Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Thánh Anre - 30.11

ANRÊ - VỊ TÔNG ĐỒ GIÀU TÌNH BẠN

(Ga 1, 41 – 42)


Ông đang lắng nghe Gioan Tẩy Giả. Ông là một trong những người đã đến để nghe vị tiên tri man dã này. Ông nghe rõ Gioan đang nói, tay chỉ về phía Giê-su: "Đây Chiên Thiên Chúa..." (Ga 1,29–36).
Tò mò và kích thích, ông theo Giêsu. Đức Giêsu thấy ông theo bèn hỏi ông muốn gì. Anrê và bạn ông thưa rằng họ muốn tiếp chuyện với Người. Chắc hẳn không chỉ là một buổi nói chuyện bình thường vì họ còn nhớ rõ thời giờ: "Lúc đó khoảng giờ thứ mười" (Ga 1,39)... Một giờ đầy ý nghĩa đối với Anrê, giờ của quyết định, giờ của cơ hội, giờ thay đổi cả cuộc đời ông.
Ông ra về với một niềm xác tín: "Giêsu là Chiên Thiên Chúa", Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa sai đến mà bao thế hệ hằng mong đợi.
Bấy giờ Anrê chỉ còn nghĩ đến một người: đó là em trai mình, Simon Phêrô. Ông bắt buộc phải nghĩ đến Phêrô. Ông đã sống dưới bóng của chính người em ruột mình từ tấm bé: luôn luôn là Phêrô thế này, Phêrô thế nọ. Lúc nào cũng Phêrô. Phêrô là trung tâm điểm. Phêrô là vì sao sáng. Phêrô là kẻ đứng đầu. Anrê biết rằng Phêrô có những khả năng mà mình không có. Dù sao thì cậu em Phêrô cũng phải gặp Chúa Giêsu: "Trước hết, ông đến gặp em mình" (Ga 1,41).
Anrê là môn đệ đầu tiên theo Chúa Giêsu nhưng lại không hề được ghi đầu trong bất cứ danh sách Tông Đồ nào. Luôn luôn là Phêrô đứng đầu, rồi mới đến Anrê. Trong Tin Mừng Máccô và Tông Đồ Công Vụ, tên ông ghi đến hạng thứ tư.
Có lẽ suốt đời mọi việc đều xảy ra như thế.
Ở trường, Phêrô là người trả lời nhanh nhất.
Ngoài sân chơi, Phêrô là quản trò.
Khi giao thiệp, bạn bè vây quanh Phêrô.

Trong công việc chài lưới, Phêrô giải quyết mọi việc.
Phêrô ra lệnh và Anrê trong bóng mờ lủi thủi thi hành.
Khi gặp Anrê, người ta thường hỏi:
"Anh tên là gì? À, nhớ ra rồi, anh là anh của Phêrô".
Đóng vai phụ đâu phải là dễ, nhất là phải đóng suốt đời,
ngày này qua ngày khác,
tuần này qua tuần nọ,
tháng này đến tháng kia,
trong mọi việc, trong mọi lúc, trong mọi nơi.
Sống nấp bóng một người em chói lòa đâu phải dễ!
Và bây giờ, Anrê đã khám phá ra Đức Giêsu Kitô trước:
được một lần ông sẽ đứng đầu,
được một lần ông có dịp nổi.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Sống tinh thần Năm Thánh LTX Chúa

SỐNG VÀ LOAN BÁO LÒNG THƯƠNG XÓT
Giáo Hội bước vào Mùa Vọng, khởi đầu cho năm phụng vụ mới. Đây cũng là thời điểm hướng về Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa.
Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam (17.09.2015) mời gọi chúng ta bước vào Năm Thánh.
Ngày 11.04.2015, áp Chúa Nhật Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông sắc: “Dung nhan Lòng Thương Xót Chúa” (Misericodiae Vultus). Năm Thánh được khai mạc từ 08.12.2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và kết thúc vào lễ Chúa Ki-tô Vua 20.11.2016. Các Giáo Hội địa phương cử hành nghi thức mở cửa Năm Thánh vào ngày 13.12.2015 tại nhà thờ chánh tòa.
Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô, nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót trong cuộc sống. “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót.” (Lc 6,36) (Thư chung số 2)
I. TÌM HIỂU NĂM THÁNH
1. Năm Thánh là gì?
Theo truyền thống Do Thái cổ, năm Hồng ân được tổ chức mỗi 50 năm, để khôi phục sự bình đẳng trong tất cả con cái của Israel, tạo cơ hội mới cho các gia đình đã mất tài sản và cả tự do cá nhân nữa.
Ngoài ra, năm Hồng ân còn là lời nhắc nhớ cho những người giàu có rằng sẽ đến thời mà các nô lệ Do Thái của họ lại được bình đẳng với họ và có thể đòi lại quyền lợi của mình.
Truyền thống Công giáo, Năm Thánh được cử hành mỗi 25 năm. Tuy nhiên, khi có sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, Đức Giáo Hoàng có thể công bố mở Năm Thánh đặc biệt. Năm Thánh luôn là cơ hội để đào sâu đức tin và canh tân chứng tá Ki-tô giáo.
2. Năm Thánh Lòng Thương Xót
Ngày 13.03.2015, tại đền thờ Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha đã công bố mở Năm Thánh khi Ngài giảng trong cử hành phụng vụ sám hối bắt đầu “24h cho Chúa”. Sáng kiến này do Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa đề ra nhằm mời gọi các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới mở cửa nhà thờ trong hai ngày 13-14.03.2015 để các tín hữu đến lãnh nhận bí tích hòa giải và Chầu Mình Thánh Chúa.
Chủ đề “24h cho Chúa” năm nay là “Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót” (Ep 2,4). Việc mở Năm Thánh 2015 đã diễn ra nhân dịp kỉ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vaticano II (1965). Điều này thật ý nghĩa, vì Năm Thánh sẽ thúc đẩy Giáo Hội tiếp tục công trình mà Vaticano II đã khởi sự.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin đầu tiên khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy Lòng Thương Xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng Thương Xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút Lòng Thương Xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính (Kinh Truyền Tin, 17.03.2015).

