Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô CN Lễ Lá - 29.03.2015

Tuần Thánh – theo Con Đường Khiêm Hạ của Chúa Giêsu

Bài huấn đức Chúa Nhật Lễ Lá (toàn văn)

Rôma – 30/3/2015 (Zenit.org)


Trong Tuần Thánh, người Kitô hữu được kêu gọi hãy bước đi "trên con đường khiêm hạ của Chúa Giêsu", hãy bước đi "trên con đường khiêm nhường, với thật nhiều tình yêu Chúa": "chỉ như thế, tuần lễ này mới trở nên "thánh" cho chúng ta!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.
Đức Giáo Hoàng đã khai mạc Tuần Thánh hôm qua, Chúa Nhật 29/3/2015, Chúa Nhật Lễ Lá và Cuộc Khổ Nạn của Chúa: lúc 09giờ30, trên quảng trường thánh Phêrô, ngài đã chủ tọa cuộc rước với những cành thiên tuế và lá cây để tưởng nhớ Chúa Giêsu vinh hiển đi vào thành Giêrusalem, trước khi cử hành Thánh Lễ.
Trong bài huấn đức, Đức Giáo Hoàng đã nói về "phong cách của Thiên Chúa và, theo gương Người, đó cũng phải là phong cách của người Kitô hữu: khiêm nhường": "đó là con đường Chúa Giêsu, không còn con đường nào khác. Và không có khiêm nhường nếu không bị sỉ nhục".
Trên con đường này, người Kitô hữu được nâng đỡ bởi "gương sáng của nhiều người nam cũng như nữ, đã trong thinh lặng và ẩn dật, hàng ngày từ bỏ bản thân để phục vụ người khác", và cũng bởi gương sáng "của các đấng tử vì đạo của ngày hôm nay", ngài giải thích.
A.K.
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Giữa cuộc cử hành này, bề ngoài như một lễ hội, có lời nói mà chúng ta đã nghe trong bài ca ngợi khen của Thư gửi giáo hữu Philiphê: "Người lại còn hạ mình" (Pl 2, 8). Sự hạ mình của Chúa Giêsu.
Lời đọc này mặc khải cho chúng phong cách của Thiên Chúa và, theo đúng như vậy, đó phải là phong cách của người Kitô hữu: khiêm nhường. Một phong cách không bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên, làm chúng ta khủng hoảng: người ta không thể nào quen với sự kiện một Thiên Chúa khiêm nhường!

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô 25.03.2015 - Kinh cầu nguyện cho Thượng HDGM về Gia đình

Mong rằng không có gia đình nào bị loại trừ khỏi Giáo Hội

Bài giáo lý ngày 25 tháng 3 năm 2015 (bản dịch toàn văn)

Rôma – 25/3/2015 (Zenit.org)


Đức Giáo Hoàng cầu chúc rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình (10/2015) và những kinh nguyện tháp tùng công nghị được làm sống động "với lòng thương cảm của Đấng Mục Tử Nhân Lành đối với đàn chiên của Người": như vậy, Giáo Hội "có thể dấn thân nhiều hơn, và còn hiệp nhất nhiều hơn, trong việc làm chứng cho chân lý của tình yêu Thiên Chúa và của lòng thương xót Người đối với các gia đình trên thế giới, không loại trừ một gia đình nào, dù là ở trong hay ở ngoài vòng rào".
Trong buổi triều kiến chung sáng thứ tư 25/3/2015, nhân lễ Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng đã dành Bài giáo lý của ngài cho một "cuộc tạm dừng chân cầu nguyện" cho gia đình.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Trên hành trình các Bài giáo lý về gia đình, ngày hom nay là một chặng hơi đặc biệt: sẽ là một cuộc dừng chân cầu nguyện.
Quả vậy, ngày 25 tháng 3, chúng ta cử hành lễ Truyền Tin, khởi đầu của mầu nhiệm Nhập Thể. Tổng lãnh thiên thần Gabriel tới thăm người thiếu nữ khiêm nhường của thành Nazareth và báo cho cô rằng cô sẽ thụ thai và sẽ hạ sinh Con Thiên Chúa. Bởi lời thông truyền này, Chúa soi sáng và tăng cường đức tin của Đức Maria, cũng như Người sẽ làm tiếp đó với chồng cô là ông Giuse, để cho Đức Giêsu có thể sinh ra trong một gia đình loài người. Thật là rất đẹp: điều này cho chúng ta thấy chiều sâu của mầu nhiệm Nhập Thể, theo như ý Thiên Chúa muốn, không chỉ bao gồm sự thụ thai trong lòng người mẹ, mà cũng còn là sự đón nhận trong một gia đình đích thực. Ngày hôm nay tôi muốn cùng anh chị em chiêm ngắm cái đẹp của sợi dây liên lạc này, cái đẹp của sự hạ cố từ Thiên Chúa; và chúng ta có thể làm điều này khi cùng nhau đọc kinh "Kính mừng Maria"; kinh này chứa đựng chính xác trong phần đầu, những lời lẽ của thiên thần, những lời ngài đã nói với Đức Trinh Nữ. Tôi mời anh chị em hãy cùng nhau cầu nguyện:
"Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử, amen".
Và bây giờ, một điểm thứ nhì: ngày 25/3, lễ Truyền Tin, ở nhiều nước người ta cử hành Ngày cho Sự Sống. Chính vì thế mà cách đây 20 năm, vào ngày này, Thánh Gioan Phaolô II đã ký sứ điệp Evangelium Vitae. Để ghi nhớ ngày kỷ niệm này, nhiều thành viên của Phong Trào bảo vệ sự sống đã có mặt hôm nay ở đây. Trong sứ điệp Evangelium Vitae, gia đình chiếm một chỗ trung tâm, vì gia đình là nơi cưu mang sự sống con người. Lời lẽ vị tiền nhiệm khả kính của tôi nhắc nhở chúng ta rằng cặp vợ chồng loài người đã được Thiên Chúa chúc phúc ngay từ khởi thủy để hình thành một cộng đoàn tình yêu và sự sống, với sứ mạng được giao cho là sinh sản con cái. Khi cử hành bí tích hôn phối, các vợ chồng Kitô hữu tình nguyện sẵn sàng để hưởng sự chúc phúc đó suốt đời, với ơn phúc của Đức Kitô. Giáo Hội, về phần mình, cam kết trọng thể chăm sóc gia đình vốn được dựng lên [từ bí tích hôn phối], như một ân điển của Thiên Chúa cho sự sống của riêng mình, trong vận tốt cũng như vận xấu: quan hệ giữa gia đình và Giáo Hội là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Giáo Hội, với tư cách là mẹ, không bao giờ bỏ rơi gia đình, kể cả lúc bị sỉ nhục, xúc phạm và, bằng đủ mọi cách, bị bạo hành.  Kể cả khi gia đình rơi vào tội lỗi hay xa rời Giáo Hội; Giáo Hội vẫn luôn làm tất cả để tìm cách săn sóc và chữa lành cho gia đình, mời gọi gia đình hối cải và hòa giải với Chúa.

