Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Sứ điệp Giáng Sinh 2014

"Cầu xin cho chúng con cảm nhận được quyền năng
Đức Kitô vốn là giải thoát và phục vụ"

Sứ điệp Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (toàn văn)

Rôma – 25/12/2014 (Zenit.org)

"Cầu xin quyền năng Đức Kitô, vốn là giải thoát và phục vụ, làm cho chúng con cảm nhận được": đó là lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho thế giới trong lễ Giáng Sinh năm 2014 này.
Ở giữa sứ điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng đã thêm vào bản văn dự trù, một lời kêu gọi giúp cho các trẻ em trên thế giới, bằng một giọng nói nghiêm trọng, chậm dãi, phiền lòng vì một "sự im lặng đồng lõa".
Sau đây là bản dịch toàn văn bản sứ điệp được Tòa Thánh phổ biến bằng tiếng Pháp, với những lời nói thêm của Đức Giáo Hoàng (chữ nghiêng) được Zenit ghi nhận và dịch ra tiếng Pháp.
A.B.
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Anh chị em thân mến, Giáng Sinh vui vẻ!
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, đã sinh ra cho chúng ta. Người sinh ra ở Bêlem bởi một trinh nữ, thực hiện những lời tiên trị cổ xưa. Trinh nữ tên là Maria, chồng bà là Giuse.
Đó là những con người khiêm tốn, đầy lòng hy vọng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, đã đón nhận Chúa Giêsu và đã nhận biết Người. Như thế, Chúa Thánh Linh đã soi sáng các mục đồng Bêlem, khiến họ chạy lại hang đá và đã thờ lậy Hài Nhi. Chúa Thánh Linh đã soi dẫn những người già lão, Si-mê-ông và Anna, trong Đền Thờ Giêrusalem, và ông bà đã nhận ra nơi Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai. "Chính mắt con được thấy ơn cứu độ" – ông Si-mê-ông kêu lên – "ơn cứu độ là Chúa đã dành sẵn trước mặt muôn dân" (Lc 2, 30).
Phải, anh chị em, Chúa Giêsu là ơn cứu độ cho mỗi con người và cho mỗi dân tộc.
Với Người, Chúa Cứu Thế, tôi cầu xin Người hãy đoái nhìn các anh chị em chúng ta ở Irak và Syria, từ lâu nay, đang phải chịu đựng những hậu quả của cuộc chiến tranh đang diễn ra và, với những người thuộc về các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số khác, đang bị một cuộc bách hại tàn nhẫn. Cầu mong Giáng Sinh mang lại niềm hy vọng cho họ, cũng như cho đông đảo những người đang ly tán, di tản, tỵ nạn, những trẻ em, người lớn, người già, trong vùng này và trên toàn thế giới; cầu mong sự vô cảm biến thành sự gần gũi và sự từ chối thành sự đón tiếp, để cho tất cả những người hiện đang chịu thử thách có thể nhận được cứu trợ nhân đạo cần thiết để sống qua sự khắc nghiệt của mùa đông, có thể trở lại cố hương và có cuộc sống xứng đáng.

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Mừng Giáng Sinh 2014

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 
VÀ NĂM MỚI 2015



Kính chúc quý Linh hướng, quý anh chị cursillistas khắp muôn nơi

MỘT MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH, TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU và
NIỀM VUI CỦA ĐẤNG EMMANUEL
MỘT NĂM MỚI HẠNH PHÚC - KHANG AN TRONG ƠN SỦNG CỦA CHÚA XUÂN.

De Colores! Ultreya! Emmanuel!

BPV Cursillo Xuân Lộc

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo dịp Giáng Sinh 2014 - UBGD CG

 
 
THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH Công GiáoDỊP LỄ GIÁNG SINH 2014
Các con thương mến,

Mỗi lần nghĩ đến các con, Cha lại thấy dâng trào trong lòng niềm hy vọng cho tương lai của Giáo Hội và Đất Nước. Vì thế, Cha muốn mượn lời của Thánh Phaolô để nói với các con rằng: “Cha hằng cảm tạ Thiên Chúa mỗi lần nhớ đến các con và Cha luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho các con” (x. Pl 1,3-4). Trong tâm tình yêu thương đó, Cha muốn gửi đến các con lời cầu chúc lễ Giáng Sinh: Nguyện xin Chúa Hài Nhi ban cho các con Ơn An Bình và Niềm Vui của những người có tâm hồn ngay thẳng, được Thiên Chúa yêu thương (x. Lc 2,14). 