Mùa Tỉnh Thức - MV 2015

MÙA VỌNG - MÙA TỈNH THỨC
Phụng vụ Giáo hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là Mùa Vọng. Năm phụng vụ được tổ chức như một chu kỳ hàng năm để tưởng niệm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô và các ngày lễ của các Thánh. Những mầu nhiệm này đã được hoàn tất trong thời gian của Chúa Giêsu Kitô, nhưng nay vẫn tiếp tục thể hiện trong thời gian của Giáo hội. Năm phụng vụ có cơ cấu như hiện nay là cả một quá trình hình thành và phát triển dọc theo chiều dài lịch sử phụng vụ của Giáo hội.
Mùa Vọng được tổ chức để chuẩn bị đón Chúa Giêsu trong hai lần Người ngự đến. Gồm có hai giai đoạn: Từ Chúa nhật I đến ngày 16/12, các bản văn Kinh thánh dùng trong phụng vụ nói lên sự mong đợi ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Từ 17/12 đến 24/12, trực tiếp nói đến ngày sinh nhật của Người. Theo tinh thần canh tân phụng vụ hiện nay, mùa Vọng không còn là mùa thống hối nữa mà là mùa hân hoan mong đợi, mặc dầu phẩm phục vẫn là màu tím và không đọc Kinh Vinh danh.
Mùa Vọng là mùa của những lời loan báo: loan báo việc Chúa sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Giêsu. Vì thế, các bài đọc của mùa này xoay quanh các chủ đề loan báo mời gọi tỉnh thức và hy vọng.
1. Mùa Vọng – Mùa loan báo.
Mùa vọng là mùa của những lời loan báo. Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc Sách Thánh ngày Chúa Nhật.
Bài đọc 1, trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và Ngài sẽ được gọi là Emmanuel.
Bài Phúc Âm: Chúa nhật I mùa vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức; Chúa nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời gọi: Dọn đường cho Chúa; Chúa nhật IV là Chúa nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.
Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai.
2. Mùa Vọng – Mùa chờ đợi
Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ “Chúa đến” thường được hiểu bằng bốn cách:
-          Chúa đến trong lịch sử nhân loại.
-          Chúa đến trong ngày phán xét chung.
-          Chúa đến trong giờ chết của mỗi người.
-          Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.
Chúa đến lần thứ nhất: Chúa đã làm người trong nghèo hèn và đau khổ. Chúa được sinh hạ tại hang đá Belem. Chúa đến thế gian để trao ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Ngày nay nhân loại đợi chờ và hân hoan kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh.
Chúa đến lần thứ hai: Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai để hoàn tất công cuộc cứu độ, gọi là Tận Thế hoặc Cánh Chung. Lần này Chúa đến trong vinh quang với tư thế là Vua Thẩm phán để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Không ai biết được ngày đó sẽ xẩy ra khi nào. Chỉ biết chờ đợi trong hy vọng.
Chúa đến giữa hai lần: Chúa đến với từng người. Đó là giờ chết. Không ai biết được Chúa gọi mình lúc nào và ở đâu. Không ai có thể chọn cho mình ngày giờ ra đi. Lần giữa này là lần thật quan trọng với từng người.
Chúa đến trong ơn thánh: Hàng ngày Chúa đến với ta trong ơn thánh qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.
Mùa Vọng chính là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi Chúa đến.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Nhạc Taize´ - Jesus, remember me!

Jesus, Remember Me


Jesus, remember me when you come into Your Kingdom
Jesus, remember me when you come into Your Kingdom
Giêsu, xin nhớ con với, khi hân hoan trở về Thiên Quốc
Lạy Ngài, đừng quên đoàn con, khi vinh quang trở về bên Cha.

Kinh Truyền Tin với ĐTC Phanxico - Lễ Chúa Kito Vua - 22.11.15

Lô gích của Chúa Giêsu tự khẳng định
trong im lặng nhưng có hiệu quả

Kinh Truyền Tin ngày lễ Chúa Kitô Vua

Rôma – 23/11/2015 (ZENIT.org)


"Lô gích của Tin Mừng (…) tự khẳng định cách im lặng nhưng hữu hiệu với sức mạnh của sự thật", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích nhân dịp lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, trước Kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật 22/11/2015.
"Lô gích thế gian dựa trên tham vọng, trên ganh đua, nó đấu tranh bằng vũ khí là sự sợ hãi, sự hăm dọa và sự thao túng lòng người. Lô gích của Tin Mừng, nghĩa là lô gích của Chúa Giêsu, trái lại, được bầy tỏ trong sự khiêm nhường và trong sự miễn phí, tự khẳng định trong im lặng nhưng có hiệu quả với sức mạnh của sự thật", Đức Giáo Hoàng giải thích.
Hàng ngàn người đã phải đối phó với ba trạm kiểm soát lần đầu tiên được thiết lập trước khi vào được quảng trường Thánh Phêrô là lãnh địa của Vatican.
Sau đây là bản dịch đầy đủ, từ tiếng Ý, lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước và sau Kinh Truyền Tin từ cửa sổ văn phòng của ngài trông ra quảng trường Thánh Phêrô.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Trong ngày Chúa Nhật cuối cùng năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua. Và bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu được điệu ra trước tổng trấn Philatô. Người như vua của một vương quốc, vốn "không thuộc về thế gian này" (Ga 18, 36). Điều này có nghĩa là Đức Kitô là vua của một thế giới khác, và Người là vua một cách khác, tuy vậy, Người cũng là vua của thế giới này. Đây là một sự đối đầu của hai thứ lô gích. Lô gích thế gian dựa trên tham vọng, trên ganh đua, nó đấu tranh bằng vũ khí là sự sợ hãi, sự hăm dọa và sự thao túng lòng người. Lô gích của Tin Mừng, nghĩa là lô gích của Chúa Giêsu, trái lại, được bầy tỏ trong sự khiêm nhường và trong sự miễn phí, tự khẳng định trong im lặng nhưng có hiệu quả với sức mạnh của dự thật. Các vương quốc trên thế giới này dựa trên bá quyền, trên những ganh đua, trên sự áp bức; vương quốc của Đức Kitô là một "vương quốc của công lý, của tình yêu và của hòa bình" (Kinh tiền tụng).
Chúa Giêsu đã biểu lộ ra mình là vua lúc nào? Trong biến cố Thánh Giá! Ai nhìn lên thánh giá Đức Kitô mà không thấy được sự miễn hồi đáp đáng kinh ngạc của tình yêu? Có người trong anh chị em có nói rằng "Thưa Cha, đó là một sự thất bại đấy chứ!". Chính xác là trong cái thất bại của tội lỗi - tội lỗi là một thất bại – trong cái thất bại của tham vọng con người, chính ở đó là sự chiến thắng của Thánh Giá, là sự miễn hồi đáp của tình yêu. Tình yêu được nhìn thấy trong sự thất bại của Thánh Giá, tình yêu đó là nhưng không, mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Nói đến thế lực và sức mạnh, theo người Kitô hữu, có nghĩa là liên tưởng đến thế lực của Thánh Giá và đến sức mạnh của tình yêu Chúa Giêsu: một tình yêu luôn vững bền và tinh tuyền, cho dù có phải đương đầu với sự từ chối, và xuất hiện như sự hoàn tất của một cuộc đời đã bị hao tổn trong sự tận hiến thân mình cho nhân loại. Trên đồi Can-vê, kẻ qua người lại và thượng tế, kinh sư đều chế diễu Chúa Giêsu, bị đóng đinh vào thập giá, và lên tiếng thách thức Người: "Có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!" (Mc 15, 30). Nhưng, ngược đời là sự thật của Chúa Giêsu lại chính là sự thật mà những địch thủ của Người đã la hét trước mặt Người với giọng điệu diễu cợt: "Hắn chẳng cứu nổi lấy mình" (c. 31). Nếu Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, thì Người đã sa vào cám dỗ của quỷ vương; trái lại Người không thể tự cứu lấy mình chính là để có thể cứu lấy thiên hạ, chính là vì Người đã ban hiến mạng sống mình cho chúng ta, cho mỗi người trong chúng ta. Nói rằng: "Chúa Giêsu đã ban mạng sống mình cho thế gian", thì cũng đúng, nhưng sẽ đẹp hơn nếu nói rằng: "Chúa Giêsu đã hiến sinh mạng của Người cho tôi". Và ngày hôm nay, trên quảng trường này, mong rằng mỗi người trong chúng ta hãy nói với lòng mình: "Người đã hiến mạng sống Người cho tôi", để có thể cứu độ mọi người chúng ta ra khỏi tội lỗi. 

