Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô - CN I Mùa Chay 2015

Mùa Chay là một thời gian đấu tranh thiêng liêng
chống ác thần

Kinh Truyền Tin ngày 22 tháng 02 năm 2015 (Toàn văn bản dịch)

Rôma – 22/02/2015 (Zenit.org)


Mùa Chay là "một thời gian đấu tranh thiêng liêng chống ác thần", hướng "về Lễ Phục Sinh, chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu chống Ác Thần, chống tội lỗi và chống sự chết", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 22/02/2015, trên quảng trường thánh Phêrô.
Dẫn nhập Kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về ý nghĩa của ngày Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay, mời gọi hãy "quyết định bước lên con đường của Chúa Giêsu, con đường dẫn tới sự sống. Nhìn lên Chúa Giêsu, nhìn vào điều Chúa Giêsu đã làm, và cùng đi với Người".
Nhưng để có thể "xuống đến vực sâu, nơi thực sự diễn ra định mệnh của chúng ta, sự sống hay cái chết", phải có hoang mạc, ngài đã lưu ý: "Hoang mạc là nơi người ta có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa và tiếng nói của kẻ cám dỗ. Trong tiếng ồn ào, trong hỗn loạn điều này không thể xẩy ra; người ta chỉ nghe được những tiếng nói loáng thoáng".
Để có thể "nghe đuợc tiếng nói của Thiên Chúa" và "đối phó với những cạm bẫy của ác thần", Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi hãy bồi dưỡng bằng Lời Người, hãy "nhận biết Thánh Kinh", và hãy "giữ Phúc Âm trong tầm tay". 
"Hoang mạc của Mùa Chay giúp cho chúng ta nói không với thế gian, với các "thần tượng", giúp cho chúng ta có những lựa chọn can đảm phù hợp với Phúc Âm và tăng cường tình liên đới với anh em", ngài nói thêm.
A.K.
Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Thứ Tư tuần trươc, Mùa Chay đã bắt đầu với nghi lễ đặt Tro, và ngày hôm nay là ngày Chúa Nhật thứ nhất của mùa phụng vụ này, nói về 40 ngày mà Chúa Giêsu đã trải qua trong hoang mạc, sau khi chịu Phép Rửa trên sông Gio-đan. Thánh sử gia Mác-cô đã chép trong Phúc Âm ngày hôm nay : "Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ người" (Mc 1, 11-12). Với những lời ngắn ngủi này, thánh sử gia mô tả thử thách do Chúa Giêsu tự nguyện đối phó, trước khi bắt đầu sứ vụ Cứu Thế của Người. Đó là một thử thách mà Chúa đã chiến thắng và chuẩn bị để Người đi rao truyền Phúc Âm của Nước Thiên Chúa. Trong 40 ngày cô đơn, Người đã chiến đấu "sáp lá cà" với Xa-tan, Người đã lật mặt nạ những cám dỗ của nó và đã chiến thắng. Nơi Người, chúng ta đã thắng tất cả, nhưng chúng ta có bổn phận bảo vệ chiến thắng này trong hàng ngày.
Giáo Hội nhắc cho chúng ta mầu nhiệm này ở đầu Mùa Chay, bởi vì nó cho chúng ta thấy viễn cảnh và ý nghĩa của thời gian này, vốn là một thời gian chiến đấu – trong Mùa Chay phải chiến đấu - một thời gian chiến đấu thiêng liêng chống lại ác thần (x. Lời Nguyện đầu lễ Thứ Tư Lễ Tro). Và trong khi chúng ta băng qua "hoang mạc" của Mùa Chay, chúng ta phải giữ tầm nhìn hướng về Lễ Phục Sinh, vốn là chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu chống lại Ác Thần, chống lại tội lỗi và chống lại sự chết. Đó là ý nghĩa của ngày chúa nhật thứ Nhất Mùa Chay này: chúng ta cương quyết bước lên con đường của Chúa Giêsu, con đường dẫn tới sự sống. Nhìn vào Chúa Giêsu, vào những điều Chúa Giêsu đã làm, và bước đi với Người.

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Thứ Tư Lễ Tro 18.02.2015

Ơn nước mắt để hối cải không đạo đức giả

Bài giảng lễ Thứ Tư Lễ Tro (toàn văn bản dịch)

Rôma – 18/02/2015 (Zenit.org)