Hãy vui lên: Chúa Cứu Thế đã đến

Trong Thánh lễ Đêm Giáng Sinh, các con được nghe lời Thiên Thần Chúa nói với các mục đồng năm xưa: “Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em… Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Lời loan báo của Thiên Thần Chúa, được công bố trong Phụng vụ, không phải chỉ là việc của một quá khứ xa xưa, nhưng là lời loan báo trong hiện tại. Vì thế, các con hãy đón nhận những lời này như những lời được Thiên Thần Chúa nói lần đầu tiên cho chính các con.

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình - 17.12.2014


Chúa Giêsu đã có thể xuống thế như một chiến sĩ,
một hoàng đế.


Bài giáo lý ngày 17 tháng 12 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 18/12/2014 (Zenit.org)

"Chúa Giêsu đã có thể xuống thế một cách huy hoàng, hay như một người chiến sĩ, như một vị đế vương… Không, không: Người đã ngự đến dưới hình hài đứa con của một gia đình, trong một gia đình. Điều này quan trọng: anh chị em hãy nhìn trong hang đá, cảnh tượng này đẹp biết bao!": Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục chu kỳ các bài giáo lý của ngài về gia đình bằng suy nghĩ này, được gợi ý bởi thời điểm gần đến lễ Giáng Sinh.

Ngài đặt câu hỏi: có phải Chúa Giêsu đã chẳng "mất đi 30 năm" của cuộc đời Người, khi sống ở thành Nazareth trong suốt những năm đó sao? Trả lời: sự quan trọng của gia đình, đối với Thiên Chúa cũng vậy.

Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban ra bằng tiếng Ý nhân buổi triều kiến chung cuối cùng của năm nay, thứ Tư 17/12/2014, đúng ngày sinh nhật của ngài.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!

Thượng Hội Đồng Các Giám Mục về gia đình mới họp đây, đã là bước thứ nhất của một hành trình, sẽ chấm dứt vào tháng 10 sắp tới với việc tổ chức một công nghị khác với đề tài: "Ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong Giáo Hội và trên thế giới". Cầu nguyện và suy nghĩ đi theo tiến trình này là bổn phận của toàn thể Dân Thiên Chúa. Tôi cũng muốn những chiêm niệm thông thường của các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư hàng tuần, gắn liền với hành trình chung này. Vì thế, tôi đã quyết định cũng với anh chị em, trong năm nay, suy nghĩ về gia đình, về đại ân này mà Chúa đã ban cho thế gian ngay từ lúc sơ khai, khi Người giao cho ông Ađam và bà Eva sứ vụ sinh sôi nẩy nở cho đầy trái đất (x. St 1, 28). Ơn phúc mà Chúa Giêsu đã củng cố và ghi khắc trong Phúc Âm của Người.

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - 14.12.2014

Đừng đi tìm đâu nữa: Chúa Giêsu mang lại
cho mọi người sự vui mừng mãi mãi

Kinh Truyền Tin ngày 14 tháng 12 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 14/12/2014 (Zenit.org)

"Đừng đi tìm đâu nữa! Chúa Giêsu đã ngự đến, mang cho mọi người nỗi vui mừng bất tận", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói vào giờ Kinh Truyền Tin Chúa Nhật này "về sự vui mừng".
Ngài đã nhấn mạnh về tính thời sự của niềm vui mừng này: "Không phải chỉ là một niềm vui mừng mong ước hay niềm vui mừng trên thiên đàng, nhưng là một niềm vui mừng thật sự mà người ta có thể trải nghiệm hôm nay, bởi vì chính Chúa Giêsu là niềm vui mừng của chúng ta".
Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra những điều kiện để trở thành "những sứ giả của vui mừng".
Và niềm vui mừng này cũng đến từ sự giải phóng mà Đức Kitô đã thực hiện. Ngài "giải thoát chúng ta ra khỏi nhiều cảnh nô lệ nội tại cũng như ngoại lai", Đức Giáo Hoàng kết luận.
Sau Kinh Truyền Tin, ngài đã thông báo một món quà nhỏ mà ngài đã ban cho hàng chục ngàn người hiện diện trên quảng trường thánh Phêrô: một cuốn sách nhỏ, bằng tiếng Ý, nhan đề là "cầu nguyện", cần luôn mang bên mình để giúp mình cầu nguyện trong mọi tình huống.
"Cầu nguyện là sự hô hấp của linh hồn: thật là quan trọng khi tìm được những khoảnh khắc trong ngày để mở lòng ra với Thiên Chúa, kể cả bằng những lời nguyện đơn giản và ngắn gọn của dân Kitô giáo", Đức Giáo Hoàng giải thích.
Ngài đã khuyến khích người Balan về tình đoàn kết khi ngài giơ cao "cây nến Giáng Sinh" mà người ta có thói quen thắp lên trong ngày hôm nay ở đất nước Balan.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước và sau Kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật, trên quảng trường thánh Phêrô.
A.B.
Trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến
Chào mừng các em nhỏ và các thanh thiếu niên!
Đã từ hai tuần lễ rồi, Mùa Vọng mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức về mặt thiêng liêng để dọn đường cho Chúa, Chúa ngự đến.
Trong ngày Chúa Nhật thứ ba này, phụng vụ đề nghị chúng ta một thái độ nội tâm khác để sống sự chờ đợi Chúa đến: sự vui mừng. Sự vui mừng của Chúa Giêsu, như câu thành ngữ này đã nói rõ: "Có Chúa Giêsu là có vui mừng". Đó, câu này đề nghị với chúng ta sự vui mừng của Chúa Giêsu. Tâm hồn con người mong muốn vui mừng, mọi người chúng ta đều ước mong vui mừng, mọi gia đình, mọi dân tộc khát vọng hạnh phúc.

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Lời cầu nguyện của ĐTC Phanxicô với Mẹ Vô Nhiễm - 8.12.2014

Lạy Mẹ Maria, xin mẹ dạy chúng con đi ngược dòng!

Kinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên quảng trường Tây Ban Nha (toàn văn)

Rôma – 08/12/2014 (Zenit.org) Anita Bourdin

"Xin Mẹ làm cho nơi chúng con nữa, con cái của Mẹ, ơn phúc chiến thắng kiêu ngạo, và cho chúng con có thể trở nên giầu lòng thương xót
Như Cha chúng con trên trời là Đấng giầu lòng thương xót":
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc kinh này, bằng tiếng Ý, dưới chân tượng Đức Trinh Nữ Maria, trên quảng trường Tây Ban Nha, vào khoảng 16giờ15.
Đức Giáo Hoàng đã dâng lên Đức Trinh Nữ Maria hoa hồng trắng, sau khi đã đến sùng kính ảnh tượng Đức Maria, Đấng Cứu Giúp Dân La-mã, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.
Ngài đã đặc biệt thêm vào lời mời gọi phải can đảm:
"Xin Mẹ dậy chúng con đi ngược dòng:
Sả bỏ, hạ mình, tự hiến, lắng nghe, im lặng,
Đi ra khỏi chính chúng con,
Để dành một không gian cho vẻ đẹp của Thiên Chúa, nguồn mạch niềm vui đích thực".
Đức Giáo Hoàng sau đó đã đọc kinh cầu Đức Bà, trước khi chào mừng các giới thẩm quyền và nán lại hồi lâu bên cạnh những người bệnh và trẻ em có mặt trên quảng trường.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài kinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.
Kinh nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Lậy Đức Maria, Mẹ chúng con,
Ngày hôm nay, dân Mẹ mừng lễ
Sùng kính Mẹ, Đấng Vô Nhiễm,
Được gìn giữ từ thuở đời đời khỏi nhiễm tội lỗi.
Xin Mẹ nhận lấy lời ngợi khen mà con dâng lên Mẹ, nhân danh Giáo Hội ở Rôma và trên toàn thế giới.
Được biết rằng Mẹ là Mẹ chúng con, Mẹ hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi, đem lại cho chúng con một sự an ủi lớn lao.

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8.12.2014


Tất cả là ơn nhưng không của Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (toàn văn)

Rôma – 08/12/2014 (Zenit.org) Anita Bourdin


"Tất cả là ơn nhưng không của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích, trong dịp lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, giờ Kinh Truyền Tin buổi trưa, trên quảng trường thánh Phêrô trước hàng chục ngàn khách hành hương, 08/12/2014, là ngày lễ nghỉ của Ý và của Vatican.
"Đối với chúng ta, chúng ta cũng được yêu cầu lắng nghe Thiên Chúa là Đấng phán bảo cho chúng ta và đón nhận Thánh Ý Người", Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh rằng nơi Đức Maria, cái "là" đi trước cái "làm": người hành động đầu tiên chính là Thiên Chúa. 
Và hành động của Người đối với Đức Maria chính là "gìn giữ" Mẹ khỏi tội lỗi, trong lúc mà những người tin vào Đức Kitô, họ cũng được "cứu vớt" khỏi tội lỗi. Nhưng đó cũng là "ơn nhưng không của Thiên Chúa".
Và ai nhận được cách nhưng không cũng phải "cho đi cách nhưng không", Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: như thế phải để cho Chúa Thánh Linh "biến chúng ta thành một quà tặng cho người khác"
Sau đây là bản dịch toàn văn những lời Đức Giáo Hoàng giảng thuyết bằng tiếng Ý trước và sau Kinh Truyền Tin.

A.B.

Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em! Chúc mừng ngày Lễ tốt đẹp!
Thông điệp ngày lễ hôm nay, lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, có thể tóm lược lại bằng những lời này: "tất cả là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, tất cả là ân sủng, tất cả là quà tặng của tình yêu thương Người đối với chúng ta.
Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel gọi Đức Maria là "đầy ơn phúc" (Lc 1, 28) : Nơi Bà, không có chỗ cho tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa đã chọn Bà từ thuở đời đời làm Mẹ Chúa Giêsu và Người đã gìn giữ Bà cho khỏi tội tổ tông.

Giáo lý ĐTC Phanxicô ngày 7.12.2014


"Hãy để Chúa an ủi anh chị em!"

Kinh Truyền Tin ngày 07 tháng 12 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 07/12/2014 (Zenit.org)


"Anh chị em hãy để Chúa an ủi cho": đó là lời khuyến khích của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin ngày 07/12/2014 này, Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng.
Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích đám đông tụ tập chật ních quảng trường thánh Phêrô hãy "phổ biến thông điệp hy vọng này: là Chúa an ủi. Và phải dọn chỗ cho sự an ủi đến từ Chúa".
Tuy nhiên, ngài lưu ý, con người không thể là những sứ giả của sự an ủi nếu họ trước đó không trải nghiệm "niềm vui được Người an ủi và yêu thương", đáng kể là trong "Lời Người, trong sự thinh lặng cầu nguyện, trong Thánh Thể hay trong nhiệm tích Hòa Giải".
Đức Giáo Hoàng đã cảnh giác chống lại những trở ngại nội bộ: "chúng ta thường hay sợ sự an ủi… chúng ta cảm thấy an toàn hơn trong nỗi buồn phiền… gần như là chủ chốt. Trái lại, trong an ủi chính Chúa Thánh Linh là chủ chốt".
Mời gọi những người chịu phép Rửa hãy "là những người vui vẻ và được an ủi", Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh rằng thế giới đã "cần những ngưòi làm chứng cho lòng thương xót và nhân hậu của Chúa", cách riêng đối với "những người bị đè nặng bởi những đau đớn, những bất công và những lạm dụng".
Nhưng cũng đối với "những người là những nô lệ tiền bạc, quyền lực, thành công, trần tục" và không có "sự an ủi đích thực" bởi vì "chỉ có Thiên Chúa có thể loại bỏ nguyên nhân của những tấn thảm kịch hiện thực và thiêng liêng".
A.K.

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Chúa nhật này đánh dấu giai đoạn thứ hai của Mùa Vọng, một thời gian tuyệt vời đánh thức nơi chúng ta sự đợi chờ Đức Kitô trở lại và ký ức sự ngự xuống lịch sử của Người. Phụng vụ ngày hôm nay giới thiệu cho chúng ta một thông điệp đầy hy vọng. Đó là tiếng gọi của Chúa được biểu lộ qua lời của ngôn sứ I-sai-a: "Thiên Chúa anh em phán: "hãy an ủi, an ủi dân Ta" (Is 40, 1). Với những lời này, Sách an ủi đã được mở ra, trong đó vị ngôn sứ nói với dân lưu đầy lời loan báo vui mừng được giải phóng. Thời gian thử thách đã chấm dứt; dân Israel có thể tin tưởng hướng tới tương lai: việc trở lại cố quốc, cuối cùng, đã được mong đợi. Từ đó, có lời mời gọi hãy để mình được Chúa an ủi.

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô - Sự hiệp thông giữa GH Lữ hành và GH trên Trời


"Có một sự hiệp thông giữa Giáo Hội lữ hành
và Giáo Hội trên Trời"

Bài giáo lý ngày 26 tháng 11 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 27/11/2014 (Zenit.org)


"Có một sự liên tục và một sự hiệp thông nền tảng giữa Giáo Hội trên Trời và Giáo Hội còn đang lữ hành dưới thế gian này", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định trong buổi triều kiến chung ngày 26/11/2014, trên quảng trường thánh Phêrô.
Những người đang "ở cùng Thiên Chúa" có thể "nâng đỡ và cầu bầu" cho những người còn ở dưới đất. Và đến lượt những người đang sống dưới thế này được mời gọi "dâng tiến những việc lành, kinh nguyện, và Thánh Lễ để an ủi các linh hồn đang bị thử thách và còn đang chờ đợi để được lên cõi phúc bất tận".
Tiếp tục chuỗi bài giáo lý về Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về sự chấm dứt sau cùng của Giáo Hội, "mức đến cuối cùng và tuyệt diệu: Nước Trời, mà Giáo Hội dưới thế vốn là mầm mống và là sự khởi thuỷ".
 
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em,

Hôm nay trời không được đẹp, nhưng anh chị em can đảm, hoan hô! Chúng ta hy vọng có thể cùng nhau cầu nguyện trong ngày hôm nay.

Khi giới thiệu Giáo Hội cho con người của thời đại chúng ta, Công Đồng Vaticanô II rất ý thức về một thực tế cơ bản không thể quên được: Giáo Hội không phải là một thực tế tĩnh tại, đông lạnh, một tận cùng tự thân, mà là một thực tế lịch sử không ngừng bước đi tới điểm đến cuối cùng và tuyệt diệu: Nước Trời, mà Giáo Hội dưới thế là mầm mống và là khởi thủy (x. Công Đồng Vaticanô II Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 5). Khi chúng ta đưa tầm mắt về phía chân trời này, chúng ta nhận thấy rằng trí tưởng tượng của chúng ta dừng lại, tỏ ra chỉ có thể phỏng đoán cái huy hoàng của mầu nhiệm vốn vượt khỏi mọi giác quan của chúng ta. Nhiều câu hỏi được đặt ra ngay cho chúng ta: khi nào thi đến cái lúc vượt qua cuối cùng này? Lúc đó, Giáo Hội sẽ đi vào tầm kích nào? Nhân loại lúc đó sẽ ra sao? Và thiên nhiên chung quanh chúng ta sẽ như thế nào? Nhưng những câu hỏi này không phải là mới mẻ gì, các môn đệ Chúa Giêsu, ở thời đại các ông, đã đặt ra: "Khi nào chuyện đó xẩy ra? Khi nào thì Thần Khí sẽ chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng tất cả…". Đó là những câu hỏi mang tính con người, xưa cũ. Và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã tự đặt những câu hỏi đó cho chúng ta.