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Phép lạ của Thánh Janvier - máu hóa lỏng - 21.03.2015

Phép lạ của thánh Janvier trước sự hiện diện của
Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Máu Thánh Tử Đạo đã hóa lỏng nhân chuyến viếng thăm Napoli

Rôma – 21/3/2015 (Zenit.org) Anne Kurian

"Phép lạ" máu thánh tử đạo Janvier trở lại trạng thái lỏng đã lại xẩy ra hôm 21/4/2015 này, nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại nhà thờ chánh tòa Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên. Ngài là thánh bổn mạng thành phố Napôli, máu ngài được đựng trong một ống thủy tinh.
Ở chặng thứ năm chuyến tông du Napôli, Đức Giáo Hoàng đã có hẹn với các giáo sĩ, tu sĩ - kể cả các nữ tu chiêm niệm – và các phó tế vĩnh viễn, vào khoảng 15 giờ.
Sau khi giảng huấn với tất cả tấm lòng, ngài đã sùng kính di vật của thánh Janvier, giám mục Nénévent, tử đạo năm 305, dưới đời hoàng đế La Mã Dioclétien.
Máu của ngài nổi tiếng vì "phép lạ" truyền thống thường xẩy ra mỗi năm 3 lần: Người dân Napoli chứng kiến sự hóa lỏng của ống máu, được coi như một sự chúc lành, ngày 19 tháng 9, kỷ niệm ngày thánh Janvier bị tử vì đạo, ngày Chúa Nhật đầu tháng 5, kỷ niệm ngày rời di thể ngài từ "Afro Marciamo" tới hầm hài cốt hiện nay và sau cùng là ngày 16/12, kỷ niệm ngày núi Vesuva phun lửa năm 1631.
"Dấu chỉ cho thấy thánh Janvier yêu quý Đức Giáo Hoàng vì ngài cũng người gốc Napôli như chúng ta, máu ngài đã hóa lỏng phân nửa" Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, tổng giám mục Napôli loan báo, trong lúc Đức Giáo Hoàng vừa cầm di vật trong tay để ban phép lành: "chỉ hóa lỏng một nửa, điều này cho thấy vị thánh chỉ thương chúng ta một nửa thôi, chúng ta phải hối cải thêm một chút…" Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đùa.
Hiện tượng thường tái diễn này được chứng nhận ở Napôli từ năm 1389. Đó là một trong những phép lạ được khám nghiệm kỹ lưỡng nhất, và đã được xác nhận bởi những người hoài nghi nhiều nhất.
Không tìm được một sự giải thích tự nhiên nào bởi các khoa học gia chuyên tâm nghiên cứu sự kiện đặc biệt này. Nhiệt độ bên ngoài, có thể lên đến 30 độ vào tháng Chín và chỉ còn là 7 độ vào tháng 12 dường như không có ảnh hưởng gì lên sự hóa lỏng, có thể chậm hay mau.
Theo Đức Hồng Y Sepe, "phép lạ" của máu "là một dấu chỉ lòng nhân lành và thương xót của Thiên Chúa" và "thánh Janvier vẫn còn sống động và tiếp tục che chở Napoli". Đây là lần đầu tiên mà phép lạ này đã xẩy ra trước sự hiện diện của một Đức Giáo Hoàng: đã không hề xẩy ra trong những chuyến viếng thăm của các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm.
Mai Khôi phỏng dịch
(21 mars 2015) © Innovative Media Inc.

Xem video: CTV ở phút 1:05:13-1:05:35

Huấn từ ĐTC Phanxicô ngày CN 22.03.2015

Đáp lại sự chờ đợi của những người
"muốn được gặp Chúa Giêsu"

Kinh Truyền Tin ngày 22 tháng 3 năm 2015 (bản dịch toàn văn)

Rôma – 22/3/2015 (Zenit.org)


Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ các Kitô hữu hãy mang "Phúc Âm, thánh giá và chứng ngôn đức tin của họ" đến cho "những người, ngày hôm nay, còn "muốn được gặp Chúa Giêsu", cho những người đang đi tìm thánh nhan Thiên Chúa… cho tất cả những người đã chưa được gặp gỡ cá nhân Chúa Giêsu".
Đó quả là sự khuyến khích của ngài trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 22/3/2015, Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay, trên quảng trường thánh Phêrô.
Sau giờ kinh Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng đã chào mừng các khách hành hương mặc dù trời mưa, đặc biệt những người Pháp: "những người trẻ của Trường Thánh Gioan ở Passy thuộc Paris". Ngài đã cho phân phát cho mọi người sách Phúc Âm bỏ túi, "để đọc mỗi ngày một đọan".
Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em,
Trong ngày Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay, thánh sử gia Gioan thu hút sự chú ý của chúng ta bởi một chi tiết lạ lùng: một số người Hy Lạp, theo Do Thái giáo, đến Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, đã tìm đến ông Philíphê và xin với ông rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu" (Ga 12, 21). Trong thành thánh, nơi Chúa Giêsu đến lần chót, có rất nhiều người. Có những người bé mọn và những người đơn sơ, đã nghênh đón trong lễ hội đấng Tiên Tri của thành Nazareth và nhận ra nơi Người, Đấng Thiên Sai của Chúa. Có những vị thượng tế và những kỳ mục của dân, đang muốn thủ tiêu Người bởi vì họ coi Người là dị giáo và nguy hiểm. Cũng còn có những người, như những người "Hy Lạp" này, tò mò muốn gặp được Người và tìm hiểu nhiều hơn về con người và về những công trình Người đã thực hiện, công trình gần nhất – làm cho ông Lazarô sống lại – đang gây nhiều dư luận.
"Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu": những lời này, như bao lời khác trong các sách Phúc Âm, đi xa hơn giai đoạn đặc biệt và bộc lộ điều gì đó là phổ cập; những lời này cho thấy một ý muốn xuyên qua các thời đại và các nền văn hóa, một ước muốn hiện diện trong tâm hồn của nhiều người đã nghe nói về Đức Kitô, nhưng chưa hề được gặp Người. "Tôi muốn gặp ông Giêsu": đó là điều mà thâm tâm những người đó cảm thấy.