Đầu Mùa Chay này, Đức Giáo Hoàng khuyến khích "hãy cầu xin ơn khóc lóc, để khiến cho kinh nguyện và hành trình sám hối của chúng ta luôn mang tính thành thật và không đạo đức giả".
Mùa Chay bắt đầu ngày Thứ Tư Lễ Tro, 18/02/2015 này, theo truyền thống cũng là "chặng thứ nhất" của Mùa Chay ở Rôma: một truyền thống cổ đại đề nghị một cuộc hành hương mỗi ngày đến viếng các nhà thờ khác nhau của thành phố Rôma, trong Mùa Chay, Tuần Thánh, và Tuần Lễ Đầu Phục Sinh.
Đức Giáo Hoàng đã chủ sự chặng này trước lúc 16giờ30, tại nhà thờ Biển Đức Thánh Anselme, trên ngọn đồi Aventin. Sau cuộc rước kiệu đền tội cổ truyền - với các Đức Hồng Y, tổng giám mục và giám mục, các tu sĩ dòng Thánh Anselme, các Cha dòng Đa Minh của dòng Thánh Nữ Sabina, và các giáo dân - từ Anselme đến Sabina, Đức Giáo Hoàng đã chủ tế Thánh Lễ trong đó ngài đã làm phép và đặt tro.
"Hòa giải giữa chúng ta và Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nhờ vào lòng thương xót của Cha, là Đấng, vì yêu thương chúng ta, đã không ngần ngại hy sinh Con Một của Người", Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh trong bài giảng lễ của ngài.
Ngài đã mời gọi hãy tự hỏi "Tôi có khóc không ?... Khóc lóc có là cầu nguyện không?". Quả vậy, nước mắt giúp "thanh tẩy" tâm hồn. "Những kẻ đạo đức giả không biết khóc; họ đã quên khóc như thế nào; họ không cầu xin ơn biết khóc".
A.K.
Bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Là dân của Thiên Chúa, hôm nay chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, mùa để chúng ta tìm cách thống hợp chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu, để chia sẻ mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người.
Phụng vụ Ngày Thứ Tư Lễ Tro đề nghị với chúng ta trước hết một đoạn sách tiên tri Giô-en, được Thiên Chúa sai đến để kêu gọi dân chúng đền tội và xám hối, bởi vì một trận thiên tai (nạn châu chấu tràn ngập) đã tàn phá vùng Juđêa. Chỉ có Chúa có thể cứu khỏi tai họa này và vì thế cần phải cầu khẩn Người bằng kinh nguyện và bằng chay tịnh, và tự thú nhận tội lỗi mình ra.
Ngôn sứ nhấn mạnh phải sám hối từ nội tâm: "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta" (Ge 2, 12)

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Sứ điệp ĐTC Phanxicô - Ngày Quốc Tế Giới Trẻ - CN Lễ Lá 2015

Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2015
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8)
 


Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta tiếp tục cuộc hành hương thiêng liêng tiến về Krakow [Ba Lan], nơi mà vào tháng 7.2016 sẽ diễn ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Chúng ta đã chọn các mối phúc trong Tin Mừng làm kim chỉ nam cho chuyến hành trình này. Năm ngoái, chúng ta đã suy tư về mối phúc tinh thần khó nghèo, trong một bối cảnh rộng lớn hơn của “Bài Giảng Trên Núi”. Chúng ta đã cùng nhau khám phá ra ý nghĩa mang tính cách mạng của Các Mối Phúc và lời mời gọi hùng hồn của Đức Giêsu muốn chúng ta lao mình về tương lai với lòng can đảm để tìm kiếm hạnh phúc. Năm nay, chúng ta sẽ suy tư về mối phúc thứ sáu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).
1.     Khao khát hạnh phúc
Từ “phúc lộc” hay “hạnh phúc” được nhắc đến chín lần trong bài giảng lớn đầu tiên của Đức Giêsu (x. Mt 5,1-12). Nó giống như một điệp khúc nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi của Chúa để tiến về phía trước cùng với Ngài trên con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, dù phải trải qua nhiều thử thách.
Các bạn trẻ thân mến, con người mọi thời và mọi lứa tuổi đều mưu cầu hạnh phúc. Thiên Chúa đã đặt để trong con tim của mỗi người nam nữ một khao khát mãnh liệt mong có được hạnh phúc, có được sự tròn đầy. Các bạn có nhận thấy rằng con tim mình không bao giờ nghỉ yên, nhưng lúc nào cũng tìm kiếm một sự thiện giúp thỏa mãn cơn khát sự vĩnh hằng không?
Những chương đầu của sách Sáng Thế Ký trình bày cho chúng ta “phúc lành lớn lao” tuyệt mỹ mà chúng ta được mời gọi hướng đến. Nó bao hàm một sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, với người khác, với tự nhiên và với chính mình. Tự do đến gần Thiên Chúa, thân thiết với Ngài, và chiêm ngưỡng Ngài là những điều nằm trong kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho nhân loại ngay từ khởi thủy, và ánh sáng thần linh của Ngài đã chiếu rọi vào tất cả các tương quan nhân loại bằng chân lý và sự ngay thẳng. Trong tình trạng công chính nguyên thủy, không cần phải “đeo mặt nạ”, không cần dùng thủ đoạn hay cố gắng che giấu chính mình với người khác. Mọi thứ rất trong sáng và rõ ràng.

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình - Tình Huynh Đệ

Trả lại vị trí trung tâm xã hội cho tình huynh đệ

Bài giáo lý ngày 18 tháng 02 năm 2015 (toàn văn)

Rôma – 18/02/2015 (Zenit.org)