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Công đồng Vatican II - Ơn gọi và Sứ vụ của người giáo dân

Áp dụng Công Đồng Vatican II,
mối bận tâm của Thánh Gioan-Phaolô II

Năm mươi năm văn kiện về tín hữu giáo dân (bản dịch đầy đủ)

Rôma – 16/11/2015 (ZENIT.org)

"Áp dụng Công Đồng, đưa công đồng vào đời sống hàng ngày của tất cả mọi cộng đoàn Kitô hữu, đó là mối bận tâm mục vụ luôn thúc đẩy Thánh Gioan-Phaolô II", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở về vai trò của các tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và trên thế giới.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp về vai trò và sứ vụ của giáo dân cho vị chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, Đức Hồng Y Stanislas Rylko, nhân dịp Ngày Nghiên Cứu được tổ chức bởi thánh bộ này, hợp tác cùng viện đại học Thánh Giá, trên đề tài "Ơn gọi và sứ vụ của giáo dân. Năm mươi năm sau khi công bố sắc lệnh Apostolicam actuositatem".
Sau đây là bản dịch đầy đủ thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.
Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Kính gửi quý huynh của tôi, Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội Đồng giáo hoàng về giáo dân,
Tôi xin gửi đến Đức Hồng Y lời chào mừng thân thiện của tôi, cũng như đến tất cả các tham dự viên Ngày Nghiên Cứu được Hội Đồng về giáo dân tổ chức, hợp tác với viện đại học Thánh Giá, trên chủ đề: "Ơn gọi và sứ vụ của giáo dân. Năm mươi năm sau khi công bố sắc lệnh Apostolicam actuositatem".
Hội nghị của quý vị được ghi trong khung cảnh của ngày kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, một biến cố ân điển phi thường, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khẳng định, đã mang "đặc tính của một hành động tình yêu; một hành động to lớn và đa diện: đối với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với nhân loại" ("Bài nói chuyện đầu Kỳ họp thứ tư", ngày 14/9/1965, Giáo Huấn, III, 1965, trang 475). Thái độ tình yêu được canh tân này, đã gợi ý các Nghị Phụ Công Đồng và cũng hướng dẫn, trong muôn vàn hoa trái, tới một cách nhìn mới về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo Hội và trên thế giới, và thái độ đó đã tìm được một cách biểu hiện tuyệt vời trưóc hết trong hai tông hiến công đồng, Lumen gentiumGaudium et spes. Các tài liệu căn bản này của Công Đồng coi các tín hữu giáo dân trong một nhãn quan tổng thể của dân Thiên Chúa, họ thống thuộc về dân này cùng với các thành viên của hàng giáo phẩm và các tu sĩ, và trong đó, họ tham gia, theo cách riêng biệt của mình, vào thừa vụ tư tế, tiên tri và vương giả của chính Đức Kitô. Như thế, Công Đồng không coi tín hữu giáo dân như thể họ chỉ là những thành viên "thứ hạng" phục vụ hệ thống giáo quyền, và chỉ là những người thừa hành tầm thường tuân thủ lệnh trên, mà như các môn đệ của Đức Kitô, những người nhờ Phép Rửa và sự sát nhập tự nhiên "vào thế gian", được mời gọi làm sống động mọi môi trường, mọi sinh hoạt, mọi quan hệ con người theo tinh thần Phúc Âm (x. Lumen gentium, 31), trong khi mang đến ánh sáng, niềm hy vọng và tình bác ái lãnh nhận từ Đức Kitô đến các nơi đó. Nếu không, những nơi này sẽ còn xa lạ với tác động của Thiên Chúa và bị bỏ rơi trong sự khốn cùng của kiếp sống con người (x. Gaudium et spes, 37). Không ai ngoài họ ra có thể hoàn tất nhiệm vụ cốt lõi này là "ghi chép lề luật Thiên Chúa vào trong đời sống thị xã dưới thế" (ibid., 43). 