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Kỷ niệm 2 năm triều đại Giáo Hoàng của ĐGH Phanxicô - 19.03.2015

Hoa Cam Tùng - Đức Giáo Hoàng Phanxicô
và thánh Giuse

Kỷ niệm năm thứ nhì khai mạc triều đại Giáo Hoàng

Rôma – 19/3/2015 (Zenit.org) Anita Bourdin


Ngày hôm nay, lễ kính trọng thể thánh Giuse, thánh bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ, đấng mà Thánh Gioan Phaolô II đã gọi là "Redemptoris Custos", có nghĩa là "Đấng canh giữ Chúa Cứu Thế", và cũng là ngày kỷ niệm hai năm khai trương triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã thể hiện lòng sùng kính đặc biệt đối với thánh Giuse trên huy hiệu của ngài: khắp nơi nó được trưng bầy, nhất là trước tiền đình các thánh đường Rôma, huy hiệu này mang chùm hoa Cam Tùng của thánh Giuse.

Cam Tùng là môt loại cây cỏ có mùi thơm với cành dài và nhỏ, và có nhiều chùm bông mọc dưới đất, cùng loài với cây hương thảo hay cây oải hương.
Vả lại, theo một truyền thống trên "cây gậy của thánh Giuse" thường thấy ở các nước bị ảnh hưởng Tây Ban Nha, thánh Giuse mang trên tay một cành Cam Tùng khi đến hỏi cưới Đức Maria. Hoa Cam Tùng tượng trung sự trong sạch và tình yêu thương.

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về trẻ em - 18.03.2015

"Trẻ em là món quà to lớn cho nhân loại"

Bài giáo lý ngày 18 tháng 3 năm 2015

Rôma – 18/3/2015 (Zenit.org)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc "trẻ em là món quà to lớn cho nhân loại"
Để kết thúc chuỗi bài giáo lý mỗi ngày Thứ tư về gia đình, Đức Giáo Hoàng đã trình bầy sáng ngày 18/3/2015 về trẻ nhỏ, và mời gọi hãy đón nhận sự sống nhiều hơn nữa. Ngài đã loan báo một bài giáo lý thứ nhì cũng về chủ đề này vào thứ Tư tuần sau.
Đức Giáo Hoàng chỉ rõ, qua phong cách đón nhận trẻ em người ta có thể thấy được thước đo tình trạng của một xã hội: "Chính qua cách thức đối xử với trẻ em mà người ta có thể phán đoán về xã hội, không chỉ trên mặt luân lý, mà còn xã hội, xem đó có phải một xã hội tự do hay một xã hội nô lệ các lợi nhuận quốc tế".
Sau đây là bản dịch toàn văn Bài giáo lý được đọc bằng tiếng Ý
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Sau khi đã duyệt qua các khuôn mặt khác nhau trong đời sống gia đình - người mẹ, người cha, con cái, anh chị em, ông bà – tôi muốn kết thúc tổng hợp đầu tiên các Bài giáo lý về gia đình khi nói đến các em nhỏ.
Tôi sẽ nói trong hai kỳ: ngày hôm nay, tôi sẽ dừng ở chuyện các em nhỏ là món quà to lớn cho nhân loại - thật đó, chúng là một tặng phẩm to lớn cho loài người, nhưng đó cũng chính là những kẻ bị thải loại bởi vì người ta đã không để chúng được sinh ra – và lần sau, tôi sẽ dừng ở những vết thương, khốn nỗi, làm hại cho tuổi trẻ.
Tôi có trong đầu nhiều đứa trẻ mà tôi đã gặp trong chuyến tông du châu Á vừa qua: tràn đầy nhựa sống, lòng hăng hái và mặt khác, tôi thấy trên thế giới, có nhiều đứa trẻ đang sống trong những điều kiện không xứng đáng… Quả vậy, cứ coi cái cách các em bị đối xử, chúng ta có thể phán đoán xã hội, nhưng không chỉ trên mặt đạo đức, mà cả mặt xã hội, xem đó có phải là một xã hội tự do hay một xã hội nô lệ cho lợi nhuận quốc tế.

Giáo lý ĐTC Phanxicô về người già - 4.3.2015

Bài giáo lý ngày thứ tư 04 tháng 3 năm 2015 trên quảng trường thánh Phêrô
"Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp" (Hc 8, 9).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em,
Bài giáo lý ngày hôm nay và bài cho thứ Tư tuần tới sẽ dành nói về những người lớn tuổi, trong khuôn khổ gia đình, họ là những người ông, người bà, những người chú và người cô. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ suy nghĩ về tình trạng mang tính bấp bênh của người già, và lần sau, tức là thứ Tư tuần tới, về ơn gọi chứa đựng trong cái tuổi này của cuộc đời.
Nhờ vào những tiến bộ của y khoa, sự sống đã kéo dài, nhưng xã hội đã lại không mở rộng ra cho sự sống! Con số người già đã nhân lên, nhưng xã hội của chúng ta đã không được tổ chức đử để dành chỗ cho họ, với sự tôn trọng chính đáng và sự quan tâm cụ thể đối với sự yếu ớt và phẩm giá của họ. Bao lâu chúng ta còn trẻ, chúng ta bị xúi giục coi rẻ tuổi già, coi như chỉ là một căn bệnh phải xa lánh; rồi, khi chúng ta già, đặc biệt nếu chúng ta nghèo, nếu chúng ta bệnh hoạn, cô độc, chúng ta trải nghiệm những thiếu sót của một xã hội được lập trình theo hiệu năng, với hậu quả là coi rẻ người già. Và người già là một sự giầu có, không thể bị coi rẻ.
ĐGH Biển Đức XVI, khi đi thăm một viện dưỡng lão, đã dùng những lời lẽ rõ ràng và mang tính tiên tri, để phán rằng: "Phẩm chất của một xã hội, có thể nói là của một nền văn minh, cũng được xét đoán tùy vào cách thức mà người già được đối xử và tùy vào vị trí dành cho họ trong đời sống công cộng" (12/11/2012). Đúng vậy, sự quan tâm đối với người già cho thấy sự khác biệt của một nền văn minh. Người ta có quan tâm đến người già trong một nền văn minh không? Ở đó có chỗ cho người già không? Nền văn minh đó sẽ tiến bộ nếu nó biết tôn trọng sự khôn ngoan, sự hiểu biết của người già. Một nền văn minh mà không có chỗ cho người già, hay người già bị vứt bỏ bởi vì họ gây vấn đề, là một xã hội đang mang trong mình vi khuẩn của sự chết.

