bây giờ?" Và tất cả chúng ta phải thực hiện điều này. Cầu nguyện! Đừng bao giờ quên cầu nguyện. Đừng bao giờ! Không có ai, không có ai có thể thấy được khi chúng ta cầu nguyện trên xe buýt, ngoài đường phố: chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng, trong lòng chúng ta. Chúng ta hãy lợi dụng những khoảnh khắc này để cầu nguyện: cầu nguyện để Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn soi sáng.

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Giới thiệu sách: Youcat Việt Nam

YOUCAT VIỆT NAM
Dịch giả: Lm.Antôn Nguyễn Mạnh Đồng 
Nhà xuất bản: Tôn Giáo
Năm xuất bản: 2013
Số trang: 404 trang
Kích cỡ : 14×21
Ngay từ thập niên 1980 đã có một số người có can đảm lo soạn một Sách Giáo lý để phổ biến giáo huấn của Công đồng Vatican II, nhưng ngôn ngữ vẫn y nguyên như GLGHCG, chung cho mọi người, không thích nghi với giới nào. Đến đời đức Bênêdictô XVI, qua việc tham dự những WYD ở Rôma (1996), Toronto (2002), Cologne (2005), Sydney (2008), ngài đã chứng kiến các người trẻ khắp nơi trên thế giới gặp nhau, họ là những người muốn tin, những người đang tìm kiếm Thiên Chúa, yêu mến Chúa Kitô, và muốn bước theo con đường của Người. Trong bối cảnh đó, ngài tự hỏi có cần phải tìm cách viết lại sách GLGHCG bằng ngôn ngữ thích hợp với người trẻ để làm cho sứ điệp Tin Mừng thấm nhập thế giới hôm nay chăng? Rồi Đức Bênêđictô XVI quyết định soạn lại Sách Toát yếu GLGHCG sao cho người trẻ thời hiện đại có thể hiểu được. Ngài trao cho đức Hồng y Schönborn đảm nhận. Cuối cùng sau 5 năm làm việc với 70 bạn trẻ, YouCat đã chào đời bằng tiếng Đức, được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, vào dịp WYD ở Madrid năm 2011. YouCat là viết tắt của tiếng Anh: Youth Catechism, giáo lý cho người trẻ.
Đầu năm 2013, Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng đã chuyển dịch toàn bộ YouCat sang tiếng Việt, Dịch giả đã cố gắng chuyển ý cho thật trung thực với bản YouCat Pháp. Để hiểu rõ hơn về YouCat, dịch giả đã thêm dẫn nhập, giúp các bạn trẻ có cái nhìn tổng hợp và hữu cơ về toàn bộ giáo lý. Đó là những điều mà YouCat gốc không có. Ngoài ra YouCat đã cố gắng trích dẫn những tác giả Á Đông là ông Gandhi, và Lữ Bất Vi, Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử, và 13 trích dẫn của nhiều tác giả Việt Nam: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, ca dao, châm ngôn …
YouCat, một bộ sách Giáo Lý dành cho người trẻ rất hấp dẫn cả về hình thức và nội dung.

YouCat có nhiều hình ảnh minh họa thực tế, cách trình bày rất sinh động. Mời bạn đọc cùng đến tập sách hay, tin chắc bạn đọc sẽ say mê và yêu thích.

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - CN III Phục Sinh

Sự quyến luyến đặc biệt của các môn đệ
trên đường Ê-mau với người huyền bí

Đức Giáo Hoàng bình giảng bài Phúc Âm về các môn đệ trên đường E-mau

Rôma – 04/5/2014 (Zenit.org)