Thư gửi ACE Giáo Chức Công Giáo - 20.11.2015

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2015

Kính thưa quý Thầy Cô Giáo,
Hằng năm vào Ngày Nhà Giáo Việt Nam, các giảng đường và trường lớp là những nơi ấm áp tình thầy trò, với bầu khí thân thương và tưng bừng. Các sinh viên, học sinh nô nức bày tỏ tâm tình mến yêu và biết ơn đối với quý Thầy Cô Giáo của mình.  Với tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi muốn hòa nhịp cùng với tâm tình của các sinh viên, học sinh bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng và quý mến của tôi đối với quý Thầy Cô. Nhân dịp này, với lòng tin tưởng và niềm hy vọng, tôi muốn chia sẻ với quý Thầy Cô những bận tâm lo lắng của tôi và của nhiều người về một số vấn đề liên quan đến cuộc sống thường ngày.
Có rất nhiều vấn đề, đặc biệt những vấn đề liên quan đến cuộc sống thường ngày làm người ta lo sợ và bận tâm. Những vấn đề này đã được nói đến trong thông điệp “Laudato Si’” của Đức Thánh Cha Phanxicô và trong Thư gửi cộng đồng Dân Chúa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dịp Hội nghị Thường niên Kỳ II vào tháng 9 năm 2015 vừa qua. Đó là vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nguồn nước sạch.
Những vấn đề này có nhiều nguyên nhân và lý do, nhưng nguyên do chính yếu vẫn là con người. Do đó, nếu chúng ta muốn có một xã hội, hiện tại cũng như tương lai, lành mạnh hơn, tươi sáng hơn và an toàn hơn, chúng ta cần phải để ý đến việc giáo dục và đào luyện con người. Trách nhiệm giáo dục những thế hệ trẻ một phần lớn tùy thuộc vào quý Thầy Cô. Như đã có lần tôi chia sẻ với quý Thầy Cô, trong việc giáo dục Giới Trẻ, ngoài các bậc cha mẹ, quý Linh mục và Tu sĩ, chắc chắn không ai được các em quý mến và lắng nghe bằng quý Thầy Cô Giáo. Tôi tin tưởng và hy vọng là quý Thẩy Cô sẽ đưa hết sức lực và tâm huyết vào sứ mệnh cao quý này. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự.
Đứng trước những vấn đề nhức nhối này, rất nhiều người bức xúc, than phiền và trách móc. Tâm thái đó cũng không lạ, nhưng xin quý Thầy Cô “thay vì nguyền rủa bóng tối, hãy thắp lên một ngọn nến”. Xin quý Thầy Cô hãy thắp lên trong lòng các em sinh viên, học sinh ngọn lửa yêu thương. Giá trị của một người không tùy thuộc ở sự giầu sang, khả năng hay chức quyền, nhưng ở tình thương yêu chất chứa trong con tim và với tình yêu đó, biết sử dụng của cải, tiền bạc, khả năng và chức quyền để xây đắp cuộc đời của mình cũng như của tha nhân.

ĐTC Phanxicô - Suy niệm Tin mừng CN XXXIII - TN B

Người Công giáo: hãy từ bỏ tin tử vi!

Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin (bản dịch đầy đủ)

Rôma – 16/11/2015 (ZENIT.org)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chuẩn bị gặp Chúa Giêsu khi thời gian sẽ đến.
Ngài tố cáo việc coi số tử vi để biết tương lai: điều quan trọng, ngài nói, chính là phải "sẵn sàng" để gặp gỡ chứ không phải là "bao giờ" và nơi gặp gỡ ở đâu.
Ngài nói thêm rằng Đức Kitô "là một sự hiện diện thường xuyên trong đời sống chúng ta".
Ngài mời gọi chọn cách này thay vì số tử vi: "Khi anh chị em muốn xem tử vi, anh chị em hãy nhìn thấy Chúa Giêsu đang ở bên cạnh anh chị em. Điều này tốt hơn và sẽ có ích cho anh chị em. Sự hiện diện này của Chúa Giêsu sẽ khiến cho chúng ta chú ý và cảnh giác hơn, đồng thời gạt bỏ nôn nóng và buồn ngủ, lẩn tránh khó khăn hay tự cảm thấy mình là tù nhân của thời hiện tại và những thú vui trần tục".
Sau đây là bản dịch đầy đủ lời bình giảng của Đức Giáo Hoàng các bài đọc Chúa Nhật này.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Bài Tin Mừng ngày Chúa Nhật trước Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ đưa ra một phần bài giảng của Chúa Giêsu về những biến cố sau cùng của lịch sử loài người, hướng tới sự viên mãn của Nước Thiên Chúa (x. Mc 13, 24-32). Đó là nhưng lời mà Chúa Giêsu đã nói ở Giêrusalem, trước Lễ Vượt Qua cuối cùng của Người. Những lời này bao gồm những yếu tố kinh khủng như là: chiến tranh, nạn đói, thiên tai: "Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng; các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển" (x. c. 24-25). Tuy nhiên, những yếu tố đó không phải điều cốt yếu của thông điệp. Cốt lõi bài giảng dạy của Chúa Kitô là chính bản thân Người, mầu nhiệm con người, cái chết và sự sống lại của Người, và sự trở lại của Người vào ngày tận thế.
Điểm đến cuối cùng của chúng ta là cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh.
Và tôi muốn hỏi anh chị em: có bao nhiêu người trong anh chị em nghĩ đến điều này? Một ngày kia, tôi sẽ mặt đối mặt với Chúa. Đó chính là mục đích của chúng ta: cuộc gặp mặt này. Chúng ta không đợi chờ phải ở một lúc nào hay một nơi nào; nhưng chúng ta đi gặp một Đấng: Chúa Giêsu. Như vậy, vấn đề không phải là "khi nào" sẽ xẩy ra những dấu hiệu tiên báo giờ phút cuối cùng, mà là phải sẵn sàng khi cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra. Và không phải là cần biết mọi sự sẽ xẩy ra như "thế nào", mà nên biết chúng ta phải hành xử như "thế nào", ngày hôm nay, trong khi chờ đợi chuyện đó xẩy đến. Chúng ta được kêu gọi sống trong thời hiện tại, xây dựng tương lai chúng ta trong sự bình tĩnh và tin tưởng vào Thiên Chúa. Dụ ngôn cây vả đâm chồi nẩy lộc, đánh dấu mùa hè đang tới (x. c. 28-29), dạy bảo chúng ta là viễn cảnh tận thế không làm chúng ta lơ là với đời sống hiện tại; mà khiến cho chúng ta nhìn thời gian qua đi trong một nhãn quan hy vọng.