Truyền thông Công Giáo - Phỏng vấn của Zenit - 17.03.2015

Truyền thông Công Giáo và thời đại kỹ thuật số


Theo hãng tin Zenit ngày 17 tháng Ba vừa qua, sức mạnh đệ nhất đẳng của truyền thông trong Giáo Hội là lôi cuốn bằng chứng tá bản thân chứ không phải tuyên truyền tôn giáo. Người Công Giáo được mời gọi hiện diện giữa các thách đố và vận hội do thời đại kỹ thuật số đem tới, bằng cách làm chứng hơn là “oanh kích” bằng tín liệu. 

Đó là các nhận định của Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội. Trong một cuộc phỏng vấn của Zenit, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các cộng đoàn sẵn sàng chào đón, một cách cụ thể và thân ái, những người nam nữ đã tìm thấy Chúa Giêsu qua hệ thống liên mạng hòan cầu (www). 

ZENIT: Đâu là các thách đố và mới lạ trong truyền thông đối với Giáo Hội ngày nay?

Đức Tổng Giám Mục Celli: Tôi nghĩ rằng một trong các thách đố lớn lao mà ta phải giải quyết ngày nay, đặc biệt, là sự hiện diện của Giáo Hội trong bối cảnh do các kỹ thuật mới tạo ra. Chắc chắn, Giáo Hội lấy chứng tá bản thân làm điểm qui chiếu và Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhắc nhở ta điều đó, giống như các vị tiền nhiệm của ngài, và cả Đức Phaolô VI nữa trong Evangelii nuntiandi, tức văn kiện nhấn mạnh rằng Giáo Hội truyền thông bằng lôi cuốn, chứ không bằng tuyên truyền tôn giáo. Do đó, điều quan trọng là: lôi cuốn có nghĩa: người khác hiểu được sứ điệp của ta là nhờ chứng tá. Đây là sức mạnh đệ nhất đẳng của truyền thông trong Giáo Hội. Ngoài ra, chúng ta vẫn sử dụng các phương tiện truyền thống. Như báo chí, truyền thanh và truyền hình, cho dù không ai chối cãi được rằng ngày nay, các kỹ thuật mới trong truyền thông đã phát sinh ra điều ta gọi là lục địa kỹ thuật số. Do đó, tôi dám nói rằng đây là một thách đố lớn nhưng cũng là một vận may lớn.

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về người già - 11.03.2015

Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Bài giáo lý ngày thứ Tư 11 tháng 3 năm 2015
Trên Quảng Trường Thánh Phêrô
Kinh nguyện của các ông bà và những người lớn tuổi là một tặng phẩm lớn cống hiến cho Giáo Hội!
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và ĐGH Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý ngày hôm nay, chúng ta tiếp tục suy nghĩ về các vị là ông bà, bằng cách tìm hiểu giá trị và vai trò của các vị đó trong gia đình. Tôi sẽ đặt mình vào địa vị của các vị đó, vì tôi cũng ở vào lớp tuổi của họ để làm chuyện này.
Khi tôi ở Phi Luật Tân, người dân Phi đã chào tôi rằng: "Lolo Kiko", có nghĩa là ông Phanxicô – "Lolo Kiko", họ đã gọi tôi như thế! Quan trọng và trước hết là phải nhấn mạnh đến một chuyện: đúng là xã hội có xu hướng đặt chúng tôi ra một bên, nhưng chắc chắn là Chúa không làm chuyện đó. Chúa không bao giờ đặt chúng ta ra một bên! Người kêu gọi chúng ta đi theo chân Người ở mọi lứa tuổi trong cuộc đời, và người già cũng mang một ân sủng và một sứ vụ, một ơn gọi đích thực của Chúa. Già là một ơn gọi. Chưa phải là lúc "buông tay". Đương nhiên là giai đoạn này của cuộc đời khác với những giai đoạn trước; chúng ta cũng phải "sáng tạo" thêm đôi chút, bởi vì các xã hội của chúng ta chưa sẵn sàng, trên mặt tinh thần cũng như luân lý, để trang bị cho tuổi già, vào cái giai đoạn này của cuộc đời, giá trị đầy đủ của nó. Quả vậy, ngày xưa cống hiến thời gian dành cho tuổi già không bình thường như bây giờ; ngày nay điều này bình thường hơn. Và đời sống thiêng liêng Kitô giáo cũng bị hụt hẫng, cần phải vạch ra một đời sống thiêng liêng cho người giả. Nhưng nhờ ơn Thiên Chúa, chứng từ của các thánh nam nữ lớn tuổi không thiếu.
Tôi đã rất bị đánh động bởi "Ngày người già" mà chúng ta đã cử hành ở đây, trên quảng trường thánh Phêrô này hồi năm ngoái, quảng trường đầy ắp người. Tôi đã nghe kể về những người già đã tận tụy cho người khác, và chuyện những cặp vợ chồng kể rằng "Chúng tôi mừng 50 năm đám cưới, 60 năm đám cưới". Điều quan trọng là để cho giới trẻ thường mau chán, thấy được; sự làm chứng của người già liên quan đến lòng chung thủy là quan trọng. Và trên quảng trường này, ngày hôm đó, rất đông người già. Đây là một suy nghĩ cần phải tiếp tục, trên mặt Giáo Hội cũng như ngoài đời. Tin Mừng đến với chúng ta với hình ảnh rất đẹp đầy cảm xúc và mang tính khuyến khích. Đó là hình ảnh của cụ ông Simêon và cụ bà Anna, trong bài Phúc Âm nói về tuổi thơ của Chúa Giêsu được thánh Luca ghi lại. Họ quả đã già, "cụ ông" Simêon và "nữ ngôn sứ" Anna lúc đó 84 tuổi. Cụ bà này không dấu tuổi của mình. Phúc Âm nói rằng hai cụ đã, trong nhiều năm trường, ngày ngày ngày trông đợi Thiên Chúa ngự đến, với một lòng trung thành to lớn. Các cụ muốn thấy được ngày đó, nắm bắt được dấu chỉ, cảm nhận được sự khởi đầu của cái ngày đó. Có lẽ họ cũng hơi cam phận, từ nay, phải chết trước lúc đó: nhưng sự đợi chờ lâu dài này đã tiếp tục chiếm ngự tất cả cuộc đời của hai cụ, họ không bận bịu gì quan trọng hơn là: đợi chờ Chúa và cầu nguyện. Như thế, khi Đức Maria và thánh Giuse lên đến Đền Thánh để tuân thủ Lề Luật, hai cụ Simêon và Anna đã chạy đến, được soi sáng bởi Thánh Linh (x. Lc 2, 27). Trong khoảnh khắc, sức nặng của tuổi già và sự đợi chờ đã tan biến mất. Hai cụ đã nhận ra Hài Nhi và khám phá một sức mạnh mới, để thi hành một nhiệm vụ mới; tạ ơn và làm chứng cho Dấu Chỉ của Thiên Chúa. Ông Simêon đã ứng khẩu làm một bài ca vui mừng (x. Lc 2, 29-32) – lúc đó cụ đã là thi sĩ – và cụ bà Anna đã là nữ tiên tri đầu tiên của Chúa Giêsu: "Bà nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem" (Lc 2, 38)

