Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Ước vọng đầu năm mới 2016

ƯỚC VỌNG ĐẦU NĂM MỚI 2016


Anh chị em thân mến,
Một năm đã qua, nhìn lại thước phim cuộc đời mình, chúng ta cảm nhận được tình thương của Chúa dành cho mình khi Ngài chở che và dẫn dắt chúng ta đi trong cuộc trần này. Tuy đời sống ấy có những lúc không như lòng Chúa ước mong, chẳng như chúng ta kiếm tìm, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những hồng ân lớn lao bao bọc lấy mình. Thiên Chúa đã dệt nên cuộc sống hằng ngày của chúng ta với nhiều gam màu khác nhau, có phút giây hạnh phúc, có những lúc trầm buồn. Hẳn là mỗi người chúng ta đều muốn thưa lên cùng Chúa lời tạ ơn chân thành và sâu thẳm nhất.
Giờ đây, chúng ta lại được mời gọi hướng đến một tương lai với tâm tình tin yêu và phó thác như tổ phụ Ápraham. Tuy không biết nơi đâu là vùng đất mà Chúa muốn ông tới, nhưng ông vẫn theo lời mời gọi của Người để lên đường cất bước đi. Hẳn là ông cũng có nhiều bận tâm, vì tương lai phía trước tưởng chừng như có rất nhiều thách đố chông gai. Nhưng ông không bao giờ nghi ngờ tình thương và lời hứa của Chúa. Ông đã tin tưởng hoàn toàn vào kế hoạch của Người. Điều ấy giúp ông lên đường và cuộc đời của ông được thành toàn như ông và Chúa ước mong!
Bầu không khí trong lành của năm mới 2016 đã tới. Chặng đường cũ đã qua đi, chặng đường mới lại mở ra. Cuộc sống bước theo Giêsu chưa bao giờ là một hành trình có điểm dừng cả! Trong tư cách người con yêu mến của Thầy Chí Thánh, chúng ta lại tiếp tục lên đường như Ápraham, hăng hái đối diện với tất cả khó khăn thử thách phía trước, bằng một niềm xác tín mãnh liệt vào Đấng giàu lòng thương xót.
Trong năm mới này, chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa lần nữa vì bao ơn lành dồi dào Người đã, đang và sẽ ban cho thế giới, cho Giáo Hội, cho giáo xứ, cho gia đình và cho người chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng dâng những dự tính, hy vọng và mọi âu lo của chúng ta cho bàn tay quan phòng của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Đức công chính của Người trước hết và mở lòng đón nhận mọi điều mà Người sẽ ban cho chúng ta. Ước gì trong năm 2016 này là một khoảng thời gian ý nghĩa để chúng ta sống tin tưởng, yêu thương và phó thác trong cung lòng của Thiên Chúa xót thương!
CHÚC MỪNG NĂM MỚI HẠNH PHÚC - BÌNH AN!