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình - 32). Tình thân, hàn thử biểu đo sức khỏe các quan hệ gia đình

Tình thân, hàn thử biểu đo sức khỏe các quan hệ gia đình

Bài giáo lý ngày thứ Tư 11 tháng 11 năm 2015 (Bản dịch đầy đủ)

Rôma – 11/11/2015 (ZENIT.org)

"Tình thân là hàn thử biểu đo lường sức khỏe các quan hệ gia đình", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Đức Giáo Hoàng đã dành Bài giáo lý thứ 32 của ngài về gia đình để nói về "tình thân quanh mâm cơm", trên quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ Tư 11/11/2015, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn khách hành hương. Theo Đức Giáo Hoàng, một gia đình được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, làm chứng cho thân tình "phổ quát" trong Đức Kitô: "Kitô giáo có một ơn gọi thân tình đặc biệt".
Ngài cũng nhấn mạnh rằng "thân tình" là một "trải nghiệm nền tảng" của người ta trong gia đình và các gia đình Kitô giáo là "học đường của tình thân" và của "tình huynh đệ", đang tác động như chất "men" trong xã hội.
Đầu buổi triều kiến, Đức Giáo Hoàng đã đọc một Kinh Kính Mừng cùng với đám đông cầu nguyện cho Hội Nghị Toàn Quốc của Giáo Hội nhóm họp tại Florence, mà ngài đã tới tham dự vào hôm thứ Ba 10/11/2015
Sau đây là bản dịch toàn văn lời Đức Giáo Hoàng đọc bằng tiếng Ý.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Trong những ngày này, Giáo Hội Ý đang họp Hội Nghị Toàn Quốc tại Florence. Các Đức Hồng Y, các Đức Giám Mục, các người thánh hiến và các tín hữu giáo dân, tất cả đều họp chung. Tôi mời gọi anh chị em cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cho họ bằng một Kinh Kính Mừng/
[Kính mừng Maria…]
Bài giáo lý
Thân chào quý anh chị em!
Ngày hôm nay, chúng ta sẽ suy nghĩ về một đức tính đặc trưng của đời sống gia đình, nó được học tập ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời: thân tình, nghĩa là thái độ chia sẻ những của cải trên đời và cảm thấy hạnh phúc khi có thể làm như thế. Chia sẻ và biết chia sẻ là một nhân đức cao quý! Biểu tượng của nó, "hình ảnh" của nó là gia đình quây quần chung quanh mâm cơm ở nhà. Sự chia sẻ miếng cơm – và như thế, không chỉ là lương thực, mà còn là những tình cảm, những câu chuyện, những biến cố… - là một kinh nghiệm nền tảng. Khi có một dịp lễ tết, một ngày sinh nhật, một buổi tiệc mừng, người ta quây quần quanh bàn tiệc. Trong nhiều nền văn hóa, theo phong tục người ta cũng quây quần bên bàn ăn trong dịp ma chay, để được gần gũi với người đang đau buồn bởi vì đã mất đi một người thân trong gia đình.
Tình thân là một cái hàn thử biểu đáng tin cậy để đo lường sức khỏe của các quan hệ: nếu, trong gia đình, có điều gì trục trặc, hay những thương tích thầm kín, trên mâm cơm người ta hiểu biết ngay tức khắc. Một gia đình hầu như không bao giờ ăn cơm chung, hay trên mâm cơm không ai chịu nói chuyện mà lại mở truyền hình, hay 'điện thoại thông minh', là một gia đình "ít có tinh thần gia đình".  Khi trên mâm cơm, mà con cái cứ dính vào máy tính, hay điện thoại di động của mình, và không thèm nghe nhau, không còn phải là một gia đình nữa, đó là một nhà nội trú.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Huấn từ ĐTC ngày CN 8/11/2015 - CN XXXII TN B

"Tấm gương bà góa để lại cho chúng ta đẹp biết bao!"

Bản dịch đầy đủ Kinh Truyền Tin ngày 08 tháng 11 năm 2015

Rôma – 09/11/2015 (ZENIT.org)

"Tấm gương bà góa để lại cho chúng ta quá là đẹp", Đức Giáo Hoàng Phanxicô thốt lên khi bình giảng bài Phúc Âm ngày Chúa Nhật 08/11/2015, vào giờ Kinh Truyền Tin buổi trưa, trên quảng trường Thánh Phêrô. Đó là đoạn kể về "món tiền cúng nhỏ mọn của bà góa".
Đức Giáo Hoàng giải thích rằng bà góa, với tư cách một người đàn bà Do Thái sùng đạo, bà cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương: "Với Thiên Chúa, bà không muốn làm "nửa vời": bà đã chịu thiếu thốn đủ thứ. Trong sự nghèo nàn của bà, bà đã hiểu được, có Thiên Chúa chính cũng như là có tất cả; bà cảm thấy bà hoàn toàn được Người yêu thương và phần bà, bà cũng kính yêu Người hoàn toàn. Tấm gương bà góa này để lại cho chúng ta thật là quá đẹp!"
Trước những nhu cầu của người khác, chúng ta được kêu gọi nhịn đi một chút – một chút gì cũng cần thiết cho chúng ta, chứ không chỉ là những thứ dư thừa; chúng ta được kêu gọi công hiến thời giờ, không chỉ là thời giờ còn lại mà thời giờ cần thiết cho chúng ta; chúng ta được kêu gọi cống hiến ngay lập tức và không hạn chế một trong những tài năng của chúng ta, không chờ là phải sử dụng để mưu lợi cho cá nhân hay phe nhóm của mình trước đã.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi lại chuyện đánh cắp các tài liệu mật, được công bố trong hai cuốn sách tại Italia, không ngần ngại phải nói đến một hành động "tệ hại", cũng là một "tội phạm". Sự khoan dung của ĐGH Biển Đức XVI trong một tình trạng tương tự không trở thành bài học được: lần này, người ký giả này có nguy cơ bị truy tố.
Đức Giáo Hoàng đề nghị ơn phúc phải cầu xin: "Chúng ta hãy cầu xin Chúa đưa chúng ta tới học trường củaa bà góa nghèo khổ này, mà Chúa Giêsu, trước sự ngạc nhiên của các môn đệ, đã đưa lên bục giảng và đã giới thiệu như một bậc "thầy" sống động trong Phúc Âm. Nhờ sự cầu bầu của Đức Maria, người phụ nữ nghèo khó đã dâng hiến cả cuộc đời bà lên Thiên Chúa vì chúng ta, chúng ta hãy cầu xin ơn có tấm lòng khó nghèo, nhưng giầu lòng rộng lượng hạnh phúc và miễn phí".
Sau đây là bản dịch bài huấn đức của Đức Giáo Hoàng trước và sau Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật.
A.B.
Trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em với trời nắng đẹp ngày hôm nay.
Đoạn Phúc Âm ngày Chúa Nhật hôm nay có hai phần: một phần để mô tả các môn đệ của Đức Kitô phải như thế nào: phần kia để đề nghị một mẫu lý tưởng của người Kitô hữu.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng phần thứ nhất: điều chúng ta không nên làm. Trong phần đầu, Chúa Giêsu gắn liền các kinh sư, những người thầy về lề luật, với ba khuyết điểm đã thể hiện trong lối sống của họ: tự phụ, tham lam và giả hình. Chúa Giêsu phán rằng họ thích "được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng, chiếm ghế danh dự trong hội trường, ngồi chỗ cao nhất trong đám tiệc" (Mc 12, 38-39). Nhưng dưới cái lớp bề ngoài long trọng đó, ẩn dấu sự giả hình và bất công. Trong lúc vênh vang nơi công cộng, họ lợi dụng thẩm quyền của họ để "nuốt hết tài sản của các bà góa" (x. c. 40), các bà cùng với trẻ mồ côi và những người khách lạ bị coi như những người dễ bị tổn thương nhất. Sau cùng, các kinh sư "lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ" (x. c. 40). Ngày nay cũng vậy, nguy cơ của cách hành xử này vẫn còn tồn tại. Thí dụ, khi người ta phân chia cầu nguyện và công ly, vì người ta không thể thờ phượng Thiên Chúa cách hữu hiệu và đồng thời lại làm hại người nghèo. Hay khi người ta nói kinh yêu Thiên Chúa, trong lúc lại bầy ra sự ngạo mạn và tư lợi của mình trước nhan thánh Người.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Bản tin OMCC - tháng 11/2015