"Khi con buồn, hãy đọc Lời Chúa và đi lễ để rước lễ", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích khi bình giảng đoạn Phúc Âm nói về các môn đệ trên đường Ê-.mau. Ngài nhấn mạnh "sự quyến luyến đặc biệt của các môn đệ  trên đường Ê-mau đối với người huyền bí". "Lời Chúa và Thánh Thể làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui" Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh. 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự giờ kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng buổi trưa Chúa Nhật 04/5/2014, từ cửa sổ văn phòng của ngài mở ra quảng trường Thánh Phêrô, sau khi chủ tế Thánh Lễ Tạ Ơn sau lễ phong thánh các Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, tại nhà thờ thánh Stanislas của những người Balan tại Rôma, ở giữa quảng trường Venise và Largo Argentina.
Sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình ở Ukraina và cho các nạn nhân của vụ đất sụt lở tại Afghanistan. Ngài đã thông báo một chuyến viếng thăm Đại Học Công Giáo ở Rôma, và ngài đã chào mừng Hội Trạm Người Điếc của thành phố Lyon.
Ngài cũng đã khuyến khích cuộc Đi Bộ bảo vệ sự sống ở nước Ý và hội Meter bảo vệ trẻ em chống nạn lạm dụng tình dục.
Sau đây là bản dịch toàn văn lời Đức Giáo Hoàng trước và sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trướng Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng
Thân chào quý anh chị em!
Bài Phúc Âm Chúa Nhật thứ ba Phục Sinh là bài về các môn đệ trên đường Ê-mau (x. Lc 24, 14-35). Đó là hai môn đệ của Chúa Giêsu; sau cái chết của Người, và sau ngày sabbat, họ đã buồn nản rời Giêrusalem để trở về quê quán của mình, tên gọi là làng Ê-mau.

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Cursillistas - Môn đệ Chúa Giêsu

 
Môn đệ, người là ai?
Thần học Tin mừng Gioan không phân biệt giữa Tông đồ – Môn đệ. Mọi người đều có thể trở thành môn đệ. Ba yếu tố để trở thành môn đệ:
-  Tin vào Đức Giêsu và ở lại trong Lời của Ngài (x. Ga 8,31)
-  Yêu thương nhau như Ngài đã yêu (x.Ga 13,35)
Tôn vinh Chúa Cha (x.Ga 15,8)
Trong bữa ăn cuối cùng, Tin Mừng thứ Tư ghi lại: “Trước lễ Vượt Qua Đức Giêsu biết rằng giờ của Ngài đã đến, Ngài đã yêu thương kẻ thuộc về mình…và đã yêu đến cùng (x.Ga 13,2). Kiểu nói này ám chỉ tất cả những người đã tin vào Đức Giêsu.
 
Người Môn Đệ Chúa Yêu là ai?
 
Chúng ta ngạc nhiên tại sao người môn đệ này không xưng tên tuổi của mình, không nói rõ ra mình là ai, và trong 2000 năm qua, các nhà nghiên cứu về người Môn Đệ Chúa Yêu vẫn luôn luôn xem coi người này là ai và hầu hết đều nói đây là thánh Gioan. Dù thánh Gioan cũng đã chết nhưng người Môn Đệ Chúa Yêu thì vẫn còn mãi cho đến ngày Chúa trở lại. Đọc Phúc âm thứ tư, chúng ta thấy rất rõ điều đó.
 
Thánh Augustinô dựa trên 5 điểm trong Phúc âm Gioan đề cập đến người môn đệ Chúa yêu để nói rằng:
 
1/ Hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa
Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, sau đó Người nói : một người trong anh em sẽ nộp Thầy (x.Ga 13,21). Các môn đệ phản ứng về lời loan báo của Đức Giêsu. Trong bối cảnh này người Môn Đệ Chúa Yêu xuất hiện lần đầu tiên trong Tin Mừng (x.Ga 13,22-26).
 
Thánh Phêrô đưa mắt làm hiệu cho người Môn Đệ Chúa Yêu, và người này hiểu được ý của người anh cả Phêrô của mình, đồng thời cũng là vị bề trên của mình, lập tức ông nghiêng đầu vào ngực Chúa Giêsu. Thực ra chỉ cần nghiêng qua hỏi nhỏ Chúa là đủ rồi : “Thưa Thầy, Thầy nói về ai vậy ?”.
 
