Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Gương chứng nhân - Vị Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống để đoàn chiên được cứu rỗi

Mở án Chân Phước cho một linh mục 

trong vụ đắm tàu Titanic


LONDON. ANH. Khi con tàu Titanic bắt đầu chìm vào ngày 15.4.1912, cha Toma Byles đã có hai cơ hội để lên tàu cứu nạn. Nhưng cha đã bỏ qua hai cơ hội này để nghe giải tội và an ủi cũng như cầu nguyện với những ai bị mắc kẹt lại. Giờ đây, một linh mục tại giáo xứ cũ của cha ở Anh đang xin mở án phong Chân Phước cho cha.
Khoảng 1.500 người đã chết khi con tàu Titanic nổi tiếng trong lịch sử đụng phải tảng băng và chìm vào lòng Đại Tây Dương vào năm 1912. Do tin rằng tàu quá vĩ đại đến độ không thể chìm được, người ta đã không trang bị đủ tàu cứu hộ cho tất cả các hành khách trong chuyến hành trình đầu tiên từ Southampton đến New York.
Cha Byles cũng có mặt trên chiếc tàu này để đến New York chủ sự lễ cưới cho em mình. Vị linh mục 42 tuổi này đã chịu chức 10 năm trước đó tại Roma và đang làm việc như một cha xứ tại nhà thờ thánh Helen ở Essex từ năm 1905.
Cô Ahnes McCoy, vị hành khách thuộc khoang hạng ba và là người sống sót trong vụ đắm tàu đã chia sẻ rằng cha Byles đã ở trên tàu, nghe giải tội, cầu nguyện với các hành khách và ban phép lành khi tàu chìm. Cô và nhiều người khác đã làm chứng về điều này.
Helen Mary Mocklare, một hành khác khoang hạng ba khác, cũng nói thêm một vài chi tiết khác về những giờ cuối của vị linh mục: “Khi cú va chạm xảy đến, chúng tôi rớt khỏi giường… Chúng tôi thấy cha Byles trước mặt mình, ngài nâng chúng tôi dậy. Chúng tôi biết ngài vì ngài đã viếng thăm chúng tôi vài lần trên tàu và đã dâng lễ cho chúng tôi mỗi buổi sáng.”
 “Hãy bình tĩnh, các con yêu dấu”, ngài nói, và rồi ngài đi đến khoang hạng chót để ban phép xá giải và ban phép lành.

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Thông báo Palanca 2015 - Khối Tiền PTXL

PALANCA VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý THỰC HIỆN



v PALANCA – BÓ HOA THIÊNG:
“PALANCA” theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “cái đòn bẩy”. Đòn bẩy là một dụng cụ thô sơ, nhưng rất hữu ích. Người xưa đã nghĩ ra đòn bẩy để nâng, bẩy một vật nặng, thay thế cho sức người. Trong ngôn ngữ phong phú của chúng ta, danh từ “BÓ HOA THIÊNG”, cũng mang một ý nghĩa như chữ “PALANCA”.
Như vậy, chữ PALANCA đem áp dụng cho Phong trào Cursillo mang một ý nghĩa rất cao đẹp. Khóa Cursillo của chúng ta được hàng ngàn, hàng vạn chiếc đòn bẩy, từ khắp mọi phương trời bẩy lên, nâng lên để mọi người chúng ta tiến tới, vươn lên và kết hợp mật thiết với Chúa Kitô.
Một trong bốn yếu tố làm cho khóa Cursillo thành công là ƠN CHÚA. Muốn có Ơn Chúa, phải cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ có nghĩa là ngồi đọc kinh. Cầu nguyện diễn ra dưới nhiều hình thức như: tham dự Thánh Lễ, rước mình Thánh Chúa, đi đàng Thánh Giá, lần chuỗi Mân Côi, suy niệm Thánh Kinh, viếng Thánh Thể, làm những việc hy sinh, hãm mình, thi hành các công tác bác ái, nói lời đạo đức, giảm bớt những đam mê, từ bỏ những thói hư tật xấu, như tính nóng nảy, tính lười biếng, tính kiêu ngạo v.v... Tóm lại, tất cả những hành vi đạo đức, những cử chỉ hãm mình nếu làm với ý cầu nguyện cho Khóa Cursillo, thì đó là một Palanca, một Bó Hoa Thiêng tuyệt vời.
Trong PT Cursillo, cầu nguyện hay “Palanca” phải là một khí cụ trợ giúp trong mọi giai đoạn của Phong Trào: Tiền Cursillo, Khóa Cursillo, Hậu Cursillo, Ultreya, Hội Nhóm, và trong mọi sinh hoạt Cursillo. Sách ‘Những Tư Tưởng Nền Tảng PT Cursillo’ (TTNT) xác tín ân sủng là nguyên tắc và là nền tảng của Phong Trào chúng ta và xem Palanca là một trong những yếu tố của Sách Lược Cursillo, được biết đến như là Mầu Nhiệm Palanca. “Mỗi khi nói đến hoán cải, nói đến thăng tiến cá nhân Kitô hữu, hay nói đến Kitô-hóa môi trường, thì như là bước căn bản đầu tiên trong cố gắng của con người, chúng ta cũng không thể nào không trông cậy vào sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa. Ân sủng mà chúng ta phải van nài bằng lời cầu nguyện có một sức mạnh vạn năng, với lòng khiêm cung, niềm xác tín và kiên trì”. (TTNT #180).  “Mọi giây phút trong Khóa Cursillo phải được đánh dấu bằng sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, do cầu nguyện, hy sinh hãm mình, lãnh nhận các phép tích suy niệm Lời Chúa” (TTNT #237). Cầu nguyện hy sinh nhân danh Khóa Cursillo ngôn từ chuyên môn của Phong Trào gọi ‘Intendencias’ hay ‘Palanca’ đều tính cách quyết định cho thành quả thiêng liêng (tâm linh) của Khóa(TTNT #333).
Chúng ta có thể tóm tắt sự cần thiết của Palanca trong Phong Trào của chúng ta với câu nói phổ thông trong PT Cursillo như sau:
“Hãy nói với Chúa về người ta trước khi nói với người ta về Chúa.”