BẢN TIN HÀNG THÁNG
THÁNG 11 - 2015

Trong tháng này, dựa trên những "Chuyên Từ" của cuốn Tư Tưởng Căn Bản mới, chúng ta xem lại nghĩa của một số từ ngữ quan trọng nhất trong PT Cursillo Kitô Giáo (MCC)
ĐẶC SỦNG (Charism)
Là một Ơn Sủng của Chúa Thánh Thần, trao quyền cho những ai đón nhận nó để xây dựng Giáo Hội, cho lợi ích của con người và cho những nhu cầu của trần thế (CCC 799). "Đặc Sủng được chấp nhận với lòng biết ơn của người tiếp nhận cũng như của tất cả các thành viên của Giáo Hội. Đặc Sủng là một ơn sủng tuyệt vời phong phú cho sức sống tông đồ và cho sự thánh thiện của toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô "(CCC 800). Phán quyết về tính đích thực của Đặc Sủng thuộc về các đấng chăn chiên, những vị có thẩm quyền trong Giáo Hội (x LG 12).
Giáo Hội đã chính thức công nhận Đặc Sủng của PT Cursillo bao gồm những nét đặc trưng, ​​dạng thức và sự khác biệt đối với các phong trào, các đoàn hội và các cộng đồng khác của Giáo Hội. Đặc Sủng chứa đựng hạt giống và những điều cần thiết đối với Phong trào. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu được "chiều kích thần ân" của PT Cursillo, nhận ra nó là một hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong nguồn gốc của nó, chứ không chỉ là sáng kiến ​​của con người. Vì vậy, việc tham gia PT Cursillo, là do được cảm hứng bởi Chúa Thánh Thần, Cursillo là phương tiện để sống cảm hứng đó trong sự ân cần, hiểu biết và sống động.
NHÓM KITÔ HỮU (Christian Group)
Một nhóm Kitô hữu được liên kết bởi tình bạn, tăng tiến, phát triển và sinh hoa trái (x Chl. 57). Nhóm là cách để biểu hiện chiều kích cộng đoàn của đời sống Kitô hữu: Một người không thể là Kitô hữu chỉ cho riêng mình. Các Nhóm Kitô hữu duy trì và xây dựng nên cộng đồng Giáo Hội.
Có nhiều hình thức để nhóm Kitô hữu sống và tồn tại. PT Cursillo thúc đẩy việc tạo ra các nhóm Kitô hữu để chia sẻ đời sống Kitô giáo trong tình bạn, những thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau sống Ơn Sủng một cách ý thức, chia sẻ và tăng tiến. Trong PT Cursillo, hình thức cụ thể của nó là Hội Nhóm (Nhóm Thân Hữu) và Ultreya.
KHÓA CURSILLO (Cursillo)
Khoá Cursillo là giai đoạn thứ hai và là trọng tâm của phương pháp Cursillo. Đây là phần cấu trúc quan trọng nhất và là phần xác định về phương pháp cũng là phần tiêu biểu cho thời điểm quyết định đối với mục đích của Phong trào. Nó là một hình thức truyền giáo cụ thể và riêng biệt (Kerygmatic evangelization) được mô tả như là "việc hân hoan công bố về những gì để trở nên Kitô hữu”.
Trong ba ngày sống với Cursillo, chia sẻ những điều căn bản để trở nên Kitô hữu, được khuyến khích để trở thành hiện thực qua kinh nghiệm của ba cuộc gặp gỡ, với chính mình, với Chúa Kitô và với những người khác.
Đây là một "món quà kỳ diệu của Thiên Chúa", mà nó có thể đem lại một cảm nghiệm lớn nhất cho một người: để gặp Chúa, để khám phá (và cảm nghiệm) ra tính chất cốt yếu của việc là một Kitô hữu và để tỏ lộ một cuộc sống mới.
MÔI TRƯỜNG (Environment)
Hoàn cảnh xã hội, được tạo ra bởi con người, những ý tưởng, những giá trị và sự kiện liên hợp với nhau trong khoảng thời gian ở một nơi nhất định và nó ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành động của mọi người ở đó.
Cuộc đời của mỗi người phát triển trong nhiều môi trường khác nhau như (gia đình, nơi làm việc, xã hội v.v.) và những môi trường này thường ảnh hưởng và chi phối con người, và ngược lại con người cũng ảnh hưởng và chi phối môi trường.
PT Cursillo, trước hết, muốn làm cho mọi người có thể sống một cách nhất quán việc đang là Kitô hữu trong môi trường của họ, để ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng tỏa sáng qua họ, và theo cách này, có thể đạt được mục tiêu cuối cùng của Cursillo, đó chính là Phúc Âm Hoá Môi Trường.