Vậy người Môn Đệ Chúa Yêu gục đầu vào ngực Chúa đó là hình ảnh của người môn đệ lắng nghe tiếng nói của trái tim, lắng nghe niềm tâm sự của Chúa Giêsu.

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô - Ơn Hiểu Biết


Hiểu biết mọi sự như Thiên Chúa hiểu biết

Bài giáo lý về Ơn Trí Tuệ ngày 30 tháng 4 năm 2014 (toàn văn)
Rôma – 30/4/2014 (Zenit.org)

 

Ơn trí tuệ "làm cho hiểu biết mọi sự như Thiên Chúa hiểu biết, với trí tuệ của Thiên Chúa": chính là "ơn qua đó, Chúa Thánh Linh đưa [con người] vào trong thâm tình của Thiên Chúa và làm cho [con người] tham dự vào dự định tình yêu của Người", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Đức Giáo Hoàng đã dành bài giáo lý của ngày thứ Tư 30/4/2014 cho ơn trí tuệ, ơn thứ nhì của Chúa Thánh Thần sau ơn khôn ngoan, được nhắc đến vào ngày 09/4/2014 vừa qua.
Nếu "người ta có thể hiểu biết một hoàn cảnh với trí tuệ con người, với sự thận trọng", tuy nhiên, "hiểu biết sâu sắc một hoàn cảnh, như Thiên Chúa hiểu biết", là tác dụng của ơn trí tuệ, ngài nhấn mạnh.

Quả thật, bằng ơn này, "Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta, Ngài mở lòng chúng ta để chúng ta hiểu biết hơn, để chúng ta hiểu biết hơn mọi sự của Thiên Chúa, những sự việc con người, những hoàn cảnh, tất cả" ngài nói thêm.



Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!
Sau khi xem xét ơn khôn ngoan, vốn là ơn thứ nhất trong 7 ơn của Chúa Thánh Thần, ngày hôm nay, tôi muốn lưu ý chúng ta về ơn thứ nhì, đó là ơn trí tuệ. Không phải là trí tuệ loài người, là khả năng trí thức mà chúng ta có thể ít nhiều có được. Trái lại, chính là một ơn mà chỉ có Chúa Thánh Thần có thể ban xuống, và Người khơi lên trong các Kitô hữu khả năng đi xa hơn bề ngoài của hiện thực và khả năng tìm hiểu kỹ càng chiều sâu của thánh ý Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người.

Khi nói với cộng đoàn ở Côrintô, thánh Phaolô tông đồ đã mô tả những tác dụng của ơn này – nghĩa là ơn trí tuệ tác động trong chúng ta như thế nào – và thánh Phaolô nói: "chúng ta loan báo điều mà mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mạc khải cho, nhờ Thần Khí" (1 Cr 2, 9-10). Điều này đương nhiên không có nghĩa là một Kitô hữu có thể hiểu được tất cả và biết đầy đủ về những công trình của Thiên Chúa: tất cả điều đó nằm trong sự chờ đợi được thể hiện trong tất cả sự trong sáng khi chúng ta đứng trước Thiên Chúa và chúng ta sẽ trở nên một với Người. Nhưng như chính hai chữ trí tuệ gợi ý cho ta hiểu là "intus legere", nghĩa là "đọc từ bên trong": ơn này làm cho chúng ta hiểu biết mọi sự như Thiên Chúa hiểu biết, với trí tuệ của Thiên Chúa. Bởi vì nếu người ta có thể hiểu được một tình huống với trí tuệ loài người thì đã là tốt rồi. Nhưng hiểu được một  tình huống một cách sâu sắc, như Thiên Chúa hiểu, thì đó là tác động của ơn này. Và Chúa Giêsu đã muốn gửi Chúa Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta có được ơn này, để tất cả chúng ta có thể hiểu mọi sự như Thiên Chúa hiểu, với trí tuệ của Thiên Chúa. Đó là một ơn cao quý mà Chúa đã ban tặng cho tất cả chúng ta. Đó là ơn, qua đó Chúa Thánh Thần đưa chúng ta vào trong thâm tình của Thiên Chúa và cho húng ta thông hiệp vào dự định tình yêu của Người đối với chúng ta.