"Hôm nay, hơn bao giờ hết cần phải trả lại tình huynh đệ vào vị trí trung tâm của xã hội kỹ thuật chuyên chế và quan liêu chuyên chế của chúng ta: như thế, kể cả tự do và bình đẳng cũng sẽ phải mang sắc thái chính xác của mình", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố nhân buổi triều kiến chung sáng thứ Tư này, 18/02/2015.
Sau khi suy ngẫm trong các cuộc gặp mặt trước đây về những hình ảnh của người cha và người mẹ, Đức Giáo Hoàng đã dành Bài giáo lý cho "vẻ đẹp của quan hệ huynh đệ": "Có một người anh, chị, em thương mến bạn là một trải nghiệm mạnh mẽ, vô cùng quý giá và không thể thay thế được.
"Sự chúc lành của Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu Kitô, trải rộng trên quan hệ huynh đệ này làm cho nó nở ra một cách ngoài trí tưởng tượng, khiến cho nó có thể vượt lên trên những khác biệt giữa các quốc gia, các ngôn ngữ, các văn hóa và kể cả các tôn giáo", ngài khẳng định.
Đức Giáo Hoàng đã cảnh giác: "Không có tình huynh đệ, tự do và bình đẳng có thể chất chứa đầy dẫy cá nhân chủ nghĩa và tập quán chủ nghĩa, kể cả tư lợi cá nhân.
Tình huynh đệ "chói sáng một cách đặc biệt trong sự chú tâm đến những người yếu đuối nhất" ngài nhấn mạnh: "những kẻ nhỏ bé nhất, những kẻ yếu đuối nhất, những kẻ nghèo khổ nhất phải làm động lòng chúng ta; họ có "quyền" chiếm tâm hồn chúng ta. Phải, đó là những người anh em chúng ta, và với tư cách đó, chúng ta phải yêu mến họ và săn sóc họ".
A.K.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Gia Đình – V. Anh Chị Em
Thân chào quý anh chị em!
Trên hành trình các Bài giáo lý về gia đình, sau khi xem xét vai trò của người mẹ, người cha và các con cái, hôm nay, đến lượt các anh chị em trong nhà. "Anh chị em" là những từ ngữ mà Kitô giáo rất ưa thích. Và nhờ vào kinh nghiệm gia đình, đó là những từ ngữ mà mọi nền văn hóa và mọi thời đại đều hiểu được.
Quan hệ huynh đệ có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân Thiên Chúa, vốn nhận được mặc khải ngay trong da thịt kinh nghiệm nhân bản. Thánh vịnh gia đã ca ngợi vẻ đẹp của quan hệ anh em rằng: "Ngọt ngào, tươi đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau" (Tv 132, 1). Và đúng vậy, tình anh em thật đẹp! Chúa Giêsu Kitô đã dẫn đưa đến sự toàn vẹn của nó, kinh nghiệm nhân bản này là tình anh chị em, bằng cách đảm nhiệm trong tình yêu ba ngôi và phát triển đến độ nó vượt xa hơn cả những quan hệ máu mủ và nó có thể băng qua mọi bức tường chưa hề biết đến.
Chúng ta biết rõ là khi quan hệ huynh đệ bị phá hủy, khi tình anh em bị tan vỡ, sẽ mở ra con đường dẫn đến những trải nghiệm đau thương của chiến tranh, của phản bội, của hận thù. Câu chuyện Ca-in và Abel trong Thánh Kinh là thí dụ của cái kết thúc tiêu cực đó. Sau vụ hạ sát Abel, Thiên Chúa đã hỏi Ca-in: "Abel em ngươi đâu rồi?" (St 4,9a) Đó là câu hỏi mà Chúa còn tiếp tục nhắc lại cho tất cả mọi thế hệ. Và tuy thế, ở mọi thế hệ câu trả lời thảm hại của Ca-in cũng vẫn còn được nhắc lại: "Con không biết. Con là người giữ em con sao?" (St 4,9b). Sự đổ vỡ quan hệ anh em là cái gì trầm trọng và xấu xa cho nhân loại. Kể cả trong một gia đình, khi anh chị em cãi lộn nhau vì một chuyện nhỏ, hay vì chuyện gia tài, và không thèm nói chuyện, chào hỏi nhau nữa. Đó thật là trầm trọng! Tình huynh đệ là cái gì vĩ đại, khi người ta nghĩ rằng tất cả anh chị em đã sống trong cùng một tấm lòng của một bà mẹ trong 9 tháng trời, cùng sinh ra với da thịt của người mẹ mình! Và người ta không thể phả hủy tình anh em được. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút : tất cả chúng ta đều biết các gia đình có những người anh em chia rẽ, cãi cọ; chúng ta hảy cầu xin Chúa, cho những gia đình ấy – cũng có thể đó là trường hợp của chính gia đình chúng ta - để Chúa giúp đỡ họ hiệp nhất anh chị em và xây dựng lại gia đình. Tình huynh đệ không thể bị phá hủy, và khi nó bị phá hủy, nó sẽ xẩy ra điều gì đã diễn ra với Ca-in và Abel. Khi Chúa hỏi Ca-in em hắn đâu, hắn đáp lại rằng: "Con không biết, Em con không liên quan gì đến con". Thật là trầm trọng, thật là một chuyện rất, rất là đau lòng khi nghe thấy thế. Trong kinh nguyện của chúng ta, chúng ta hãy luôn cầu xin cho những anh em chia rẽ nhau.

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

ĐTC chúc mừng Năm Mới Ất Mùi 2015

Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng Năm Mới Âm Lịch



WHĐ (16.02.2015) – Hôm Chúa nhật 15-02, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chúc bình an hạnh phúc đến tất cả những ai đang chuẩn bị đón mừng Năm Mới Âm Lịchở vùng Viễn Đông và nhiều nơi khác trên thế giới. Sau khi đọc kinh Truyền Tin, ngỏ lời với các tín hữu tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói rằng những ngày lễ hội như thế là cơ hội để tái khám phá và sống tình huynh đệ sâu đậm hơn, đó là mối liên kết quý báu cho đời sống gia đình, và là nền tảng của đời sống xã hội. Đức Thánh Cha hy vọng rằng mỗi năm việc trở về với nguồn cội con người và gia đình sẽ giúp các dân tộc này xây dựng một xã hội trong đó các mối tương quan liên vị được đan kết trong sự tôn trọng, công lý và bác ái.
Trong số những khách hành hương có mặt tại Roma vào cuối tuần này, có cả những người cùng đi với các tân Hồng y vừa được Đức Thánh Cha tấn phong trong Công nghị Hồng y diễn ra hôm thứ Bảy 14-02 tại Vương cung thánh đường Vatican.
Năm Âm lịch Ất Mùi (2015) bắt đầu từ ngày thứ Năm 19 tháng Hai 2015, ngay sau ngày thứ Tư lễ Tro.

Thư của UBGD Công Giáo - Xuân Ất Mùi 2015

THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO 
NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT MÙI

Các con rất thân mến,
Nhân dịp ngày Tết của Dân Tộc, với lòng hân hoan và tâm tình quí mến, Cha gửi đến các con lời cầu chúc rất thân thương nhân ngày đầu năm. Xin Thiên Chúa ban cho các con muôn phước lành trong suốt năm Ất Mùi và ban cho các con, trong mùa Tết Nguyên Đán, được hưởng niềm vui trong tình nghĩa đầm ấm gia đình, bên ông bà, cha mẹ và anh chị em của các con.
Đối với Dân tộc Việt Nam chúng ta, ngày Tết không đơn thuần là ngày bắt đầu một chu kỳ mới của thời gian, cũng không chỉ là dịp vui chơi, giải trí, nhưng còn là Ngày của Gia Đình. Cha mẹ, con cái và anh chị em gặp gỡ nhau trong tình thân thương và với lòng hiếu kính, nhớ đến Tổ Tiên, Ông Bà. Chính vì vậy, ngày Tết Dân tộc vừa có tính cách nhân nghĩa vì nối kết các thế hệ trong gia đình, vừa mang tính cách thiêng liêng vì vươn lên cõi linh thiêng của Tổ Tiên.

Trong tâm hồn của người Công giáo, những tâm tình thân thương và thiêng liêng đó được tô điểm cho tươi thắm và sâu đậm bội phần vì vừa là truyền thống của văn hóa Dân tộc, lại còn là lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong mười Điều răn Đức Chúa Trời mà mọi người Công giáo đều thuộc lòng, có Điều răn thứ bốn truyền dạy chúng ta: “Con hãy thảo kính cha mẹ”. Đạo Chúa còn có nhiều giáo huấn về lòng hiếu thảo đối với Ông Bà, Cha Mẹ, nhưng Cha chỉ nhắc lại đoạn sách Huấn Ca, các con được nghe hằng năm vào lễ Thánh Gia: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ… Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội của con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3,2-6.12-16).
Vì vậy, nhân dịp mừng Tết Ất Mùi, Cha mong muốn các con hãy diễn tả lòng hiếu kính đối Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, không chỉ theo cung cách và truyền thống của văn hóa dân tôc, nhưng còn đặc biệt qua lời cầu nguyện và cách sống xứng đáng là con cái Chúa và là người công dân tốt để đem niềm vui và sự an bình đến cho gia đình và làng xóm hay khu phố của các con.

Con đường của Chúa Giêsu - Con đường của Giáo Hội - Quan tâm đến Người Xa Cách

"Tính khả tín của chúng ta được bộc lộ và tỏ rõ trên
Phúc Âm của những người bị khai trừ!"

Thánh Lễ với các tân Hồng Y (toàn văn)

Rôma – 15/02/2015 (Zenit.org)