Bản tin OMCC - tháng 10/2015

THƯ TÍN HÀNG THÁNG
THÁNG 10 - 2015

GIỚI THIỆU VỚI THẾ GIỚI CUỐN - TƯ TƯỞNG CĂN BẢN CỦA PHONG TRÀO CURSILLO
Vào ngày 08 tháng 10 vừa qua tại thành phố Oporto Bồ Đào Nha, đã có buổi giới thiệu với Thế giới về cuốn Tư Tưởng Căn Bản Của Phong Trào Cursillo dưới sự tham dự của hơn 700 người.
Buổi lễ đã được truyền trực tiếp trên trang web của OMCC (www.orgmcc.org) và trang nhà của nhà xuất bản Paulus Editora (www.paulus.pt/omcc) bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha.
Bản tin kỳ này đăng toàn bộ bài giới thiệu của Chủ tịch Ban Chấp Hành OMCC:

Video: https://www.youtube.com/watch?v=QV1Lrm87z_g
 
GIỚI THIỆU
Với niềm vui lớn lao, hôm nay Ban Chấp Hành Cursillo Thế Giới, trụ sở tại Bồ Đào Nha, xin giới thiệu phiên bản thứ III TƯ TƯỞNG CĂN BẢN CỦA CURSILLO.
Chúng tôi vô cùng cảm kích về sự hiếu khách của Giáo phận Porto, Đức Giám mục António Francisco dos Santos, VPĐH Cursillo Giáo Phận, điều phối viên Maria José và Joaquim Mota, Lm. Linh Hướng, Cha. Baptista, và tất cả các bạn, cũng như Cha José Carlos Nunes đại diện cho nhà xuất bản Paulus Editora ở đây, đã cùng chúng tôi tích cực làm cho công việc này trở thành hiện thực.

ẤN BẢN
Chúng tôi có thể nói Tư Tưởng Căn Bản (III) là biểu đồ của một chiều hướng mới trong sự tiếp cận với những tư tưởng quan trọng nhất của Cursillos; đây là một nỗ lực chân thực và cao quí để nối kết lại những ý tưởng cơ bản, nơi Chúa Thánh Thần đã hiện diện giữa chúng ta, đặc biệt nơi con người của Eduardo Bonnín.
Chúng ta đều biết rằng đôi khi đường lối và thủ tục đúng hợp lúc ban đầu, chắc chắn với những ý định tốt lành, ở một vài nơi, đặc biệt là trong một số vùng, đã bị chuyển hướng; đây là chuyện bình thường xảy ra trong nhiều phong trào của Giáo Hội, nhưng nhiều người trong chúng ta thậm chí không nhận ra điều đó.
Giáo Hội của Chúa Kitô, và những người kế vị Thánh Phêrô nhiều lần kêu gọi các phong trào phải trung thành với tinh thần nền tảng của nó, có nghĩa là Đặc Sủng ban đầu, và ước ao chúng ta đừng tiết kiệm nỗ lực để quay về nguồn gốc của chúng ta. Thánh GH John Paul II đã nói với chúng ta: "Hãy giữ sự trung thành với Đặc Sủng mà nó đã cuốn hút các con và nó sẽ hướng dẫn mạnh mẽ hơn để làm cho các con trở thành những người phục vụ của Chúa Kitô là Thiên Chúa thật" .
Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vào cuối tháng Tư vừa rồi, trong huấn từ dành cho các Cursillistas trong Đại Ultreya Âu Châu, Ngài đã nhắn nhủ: "Cha khuyến khích các con hãy “ra đi”, luôn luôn trung thành với Đặc Sủng của các con" – cũng như Ngài đã cổ vũ những người tham dự Đại hội Thế giới III của các phong trào và cộng đồng mới rằng: "các con hãy duy trì sự tươi mát các Đặc Sủng của các con, hãy luôn luôn canh tân nó như tình yêu ban đầu".
Có lẽ, một ngày nào đó chúng ta có thể quay về Đặc Sủng tươi mát của chúng ta, một đặc sủng tinh khiết và chính thực của Cursillos và sẽ không còn lơ là ý hướng của Chúa nữa. Tôi chắc chắn đó là tất cả những gì chúng ta mong muốn.
Với tinh thần đó, mà sau Đại Hội VI Thế giới tổ chức tại São Paulo, Phong trào đã khởi động nhiệm vụ nặng nề là viết lại cuốn Tư Tưởng Căn Bản Của PT Cursillo, cũng như nhìn vào lịch sử, tâm tưởng, mục đích, cùng những ý tưởng mà nó cung cấp cho chúng ta tính đồng nhất. Chúng tôi có ý nói về những ý tưởng mà nó dẫn chúng ta tới sự suy nghĩ để sử dụng những năng khiếu về sự hiểu biết, sự ứng dụng các tiêu chuẩn trong việc đặt ra các chuẩn mực; ý tưởng đó giúp chúng ta thiết lập đường lối của mình. Điều quan trọng là để chúng ta biết chúng ta đến từ đâu, tuyệt vời hơn nữa, là chúng ta biết cách để tới nơi chúng ta nên đến và đến với những ai chúng ta cần phục vụ.
Một điều không thể nghi ngờ là trong cuốn Tư Tưởng Căn Bản Của PT Cursillo mới này hướng đến con người nhiều hơn là các cấu trúc, trong một đường lối cụ thể và đặc biệt, chúng ta hướng nhiều vào sự xa cách ​​Thiên Chúa.
Một thực tế rất đậm nét khác trong cuốn sách là chỉ nhờ vào con người, chúng ta mới có thể thay đổi được môi trường.
Nội dung của cuốn sách cũng liên quan đến lịch sử của Phong trào, nổi bật là Đặc Sủng, mà nó cho thấy Tâm Tưởng, Mục Đích, Sách Lược và Phương Pháp của PT Cursillo, nó cũng trình bày các khía cạnh chính phải được lưu tâm trong Tiền Cursillo, Khóa Cursillo và Hậu Cursillo, cũng như sự xác định các mối quan hệ của Phong trào với Giáo Hội và thế giới, và nó cũng miêu tả rõ ràng các cơ cấu phục vụ của Phong Trào.
Đây là một bản tóm lược về những ý nguyện.
Đó là ý nguyện của tất cả chúng ta. Nội dung cuốn sách như chúng ta đều biết, được sự đồng ý của đa số các VPĐH quốc gia có mặt tại Đại Hội VII Thế Giới tổ chức tại Brisbane.
Từng bước, chúng ta ghi câu chuyện về con người và, với cuốn sách này, chúng ta làm một bước quan trọng hơn về mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với Thiên Chúa xẩy ra qua các Khoá Cursillo Kitô giáo.