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình (tt) - 22.04.2015

Trả lại danh dự cho hôn nhân và gia đình

Bài giáo lý ngày 22 tháng 4 năm 2015 (bản dịch toàn văn)

Rôma – 22/4/2015 (Zenit.org)

Chống với "dịch bệnh ngờ vực, hoài nghi, cho đến thù địch, đang lan rộng trong nền văn minh của chúng ta đối với một giao ước giữa người nam và người nữ", Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi hãy "trả lại danh dự cho hôn nhân và gia đình".
"Sự mất giá trị xã hội của giao ước ổn định và sinh sản của người nam và người nữ là một sự mất mát cho tất cả mọi người", ngài đã than phiền trong bài giáo lý ngài đã tuyên giảng sáng ngày thứ Tư 22/4/2015, trên quảng trường thánh Phêrô.
"Nếu chúng ta không tìm được một sự bùng phát cảm tình cho giao ước này, có khả năng đặt các thế hệ mới vào nơi tránh khỏi hoài nghi và thờ ơ, thì con cái sau này sẽ ra đời ngày càng bị mất gốc", ngài cảnh báo.
Ngài đã nhấn mạnh vẻ đẹp của cuộc mạo hiểm đôi lứa: "Người đàn ông tìm được người phụ nữ, họ hội ngộ cùng nhau và người đàn ông phải bỏ lại cái gì để tìm được nàng một cách dư đầy… Điều này có nghĩa là bắt đầu một con đường mới. Người đàn ông hoàn toàn của người phụ nữ và người phụ nữ hoàn toàn là của người đàn ông".
A.K.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý trước về gia đình, tôi đã dừng lại trên phần đầu của công trình tạo dựng con người, trong chương đầu của sách Sáng Thế, trong đó có viết: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ" (St 1, 27).
Hôm nay, tôi muốn hoàn tất suy nghĩ này bằng sự tích thứ nhì mà chúng ta tìm thấy trong chương hai. Ở đây, chúng ta đọc rằng Đức Chúa, sau khi đã tạo dựng trời và đất, "lấy bụi từ đất nặn ra con người; thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật" (St 2, 7). Đó là đỉnh điểm của công trình sáng tạo. Nhưng còn thiếu điều gì: Thiên Chúa đặt con người trong một khu vườn để con người trồng cấy và coi sóc đất đai (x. St 2, 15).

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Lịch sử Phong trào tại Châu Á - Thái Bình Dương (APG)

LỊCH SỬ
NHÓM Á CHÂU THÁI BÌNH DƯƠNG
(HISTORY OF APG)
Tất cả các quốc gia thành viên Cursillo trong Khu vực Á Châu Thái Bình Dương (APG) ban đầu thuộc về Nhóm Quốc Tế nói tiếng Anh, nhưng vào đầu thập niên 80 thì khu vực này đã phát triển đủ mạnh để có thể tự đứng riêng một mình. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1990, Nhóm Á Châu Thái Bình Dương mới được OMCC chính thức công nhận là một trong 4 thành viên Nhóm quốc tế.
Sau Khóa Cursillo đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm 1957, các bài nói cũng như tài liệu về Cursillo đã được một số cursillista người Mỹ gốc Tây Ban Nha dịch sang tiếng Anh. Nhờ vậy đã dẫn đến sự ra đời nhanh chóng của phong trào trong khu vực nói tiếng Anh cũng như vùng Châu Á và Thái Bình Dương.
Năm 1963, Hoa Kỳ đã đưa Phong trào Cursillo tới Phi Luật Tân và các Cursillistas Phi Luật Tân đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự lan tỏa Phong trào vào các quốc gia khác trên khắp Thái Bình Dương. Có hàng trăm ngàn Cursillistas Phi Luật Tân và khu vực Á Châu đang cố gắng khởi sự mối quan hệ trong vùng, nhưng xem ra công việc này rất khó khăn vì thiếu các địa chỉ email.

Thư tín OMCC - Tháng 4.2015



English: http://www.orgmcc.org/en/news/149-boletim-bollettino-boletin-newsletter-04-2015

Việt: http://cursillovn.net/TY/OMCC/MonthlyLetter/Newsletter-April2015-Viet.pdf

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô về tinh thần chứng nhân của Chúa Kitô Phục Sinh / CN III PS B

Chứng ngôn Kitô giáo chỉ khả tín
nếu nó biểu lộ bằng một lối sống Phúc Âm

Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ngày 19 tháng 4 năm 2015 (toàn van)

Rôma – 19/4/2015 (Zenit.org)



Chứng ngôn của người Kitô hữu "càng khả tín hơn khi nó biểu lộ bằng một lối sống Phúc Âm, vui tươi, đảm lược, nhân hiền, hòa nhã và giầu lòng trắc ẩn", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố nhân giờ Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ngày Chúa Nhật thứ III mùa Phục Sinh, 19/4/2015.
"Nội dung chứng ngôn Kitô giáo không phải là một lý thuyết, cũng không phải là một chủ thuyết hay một hệ thống phức tạp của các quy định và cấm đoán… đó là một thông điệp cứu độ, một biến cố cụ thể, hay đúng hơn là một Con Người: chính là Đức Kitô Phục Sinh, sống động và là Đấng Cứu Độ duy nhất", ngài giải thích với đám đông tập hợp trên quảng trường thánh Phêrô như thường lệ hàng tuần.
Đức Kitô có thể được làm chứng bởi tất cả những ai đã trải nhiệm cá nhân với Người, ngài xác định: "Người làm chứng kể lại, không bằng cách khô khan lạnh lùng và xa cách, mà như ai đó đã luôn tự đặt vấn đề, và từ ngày đó, đã thay đổi cuộc sống của mình, rằng Chúa Giêsu đã sống lại, rằng Chúa Giêsu hằng sống và ở giữa giữa chúng ta".
A.K.
Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng
Thân chào quý anh chị em!
Trong những Bài Đọc Thánh Kinh phụng vụ ngày hôm nay, đã vang lên hai lần từ "chứng nhân". Lần đầu từ miệng ông Phêrô: sau khi chữa lành người bị bệnh liệt ở cổng Đền Thờ Giêrusalem, ông đã thốt lên: "Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết, về điều này chúng tôi xin làm chứng" (Cv 3, 15).  Lần thứ nhì chính từ miệng của Chúa Giêsu phục sinh: chiều hôm lễ Vượt Qua, Người đã mở lòng trí các môn đệ ra với cái chết và sự sống lại của Người và phán với các ông: "Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24, 48). Các Tông Đồ, đã chính mắt mình nhìn thấy Đức Kitô phục sinh, không thể giữ im lặng kinh nghiệm phi thường của mình được.

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Học hỏi Năm Thánh / GPXL

HỌC HỎI NĂM THÁNH
MỪNG KIM KHÁNH GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
1965 / 2015
1.      Năm Thánh là gì?
Năm Thánh là thời gian Giáo Hội mở kho tàng thiêng liêng cho người tín hữu đón nhận ơn Chúa dồi dào hơn. Gọi là “thánh” vì là thời gian đặc biệt dành cho Thiên Chúa.
2.      Năm Thánh GPXL nhằm mục tiêu nào?
-          Tạo cơ hội để mọi người nhận ra và cảm tạ muôn ơn lành Chúa đã ban suốt 50 năm qua.
-          Hai là để tín hữu tăng cường nỗ lực thánh hóa bản thân và cùng nhau xây dựng Giáo phận ngày càng tốt đẹp hơn.
3.      Giáo Phận Xuân Lộc được thành lập thế nào?
Giáo phận Xuân Lộc được Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập ngày 14/10/1965, được tách từ Giáo phận Sài Gòn, gồm 3 tỉnh: Long Khánh, Biên Hòa, Phước Tuy và Thị xã Vũng Tàu lúc bấy giờ (nay là tỉnh Đồng Nai và một phần của tỉnh Bình Dương).
4.      Hiện nay số tín hữu Giáo phận là bao nhiêu?
Theo thống kê đến tháng 9/2014, Giáo phận Xuân Lộc gồm: 940.080 giáo dân (chiếm gần 30% dân số) sống trong 248 giáo xứ và 29 giáo họ biệt lập, 556 linh mục, 2.764 tu sĩ nam nữ, 744 chủng sinh và tu sinh.
5.      Kế hoạch Ngũ Niên mừng Kim Khánh Giáo Phận xuất phát từ đâu?
Đón nhận thao thức của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 và trong bối cảnh hướng đến năm Kim Khánh, Giáo phận đã đề ra kế hoạch Ngũ Niên (2011-2015) nhằm “Canh tân đời sống đức tin để Gia đình và Giáo xứ thành Gia đình của Thiên Chúa”.

Sứ điệp Ngày cầu cho Ơn Thiên Triệu / 26.04.2015

Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng

Ngày cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 52

"Xuất Hành, kinh nghiệm nền tảng của Ơn Gọi" (toàn văn)

Rôma – 14/4/2015 (Zenit.org)

 

"Xuất Hành, kinh nghiệm nền tảng của Ơn Gọi": đó là chủ đề Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi, sẽ được tổ chức vào ngày 26/4/2015, Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh.
"Ở nguồn gốc của mỗi ơn gọi Kitô giáo, có động tác căn bản của kinh nghiệm đức tin này: tin có nghĩa là bỏ lại bản thân, đi ra khỏi cái tiện nghi và sơ cứng của cái tôi để tập trung đời sống chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô; bỏ lại như ông Ap-bra-ham đã bỏ lại miền đất của mình để tin tưởng lên đường", Đức Giáo Hoàng giải thích trong sứ điệp được công bố ngày thứ ba 14/4/2015 này.
"Các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng sợ đi ra khỏi chính mình để xuất hành lên đường! Phúc Âm là Lời mang tính giải thoát, biến đổi và khiến cho cuộc đời tươi dẹp hơn… Cuộc đời các bạn sẽ trở nên mỗi ngày mỗi phong phú hơn và vui tươi hơn!", ngài kêu gọi.
A.K.
Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Xuất Hành, kinh nghiệm nền tảng của Ơn Gọi
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật thứ tư Mùa Phục Sinh cho chúng ta thấy ảnh tượng Đấng Chăn Chiên Lành, Đấng biết rõ chiên của mình, gọi tên chúng, cho chúng ăn, dẫn dắt chúng. Trong ngày Chúa Nhật này, từ hơn 50 năm nay, chúng ta đã sống Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi. Cứ mỗi lần, ngày này nhắc cho chúng ta sự quan trọng phải cầu nguyện, như Chúa Giêsu đã phán dậy các môn đệ Người, để "chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về" (x. Lc 10, 2). Chúa Giêsu biểu lộ mệnh lệnh này trong bối cảnh một sự sai phái đi thi hành sứ vụ: Người đã kêu gọi, ngoài 12 tông đồ, 72 môn đệ khác và Người sai các ông, cứ hai người một, đi truyền giảng (Lc 10, 1-16). Quả vậy, nếu Giáo Hội "bản chất mang tính truyền giáo" (Công Đồng Đại Kết Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad gentes, số 2), thì ơn gọi Kitô giáo chỉ có thể sinh ra ở trong một kinh nghiệm truyền giáo. Vì thế, lắng nghe và đi theo tiếng gọi của Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành, để mình bị Người thu hút và dẫn dắt và hiến dâng cuộc đời cho Người, có nghĩa là để Chúa Thánh Linh dẫn đưa chúng ta vào niềm hăng say truyền giáo này, và khơi lên trong chúng ta mong muốn và lòng can đảm vui vẻ dâng hiến cuộc đời chúng ta và xả thân cho sự nghiệp của Nước Chúa.

Suy niệm Tin Mừng CN III Phục Sinh năm B

SỨ ĐIỆP 3T
Nhạc sĩ Thông Vi Vu viết ca khúc: “Dấu Chân”, giai điệu slow nhẹ nhàng thiết tha, ca từ thấm đẫm chất thơ, bài ca lấp lánh niềm tín thác.
1.      Hôm nao dưới nắng reo vui, mình tôi rong chơi trên bãi biển. 
Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đôi. 
Này là dấu chân to, và kìa là dấu chân nhỏ. 
Cả hai cùng chiều đi tới, tựa hình với bóng bước song đôi.
ĐK. 
Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ. 
Đôi khi có những bước phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa. 
Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi. 
Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi.
2.      Hôm nao giữa bước chân đi, chợt nghe dâng mênh mang nỗi buồn. 
Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đơn.
Lạ lùng dấu chân to, và nặng nề vết in đậm. 
Mà sao chỉ còn một dấu, lại chẳng thấy có dấu chân tôi?

Ca khúc được dệt nhạc từ truyện “Footprints”.
Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ.
-         Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng… anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.
-         Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu…anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.
Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: “Khi con thành công, hạnh phúc…Chúa lại đồng hành với con, đi với con…Nhưng khi con thất bại, đau khổ…những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?”.
Chúa Giêsu trả lời: “Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con”.
Câu chuyện gợi lên ý tưởng: Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trên mọi nẻo đường trần thế. Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Khi con người gặp đau khổ và thất vọng, Ngài an ủi, đỡ nâng, ban thêm sức mạnh và tình yêu.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô - CN II Phục Sinh 2015 - Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa

"Những thương tích của Chúa Kitô
là những thương tích của lòng thương xót"

Bách chu niên cuộc tử đạo của người Armenia, bài giảng (toàn văn)

Rôma – 12/4/2015 (Zenit.org)


Những thương tích của Chúa Kitô là những thương tích của lòng thương xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ Bách Chu Niên cuộc "tử đạo" của dân Armenia, cuộc "Metz Yeghern" và ngài đã tuyên phong vị thánh cả Grêgôriô thành Narek là Tiên Sĩ Hội Thánh, trong ngày Chúa Nhật 12/4/2015 này.
Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX Tarmouni, thượng phụ Vùng Cilicie của người Armenia công giáo đã đồng tế với ngài.
Dấu hiệu hợp nhất đã được thực hiện, Đức Thượng Phụ Karékine II, Thượng Phụ tối cao và Giáo Chủ của tất cả người Armenia, và Đức Thượng Phụ Aram Đệ Nhất, Giáo Chủ của Đại giáo hội Cilicia cũng đã tham dự Thánh Lễ.
Tổng Thống nước Cộng Hòa Armenia, ông Serz Sargsyan cũng có mặt trong Thánh Lễ, có những bài thánh nhạc armenia cảm động và thống thiết.
Chúa nhật này là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng đã tập trung bài giảng của ngài về những thương tích của Đức Kitô và giải thích: "Cả cho chúng ta nữa, ngày hôm nay, ngày Chúa Nhật mà Thánh Gioan Phaolô II đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Thiên Chúa, Chúa đã tỏ những vết thương của Người, qua Phúc Âm. Đó là những vết thương của lòng thương xót. Đúng vậy, những thường tích của Chúa Giêsu là những thương tích của lòng thương xót".
Một kinh nguyện của ba vị thượng phụ cho các "thánh tử đạo armenia" (các đấng đã được tuyên phong hiển thánh ngày 23/4) đã được đọc lên bằng tiếng Ạmenia vào cuối lễ, trước một thông điệp của ba vị thượng phụ, và trước khi Đức Giáo Hoàng trao cho họ một sứ điệp gửi cho dân armenia. Ngài đã viện dẫn lời của Thánh Gioan Phaolô II trong một Tuyên bố chung với thượng phụ Karékine năm 2001, tố cáo "cuộc diệt chủng đầu tiên của thế lỷ XX''.
A.B.
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thánh Gioan, người hiện diện trong Phòng Tiệc Ly với các môn đệ khác, chiều ngày đầu sau ngày sabbat, thuật lại rằng Đức Giêsu đã đến giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em !", và "Người cho các ông xem tay và cạnh sườn" (Ga 20, 19-20), Người cho thấy các thương tích của Người. Các ông đã công nhận, đây không phải là một ảo ảnh, đây chính là Người, là Chúa, và các ông đã tràn đầy nỗi vui mừng. Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại đến Phòng Tiệc Ly và đưa các vết thương ra cho ông Tôma, để ông sờ vào như ông muốn, để có thể tin và để mình cũng trở nên một chứng nhân của sự phục sinh.
Chúng ta cũng vậy, ngày hôm nay, nhân ngày Chúa Nhật mà Thánh Gioan Phaolô II đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót, Chúa đã cho thấy các thương tích của Người, qua Phúc Âm. Đó là những thương tích của lòng thương xót. Đúng vậy: các thương tích của Đức Kitô là những thương tích của lòng thương xót.

Hội nghị GM về Tông đồ Giáo dân lần X: Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI

Tuyên bố chung của Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân Lần X:
Vai trò  sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI

WHĐ (13.04.2015) – Từ ngày 02 đến 06 tháng Ba 2015, Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân Lần X do Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Camilô, Bangkok, Thái Lan, với chủ đề “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI”.
Tham dự Hội nghị có 43 người thuộc 9 quốc gia Châu Á, trong đó có 3 người Việt Nam. Sau đây là Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị.

TUYÊN BỐ CHUNG
Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình
BILA X về Giáo dân (Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân Lần X)
“Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI”
Hội nghị Á châu về giáo dân nhân kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II
Trung tâm Mục vụ Camilô, Bangkok, Thái Lan, 02–06/3/2015


1.      GIỚI THIỆU

1.1  Chúng tôi, 43 tham dự viên từ chín quốc gia Châu Á (Bangladesh, Ấn Độ, Mã Lai, Miến Điện, Pakistan, Philippines, SriLanka, Thái Lan, Việt Nam) (4 giám mục, 11 linh mục với 28 giáo dân nam và nữ) đã gặp nhau tạiTrung tâm Mục vụ Camilô, Bangkok, Thái Lan, từ ngày mùng 2 đến mùng 6 tháng 3 năm 2015, để tham dự Hộinghị BILA X về giáo dân. Chúng tôi cảm ơn Văn phòng FABC về Giáo dân và Gia đình đã tổ chức sự kiện này. Chúng tôi cảm ơn Sứ thần Tòa Thánh tại Thái Lan, Đức Tổng Giám mục Paul Tschang In-Nam, đã chủ sự thánh lễ khai mạc. Lời cảm ơn đặc biệt cũng được gửi đến quý cha và quý thầy Cộng đoàn Camilô, vì lòng quảng đại và sự sẵn sàng góp phần chuẩn bị cho sự kiện này trong thời gian rất ngắn, sau quyết định “một cách tiếc nuối” phải chuyển địa điểm từ Dhaka, Bangladesh sang Bangkok, Thái Lan.

1.2  Hội nghị Giám mục về Tông đồ giáo dân X lần này tập trung vào chủ đề “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ XXI - nhân kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II”.

1.3  Nhiệm vụ chúng tôi đặt ra:
·      Lượng giá vai trò và sứ mệnh của giáo dân theo quan điểm của Công đồng Vaticanô II; chúng ta đã làmnhư thế nào, hiện chúng ta đang ở đâu và chúng ta cần phải đi đến đâu (làm gì trong tương lai)?
·      Tìm hiểu tác động của sứ mệnh giáo dân trong đời sống xã hội.
·      Tìm hiểu tác động của những cộng đoàn nhỏ Kitô hữu (SCCs: Small Christian Communities): gia đình, mục vụ cho nữ giới và giới trẻ để giúp họ tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội.
·      Đề xuất các khuyến nghị cho sứ mệnh loan báo Tin mừng của giáo dân.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Trẻ Em (bài tt) - 8.4.2015

Con cái không bao giờ là "một sự lầm lẫn"

Bài giáo lý ngày thứ tư 08/4/2015 (bản dịch toàn văn)

Rôma – 08/4/2015 (Zenit.org)

"Con cái không hề là "một sự lầm lẫn", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định trong Bài giáo lý thứ nhì về con cái trong gia đình, do ngài ban ngày thứ Tư 08/4/2015, trên quảng trường thánh Phêrô, bằng tiếng Ý. Đây quả mà một trong những Bài giáo lý mạnh mẽ nhất mà Đức Giáo Hoàng đã ban.
Đức Giáo Hoàng đã tố cáo cái xấu do người lớm đã phạm: "Tất cả những trẻ em bị gạt ra ngoài vòng xã hội, bị bỏ rơi, đang phải sống lang thang trên đường phố để đi xin ăn và xoay xở đủ cách, không được đến trường, không được săn sóc sức khỏe, là tiếng kêu thống thiết vang lên đến tận Thiên Chúa và tố cáo cái hệ thống mà chúng ta, những người lớn, đã xây dựng lên".
"Trong mọi trường hợp, Đức Giáo Hoàng tóm tắt, đó là tuổi thơ bị cưỡng hiếp trong thân xác và trong tâm hồn của mình. Nhưng không có ai trong số những đứa trẻ đó, bị Cha trên trời quên lãng! Không có một giọt lệ nào bị mất đi ".
Ngài chất vấn người lớn: "Chúng ta làm gì về những tuyên ngôn trọng thể về các quyền con người và những quyền của trẻ em nếu chúng ta trừng phạt trẻ em vì những lỗi lầm của người lớn?"
Ngài kêu gọi trách nhiệm của mỗi người trong xã hội: "Những người có trọng trách cai trị, giáo dục, tôi nói là những người lớn, chúng ta có trách nhiệm với các trẻ em và mỗi người phải làm điều có thể để làm chuyển đổi tình trạng này".
Sau đây là bản dịch toàn văn.
A.B.
Bài giáo lý được Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy bằng tiếng Ý
Thân chào quý anh chị em!
Trong các Bài giáo lý về gia đình, hôm nay chúng ta bổ sung bằng suy nghĩ về các con cái; vốn là hoa quả tốt đẹp nhất của phúc lành mà Đấng Tạo Hóa đã ban xuống cho con người nam và người nữ. Chúng ta đã nói về tặng phẩm to lớn là con cái; hôm nay, rất tiếc, chúng ta phải nói đến "những chuyện khổ nạn" mà nhiều con cái phải chịu đựng.
Nhiều trẻ em, ngay từ lúc đầu, đã bị từ chối, bỏ rơi, bị tước mất tuổi thơ và tương lai. Có người còn dám nói, như để biện minh cho mình, rằng đây là một sự lầm lẫn để chúng sinh ra đời. Thật là điểm nhục! Chúng ta không được trút bỏ tội lỗi lên đầu con cái, làm ơn đi! Con cái không bao giờ là một sự lầm lẫn".
Cái đói của các em không phải là một lầm lẫn, cũng như cái nghèo, cái mỏng manh, sự ruồng bỏ của chúng – có biết bao trẻ em bị bỏ rơi trên đường phố; và sự ngu dốt cũng như bất lực của chúng cũng vậy - biết bao trẻ em không hề biết học đường là cái gì! Ít nhất, đó là những lý do để yêu thương chúng hơn, với một sự đại lượng to lớn hơn. Chúng ta sẽ làm gì về những tuyên ngôn trọng thể về các quyền con người và những quyền của trẻ em nếu chúng ta trừng phạt trẻ em vì những lỗi lầm của người lớn?

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Sứ điệp Phục Sinh 2015

Phục Sinh 2015:

"Sự dũng cảm khiêm nhường của tha thứ và hòa bình"

Phép lành Urbi et Orbi (toàn văn)

Rôma – 05/4/2015 (Zenit.org)


"Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Phục Sinh, ơn không bị sa ngã trước sự kiêu căng đang nuôi dưỡng bạo lực và chiến tranh, và ơn có sự dũng cảm khiêm nhường của tha thứ và hòa bình": đó là lời cầu chúc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày Chúa Nhật Lễ Phục Sinh 05/4/2015 này.
Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ Chúa Sống Lại, hồi sáng nay trên quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của rất đông tín hữu, mặc dù trời mưa. Như mọi năm, sân thềm trước Thánh Đường đã được trang hoàng bởi rất nhiều loại hoa đủ mầu sắc, được các nhà sản xuất hoa ở Hòa Lan chuẩn bị.
Sau bài Phúc Âm, Đức Giáo Hoàng đã ban huấn từ. Nhưng sau lễ, lúc giữa trưa, ngài đã tới bao lơn phép lành trên Đền Thánh Phêrô, trông xuống quảng trường, để ban phép lành "Urbi et Orbi", cho thành phố Rôma và cho thế giới.
Dẫn nhập cho phép lành bởi sứ điệp Phục Sinh truyền thống của ngài, ngài đã nhắc đến những cuộc bách hại đối với các Kitô hữu và nhiều cuộc xung đột trên thế giới, và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, Urak, Thánh Địa, Libya, Yemen, Nigeria, Nam Suđan, Suđan và Cộng Hòa Dân Chủ Congo, ở Kenya, ở Ukraina.

Video Sứ điệp Phục Sinh 2015: 


Sứ điệp Phục Sinh 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Lễ Phục Sinh vui vẻ!
Chúa Giêsu Kitô đã sống lại!
Tình yêu đã chiến thắng hận thù, sự sống đã chiến thắng cái chết, ánh sáng đã xua đuổi bóng đêm!
Chúa Giêsu Kitô, vì tình yêu đối với chúng ta, đã lột hết vinh quang Thiên Chúa của mình; Người đã xả bỏ hết chính mình; Người đã mặc lấy thân phận tôi đòi và đã tự hạ mình đến chết, và chết trên cây Thập Giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người và đặt Người làm Chúa Tể vũ trụ. Đức Giêsu là Chúa!
Nhờ cái chết và sự sống lại của Người, Chúa Giêsu chỉ cho tất cả chúng ta con đường của sự sống và của hạnh phúc: con đường đó là lòng khiêm nhường, bao gồm cả sự nhục nhã. Đó là con đường dẫn đến vinh quang. Chỉ người tự hạ mình mới có thể đến với "những gì thuộc thượng giới", đến nơi Thiên Chúa ngự (x. Cl 3, 1-4). Kẻ kiêu căng "đứng trên nhìn xuống dưới", người khiêm nhường "đứng dưới nhìn lên trên".  

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Mừng Chúa Phục Sinh - 2015

MỪNG CHÚA PHỤC SINH
ALLELUIA

MỪNG CHÚA NAY ĐÃ SỐNG LẠI.
ALLELUIA! ALLELUIA!
Chúa đã sống lại như Lời Người phán hứa,
Chúa đã sống lại cho muôn dân được ơn tái sinh,
Chúa đã sống lại đập tan gông cùm xiềng xích,
Chúa đã sống lại cho con người hưởng phúc trường sinh.

ALLELUIA! ALLELUIA!


Trọng kính Đức Ông Vinhsơn,
Kính thưa quý Cha, quý Tu sỹ và quý anh chị rất kính mến,

Trong niềm vui mừng Đại lễ Chúa Phục Sinh, thay mặt PT Cursillo XL, BPV chúng con kính chúc Đức Ông, quý Cha và toàn thể anh chị em Cursillista cùng gia đình một Mùa Phục Sinh tràn đầy Niềm Vui, Bình An và Ân Sủng.


Anh chị em Cursillista kính mến,

Chúng ta đón nhận thêm một niềm vui to lớn, đó là VPĐH Cursillo GP Mallorca, nơi khai sinh PT Cursillo, đang chuẩn bị hồ sơ đệ trình Tòa Thánh xin phong Chân Phước và phong Thánh cho ông Eduardo Bonnín – vị sáng lập Phong trào Cursillo (thể theo lời thỉnh cầu của VPĐH một số quốc gia như Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha và El Salvador, và với sự chấp thuận của Giáo Phận Công Giáo tại Mallorca). 

Niềm vui này giúp chúng ta vững tin thêm vào tinh thần sống và phương pháp PT mà vị sáng lập đã dấn thân cả cuộc đời mình hầu cho Nước Chúa được trị đến, Danh Chúa được cả sáng và chúng ta cùng sống với niềm xác tín như vị sáng lập "Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta".

Xin tất cả anh chị em cùng hiệp nguyện tạ ơn Chúa và tiếp tục cầu nguyện, làm Palanca cho các Khóa Tĩnh Huấn sắp tới được tràn đầy ơn Chúa và cầu nguyện cho việc phong Chân Phước và phong Thánh của vị sáng lập PT sớm được hoàn thành.​

Nhân dịp này, chúng con cũng xin gởi đến Đức Ông, quý Linh hướng và quý anh chị: 

BẢN TIN ULTREYA #20 – PTXL

Bản tin ghi nhận những chủ đề chia sẻ học hỏi, tin tức, hình ảnh sinh hoạt PT tại các LN trong tháng vừa qua. 
(Mời xem file đính kèm hoặc download theo đường link).


Xin cùng hiệp nguyện để mọi công tác phát triển Phong trào trổ sinh hoa trái đẹp lòng Chúa.

Kính xin quý Linh hướng cầu nguyện và hướng dẫn thêm cho chúng con.

De Colores! Ultreya!


BPV Cursillo Xuân Lộc