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Giới thiệu sách - Giáo lý theo Kinh Tin Kính của Thánh GH Gioan Phaolo II

GIỚI THIỆU SÁCH
GIÁO LÝ THEO KINH TIN KÍNH
của THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
 
 
 
Lời Tựa
“Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha, (Đấng) Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật, hữu hình và vô hình.”
Những bài giáo lý căn cứ theo Kinh Tin Kính, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày tại các buổi gặp chung hằng tuần từ năm 1985 đến 1991, được xuất bản thành ba tập. Hướng vào Thiên Chúa Ba Ngôi, những bài giáo lý này nói về Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Tập I giới hạn theo lời tuyên tín thứ nhất của Kinh Tinh Kính Nicene tuyên xưng trên đây.
Tại sao Đức Giáo Hoàng quyết định triển khai giáo lý theo Kinh Tin Kính? Từ sau khi Sách Giáo Lý Giáo Hội Roma công bố lần đầu tiên năm 1566, nhiều đề nghị khác nữa về giáo lý chung cho Giáo Hội hoàn vũ đã từng được đưa ra để yêu cầu chấp thuận, nhưng không kết quả. Đề nghị này lại xuất hiện tại Công Đồng Vatican II. Đề nghị còn được nhắc lại tại các Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974 và 1977 để phản đáp sách giáo lý (tiếng) Hòa Lan năm 1966. Quan tâm tới những phân hóa trong Giáo Hội về môn sư phạm giáo lý, Đức Gioan Phaolô II phổ biến cuốn Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng Ta (Catechesis in Our Time) của ngài năm 1979. Câu hỏi được đặt ra là: có liên quan gì giữa lời giới thiệu sách giáo lý do Thượng Hội Đồng Giám Mục Khóa Ngoại Lệ tháng 12 năm 1985 đưa ra và sách giáo lý theo Kinh Tin Kính của Đức Gioan Phaolô II bắt đầu từ tháng 1 cũng năm đó không? Đức Giáo Hoàng đã chuẩn thuận lời giới thiệu Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo và sách đó đã được ấn hành năm 1992. Ba bộ sưu tập các bài giảng của Đức Gioan Phaolô II về Kinh Tin Kính tương ứng với Phần Một của bộ sách giáo lý năm 1992. Dù có công việc bề bộn, Đức Gioan Phaolô II vẫn dành những buổi tiếp kiến chung hằng tuần từ tháng Giêng 1985 tới tháng Tám 1986 để giải thích lời tuyên tín thứ nhất trong Kinh Tin Kính (theo Công Đồng) Nicene.
Thật là một đặc ân cao cả khi “lắng nghe” lời Vị Đại Diện Chúa Kitô về những vấn đề quan trọng sinh tử đối với đời sống nhân loại và Kitô hữu. Đức tin trở nên sống động và ý niệm đời sống vĩnh cửu mang lại sinh lực mới, không chỉ là “tính bất tử” mà là chính sự sống của Thiên Chúa Đấng hằng hữu. Nhờ chịu Phép Rửa, chúng ta mới biết sống trong nhận thức và yêu mến Thiên Chúa -  theo tâm tình của con cái mà Ngài thừa nhận vào gia đình.
Đức Gioan Phaolô II nói theo thẩm quyền Vị Đại Diện Chúa Kitô và với tinh thần quán triệt thông điệp của Thiên Chúa. Ngài có thể truyền thông lời Chúa vì ngài biết tâm thức nhân loại ngày nay.
Các học giả sẽ cảm kích sự thông suốt hài hòa của Đức Giáo Hoàng chúng ta về Sách Thánh và các công đồng danh tiếng, cũng như sự hiểu biết tiên khởi (trực giác) của Aristotle và Thomas (St. Thomas Aquinas) đặt nền tảng tri thức cho thế kỷ 20. Thế nhưng, người khác sẽ không mất hứng thú vì những ý niệm khó hiểu hoặc biệt ngữ chuyên môn. Họ sẽ được thỏa mãn với những vấn nạn trong tâm trí. Hiển nhiên nhờ mạc khải của Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô II trang trọng và hân hoan đề cập đến những lời giải đáp của Thiên Chúa trong tâm trạng mọi người về các vấn đề và vấn nạn được nhìn qua lăng kính hiện đại....    
Trong tâm tình cảm tạ hồng ân Chúa về biến cố trọng đại dịp phong Hiển Thánh cho hai Thánh Giáo Hoàng: Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, xin trân trọng giới thiệu đến quý anh chị, bộ sách do bác Giuse Nguyễn Đức Tuyên - PT Cursillo GP Orange - USA chuyển gởi.
Xin xem và download tại đường link:
- Chúa Cha - Đấng Tạo Dựng
 
- Chúa Giêsu - Đấng Cứu Chuộc
 
- Chúa Thánh Thần - Đấng Ban Sự Sống và Tình Yêu
 
Xin Ba Ngôi Thiên Chúa ban muôn hồng ân xuống trên quý anh chị.
 
De Colores!




Giới thiệu sách - Suy niệm theo lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II

GIỚI THIỆU SÁCH

 
SUY NIỆM VỀ CHÚA CHA - CHÚA CON - CHÚA THÁNH THẦN
QUA LỜI CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
 

Trong Tông thư Tertio Millennio Adveniente (Ngàn Năm Thứ Ba Đang Tới), Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II kêu gọi toàn thể Kitô hữu chuẩn bị bản thân để mừng Năm Thánh 2000 bằng cách suy gẫm trong cầu nguyện về bản tính Thiên Chúa - Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần - và những chủ đề căn bản về đời sống Kitô hữu. Những trích tuyển từ các tài liệu và diễn văn của Đức Thánh Cha trong nội dung sách này được sắp xếp theo phương thức suy niệm ngài đưa ra trong Tông thư năm 1997 nhắm vào Thiên Chúa Con, năm 1998 về Thiên Chúa Thánh Thần, và năm 1999 về Thiên Chúa Cha.

Kết quả là cuốn sách đọc-ba-năm cung cấp dồi dào chất liệu cho việc suy gẫm trong mùa chuẩn bị này. Mỗi năm có năm muơi hai bài, mỗi tuần một bài. Tác giả cẩn thận sắp xếp các bài theo chủ đề. Tác giả mời độc giả đọc một vài lời dẫn nhập vào đề tài chính. Chúng tôi đề nghị quí vị đọc đề tài trích tuyển ngay đầu mỗi tuần và suy gẫm ý nghĩa nội dung đó. Hãy để ý nghĩa của nội dung phản ánh trong quí vị suốt bảy ngày. Nếu quí vị tiến hành như thế, vào cuối mỗi trong ba năm này, chắc chắn quí vị thấy những lời Đức Thánh Cha là nguồn kiến thức phong phú, là sự khích lệ, và động lực thúc đẩy chuẩn bị đón ngày mừng đại sinh nhật Chúa Giêsu - và đón bình minh thiên niên thứ ba của Giáo Hội.
--------------
Nhân dịp phong Hiển Thánh cho 2 Đức Giáo Hoàng, xin giới thiệu với quý anh chị tập sách Suy niệm theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, do Bác Giuse Nguyễn Đức Tuyên - PT Cursillo GP Orange - USA chuyển gởi.
Xem và download tại đường link:
- Năm Thánh Chúa Kitô:
- Năm Thánh Chúa Thánh Thần:
- Năm Thánh Chúa Cha:

Bộ sách rất hữu ích để suy niệm và học hỏi về Thiên Chúa Tình Yêu.

Nguyện chúc quý anh chị luôn được Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hành trong mọi ngày của đời sống.

De Colores!