NHỮNG Ý TƯỞNG MỚI / Ý TƯỞNG MÀ NÓ ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT SỰ HỌC HỎI

ĐỂ LÀM SAO CÓ THỂ ĐỨNG RA TỔ CHỨC CÔNG VIỆC

Đối với một số người, thì đây là những ý tưởng mới, đối với một số khác, thì hình như nó chẳng có gì khác biệt; với một số người thì nó cho một bước xa hơn, nhưng với một số khác thì lại cho là quá ngắn mà đúng ra chúng ta có thể đi xa hơn nữa.
Dù sao, điều quan trọng là các ý tưởng ở đây thực sự đã luôn luôn hiện hữu trong các Khóa Cursillo. Trọng yếu là phải biết làm thế nào để chấp nhận, phản ánh và áp dụng chúng trong đời sống của Cursillos. Đây là một thách thức lớn đối với Trường Lãnh Đạo. Dĩ nhiên là có những người đã nghiên cứu về Cursillo trong nhiều năm, nhưng giờ lại phải quay trở lại để nghiên cứu nó một lần nữa. Mà đó chỉ là sự mở rộng về con người.
Ý nguyện quan trọng nhất mà tất cả các cơ cấu của phong trào là biết một cách hoàn hảo và sâu xa về nền tảng của nó và đặt nó ở vị trí mộc cách mạch lạc và phổ quát. Đó là một công việc đối với tất cả các VPĐH quốc gia, các Giáo Phận, các Trường Lãnh Đạo, Ultreyas và các Nhóm.

Ấn Bản
Chúng tôi đã chọn một ấn bản chung cho toàn cầu
Theo quy chế Tổ chức Thế giới, được Tòa Thánh chấp thuận vào tháng Mười Hai năm 2014, thì mục tiêu của OMCC là để "bảo tồn PT Cursillo Kitô giáo trong sự trung thành với đặc sủng của chính nó và cuốn "Tư Tưởng Căn Bản của Phong Trào Cursillo" (FICM), là thành quả của những Đại Hội Thế giới và là sự diễn đạt chính thức của Phong trào Cursillo".
Do đó quan trọng nhất là vào lúc này! Lần đầu tiên trong lịch sử, Phong trào Cursillos đã chuẩn bị việc phát hành cuốn Tư Tưởng Căn Bản Của PT Cursillo trên lãnh vực toàn cầu.
Các quy chế qui định việc ưu tiên là: "để thúc đẩy PT Cursillo tới chỗ sắc bén và sinh động trong thế giới hiện đại và trong mọi tình huống", và quyền lưu giữ tài liệu này được giao cho Ban Chấp Hành, vị Chủ Tịch của Phong Trào "người giữ quyền cho phép, xem xét và chấp thuận bất cứ sự phiên dịch các tài liệu chính thức của Đại Hội Thế giới hoặc cuốn Tư Tưởng Căn Bản (FICM) gốc hoặc các bản dịch” và người được giao trách nhiệm “sẽ chỉ đồng ý có một bản dịch chính thức trong mỗi ngôn ngữ mà thôi".
Để đáp ứng với những đòi hỏi này, Ban Chấp Hành đã ký một hợp đồng với Paulus Editora, một trong những nhà xuất bản Công giáo quan trọng nhất trên thế giới, có chi nhánh ở khắp các Châu lục, và điều đó mang lại cho chúng ta một loại chất lượng và bền chắc của loại ấn bản tham khảo.
Đó là mục tiêu của chúng tôi để duy trì tính trung thực với nội dung đã được phê duyệt trong Đại Hội VII thế giới ở Úc, và văn bản cuối cùng cũng đã được OMCC ở Fatima phê duyệt năm 2014. Mục đích này là để có cùng một phiên bản, một bản dịch, một nhà xuất bản, và thường phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ban Chấp Hành. Hiện giờ chúng tôi đã có các phiên bản tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha, và tương lai gần, chúng ta sẽ có các phiên bản bằng tiếng Ý, tiếng Đức, Hungary và tiếng Hàn.
Việc đặt mua sách đòi hỏi phải gởi đến Paulus, thông qua mạng lưới toàn cầu hoặc liên lạc trực tiếp với văn phòng OMCC.
Trong việc bảo vệ Cursillos, sẽ không cho phép xuất bản toàn bộ hay một phần nội dung của cuốn Tư Tưởng Căn Bản, quyền dành riêng cho người ưu tiên.

Kết luận
Như đã viết trên bìa sau, "Cuốn sách này không phải là một "cuốn Kinh Thánh" và phải được hiểu là nó liên hệ đến bảy mươi năm lịch sử của Phong trào, lịch sử của Giáo Hội, và bối cảnh lịch sử thế giới hiện nay. Cuốn sách không khai triển đầy đủ tất cả các nội dung của Đặc Sủng, Mục Đích, Phương Pháp và Cấu Trúc của Phong trào và để hiểu biết đầy đủ cần phải bổ xung thêm từ những đóng góp khác, vì sự học hỏi và kiến ​​thức thì không thể thiếu đối với tất cả những ai yêu Chúa Kitô, yêu thương Giáo Hội của họ, phục vụ Thiên Chúa và con người qua Phong trào tuyệt vời này".
Với cuốn sách này, tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta có thể phục hồi được "sự tươi mát của Đặc Sủng", mà Thiên Chúa đã ban nó trong những ngày đầu tiên của Cursillo!
De Colores!                                                                                                          
Francisco Salvador
Chủ tịch OMCC
(Trích Bản tin OMCC T.10/2015 - Quỳnh Tín – Nguyễn Tiến Phạm phỏng dịch)
Chi tiết mời xem theo đường link: