Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Suy tư - Cảm nghiệm: Luận về Lý Tưởng

LUẬN VỀ LÝ TƯỞNG
                                                                                                          (Trần Xuân Thời)

Lý tưng (Ideal) là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta muốn đạt đến. Nào là ngôi nhà lý tưởng, hai trái tim vàng trong túp lều tranh. Người yêu lý tưởng, công việc lý tưởng, đời sống lý tưởng, cộng đồng lý tưởng....
Phải chăng chỉ có con người mới có lý tưởng, đúng, chỉ có con người mới có những ước mơ làm đẹp cuộc đời, cho nên con người không ngừng làm việc, phát minh để tiến bộ, cải tiến sinh hoạt hàng ngày từ sinh hoạt cuả cá nhân, tổ chức, đoàn thể đến sinh hoạt của cộng đồng, xã hội từ thời thượng cổ đến thời đại văn minh như hiện nay.
Con người khác các sinh vật khác nhờ có lý trí biết suy xét, biết phát minh những điều mới lạ, biết suy xa hiểu rộng để theo đuổi lý tưởng của mình. Lý tưởng có thể xếp loại vào đối tượng như những lý tưởng nhằm vào phúc lợi cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, nhân loại. Hoặc xếp loại theo mục tiêu như làm giàu, phát triển kiến thức, kiến tạo hòa bình, thiết lập công lý, nhân quyền, kiến tạo hạnh phúc cho đồng bào, phát triển nghệ thuật, phát triển thể thao, phát triển cấc phương tiện giải trí.....
Trí tuệ là cơ năng đặc biệt của con người. Từ thuở sơ sinh, trí tuệ như một tờ giấy trắng và nhờ các giác quan mà trí tuệ chúng ta đựợc phát triển. Tai càng nghe nhiều, mắt càng thấy nhiều trí tuệ càng thu nhận được nhiều dữ kiện, gặp được nhiều hoàn cảnh, biết được nhiều sự việc, thì trí tuệ càng phát triển. Người khôn thường là người trường trãi, lão luyện, học hỏi nhiều, và ứng dụng kiến thức vào nhiều hoàn cảnh.
Muốn thực hiện được lý tưởng, cần phải hội đủ ba yếu tố chính, hai yếu tố đầu có tính cách bẩm sinh (innate) và yếu tố thứ ba do sự tu luyện của bản thân.
-     Trí tuệ (intellect): Mọi người bình thường đều có trí tuệ do Thượng đế ban cho con người. Trí tuệ là cơ năng đặc biệt của con người, biết tự thu nhận kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, tinh luyện suy luận và ứng dụng kiến thức vào sự xây dựng cuộc sống cá nhân và nhân quần xã hội.
-     Tự đo (freedom): Tự do tâm lý là yếu tố bẩm sinh, mọi người đều có tự do quyết định về phương diện tâm lý như chọn lành lánh dữ, tự do suy tư, mơ ước, yêu thương mặc dù tự do tâm lý có thể bị hạn chế bởi tự do chính trị, luân lý xã hội, tôn giáo, tạo thành cái gọi là siêu bản ngã (superego) đè nặng lên tự do tâm lý.
-     Ý chí (will): Ý chí là yếu tố do con người tự rèn luyện. Có chí thì nên. Có trí tuệ để suy tư, tìm ra việc phải làm., kiến tạo lý tưởng, có tự do chọn lựa lý tưởng, nhưng nếu không có ý chí cương quyết thúc đẩy hành động thì dù có chương trình, kế hoạch mà thiếu quyết tâm thực hiện cũng như không.

Sứ điệp Mùa Chay 2015 - ĐTC Phanxicô


Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

"Thiên Chúa không thờ ơ với thế gian" (toàn văn)

Rôma – 27/01/2015 (Zenit.org)

"Anh em hãy bền tâm vững chí" (Gc 5, 8)

 

Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là một thời đổi mới cho Giáo Hội, cho các cộng đoàn và cho mỗi tín hữu. Nhưng trước hết đó là một "thời Thiên Chúa thi ân" (2 Cr 6, 2). Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta cái gì mà Người đã không ban cho chúng ta trước đó: "Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước" (1 Ga 4, 19). Người không thờ ơ với chúng ta. Người mang mỗi người chúng ta trong trái tim Người, Người biết tên của từng người chúng ta, Người săn sóc chúng ta và Người đi tìm chúng ta khi chúng ta bỏ người. Người tha thiết với mỗi người trong chúng ta; tình yêu của Người ngăn cản Người thờ ơ với những gì xẩy ra với chúng ta. Nhưng đã xẩy ra rằng, khi chúng ta mạnh giỏi và thoải mái, chắc chắn chúng ta đã quên nghĩ đến người khác (điều mà Thiên Chúa Cha không bao giờ làm), chúng ta không còn tha thiết đến những vấn đề, những đau khổ của họ và đến những bất công họ phải gánh chịu… trái tim chúng ta, như thế, đã rơi vào thờ ơ: trong lúc tôi tương đối mạnh giỏi, cái gì cũng thành công, tôi quên đi những người không được mạnh giỏi. Thái độ ích kỷ, thờ ơ này, ngày nay đã có tầm vóc thế giới, đến độ chúng ta có thể nói đến một cuộc toàn cầu hóa sự thờ ơ. Đó là một sự bất ổn mà, là người Kitô hữu, chúng ta phải đối phó.