Tin PT Cursillo VN nhiệm kỳ I (2015-2019)

SINH HOẠT – HỘI THẢO LGP VN

NGÀY 10 & 11/03/2015
Quý Cha LH và ACE đại diện các GP về tham dự ngày sinh hoạt LGP VN
Trong hai ngày 10-11/3/2015 vừa qua, VPĐH LGP đã tổ chức buổi Sinh hoạt – Hội thảo tại Nữ Đan viện Biển Đức – Thủ Đức với hai nột dung chính là học hỏi Thông Điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu) của ĐTC Benedict XVI, chia sẻ công tác chuẩn bị Khóa Cursillo và bầu VPĐH Cursillo VN nhiệm kỳ I.

Ngay từ ngày hôm trước, quý anh chị từ Bắc Ninh và Vinh đã có mặt tại Sài Gòn để kịp có mặt trong buổi sinh hoạt ngày hôm sau. Các giáo phận xa xôi như Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Long Xuyên, Cần Thơ cũng cử người về tham dự đầy đủ. Riêng 03 giáo phận ở gần như Sài Gòn, Phú Cường và Xuân Lộc về tham dự với số lượng thật đông đảo; trong đó dẫn đầu là đoàn Xuân Lộc với 18 ACE.

Đúng 8g30 sáng ngày 10/3, buổi sinh hoạt bắt đầu với sự hiện diện của 60 cursillista thuộc 09 giáo phận và 04 cha linh hướng. Cha LH Antôn mở đầu buổi sinh hoạt với Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu. Vẫn với giọng nói đầy sức hấp dẫn và thuyết phục, cha đã trình bày những điểm nổi bật của Thông điệp tình yêu này, và phân tích thật rõ thế nào là tình yêu vợ chồng, tình bạn…và tất cả đều dẫn đến một tình yêu cao cả nhất, đó là tình yêu Thiên Chúa; Người đã yêu nhân loại đến nỗi “quay lại chống đối chính mình” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu – bản dịch của HĐGMVN tháng 02/2006 trang 18).

Suy tư về tình trạng XH

CHA ƠI! CHA Ở ĐÂU?

Cha ơi! cha là ai? Mẹ ơi! mẹ là ai? Đêm khuya bên hè vắng, đứa bế mồ côi đang nằm co ro như dấu chấm hỏi đập giữa cuộc đời. Cha ơi! cha ở đâu? Mẹ ơi mẹ ở đâu?
Mưa rơi ôi lạnh quá, gió buốt từng cơn, con nằm bơ vơ, nằm mơ một mái nhà có mẹ có cha…”. Tiếng kêu xé lòng, chua xót, đau đáu của cháu bé mồ côi hoà trong giai điệu thiết tha buồn thảm của bài hát: “Dấu chấm hỏi” của nhạc sĩ Thế Hiển có làm lay động, làm hồi tâm những bậc làm cha, làm mẹ thiếu trách nhiệm với con cái mình, để chúng bơ vơ đầu đường xó chợ, xin từng hạt cơm rơi không?

Mảng tối trong xã hội
“Dấu chấm hỏi” chỉ là một trong những bức tranh mô tả một phần mảng tối của xã hội. Quanh ta, còn biết bao điều đau lòng đáng tiếc đang diễn ra hàng ngày.
Một sự kiện khiến dư luân xôn xao bàn tán trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua. Từ 27 tháng chạp đến mùng 4 Tết Ất Mùi 2015, Tết truyền thống thiêng liêng của dân tộc đã có tới 6200 người phải nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 15 người chết do những chuyện lãng xẹt không đâu, như lỡ va chạm vào nhau cũng bị đâm chết (Tuổi trẻ online  24/02/2015). Điều đó đã làm cho những ai còn lương tri đều bàng hoàng sửng sốt, lo sợ cho nét văn hoá tốt đẹp đã có từ bao đời của dân tộc: “Chị ngã em nâng”;Lá lành đùm lá rách”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, đang bị đe doạ nghiêm trọng dần bị phá huỷ. Nó cũng khiến các bậc làm cha, làm mẹ không khỏi đăm chiêu suy nghĩ lo ngại cho tương lai của con cháu mình rồi mai sẽ ra sao?
Trước đó, ngày 13/01/2015 Phóng viên VTC News đã phỏng vấn nhà sử học Dương Trung Quốc: “Ông có nhận xét thế nào về nền văn hoá nước ta, khi rất nhiều giá trị văn hoá đã bị suy thoái đến mức đáng báo động?”
Ông Dương Trung Quốc trả lời: “Trước hết phải thấy, thực trạng này không phải bây giờ mới được nói ra, mà nó đã được nhắc đến ở rất nhiều diễn đàn khác nhau về tình trạng đạo đức xuống cấp và sự suy thoái của văn hoá. Đã có những hiện tượng đáng báo động, khi tiêu cực xã hội tăng, hay những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xẩy ra. Ở đó không phải đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách, mà là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị truyền thống, như quan hệ gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác” Và ông còn nói: “Suy thoái văn hoá chạm ngưỡng, đẩy dân tộc đến thảm hoạ khôn lường”.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Hội nghị GM về Tông đồ giáo dân lần 10 tại Thái Lan - 2-6.03.2015

BÀI TƯỜNG THUẬT

V/v Hội nghị Giám mục về Tông đồ Giáo dân Lần thứ 10
về “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ thứ 21”
tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 3 năm 2015

Kính gửi:
       Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc HĐGM Việt Nam
       Quý cha và quý thành viên thuộc Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN).

Trọng kính Đức cha Chủ tịch, Quý cha và Quý thành viên thuộc Ủy ban Giáo dân,

Tại Trung tâm Mục vụ Camilô ở Latkrabang (Bangkok, Thái Lan) vừa qua, từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 3 năm 2015, đã có cuộc gặp gỡ giữa 43 thành viên tham dự Hội nghị Giám mục về Tông đồ Giáo dân Lần thứ 10 (The 10th Bishops Institute on Laity Apostolate) (BILA X) bàn về “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ thứ 21”. Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN) có gửi ba thành viên giáo dân đi tham dự. Vừa trở về Việt Nam từ Hội nghị BILA X, ba thành viên trực tiếp tham dự hội nghị đã cùng với con, Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, Thư ký Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN), soạn bài tường thuật này để kính trình.


Vài nét về ba thành viên tham dự hội nghị
Phái đoàn đại biểu lần này của Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN) gồm ba thành viên tương đối trẻ với tiềm năng phục vụ rất tốt: (1) Ô. Giuse Cao Văn Quang (sanh 1973), MA, thuộc Giáo xứ Tân Thành, Giáo hạt Tân Sơn Nhì, TGP. TP. Hồ Chí Minh; (2) B. Maria Ngô Thị Ngọc Huyên (sanh 1983), Ph.D. (Cand.), thuộc Giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, Giáo hạt Phú Thọ, TGP. TP. Hồ Chí Minh; và (3) B. Têrêxa Đinh Thị Thu Hà (sanh 1974), BA, thuộc Giáo xứ Tân Thành, Giáo hạt Tân Sơn Nhì, TGP. TP. Hồ Chí Minh. Cả ba đều rất tích cực tham gia vào các sinh hoạt của hội nghị (như lịch trình sẽ nói đến ít nhiều sau đây; trong đó có Bà Maria Ngô Thị Ngọc Huyên được chọn làm thành viên trong nhóm linh hoạt viên-hướng dẫn. Nhóm này gồm bốn người (2 steerings và 2 writers), có nhiệm vụ đưa ra nhận xét chung, đóng góp ý kiến xây dựng ngay cuối ngày làm việc.

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Palanca mừng kính Thánh Cả Giuse 19.03.2015

PALANCA MỪNG LỄ KÍNH THÁNH CẢ GIUSE
QUAN THẦY GIÁO HỘI VIỆT NAM
19.03.2015

Trọng kính Đức Ông Vinhsơn, Cha Linh hướng Giuse và quý cha, quý tu sỹ
Kính thưa quý anh chị cursillista rất quý mến,
Hiệp cùng với Giáo Hội, chúng ta đang sống trong hành trình Mùa Chay của Năm Thánh mừng Kim Khánh GPXL với tâm tình tạ ơn, thống hối và cầu xin. Tháng 3 cũng là tháng Giáo Hội mừng kính Thánh Cả Giuse – Quan thày Giáo Hội VN, Giáo phận XL, Quan thày Đức Cha Phụ tá và cha linh hướng PT giáo phận, quý cha LH, cũng như của một số quý anh mang Thánh hiệu Giuse.
Anh chị em chúng con xin dâng những Palanca trong Mùa Chay để cầu nguyện cho Giáo Hội VN, GPXL, Đức Cha Phụ tá, cha LH Giuse và quý cha. Nhờ lời bầu cử của Thánh Cả Giuse Quan thầy, xin Chúa đổ tràn bình an, niềm vui, và ân sủng xuống trên Đức Cha và quý cha linh hướng, để các ngài dẫn dắt GH, dẫn dắt Phong trào Cursillo ngày càng thăng tiến trong tình hiệp nhất và chan hòa yêu thương.
Với quý anh mang Thánh hiệu Giuse, xin Chúa ban muôn hồng ân để quý anh noi gương theo Thánh Quan Thầy, sống tinh thần yêu thương, hy sinh phục vụ trong âm thầm hầu thánh hóa bản thân, gia đình và là điểm tựa vững chắc trợ giúp PT Cursillo tiến lên.
Quý anh chị cursillistas rất thân mến, trong những ngày này, cursillistas Xuân Lộc và các giáo phận bạn đang ráo riết chuẩn bị cho các Khóa Cursillo và các Khóa Hội thảo năm 2015...Thời gian Mùa Chay cũng là dịp thuận tiện để làm Palanca cho các Khóa học, cho việc nghiên cứu môi trường, tìm kiếm, mời gọi và chuẩn bị cho những Ứng viên nòng cốt có sự ảnh hưởng trong các môi trường, một công tác rất quan trọng của Phong trào Cursillo. Kính mong quý anh chị cùng hiệp nguyện, để Chúa Kitô thúc đẩy từng người, từng Liên Nhóm và hoạt động của vòng tròn 3 giai đoạn cùng tiến lên.

Nhân dịp này, chúng con xin gởi đến Đức Ông Vinhsơn và quý Cha, quý Tu sỹ cùng quý anh chị 
BẢN TIN ULTREYA SỐ 19 - PT CURSILLO XUÂN LỘC.


Xin xem file attach hoặc download theo đường link:

Trong số này ghi nhận:
- Chia sẻ chứng nhân tại Ultreya các Liên Nhóm trong tháng vừa qua
- Suy tư, cảm nghiệm sống Ngày Thứ Tư
- Học hỏi về Giáo Hội và Phong trào
- Tin tức, hình ảnh SH tại GPXL và PT Cursillo LGP VN
Xin cám ơn hết thảy quý anh chị đã cộng tác bài vở, chia sẻ hình ảnh, và xin tiếp tục được đón nhận tấm lòng quảng đại của quý anh chị dành cho Bản tin.

Kính xin quý Linh hướng cầu nguyện và đồng hành, hướng dẫn thêm cho chúng con.

De Colores! Ultreya!

BPV Cursillo XL

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Mẫu xét mình trước khi xưng tội - ĐTC Phanxicô 11.03.2015

MẪU XÉT MÌNH TRƯỚC KHI XƯNG TỘI


(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý 
do Phòng đặc trách các Buổi cử hành do Đức Thánh Cha chủ sự, ngày 11-03-2015).

1.     Tôi có đi xưng tội với một lòng ao ước chân thành để được thanh luyện, để trở về, canh tân đời sống và nên bạn nghĩa thiết hơn với Thiên Chúa, không? hay tôi coi đó như là một gánh nặng, mà vì thế họa hoằn tôi mới sẵn sàng thực hiện việc này?

2.     Tôi đã quên, hoặc, cố tình che giấu các tội trọng trong dịp xưng tội lần trước hoặc trong những lần xưng tội trước đây?

3.     Tôi đã làm việc đền tội mà Cha giải tội đã ra cho tôi, chưa? Tôi đã đền bù các lỗi lầm mà tôi đã gây ra chưa? Tôi có cố gắng đem ra thực hiện các quyết định được đề ra để sửa trị đời sống của tôi theo Phúc Âm?

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, mỗi người xét mình.

I.      Chúa nói: "Con hãy yêu mến Thiên Chúa của con hết lòng con".

1.     Con tim của tôi có thực sự hướng về Thiên Chúa không; tôi có thể nói là tôi yêu mến Thiên Chúa thực sự, trên hết mọi sự và với tình yêu của một người con, trong việc trung thành giữ các giới răn của Ngài không? Tôi có để cho mình bị nhào lộn với các sự vật trần thế chóng qua không? Và ý hướng hành động của tôi có luôn ngay thẳng không?

2.     Đức tin của tôi vào Thiên Chúa có vững vàng không? Chúa là Đấng, mà trong Con của Ngài, đã ngỏ lời của Ngài với chúng ta? Tôi có chấp nhận hoàn toàn vào giáo huấn của Giáo Hội không? Tôi có lưu tâm tới việc huấn luyện Kitô của tôi, qua việc lắng nghe Lời của Thiên Chúa, tham dự vào các buổi học giáo lý, tránh xa tất cả những điều có thể lừa dối đức tin của tôi? Tôi có luôn luôn tuyên xưng đức tin của tôi vào Thiên Chúa và nơi Giáo Hội với sự can đảm và không sợ hãi không? Tôi có lo biểu lộ tôi là người Kitô trong đời sống riêng tư và công cộng của tôi không?

3.     Tôi có cầu nguyện ban sáng và ban chiều không? Và lời cầu nguyện của tôi có thực sự là cuộc nói chuyện với Thiên Chúa, như con tim với con tim, hoặc đó chỉ là việc thực hành đạo đức trống rỗng bên ngoài? Tôi có biết dâng lên Thiên Chúa các mối lo nghĩ bận tâm của tôi, các niềm vui và các đau khổ của tôi không? Tôi có tin tưởng nhớ đến Ngài cả trong những con cám dỗ không?

Bản tin OMCC tháng 3 - 2015




BẢN TIN HÀNG THÁNG

Tháng 3 năm 2015
Một lần nữa, bản tin của chúng tôi đã có sự cộng tác của một Nhóm quốc tế. Sự hợp tác này đã đem lại sự phong phú cho phần nội dung và tạo sự gắn kết thêm cho các cursillistas đối với các cơ cấu mà họ đại diện.
Trong phiên bản này, chúng tôi có sự đóng góp của Nhóm Bắc Mỹ (NACG).
Phần đóng góp của Nhóm Bắc Mỹ (NACG):
Các bạn thân mến,
Thật là thú vị khi được viết và chia sẻ niềm vui của chúng tôi trong việc nghiên cứu và khám phá về đặc sủng của Phong trào vào bản tin của OMCC tháng 3 năm 2015 này. Nhóm Bắc Mỹ (NACG) như một tổng thể đã thực hiện một nghiên cứu về đặc sủng của Phong trào trong nhiều năm ở những mức độ khác nhau. Chúng tôi vẫn tiếp tục khám phá thêm về chiều sâu đặc sủng này trong tất cả mọi lãnh vực mà Chúa Thánh Thần đã trao ban cho Phong trào.

Trong khi nghiên cứu một số bài phát biểu của Đức Thánh Cha về các Phong trào trong Giáo Hội, chúng tôi đặc biệt tìm thấy một câu của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm khí cụ cho việc nghiên cứu của chúng tôi, Ngài đã nói: "Vị sáng lập là trục sống của mỗi phong trào, bởi vì họ là người cưu mang đặc sủng gốc mà từ đó nó được sinh ra và qua đó nó được sống". Chúng tôi cũng đang tìm hiểu sâu thêm về kiến thức và sự hiểu biết của Eduardo Bonnín - người đã nhận lãnh đặc sủng gốc của Phong trào.
Ban lãnh đạo Nhóm Bắc Mỹ (NACG) nhận ra rằng còn nhiều việc phải làm để dẫn đến sự đồng thuận về những gì là “Căn Bản” trong Phong trào Cursillo. Với sự nhiệt tình đó, chúng tôi mong nhận được các phiên bản sửa đổi của cuốn Tư Tưởng Căn Bản.
Nhóm Bắc Mỹ (NACG) mãi mãi biết ơn đối với các bạn bè trong Phong trào thế giới của chúng tôi và chúng tôi muốn tiếp tục tình bạn này để chúng ta cùng đồng hành trong việc khám phá những món quà thật sự mà Phong trào Cursillo đem đến cho "con người".
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý bạn cũng như giáo phận của quí bạn và có thể quí bạn cũng có cảm hứng để đi sâu hơn vào việc nghiên cứu đặc sủng Phong trào của chúng ta.
Với sự bình an và niềm vui,
Nhóm Cursillo Bắc Mỹ (NACG)

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Chặng ĐTG 2014 - ĐTC Phanxicô

Chặng Đàng Thánh Giá do ĐGH Phanxicô chủ sự Thứ Sáu Tuần Thánh 2014

Mùa Chay là dịp thuận tiện để làm Palanca cho các Khóa trong PTXL và các GP Bạn trong toàn VN. Tâm tình Mùa Chay cũng mời gọi người cursillistas trở về trong chiêm niệm và suy tư về tình trạng xuống cấp về luân lý, đạo đức trong xã hội; để từ đó quyết canh tân đời sống, loại trừ tiêu cực, sống tinh thần Phúc Âm trong các môi trường, đồng thời mời gọi thêm nhiều Ứng viên nòng cốt trong các môi trường cùng liên kết trong cầu nguyện và chung tay hành động vì xã hội công bằng, an bình và thăng tiến hơn.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý anh chị 14 videos trình bày các chặng Đàng Thánh Giá với chủ đề Diện Mạo Thiên Chúa – Diện Mạo Con Người do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự ngày 18 tháng 4 năm 2014 tại hí trường Côlôsêô ở Rôma do Vietcatholic thực hiện.

Văn bản của đàng Thánh Giá này đã được văn phòng các cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố và VietCatholic đã dịch sang Việt Ngữ

Download tại đây: http://cursillovn.net/TY/BaiGiang-SuyNiem/MuaChay/DTC-2014-DTCPhanxico.doc
Vị được giao viết những bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá này là Đức Tổng Giám Mục Giancarlo Maria Bregantini của tổng giáo phận Campobasso-Boiano, đồng thời cũng là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, Vấn Nạn Xã Hội và Lao Động thuộc Hội Đồng Giám Mục Italia.

Những bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá này đã được chú ý rộng rãi trên toàn thế giới vì sự phong phú của những suy tư thần học. Ngay cả truyền thông thế tục cũng chú ý đến những bài suy niệm này vì chúng phản ánh những suy tư của Giáo Hội trước những bất công lan tràn trên thế giới và tình trạng xuống cấp và tha hóa về luân lý, và đạo đức trong xã hội.


Chặng thứ 2: Chúa Giêsu vác Thánh Gia - Gỗ nặng của thập giá

Tội lỗi của chúng ta, chính người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Ðấng chăm sóc linh hồn anh em. (1 Pr 2:24-25).

Gỗ thánh giá nặng nề, vì trên đó Chúa Giêsu gánh lấy tội lỗi của tất cả chúng ta. Ngài lảo đảo với một gánh quá nặng đối với một người (Ga 19:17). 
Gỗ thánh giá cũng là gánh nặng của tất cả những sai lầm đã tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế và hậu quả xã hội nghiêm trọng: công ăn việc làm bấp bênh, thất nghiệp, sa thải, một nền kinh tế thống trị chứ không phải là phục vụ, đầu cơ tài chính, các chủ doanh nghiệp tự sát, nạn tham nhũng và cho vay nặng lãi, công nghiệp địa phương chết dần chết mòn. 
Đây là thập giá đè nặng trên giới thợ thuyền, là bất công đè lên vai người lao động. Chúa Giêsu tự mình vác lấy và dạy chúng ta phải chống lại bất công và với sự giúp đỡ của Ngài hãy học cách xây dựng những nhịp cầu của tình liên đới và của hy vọng, nếu không chúng ta cũng chỉ như những con chiên lạc lối trong bối cảnh cuộc khủng hoảng này. 
Chúng ta hãy quay lại với Chúa Kitô, là người mục tử và người giám hộ linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy phấn đấu, sát cánh với nhau, cung cấp công ăn việc làm, để vượt qua những sợ hãi và sự cô lập, để phục hồi một sự tôn trọng đối với đời sống chính trị và cùng nhau giải quyết các vấn nạn của chúng ta. 
Thánh giá sẽ trở nên nhẹ hơn nếu chúng ta cùng vác với Chúa Giêsu, và nếu tất cả chúng ta cùng nhau nhấc nó lên, vì “nhờ những vết thương - mà nay mở tung những cửa sổ tâm hồn chúng ta - mà chúng ta được chữa lành.” (x. 1 Pr 2:24). 

Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
đêm đen của chúng con càng ngày càng tối! 
Nghèo đói gia tăng và trở nên cùng cực. 
Chúng con không có bánh cho con em của chúng con và mẻ lưới của chúng con chẳng thu được gì. 
Tương lai của chúng con bất định. 
Xin cho chúng con có công ăn việc làm. 
Xin thức tỉnh trong chúng con lòng khát khao cháy bỏng cho công lý, 
để cuộc sống của chúng con không thường xuyên là một gánh nặng nhưng là một cuộc sống đúng phẩm giá! Amen.

Chi tiết văn bản xin xem file attach.

Quý anh chị có thể xem video theo các đường link dưới đây:
Video: Chặng Đàng Thánh Giá do ĐGH Phanxicô chủ sự Thứ Sáu Tuần Thánh 2014
 1. Lời dẫn nhập và Chặng Thứ Nhất: Chúa Giêsu bị kết án tử hình - Những ngón tay chỉ trỏ buộc tội
 2. Chặng thứ Hai: Chúa Giêsu vác thánh giá - Gỗ nặng của thập giá 
 3. Chặng thứ Ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất - Sự yếu đuối đang mở ra cho chúng ta sự cởi mở đón tiếp
 4. Chặng Thứ Tư: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ - Những giọt lệ của tình liên đới
 5. Chặng Thứ Năm: Ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa - Bàn tay thân hữu đỡ nâng
 6. Chặng Thứ Sáu: Bà Vêrônica lau mặt Chúa - Tình yêu dịu dàng của người phụ nữ
 7. Chặng thứ Bẩy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai - Nỗi thống khổ của ngục tù và tra tấn
 8. Chặng thứ Tám: Chúa Giêsu an ủi dân thành Giêrusalem - Liên đới và cảm thông
 9. Chặng thứ Chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba - Hãy bỏ lại sau lưng những luyến tiếc não nùng
10. Chặng thứ Mười: Chúa Giêsu bị lột áo - Hiệp nhất và phẩm giá
11. Chặng thứ Mười Một: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá -Bên giường người bệnh
12. Chặng thứ Mười Hai: Chúa Giêsu chết trên thánh giá - Bẩy lời cuối cùng
13. Chặng Thứ Mười Ba: Đưa xác Chúa xuống khỏi thập giá - Tình yêu mạnh hơn sự chết
14. Chặng Thứ Mười Bốn: Táng xác Chúa vào huyệt đá mới - Khu vườn mới

Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/134379.htm