"Tính khả tín của chúng ta được bộc lộ và tỏ rõ trên Phúc Âm của những người bị khai trừ", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố và chỉ dẫn cho các tân Hồng Y thấy cái "lôgic của Chúa Giêsu" và "con đường của Giáo Hội" là: "Không những chỉ đón nhận và hội nhập, với một tấm lòng can đảm Phúc Âm, những người đang gõ cửa chúng ta, mà còn đi tìm, không thành kiến và không sợ hãi, những người đang ở xa bằng cách bầy tỏ vô điều kiện những điều chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không".
Cùng các tân Hồng Y, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ đồng tế sáng Chúa Nhật, 15/02/2015 tại Đền Thánh Phêrô. Ngài đã tuyên bố với các vị Hồng Y  rằng: "Tước vị vinh dự duy nhất cũng như dấu chỉ đặc biệt của chúng ta là sự luôn luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân"
Ngài đã chỉ ra khuôn mẫu là Chúa Giêsu, Đấng trong Phúc Âm ngày Chúa Nhật hôm nay đã chữa lành người bị bệnh phong hủi: "Lòng thương xót của Chúa Giêsu trước sự khai trừ và ý chí hội nhập của Người".
Ngài nhấn mạnh đến sự đón tiếp những người bị gạt ra bên lề xã hội, và viện dẫn gương thánh Phanxicô: "Tôi khuyến khích anh em hãy phụng sự Chúa Giêsu chịu đóng đinh nơi những người bị khai trừ, dù là với bất cứ lý do gì đi chăng nữa; hãy nhìn thấy Chúa trong những nguời bị khai trừ đang đói khát, trần truồng : Chúa cũng hiện diện trong những người đã mất đức tin, hay đã xa vời với đức tin của mình; Chúa đang ở trong tù, Người đang là bệnh nhân, Người đang bị thất nghiệp, Người đang bị bách hại; Chúa ở trong người phong hủi – trên thể xác cũng như trên thần trí của Người -, đang bị kỳ thị! Chúng ta sẽ không tìm thấy Chúa, nếu chúng ta không đón tiếp người bị khai trừ một cách thành thật!".
Sau đây là bản dịch tiếng Pháp của Tòa Thánh
A.B.
Bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
"Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch"… Chúa Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" (x. Mc 1, 40-41). Chúa Giêsu chạnh lòng thương! Sự "chạnh lòng thương" này đã khiến Người gần gũi với tất cả những người dau khổ! Chúa Giêsu, không từ nan, trái lại, Người đã can dự vào nỗi đau và nhu cầu của người ta… đơn giản, bởi vì Người biết và muốn "chạnh lòng thương", bởi vì Người có một tấm lòng không biết xấu hổ khi "chạnh lòng thương".
"Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành" (Mc 1, 45). Điều có nghĩa là, ngoài việc chữa lành người phong hủi, Chúa Giêsu cũng đã gánh lấy sự khai trừ mà luật Môsê ấn định (x. Lv 13, 1-2. 45-46). Chúa Giêsu không sợ rủi ro phải gánh chịu sự đau khổ của người khác, nhưng Người đã phải trả giá cho đến tận cùng (x. Is 53, 4).
Lòng trắc ẩn đã khiến Chúa Giêsu hành động cụ thể là : tái hội nhập cho kẻ bị khai trừ! Đó là 3 quan niệm then chốt mà Giáo Hội đề nghị với chúng ta ngày hôm nay trong phụng vụ Lời Chúa: lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu trước sự khai trừ và ý chí hội nhập của Người.
Sự khai trừ: Ông Môsê, khi xử lý trên mặt pháp lý vấn đề những người bị phong hủi, yêu cầu họ phải bị đưa đi xa và khai trừ ra khỏi cộng đoàn, bao lâu còn bệnh, và ông tuyên bố họ là những người "ô uế" (x. Lv 13, 1-2. 45-46)
Anh em hãy tưởng tượng một người bị phong hủi đã bị đau khổ và xấu hổ đến chừng nào: về mặt thể chất, xã hội, tâm lý và tinh thần! Anh ta không chỉ là nạn nhân của bệnh tật, mà còn cảm thấy mình là thủ phạm, bị hình phạt vì tội lỗi của mình! Thật là một kẻ chết chưa chôn, "như ai đó bị cha mình phỉ nhổ vào mặt" (x. Ds 12, 14).
Vả lại, người phong hủi khiến người ta cảm thấy sợ hãi, khinh khi, ghê tởm và vì thế người đó bị chính gia đình mình bỏ rơi, người khác né tránh, bị khai trừ ra khỏi xã hội, hay đúng hơn, chính xã hội đã xua đuổi người đó và bắt buộc người đó phải sống ở những nơi xa với những người lành mạnh, khai trừ họ. Và điều này đến độ một người mạnh khỏe mà tới gần một người phong hủi, thì cũng bị nghiêm phạt và thường hay, chính người đó cũng bị đối xử như người phong hủi.
Mục đích của sự quy định này là để "cứu những người mạnh khỏe", "bảo vệ những người công chính" và để giữ gìn cho họ khỏi mọi rủi ro, để khai trừ ''mối nguy", trong lúc đối xử tàn nhẫn với người bị lây bệnh. Như thế, quả thật, thượng tế Cai-pha đã hống hách tuyên bố: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11, 50).

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Tư Duy Phản biện

PHẢN BIỆN

Chúng ta đang sống trong “thời đại bùng nổ thông tin”. Những thông tin chính xác đã trở thành hàng hóa mang đến nhiều lợi ích cho nhân loại; những thông tin thiếu trung thực, sẽ tạo ra bao mối đe doạ cho con người về nhiều mặt…Thông tin về những phát minh khoa học; về thị trường chứng khoán, thiên tai; chiến tranh, có cả thông tin lừa đảo, cướp dựt…Biết bao loại thông tin đang ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà ta gặp trên các nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tivi, internet…Chỉ cần vài cái nhắp chuột thì hàng vạn thông tin hiện lên. Quả thật, chúng ta đang choáng ngợp bởi thông tin. Trong đó có thông tin đúng, không đúng; thông tin đáng tin cậy và không đáng tin.

Vai trò của phản biện trong xã hội
Với lượng thông tin đa chiều, lẫn lộn đúng sai như thế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải suy nghĩ, phân tích kể cả phải phản biện để xác định độ tin cậy của vấn đề. Từ đó ta mới chọn lựa khi cần sử dụng, hầu tránh được bao điều đáng tiếc có thể xẩy ra.
Vấn đề phản biện đã có từ ngàn xưa, trong hầu hết mọi lãnh vực của nhân loại.
Phản biện giữ một vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân, trong cộng đồng xã hội, trong simh hoạt chính trị của một quốc gia, và trong sự phát triển của nhân loại.
Phản biện đang được tôn giáo cũng như xã hội, các quốc gia chú tâm.
Xin đơn cử một vài trường hợp:

Về phía tôn giáo
Trong chuyên đề số 185 Chương trình Chuyên đề Giáo dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình TGP Sài Gòn ngày 16/11/2013 với chủ đề: “Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội”, do Thạc sĩ Phạm Thị Thuý, Giảng viên Đại học Hành Chánh trình bày.
Trong phạm vi của bài viết, trước khi tìm hiểu các mặt khác của phản biện, tôi xin trích dẫn hai định nghĩa về phản biện của tổ chức World Vision về Kỹ Năng Sống mà diễn giả đã nêu ra:
Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng, gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có, do các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgic, đầy đủ bằng chứng và công tâm”.
Tư duy phê phán là hoạt động nhận thức của trí óc có đặc điểm nhìn vấn đề một cách hoài nghi tích cực, nhiều chiều, lật lại vấn đề, không xuôi chiều để phân tích độ tin cậy, nhìn nhận vấn đề một cách hợp lý, chỉ ra chỗ không hợp lý. Sau đó, sử dụng lý lẽ, luận cứ, lập luận chặt chẽ, lôgic, có cơ sở thuyết phục để bảo vệ chính kiến, chân lý, lẽ phải, các quan điểm khác nhau”.

Tết Nguyên Đán và ý nghĩa

HỒN QUÊ


Tình cờ tôi nghe được những giai điệu thật vui tươi do một tốp ca thể hiện trong bài hát: “Tết Quê Em” của nhạc sĩ Từ Huy trên chuyến xe đò từ Cần Thơ về Rạch Giá. Bài hát đã làm cho bầu khí trên xe trở nên nhộn nhịp, ồn ào:

     “Tết tết tết tết đến rồi!
      Tết tết tết tết đến rồi!
      Tết tết tết tết đến rồi!
     Tết đến trong tim mọi người!..”

Nhưng Tết là gì? Mà kiều bào ở hải ngoại, hàng năm có hàng trăm ngàn người đã vượt cả nửa vòng trái đất (20.000km) chẳng quản tốn phí; hàng triệu người trong nước từ học sinh, sinh viên, đến công nhân viên chức ở các thành phó lớn, có khi đã phải đi bộ hàng trăm km; đi xe hai bánh cả ngàn cây số; đặt vé xe đò, xe lửa, vé máy bay cả mấy tháng trước để có một chỗ “về quê ăn tết”.
Quả thật, Tết từ bao đời đã là ngày hội lớn truyền thống, thiêng liêng, huyền diệu bất tử đã ở trong tim, trong máu, trong xương thịt của mỗi người Việt Nam. Và đặc biệt là với những người tha hương.
Ta cùng tìm hiểu một đôi nét về Tết.
Nguồn gốc Tết

Tết còn được gọi đầy đủ hơn là Tết cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết truyền thống, Tết nguyên đán. Còn chữ Tết chính là chữ tiết “Thời tiết”; chữ “nguyên” là khởi đầu; chữ “đán” là buổi ban mai. Vậy, Tết nguyên đán là tiết trời bắt đầu buổi ban mai ngày đầu tiên mùa xuân của năm mới, theo sự vận hành của trời đất, có bốn mùa trong một năm: Xuân -Hạ -Thu -Đông.
Tết đã có từ đời Tam Hoàng, Ngũ Đế bên Trung Quốc cách nay cả gần 5000 năm. Còn ở Việt Nam Tết đã có từ đời Lý, Trần, Lê cách nay cả 10 thế kỷ.
Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm, không chỉ riêng đối với người Việt, mà nó còn là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của nhiều nước Châu Á như: Trung Quốc, Mông Cổ, Singapore, Bán đảo Triều Tiên... Tết nguyên đán, đánh dấu kết thúc một mùa đông lạnh lẽo, và khởi đầu cho một mùa xuân, với những chồi non đâm tược cùng muôn sắc hoa rộ nở, đặc biệt ở Việt Nam là hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam mang lại bao hy vọng an lành, tốt đẹp, may mắm và được mùa trong năm mới. Đó chính là mong ước của người dân, những nước thường coi nông nghiệp là nghề chính.
Trong khi đó, Tết nguyên đán không được các nước phương Tây quan tâm. Các nước phương Tây họ tổ chức mừng Tết Dương lịch thật long trọng hoành tráng. Ngược lại, người Châu Á, cũng như Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến Tết Dương lịch. Dù ngày nay đã hội nhập sâu, nhưng Đông vẫn là Đông, Tây vẫn là Tây.

Giao thừa, giây phút thiêng liêng
Thời khắc linh thiêng của Tết nguyên dán diễn ra trong giữa đêm ba mươi, đêm mà trời đất giao hoà, kết duyên để tiễn đưa năm cũ, và tiếp nhận năm mới. Đó chính là giây phút Giao thừa thiêng liêng huyền diệu của ngày Tết. Giây phút mà thi sĩ Hàn Mạc Tử đã thốt lên: “Giây phút thiêng liêng đã khởi đầu”. Các gia đình theo đạo Công Giáo thường chờ đón giây phút thiêng liêng Giao thừa để đọc kinh cầu nguyện, cúi đầu cảm tạ Chúa: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi Sion” (Thánh Vịnh 133,3) và gia đình cùng cảm tạ Chúa trong Thánh lễ Giao thừa linh thiêng đó: “Trong giờ phút Giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa” (Ca nhập lễ đêm Giao thừa).

Kiểm thảo cuối năm

KIỂM THẢO CUỐI NĂM CŨ


Ø  Gợi ý kiểm thảo
Mỗi người trong chúng ta đều được Chúa giao phó cho một số nén bạc nào đó. Bổn phận của chúng ta là quản lý và cộng tác với ơn Chúa để phát triển và sinh lợi từ những nén bạc Chúa trao.

v Nén bạc thời gian:
Một năm 365 ngày mà Chúa ban cho, chúng ta đã sử dụng như thế nào? Đã làm được những việc gì? Hay là đã lãng phí vào những việc làm vô bổ, thậm chí là có hại cho bản thân và gia đình? Còn trong tương quan với Chúa thì sao? Một ngày chúng ta dành cho Chúa được bao nhiêu phút? Một tuần chúng ta dành cho Chúa được bao nhiêu giờ? Một tháng chúng ta dành cho Chúa được bao nhiêu buổi? Một năm chúng ta dành cho Chúa được bao nhiêu ngày?

v Nén bạc sức khoẻ:
Ơn sức khoẻ là nén bạc quý giá mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta đã sử dụng thế nào? Sinh lợi được những gì? Chúng ta đã dùng nó để làm được bao nhiêu việc lành, việc thiện, việc nghĩa? Hay chỉ phung phí vào những việc vô nhân, vô luân, vô nghĩa?

v Nén bạc khả năng:
Người thì được Chúa ban cho khả năng này, kẻ được Chúa ban khả năng khác… Chúng ta đã phát huy những khả năng đó ra sao để phục vụ và làm sáng danh Chúa và mưu ích cho anh chị em mình? Nhất là chúng ta có trau dồi và rèn luyện thêm không, hay chỉ biếng nhác để cho khả năng của mình trở nên cùn mòn, vô tích sự?

v Nén bạc ân huệ thiêng liêng:
Qua các Bí tích, người Kitô hữu chúng ta được lãnh nhận các ơn huệ thiêng liêng từ Thiên Chúa. Bí tích Rửa tội làm cho ta trở nên con cái của Cha trên trời; Bí tích Thêm sức cho ta được tràn đầy ơn Chúa Thánh thần; Bí tích Thánh Thể mang lại cho ta lương thực thiêng liêng mỗi ngày; Bí tích hoà giải giúp ta giao hoà với Chúa và với anh em. Chúng ta đã sinh lợi từ các ơn của các Bí tích đó như thế nào?

v Nén bạc ơn gọi của mỗi người:
Mỗi người đều được Chúa mời gọi sống trong một cộng đoàn. Cộng đoàn đó có thể là gia đình, là giáo họ, giáo xứ, hội dòng, hội đoàn, … Chúng ta đã sống mối tương quan trong các cộng đoàn đó thế nào? Chúng ta có sẵn sàng đón nhận những người mà Chúa gởi đến ngay trong chính gia đình mình, cộng đoàn mình như là món quà để rèn luyện và thăng tiến mình hay không?

v Nén bạc từ các thử thách:
Thử thách cũng là nén bạc nếu không phải là nén vàng; sống ở đời sao khỏi bị thử thách cách này hay cách khác: bệnh tật, thất bại, buồn phiền. . . chúng ta có biết nhìn những thử thách đó như là dịp để Chúa gần gũi chúng ta hơn không? Dịp để chúng ta trở về với Chúa vì chúng ta nhận ra thân phận yếu hèn của chúng ta không?

Đặc Sủng Cursillo


Đặc sủng sáng lập PT Cursillo
do Eduardo Bonnin

Bản dịch bài phát biểu của người sáng lập chính PT Cursillo, nhân cuộc Hội Ngộ Toàn Cầu lần thứ V tại Séoul Kinh Đô Hàn Quốc, ngày 4 tháng 10 năm 1997.
Nhập đề
Trước khi nói đến đặc sủng sáng lập trong Phong Trào Cursillo, phải nói rõ thế nào là đặc sủng. Theo Tự Điển Mục Vụ (1988), chữ «Karisma» có nghĩa là: vật tặng hiến, quà tặng, ân huệ, cũng có nghĩa tương đương với lời kêu gọi và ơn gọi.Trên thực tế từ ngữ này đồng nghĩa với những nhiệm vụ và những sinh hoạt. «Đặc sủng là tác động của Thánh Linh trên người có đức tin, con người không thể đòi hỏi những tác động này, các cơ quan chính thức của Giáo Hội cũng thế, và càng không phải tìm lãnh nhận các bí tích để được có nó. Chính xác hơn đặc sủng có thể được định nghĩa như một ơn gọi cụ thể và liên tục (bao gồm cả thời nay và vĩnh hằng) tác động trên cộng đồng Ki-tô, túc trực xây dựng cộng đồng và để phục vụ tha nhân trong tình yêu. Không ai tiên đoán được các hình thức của đặc sủng, nhưng cần phải được phát hiện ra rồi sau đó mỗi lần  như thế công nhận nó. Điều này đòi hỏi chúng ta tế nhị nhận định và lắng nghe Chúa Thánh Thần trong cộng đồng Giáo hội».
Trên lý thuyết còn có thể nói đặc sủng là "một món quà của Thiên Chúa trao ban cho người nào Ngài muốn, không phải để người lãnh nhận sử dụng cho riêng mình, nhưng để người ấy cho cả cộng đồng và Giáo hội thừa hưởng".
Trong đặc sủng có thể phân ra làm bốn yếu tố:
1-     Đó là món quà của Thiên Chúa.
2-     Tác động trên những con người cụ thể rõ ràng.
3-     Cho những người khác và Giáo hội thừa hưởng.
4-     Được giáo quyền công nhận.
Một món quà của Thiên Chúa.
Không thể nghi ngờ được Phong Trào Cursillo là một đặc sủng cá biệt vì đó là món quà Chúa Thánh Thần trao ban  cho Giáo hội, vào buổi ban đầu, năm 1944 tại Majorca nhờ một nhóm giáo dân, «làm cho nhiều người gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Chúa Giêsu Ki-tô và gặp gỡ tha nhân»; và được giáo quyền công nhận.
Một món quà tác động trên những con người cụ thể rõ ràng.
Để hiểu rõ hơn đặc sủng của chúng ta, có lẽ cần xác định những hoàn cảnh thuộc về bản chất con người trong những ngày phôi thai. Thật vậy, chính những giáo dân trẻ tuổi, những con người cụ thể rõ ràng, trong một thời điểm nhất định, sau nhiều ngày cầu nguyện, nghiên cứu và suy nghĩ nhiều, đã cấu trúc và khởi động Phong Trào Cursillo.

E.Bonnin và Đặc Sủng Cursillo

Ông Eduardo Bonnín Aguiló và
Đặc Sủng Cursillo
Giuse Nguyễn Đức Tuyên
Thưa quý anh chị,
Chủ đề tháng 2 của Phong Trào chúng ta là sống Đặc sủng Cursillo. Tôi xin chia sẻ đôi điều về cuộc sống trung thành suốt đời của ông Eduardo Bonnin với Đặc sủng Chúa Thánh Linh ban cho ông và Phong Trào Cursillo.
1.     Vài hàng về ông Eduardo Bonnin
Ông Eduardo Bonnin sinh ngày 4.5.1917, mất ngày 6.2.2008, thọ 91 tuổi, và như vậy, tuần trước là giỗ 7 năm người sáng lập Phong Trào Cursillo.   
Ông Bonnín được biết tới là một thiếu niên có lòng mộ đạo, có văn hóa cao, thông minh. Ông là người luôn khao khát đọc sách. Ông được giáo dục trong một bầu khí đức tin và chuyên tâm học hỏi về Con Người.
Một dịp may đến với ông. Trong huấn từ đọc tại Roma ngày 6.2.1940, ĐGH Piô XII khuyến khích các thành phần lãnh đạo trong Giáo Hội nỗ lực tìm cách đem những người xa Chúa trở về các giá trị đạo đức Kitô Giáo. Ngài đặt ra phương châm: cầu nguyện, học tập và hành động. Khi đọc huấn từ này, ông Bonnin được đánh động và khởi sự tận lực nghiên cứu bối cảnh xã hội thời đó một cách có hệ thống và nghiêm túc. Năm 1940 tập tài liệu mang tên Nghiên Cứu Môi Trường của ông ra đời, đó là khởi điểm của Đặc sủng Cursillo. Ông đã tổ chức Khóa Cursillo đầu tiên vào ngày 20.8.1944.
Phong Trào Cursillo liên hệ mật thiết với cuộc đời của ông Bonnin. Ông có một viễn ảnh về một thế giới đặt trên nền tảng Kitô Giáo, với những giá trị được nhận biết từ Kinh Thánh.
Trong Đại Hội Ultreya thế giới tại Roma năm 2000, ông Bonnin đã nói như sau: Tôi thật xúc động và biết ơn, vì những ý tưởng đã thấm nhập vào tâm hồn tôi, đã không là một ảo ảnh, không là ước vọng tưởng tượng của tuổi mới lớn, mà là một chương trình của Chúa Thánh Linh. Đó là Đặc Sủng, một món quà, Chúa ban tặng.
2.     Ân sủng và Đặc sủng
Ân sủng là ân huệ, là sự cứu giúp nhưng không, Chúa ban cho ta nhờ phép Rửa Tội. Người ta phân biệt ân sủng thường xuyên hay Thường sủng hay Ơn Thánh hóa (Habitual Grace, grâce habituelle) và các ân sủng tức thời hay Hiện sủng hay Ơn Trợ Giúp (Actual Grace, grâces actuelles). Đặc Sủng là một Ân sủng đặc biệt, món quà Thánh Linh ban tặng cho một người mà Ngài chọn, nhưng mục đích không phải dành riêng cho người ấy, mà để mang lại hạnh phúc cho một cộng đồng và Giáo Hội.

Chúc Mừng Năm Mới Ất Mùi 2015

Kính thưa quý Cha, quý Tu sỹ
Thưa quý anh chị cursillistas rất thân mến,

Trước thềm Năm Mới Ất Mùi 2015, BPV Cursillo Xuân Lộc hân hoan kính chúc quý Cha, quý Tu sỹ Linh hướng, quý thân nhân, ân nhân và toàn thể quý anh chị cursillistas cùng gia quyến

TRÀN ĐẦY HỒNG ÂN CỦA CHÚA XUÂN, và

MỘT NĂM MỚI

AN KHANG - THÁNH ĐỨC - TRÀN ĐẦY NIỀM VUI THÁNH THỂ



Xin cùng hiệp nguyện tạ ơn Chúa về những ơn lành Ngài đã thương ban cho từng người, từng gia đình trong năm vừa qua.

Chúng con cũng hết lòng cám ơn quý Linh hướng đã luôn cầu nguyện, đồng hành và hướng dẫn ACE chúng con ngày một thăng tiến.

Chúng tôi cũng xin cám ơn tất cả quý anh chị cursillistas xa gần đã luôn cầu nguyện, hiệp thông, chia sẻ và cộng tác trong mọi công việc chung nhằm xây dựng PT Cursillo Xuân Lộc - VN ngày một vững mạnh hơn.

Thời khắc vào Xuân Ất Mùi năm nay cũng là ngày đầu Mùa Chay Thánh…xin Thiên Chúa chúc lành cho những Palanca của tất cả quý anh chị, để mọi công tác phát triển Phong trào trổ sinh hoa trái đẹp lòng Chúa và mưu ích cho ACE.

De Colores! Ultreya!

BPV Cursillo Xuân Lộc