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình - 28.1.2015 - bài tiếp theo


"Vắng hình ảnh người cha
tạo ra vết thương rất trầm trọng"

Bài giáo lý ngày 28 tháng 01 năm 2015 (toàn văn)

Rôma – 28/01/2015 (Zenit.org)


Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các cộng đoàn Kitô hữu hãy "chú ý hơn" đến "sự vắng bóng người cha trong đời sống của những trẻ em và thanh thiếu niên", tạo ra "những lỗ hổng và những thương tích có thể rất trầm trọng".
"Những lầm lạc của trẻ em và thanh thiếu niên có thể phần nào là vì sự thiếu vắng này, sự thiếu thốn gương mẫu và hướng dẫn trong cuộc đời hàng ngày của họ, vì thiếu đi sự gần gũi, vì thiếu đi tình yêu từ cha mẹ", Đức Giáo Hoàng khẳng định trong buổi triều kiến chung sáng hôm thứ Tư 28/01/2015, trong hội trường Phaolô VI của điện Vatican.
Tiếp tục các bài giáo lý của ngài về gia đình, Đức Giáo Hoàng đã suy nghĩ về hình ảnh của người cha, "vắng mặt tượng trưng, bị tan biến, bị tiêu hủy" trong xã hội, "đặc biệt trong văn hóa tây phương".
Nếu trước đây, "trong nhiều gia đình, có một sự độc tài nào đó thống trị, trong một số trường hợp còn có cả sự lạm dụng chuyên quyền", tuy nhiên xã hội đã chuyển từ "thái cực này sang thái cực khác", ngài nhận định: "Vấn đề của thời đại chúng ta có vẻ không phải là sự hiện diện lấn lướt của người cha, nhưng là sự vắng mặt, sự lánh mặt của các ông".
Hậu quả là, con cái "bị mồ côi trong gia đình của chúng, bởi vì cha chúng thường vắng nhà… nhưng nhất là bởi vì, khi các ông có nhà, các ông đã không hành xử như những người cha, các ông không đảm nhiệm vai trò giáo dục của mình, các ông không cho con cái mình, bằng gương mẫu kèm theo lời dậy dỗ của mình, những nguyên tắc, những giá trị, những quy luật đời sống mà con cái cần có cũng như chúng cần cơm ăn".
"Đôi khi, dường như người cha cũng còn không biết rõ vị trí của mình trong gia đình nữa… Như thế, trong nghi nan, các ông né tránh, rút lui và bỏ qua trách nhiệm của mình, bằng cách ẩn nấp trong một thứ quan hệ viển vông "bình đẳng" với con cái mình", Đức Giáo Hoàng nói thêm.
Ngài đã tố cáo vấn đề giống như vậy "trong cộng đoàn dân sự", đã "bỏ qua" trách nhiệm của mình đối với giới trẻ: "Người ta cho họ đầy rẫy thần tượng, nhưng người ta lại lấy mất trái tim của họ; người ta khuyến khích họ mơ tưởng tới những giải trí và thú vui, nhưng người ta không cho họ công ăn việc làm; người ta lừa dối họ với ông thần tiền bạc và người ta từ chối họ của cải đích thực".
A.K.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Chúng ta tiếp tục hành trình giáo lý về gia đình. Hôm nay, chúng ta hãy để được hướng dẫn bởi tiếng "cha". Một tiếng quen thuộc với chúng ta, với chúng ta là những Kitô hữu, hơn ai hết, bởi vì đó là tên mà Chúa Giêsu đã dậy chúng ta để gọi Thiên Chúa: Cha. Ý nghĩa của chữ này đã có một chiều sâu mới, chính xác là từ cách mà Chúa Giêsu dùng để thưa với Thiên Chúa và để thể hiện quan hệ đặc biệt của Người với Thiên Chúa. Mầu nhiệm thân cận đầy ơn phúc của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được mặc khải bởi Chúa Giêsu, là trung tâm đức tin Kitô giáo của chúng ta.

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Giới thiệu sách: Gặp gỡ Thầy Giêsu

GẶP GỠ THẦY GIÊSU

Quý anh chị thân mến,
Gặp được Thầy Giêsu là niềm mơ ước của bất kỳ người Kitô hữu nào trong hành trình thiêng liêng, đặc biệt đối người cursillistas trong đời sống Ngày Thứ Tư. Nhưng làm sao để gặp được Người?
Dựa trên gia sản quý báu là chính Kinh Thánh, các bài suy niệm trong tập sách nhỏ này được viết nên như một hành trình dẫn người đọc đi vào sâu trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đi đến đỉnh cao là một cuộc gặp gỡ cá vị với Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Đây chỉ là những gợi ý nho nhỏ nhằm giúp độc giả hiểu hơn về những mấu chốt quan trọng của Kinh Thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước.
Tập sách này là tổng hợp những bài của tác giả Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, đã được đăng trên web www.dongten.net trong thời gian qua. Nay, để giúp quý bạn đọc thấy được ý tưởng xuyên suốt của các bài viết, chúng tôi đã biên soạn lại thành 5 chương, dựa trên tiến trình Linh Thao của Thánh Inhaxiô. 
- Chương thứ nhất có dụng ý giúp độc giả hiểu được nguồn cội của đời mình chính là Thiên Chúa, nhưng con người đã nỡ chối bỏ chân lý này. 
- Chương thứ hai và chương ba giúp độc giả chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi con người Giêsu, từ lúc hạ sinh cho đến khi chết trên cây Thập Giá. .
- Chương thứ bốn đưa độc giả chiêm ngắm sự sống phục sinh của Đức Giêsu với một niềm hy vọng lớn lao vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa. 
- Chương thứ năm giúp độc giả hiểu hơn về đời sống của Giáo Hội sơ khai và một ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội: ơn gọi đời sống thánh hiến.
Xin không sử dụng với mục đích kinh doanh, khi chưa được phép của tác giả.
Ước gì qua việc nỗ lực cầu nguyện với các bài suy niệm này, độc giả sẽ được gặp gỡ Thầy Giêsu.
Nguồn: dongten.net
Xin xem và download tại đường link: 
http://cursillovn.net/TY/SachDao/TamLinh/GapGoThayGiesu.pdf

Bản tin Ultreya PTXL #18 - 25.01.2015

BẢN TIN ULTREYA PTXL
 
 
Quý anh chị cursillista rất thân mến,

Tiền thân của Phong trào Cursillo là Khóa học dành cho những người hướng dẫn các cuộc hành hương, và cuộc hành hương nổi tiếng đưa ²100.000 thanh niên sống trong ân nghĩa Chúa² đến Compostelle được tổ chức vào tháng 8 năm 1948 đã gây tiếng vang làm đẹp lòng Thầy Chí Thánh, trong đó có hơn 600 thanh niên thuộc hòn đảo Majorca tham dự là nhờ lòng sốt sắng từ các Khóa Cursillo Người Hành Hương, từ đó, PT Cursillo được lan rộng khắp nơi. Ước mong cuộc hành hương của Cursillistas Xuân Lộc về Nhà thờ Giáo xứ Bùi Chu – Giáo hạt Phú Thịnh mừng năm Thánh Giáo Phận Xuân Lộc năm nay cũng được tràn đầy ơn Chúa, và trổ sinh hoa trái như lòng Thầy mong ước.
Thưa quý anh chị, Bản tin số 18 lần này đến với quý anh chị mang nhiều ý nghĩa, vì Đại Ultreya lần V, cũng là ngày Cursillistas Xuân Lộc hành hương Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo Phận, đồng thời mừng kính lễ Thánh Phaolô Trở Lại – Quan Thầy Phong trào Cursillo. Qua những chia sẻ chứng nhân, tin tức hình ảnh sinh hoạt Phong trào trong toàn Giáo phận đã phần nào thể hiện lòng quyết tâm & tinh thần Ultreya của quý anh chị cursillistas nơi từng người và từng Liên Nhóm. Xin cùng hiệp lời tạ ơn Chúa, và xin Ngài tiếp tục đổ tràn lửa tình yêu và lòng mến của Thánh Thần để ACE cursillistas có thể thực hiện được kế hoạch thăng tiến bản thân & thánh hóa môi trường mà Chúa đã trao phó cho từng cursillista chúng ta.
Trước thềm Năm Mới Ất Mùi, xin kính chúc quý anh chị cursillistas một năm mới tràn đầy Niềm Vui của Chúa Xuân.
Trong tinh thần hoan ca của đoàn người hành hương, ACE chúng ta cùng tiến lên. Ultreya! Ultreya!
BPV PT Cursillo Xuân Lộc
Mời xem và download tại đường link: http://cursillovn.net/TY/BantinUltreya/BTXL_18.T.01.2015.pdf

Tin PTXL kính lễ Thánh Phaolô Trở Lại 25.01.2015


CURSILLISTAS XUÂN LỘC
HÀNH HƯƠNG MỪNG NĂM THÁNH
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
25.01.2015

Kỷ niệm 50 năm thành lập 1965-2015, GP Xuân Lộc đã được ĐTC Phanxicô ưu ái cho phép khai mở Năm Thánh 2015 bắt đầu từ 04/10/2014 đến 15/10/2015. Năm Thánh này, có 14 điểm Hành hương dành cho giáo dân trong toàn GP, trong đó có Nhà thờ giáo xứ Bùi Chu – hạt Phú Thịnh. Đây cũng là nơi cha linh hướng PT GP đang quản nhiệm – nơi TLĐ sinh hoạt hàng tháng; nơi tổ chức những Đại Ultreya của PT Cursillo GP Xuân Lộc.

Thánh lễ mừng kính thánh Phaolô Trở Lại 25/01 năm nay, PT Cursillo Xuân Lộc tổ chức cuộc Hành hương hướng về Năm Thánh mừng Kim Khánh GP tại Nhà thờ giáo xứ Bùi Chu – hạt Phú Thịnh.

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần 49 - 2015


Gia Đình, môi trường thuận lợi nhất để gặp gỡ
trong sự nhưng không của tình yêu

Sứ Điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội (toàn văn)

Rôma – 23/01/2015 (Zenit.org)

 

"Truyền thông gia đình: môi trường thuận lợi nhất cho sự tụ họp trong tính nhưng không của tình yêu": đó là nhan đề của Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày Thế Gii Truyn Thông Xã Hi  lần thứ 49.
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng đã được giới thiệu ngày 23/01/2015 tại Rôma bởi Đức Cha Claudio Maria Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, bởi bà Chiara Giaccardi, của Phân Khoa Văn Chương, Viện Đại Học công giáo Thánh Tâm ở Milan, và bởi giáo sư Magatti, thuộc Phân Khoa Khoa Học Chính Trị Xã Hội của cùng Viện Đại Học này.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Giáo Hội hãy suy nghĩ về gia đình nhằm chuẩn bị Công Nghị thứ nhì của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vào tháng 10/2015. Chủ đề này cũng đã là trung tâm các buổi làm việc của các phát ngôn nhân của các Hội Đồng Giám Mục, hội họp tại Lisbonne (Bồ Đào Nha) từ ngày 11 đến 14/6/2014
Văn bản sứ điệp được phổ biến bằng tiếng Pháp, Ý, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan.
Sứ điệp hàng năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường được phổ biến nhân dịp lễ phụng vụ mừng thánh bổn mạng của các nhà báo, thánh Phanxicô Salê, ngày 24/01.
Sau đây là toàn văn nguyên bản chính thức bằng tiếng Pháp

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 49

Truyền thông gia đình:

môi trường ưu đãi của sự gặp gỡ trong tính nhưng không của tình yêu

Chủ đề gia đình nằm ở Trung Tâm của một sự suy nghĩ sâu sắc của Giáo Hội và của một diễn trình Thượng Hội Đồng Giám Mục bao gồm hai công nghị, một công nghị ngoại thường - vừa được cử hành – và một công nghị thường kỳ, được triệu tập vào tháng 10 sắp tới đây. Trong bối cảnh này, tôi nhận thấy gia đình có vẻ thích hợp là điểm chuẩn cho chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội sắp tới đây. Gia đình, hơn nữa, là nơi chốn đầu tiên con người học cách truyền thông. Quay trở lại cái lúc đầu tiên đó có thể giúp chúng ta khiến cho truyền thông trở thành đích thực hơn và nhân bản hơn đồng thời cũng nhìn về gia đình từ một quan điểm mới.
Chúng ta có thể được soi sáng bởi ảnh tượng Tin Mừng về cuộc thăm viếng của Đức Maria với bà Ê-li-sa-bét (Lc 1, 39-56). "Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhẩy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng mà nóí rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Lc 1, 41-42)

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Sống Năm Thánh - Kín múc sức mạnh từ Thánh Thể Chúa


SỐNG NĂM THÁNH - Ý NGHĨA THẦN HỌC

VÀ LINH ĐẠO CỦA VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ


Chủ đề mục vụ Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo Phận là “Gia đình và Giáo xứ sống Mầu nhiệm Thánh Thể”. Chọn lựa như vậy vì Thánh Thể là «nguồn mạch và chóp đỉnh  của toàn thể đời sống Kitô giáo»[1], là bản toát yếu và tổng luận đức tin Kitô giáo[2]. Do đó, hiểu biết thực sự về Thánh Thể là biết tất cả Kitô giáo, sống Thánh Thể là sống trọn vẹn nguồn ân phúc thiêng liêng dồi dào của Thiên Chúa, vì Thánh Thể chứa đựng «chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta và là Bánh Trường Sinh trao ban sự sống cho nhân loại»[3].
I. MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA THÁNH LỄ VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ
Giữa Thánh lễ và việc Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ có một mối liên hệ nội tại. «Cử hành Hy tế Thánh Thể là nguồn gốc và đích tới của việc tôn thờ được tỏ bày đối với Thánh Thể ngoài thánh lễ»[4]. Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ chính là sự kéo dài thánh lễ chúng ta cử hành, đưa ta đi sâu vào Mầu nhiệm Vượt Qua, bày tỏ niềm tin yêu, biết ơn đối với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. «Bao lâu mà Thánh Thể còn được lưu giữ trong các nhà thờ, Chúa Kitô thực là Đấng Emmanuel, là “Chúa ở với chúng ta”. Chúa ở giữa chúng ta ngày và đêm; đầy tràn ân sủng và sự thật»[5].
II. CÁC VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ
Các việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ bao gồm:
1. Việc Rước lễ ngoài Thánh lễ
Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, «Lý do tiên quyết và căn nguyên của việc lưu giữ Thánh Thể ngoài Thánh lễ là để trao ban “của ăn đàng” (Viaticum)»[6] cho các bệnh nhân.
Những tín hữu không thể tham dự Thánh lễ có thể rước lễ ngoài Thánh lễ, «để họ được liên kết với Chúa Kitô và với hy tế của Ngài được cử hành trong Thánh lễ»[7]. Người nhà của bệnh nhân không thể dự lễ, nên dọn lòng rước lễ cùng với bệnh nhân, để nhờ hiệp nhất với Chúa, họ hiệp thông sâu xa hơn với người bệnh trong lời khẩn nguyện và lễ dâng thập giá.

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Năm Thánh và việc Hành Hương

Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC HÀNH HƯƠNG

Một trong những hoạt động có ý nghĩa lớn lao mà toàn thể Giáo Phận Xuân Lộc thực hiện trong Năm Thánh Kim Khánh Giáo Phận là việc Hành Hương về các Nhà thờ, Nhà nguyện đã được chỉ định. Để việc hành hương sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho các tín hữu, Ban Phụng Tự kính gửi bài viết này như một đóng góp cho Năm Thánh, nhằm giúp anh chị hiểu hơn về ý nghĩa và mục đích của việc hành hương.

I.         Ý NGHĨA CỦA HÀNH HƯƠNG

Hành hương là một phong tục có từ rất lâu trong các tôn giáo cổ, trước cả khi Kinh Thánh được biên soạn. Đó là cuộc lữ hành của các tín hữu về một nơi được thánh hiến do một cuộc hiển linh hoặc do hoạt động của một vị giáo chủ.

Với người Kitô hữu, hành hương là rời khỏi nơi mình ở để đến một nơi linh thiêng nào đó liên quan đến Chúa (đất Palestina), Đức Mẹ (Lộ Đức, Fatima…) hay một vị thánh nào đó.

Tiền Cursillo

TIỀN CURSILLO
 

1.     Giai Đoạn Tiền Cursillo

Tiền Cursillo[1] là một trong tiến trình ba giai đoạn của Phong Trào Cursillo và là sự khởi xướng kế hoạch Phúc âm hóa để hoàn tất mục đích của Phong trào. Ba giai đoạn này biệt lập với nhau, tuy nhiên lại liên hệ chặt chẽ thành một khối đồng nhất và bất cứ sự thiếu sót nào trong một giai đoạn đều gây ra những hậu quả trực tiếp đến hai giai đoạn kia và ảnh hưởng tới Phong trào. Tiền Cursillo là giai đoạn tìm kiếm, tuyển lựa người và chọn lựa môi trường, đồng thời chuẩn bị các ứng viên cho khóa Tĩnh Huấn Ba Ngày nhằm mục đích tiến tới một cam kết trọng đại cho giai đoạn Hậu Cursillo.
Tiền Cursillo được thực hiện như công tác khởi đầu cho mục tiêu của Phong trào, và nếu thiếu nghiên cứu cặn kẽ một môi trường, sẽ gây nên những sai lầm trong việc tuyển chọn ứng viên, do đó sẽ giảm thiểu tính cách hữu hiệu của Phong trào.
Sách lược trong giai đoạn Tiền Cursillo bao gồm 5 điểm chính yếu:

1. Nghiên cứu và lựa chọn môi trường: Để việc nghiên cứu và lựa chọn môi trường được xác đáng, trước hết phải nhìn vào những thực tại địa phương và những thử thách mà Giáo hội và Phong trào phải đương đầu, nói một cách tổng quát, trong đó có: 1) tình trạng bất bình đẳng giữa mọi giai cấp trong xã hội; 2) sự đánh mất giá trị luân lý phát sinh từ một nền văn minh sự chết; 3) chủ nghĩa vô tôn giáo, vô thần và nếp sống duy vật.
Việc đầu tiên trong việc nghiên cứu và chọn lựa môi trường là phải nắm vững tài liệu của các Đức Giáo Hoàng và Hội Đồng Giám Mục và phải phân tích những ưu tiên về mục vụ được hàng giáo phẩm toàn quốc và cấp giáo phận đề ra rồi soạn thảo kế hoạch riêng cho Phong trào.
Ưu tiên hàng đầu nên dành cho những cơ cấu hay môi trường có tầm ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đối với xã hội địa phương, vì việc Phúc âm hóa môi trường đòi hỏi sự xâm nhập vào những cơ cấu đó và không thể thu hẹp trong phạm vi hoạt động bên trong Giáo hội.
Chỉ sau khi đã nghiên cứu tường tận hoàn cảnh môi trường của ứng viên khóa Cursillo, Phong trào mới tiến hành việc cải đổi con người họ qua khóa học.

Sách Lược Phong trào Cursillo

SÁCH LƯỢC PHONG TRÀO CURSILLO
 

1.     Sách Lược của Phong Trào Cursillo

Trong mọi hoạt động, nếu muốn đạt được thành quả, cần phải có kế hoạch để biến lý thuyết thành hành động. Phong Trào Cursillo muốn bảo đảm cho mọi hoạt động của mình được hữu hiệu và đạt mục tiêu nên đã đề ra một sách lược để phối hợp các hoạt động của phong trào.
Sách lược Cursillo[1] là kế hoạch toàn bộ về những hoạt động của Phong trào gồm ba giai đoạn: Tiền Cursillo, Khóa Cursillo và Hậu Cursillo nhằm đạt mục tiêu là làm dậy men Tin Mừng trong các môi trường nhờ những người lãnh đạo trong các môi trường đó. Nói một cách khác, sách lược của Phong trào nhằm tìm kiếm đường lối hữu hiệu nhất để sử dụng phương pháp của mình bằng cách cân nhắc, thích ứng, đặt ưu tiên và động viên được tất cả những tài nguyên có sẵn để thể hiện chủ đích đặc biệt của mình.
Mục đích tối thượng của Phong Trào Cursillo là làm dậy men Tin Mừng trong các môi trường và được thực hiện bởi: 1) những người có ảnh huởng tự nhiên đối với mỗi môi trường; 2) những người biết cố gắng và cùng nhau sống những điều căn bản để trở thành Kitô hữu; và 3) những chứng nhân Tin Mừng để tác động đến sự hoán cải nơi người khác.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu đặc thù của Phong trào, các tác nhân được chọn lựa như là một phần tử của nhóm - không phải là một cá nhân riêng rẽ - đóng vai trò nòng cốt trong môi trường của họ để hun đúc tinh thần Kitô hữu và Kitô hóa môi trường của họ nhờ Chúa Thánh Thần.
Trong công tác mục vụ cấp giáo phận hay quốc gia, Phong trào hình thành kế hoạch riêng của mình cho việc Phúc âm hóa hướng về môi trường. Những yếu tố trong kế hoạch mục vụ này là: 1) nghiên cứu, chọn lựa môi trường và tuyển lựa ứng viên từ những môi trường đó; 2) tuyển chọn ban trợ tá để hướng dẫn khóa học; 3) tạo bầu không khí thuận lợi trong khóa học với ý hướng chuẩn bị cho Ngày Thứ Tư; 4) đưa ứng viên trở lại môi trường, đồng hành với họ, giúp họ giữ mãi lòng hăng say và chuẩn bị cho họ lãnh nhận những công tác Phúc âm hóa; 5) liên kết các thành viên trong các nhóm nhỏ và nối kết các nhóm nhỏ này với nhau.
Sau khi lược qua định nghĩa, mục đích và yếu tính của sách lược, ta tìm hiểu 7 nguyên tắc căn bản trong sách lược của Phong trào:

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa 11.01.2015


"Ngày vui Rửa Tội"

Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 11 tháng 01 năm 2015 (toàn văn)

Rôma – 11/01/2015 (Zenit.org) Anita Bourdin


"Đây là ngày vui Rửa Tội!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố sau Kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật 11/01/2015, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người che dù tập họp trên quảng trường thánh Phêrô nhân lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa.
Trước đó, Đức Giáo Hoàng đã chủ sự Thánh Lễ ban phép Rửa cho 33 trẻ sơ sinh, trong Nhà Thờ Sixtine.
Đức Giáo Hoàng một lần nữa đã dặn dò các tín hữu hãy năng cầu nguyện Chúa Thánh Linh, và hãy nhớ lấy ngày Rửa Tội của mình.
Ngài đã cảnh báo: "Trái lại, một người Kitô hữu và một cộng đoàn "điếc" không nghe lời của Chúa Thánh Linh, thúc đẩy hãy mang Phúc Âm đến tận cùng trái đất và xã hội, cũng trở thành một Kitô hữu và một cộng đoàn "câm" không nói được và cũng không loan truyền Phúc Âm được".
Chào mừng một hội đoàn "tình yêu thương xót" của Ý, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định "Bây giờ chính là thời gian của lòng thương xót".
Ngài cũng đã yêu cầu các người Công giáo tháp tùng ngài bằng cầu nguyện cho chuyến tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân (12-19/01): ngài đã đặc biệt yêu cầu sự cầu nguyện của người Sri Lanka và Phi Luật Tân sinh sống ở Rôma.
Sau đây là bản dịch toàn văn lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước và sau Kinh Truyền Tin.

Trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em,
Ngày hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép Rửa, kết thúc Mùa Giáng Sinh. Phúc Âm mô tả những gì đã diễn ra trên bờ sông Gio-đan. Vào lúc ông Gioan Tây Giả truyền phép Rửa cho Chúa Giêsu, Trời mở ra. Thánh sử gia Mác-cô nói "Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra" (Mc 1,10).
Tôi chợt nhớ lời van nài thảm thiết của tiên tri Isaia: "Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống!" (Is 63,19).
Sự cầu khẩn này đã được nhậm lời trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Chính như thế đã kết thúc thời gian "các tầng trời khép kín", biểu thị sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, hậu quả của tội lỗi. Tôi lỗi làm chúng ta xa rời Thiên Chúa và cắt đứt sợi dây nối liền đất với trời, đánh dấu sự khốn cùng và thất bại của cuộc đời chúng ta.

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô ngày 4.1.2015 - Kiến tạo hòa bình


Xây dựng hòa bình cũng có thể bằng "những cử chỉ nhỏ"

Kinh Truyền Tin ngày 04 tháng 01 năm 2015 ((toàn văn)

Rôma – 04/01/2015 (Zenit.org)


Không phải chỉ "nói nhiều đến hòa bình", mà còn phải làm "những công trình cụ thể" để "xây dựng hòa bình", làm những "cử chỉ nhỏ nhặt" hàng ngày, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 04/01/2015 này.
Đức Giáo Hoàng đã chủ sự giờ kinh kính Đức Mẹ trưa Chúa Nhật này, từ cửa sổ văn phòng của ngài trông ra quảng trường thánh Phêrô trước một đám rất đông người.
Đầu năm mới, ngài đã kêu gọi "những công trình hòa bình cụ thể: "Bạn bất hòa với người đó sao? Hãy làm hòa!"; "Ở nhà bạn sao? Hãy làm hòa!"; "Trong cộng đoàn bạn sao? Hãy làm hòa!"; "Nơi làm việc của bạn sao? Hãy làm hòa!".
"Mỗi người, trong vai trò riêng của mình và trong phần trách nhiệm của mình, có thể hoàn thành những cử chỉ huynh đệ đối với tha nhân… Những cử chỉ nhỏ nhặt này thật có giá trị: chúng có thể là những hạt giống mang lại hy vọng, chúng có thể mở ra những con đường và viễn cảnh hòa bình" ngài nhấn mạnh.
Mặc dù bề ngoài "sự hài hòa vẫn có thể được, ở mỗi cấp và trong mọi hòan cảnh" ngài nhấn mạnh: "Không có tương lai nếu không có các đề nghị và dự án hòa bình!".
A.K.

Lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em,
Năm mới đã cho chúng ta một ngày Chúa Nhật đẹp trời! Một ngày nắng đẹp!
Thánh Gioan nói trong Phúc Âm mà chúng ta đọc trong ngày hôm nay: "Ở nơi Người là sự  sống, và sự sống là ánh sáng của nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã khôn diệt được ánh sáng… Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian, và chiếu soi mọi người" (Ga 1, 4-5. 9). Người ta nói nhiều đến ánh sáng, nhưng họ thường chọn lựa sự yên lặng giả tạo của bóng tối. Chúng ta nói nhiều đến hòa bình, nhưng chúng ta thường dùng đến chiến tranh hay chọn lựa sự im lặng đồng lõa, hoặc là chúng ta không làm gì cụ thể để xây dựng hòa bình. Quả vậy, thánh Gioan nói rằng "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1,11); bởi vì "Đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách" (Ga 3, 19-20). Đó là điều mà Phúc Âm theo thánh Gioan đã nói. Lòng người có thể từ chối ánh sáng và chọn bóng tối, bởi vì ánh sáng đã lột trần những việc xấu xa. Kẻ làm điều ác thì ghét ánh sáng. Kẻ làm điều ác thì ghét hòa bình.

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Huấn từ ĐTC Phanxicô - Ngày Hòa Bình Thế Giới 1.1.2015


Hòa Bình vẫn luôn có thể!

Kinh Truyền Tin ngày 01 tháng 01 năm 2015 (toàn văn)

Rôma – 01/01/2015 (Zenit.org)


"Hòa bình vẫn luôn có thể!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định trong giờ Kinh Truyền Tin đầu tiên của năm 2015, ngày thứ Năm 01/01/2015 này, Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 48. Ngài khuyến khích "đi tìm" hòa bình và nhắc nhở rằng "cầu nguyện là gốc rễ của hòa bình".
Sau Thánh Lễ ngài cử hành trong Đền Thánh Phêrô mừng trọng thể Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng đã chủ sự giờ kinh Đức Mẹ trưa ngày 01/01/2015, từ cửa sổ văn phòng của ngài trông ra quảng trường thánh Phêrô, nơi đang tụ họp một đám rất đông người.
Vào lúc khởi đầu năm mới, ngài đã "nhắc lại ngày ngài chị Phép Rửa" nhằm để khám phá "món quà tặng đã nhận được trong Bí Tích đã tái sinh trong cuộc sống mới: đời sống thuộc về Thiên Chúa". Một bí tích giải thoát "khỏi cái ác của tội lỗi" và thông truyền "tình yêu, sự âu yếm, lòng thương xót của Cha trên trời". 

A.K.

Lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, thân chào anh chị em và chúc mừng năm mới!
Nhân ngày đầu năm, trong bầu không khí vui tươi của mùa Noel - mặc dù trời lạnh -, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy hướng mắt đức tin và tình yêu lên Đức Mẹ Chúa Giêsu. Nơi Mẹ; người phụ nữ khiêm hạ thành Nazareth, "Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1, 14). Vì thế không thể tách biệt sự chiêm ngắm Đức Giêsu, Ngôi Lời hằng sống đã hiển thị và chạm đến được (x. 1Ga 1,1), với sự chiêm ngắm Đức Maria là đấng đã hiến dâng Người tình yêu và xác thịt con người.
Ngày hôm nay, chung ta hãy nghe lời của tông đồ Phaolô: "Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà" (Gl 4,4). Người "sinh làm con một người đàn bà" này nói lên cách căn bản và mạnh mẽ hơn nhân tính đích thực của Con Thiên Chúa. Như một Thượng Phụ của Giáo Hội, thánh Athanase khẳng định: "Đấng Cứu Độ chúng ta thực sự là người và từ đó mới có sự cứu độ của toàn thể nhân loại" (Thư gửi Epictète : PG 26)

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ Mẹ Thiên Chúa 1.1.2015


Sứ mạng của Giáo Hội là gieo rắc phúc lành của Thiên Chúa

Bài giảng lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa (toàn văn)

Rôma – 01/01/2015 (Zenit.org)


Sứ vụ của Giáo Hội  là "gieo rắc trên mọi dân tộc phúc lành của Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô": quả vậy, chính Giáo Hội "đem Chúa Kitô đến… chính trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục thực hiện các cử chỉ ân điển vốn là các phép bí tích", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong Thánh Lễ sáng thứ Năm, 01/01/2015 này, lễ kính Thánh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ ngày đầu năm và cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 48, trong Đền Thánh Phêrô.
"Đức Kitô và Giáo Hội không thể phân ly… Không có Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô cũng chỉ là một ý niệm, một luân lý, một tình cảm. Không có Giáo Hội, quan hệ giữa chúng ta với Đức Kitô sẽ bị phó mặc cho óc tưởng tượng, sự diễn giải, tâm trạng vui buồn của chúng ta", ngài đã cảnh giác chúng ta trong bài giảng của ngài.

Bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Tôi sực nhớ đến những lời mà bà Elisabeth nói ra để chúc phúc cho Đức Trinh Nữ: "Em được chúc phức hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa Tôi đến với tôi thế này ?" (Lc 1, 42-43).
Lời chúc tụng này là sự tiếp nối với lời chúc phúc tư tế mà Thiên Chúa đã gợi ý cho ông Mô-sê để ông truyền lại cho ông Aharon và cho toàn dân: "Nguyện xin Đức Chúa chúc lành và gìn giữ ngươi! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến ngươi và dủ lòng thương ngươi! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn ngươi và ban bình an cho ngươi!" (Ds 6, 24-26). Khi cử hành lễ kính Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta, Đức Maria là người nhận đầu tiên của sự chúc phúc này. Nơi Mẹ, lời chúc phúc được viên mãn; quả vậy, không có một tạo vật nào có thể thấy được dung nhan của Thiên Chúa chiếu sáng trên mình như Đức Maria, Đấng đã hiến tặng một khuôn mặt con người cho Ngôi Hai Thiên Chúa, để cho tất cả chúng ta có thể chiêm ngưỡng.