Huấn từ ĐTC Phanxicô 30.12.15: Hãy khiêm nhường như Chúa Hài Đồng

Tiếp kiến chung với ĐTC 30.12.15 

Hãy khiêm nhường như Chúa Hài Đồng


VATICAN. Chúng ta hãy trở nên khiêm nhường như Chúa Giêsu Hài Đồng. Đối diện với Đức Giêsu, chúng ta được kêu gọi gạt bỏ những yêu sách tự lập của mình để nhận lãnh lấy dạng thức tự do đích thực, vốn bao hàm nơi việc ý thức chúng ta đang đối diện với Thiên Chúa và hãy phục vụ Ngài. Đây là những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung cuối cùng của năm 2015, sáng thứ tư 30.12, giữa bầu khí giá lạnh tại quảng trường Thánh Phêrô. Tuần này, ĐTC Phanxicô đã dành bài huấn dụ của mình để nói về Chúa Giêsu Hài Đồng.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha, Ngài nói:
“Anh chị em rất thân mến,
Trong những ngày đầu mùa Giáng Sinh này trước mắt chúng ta là Chúa Giêsu Hài Đồng. Cha xác tín rằng trong các mái ấm của chúng ta vẫn còn rất nhiều gia đình đã làm hang đá, đây là truyền thống tốt đẹp vốn được bắt đầu từ Thánh Phanxicô Assisi nhằm duy trì sự sống động trong cõi lòng của chúng ta mầu nhiệm Thiên Chúa làm Người.
Lòng mộ mến Chúa Giêsu Hài Đồng rất là phổ biến. Rất nhiều các thánh nam nữ đã vun trồng lòng sốt mến này trong lời cầu nguyện hằng ngày của mình, và họ đã ứơc ao khuôn đúc đời sống mình theo mẫu gương của Chúa Giêsu Hài Đồng. Cha nghĩ cách đặc biệt đến Thánh Tê-rê-sa Lisieux, với tư cách là nữ đan tu Cát Minh, đã nhận lãnh lấy tên Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu và cũng là Danh xưng của Dung Nhanh Cực Thánh. Chị, cũng đồng thời là Tiến Sĩ Hội Thánh, đã biết sống và làm chứng cho “thời thơ ấu thiêng liêng” ấy vốn được thể hiện trong việc chiêm ngắm trường học của Đức Trinh Nữ Maria, sự khiêm nhượng của Thiên Chúa khi vì chúng ta mà Ngài đã trở nên nhỏ bé. Và đây là một mầu nhiệm vĩ đại, Thiên Chúa thì khiêm nhường! Chúng ta vốn cao ngạo, đầy ắp sự tự mãn và chúng ta lại tự tín mình vĩ đại, nhưng chúng ta lại chẳng là gì cả! Ngài, Đấng vĩ đại, thì khiêm nhường và đã trở nên một em bé. Đây thực là một mầu nhiệm.

Sứ điệp Ngày Quốc Tế Hòa Bình 01.01.2016

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình 01.01.2016
“Vượt thắng sự thờ ơ lãnh đạm và cố gắng đạt tới hòa bình”
1Thiên Chúa không thờ ơ lãnh đạm! Đối với Thiên Chúa, nhân loại rất quan trọng, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại! Tôi muốn liên kết những lời chúc mừng của mình nhân dịp đầu năm mới, với niềm xác tín sâu thẳm đó của tôi: Trong dấu chỉ của niềm hy vọng, tôi cầu mong phúc lành và bình an tràn trề cho tương lai của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia trên mặt đất này, cũng như cho tương lai của các vị nguyên thủ quốc gia, cho các chính quyền và những nhà mang trách nhiệm của các tôn giáo. Thực ra, chúng ta không đánh mất niềm hy vọng rằng, trong năm 2016, tất cả sẽ tham gia một cách cương quyết và tin tưởng hầu hiện thực hóa nền công lý trên nhiều bình diện khác nhau cũng như làm việc cho hòa bình. Vâng, hòa bình này chính là ân sủng của Thiên Chúa và cũng là công việc của con người – là ân sủng của Thiên Chúa, nhưng ân sủng này được trao phó cho mọi người nam và mọi người nữ: Họ được kêu gọi để hiện thực hóa nó.
Bảo vệ những lý do dẫn tới niềm hy vọng
2. Những cuộc chiến tranh và những hành vi khủng bố với những hậu quả thê lương của chúng, với những cuộc bắt cóc, với những cuộc bách hại có động cơ sắc tộc và tôn giáo, và với sự lạm dụng quyền hành, đã nêu ra đặc tính của suốt năm vừa qua, từ đầu năm tới cuối năm, cũng như đã tăng lên rất nhiều tại rất nhiều khu vực trên khắp thế giới, đến độ chúng đã tiếp nhận những đặc tính của cái mà người ta có thể gọi là “cuộc thế chiến thứ ba tại nhiều khu vực”. Nhưng một số sự kiện của những năm trước đây và của chính năm vừa qua đã khích lệ tôi, nhân dịp đầu năm mới, tái kêu gọi mọi người đừng đánh mất niềm hy vọng vào khả năng của con người trong việc thắng vượt sự ác nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, và đừng hiến bản thân mình cho sự thất vọng cũng như cho thái độ thờ ơ lãnh đạm. Những biến cố mà tôi sẽ đề cập tới, đang chỉ cho thấy khả năng của nhân loại trong việc thực thi tình liên đới, trong việc vượt qua những mối quan tâm cá nhân cũng như vượt qua sự dửng dưng và thái độ thờ ơ lãnh đạm đối với những trạng huống khó khăn.
Chi tiết mời xem trong link:

5 bài giảng hay nhất 2015 của ĐTC Phanxicô

5 bài giảng hay nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2015


Dù ĐTC Phanxicô giảng lễ gần như mỗi ngày tại nhà nguyện thánh Marta, nhưng ngôn từ của ngài không vì thế mà mất hay. Trong khi những bài giảng có vẻ như ngẫu hứng, thì những điểm nhấn của ngài thực sự đến từ suy niệm thẳm sâu.
Các bài giảng của ngài đưa ra những manh mối về suy nghĩ và kế hoạch hiện tại của Giáo hoàng. Dưới đây là một số ý tưởng hay nhất của giáo hoàng tại nhà nguyện thánh Marta.
1.Tại sao điều tốt lại dành cho người xấu?
Đức Giáo Hoàng thường trả lời một số câu hỏi khó nhất, và thông thường những câu hỏi này người Công giáo cũng hay tự hỏi mình. Ví dụ, tại sao những điều tốt đẹp lại dành cho những người xấu xa?
ĐTC Phanxicô nói: “Bây giờ chúng ta không thấy hoa trái của những người đau khổ; những người này đang vác thập giá như hoa trái của Con Thiên Chúa chịu đóng đinh vào ngày thứ sáu và thứ bảy Tuần Thánh. Tuy nhiên, hoa trái khổ nạn của Người được thấy như là những việc Người làm đều tốt cả; và như lời Thánh Vịnh nói kẻ gian ác mà chúng ta nghĩ mọi thứ đều tốt đẹp với chúng chăng? ‘Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.'” (ngày 10-10-2015)
2.Điều gì sẽ xảy đến với Người Công giáo làm gương mù, gương xấu?
Một số Kitô hữu lôi kéo nhiều người rời khỏi Giáo hội bằng thái độ và hành vi của mình. Đức Giáo Hoàng đã có những lời cứng rắn đối với họ.
ĐTC Phanxicô nói: “Trên danh nghĩa họ là những Kitô hữu, những Kitô hữu phòng trà, các Kitô hữu phòng tiếp tân, nhưng đời sống nội tâm của họ không phải là Kitô hữu, họ thuộc về thế tục.” (28-5-2015)
3.Ba bước để hiểu biết thánh ý Chúa
Một một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất của ĐTC là khi ngài mô tả ba bước để hiểu biết thánh ý Chúa. Cầu nguyện là chìa khóa .
Ngài nói: “Cầu nguyện để theo ý Chúa và cầu nguyện để hiểu biết ý Chúa. Sau đó, bước thứ ba là khi chúng ta nhận ra ý Chúa, chúng ta phải cầu nguyện để thực hiện ý của Người.” (27-1-2015)

Kinh truyền tin 26.12.2015 - Lễ thánh Stephano

"Chúng ta được sinh ra từ sự thứ tha của Thiên Chúa"

Kinh Truyền Tin ngày 26 tháng 12 năm 2015 (bản dịch đầy đủ)

"Chúng ta cũng vậy, chúng ta được sinh ra từ sự thứ tha của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý khi ngài giảng về những hoa quả đem lại bởi cái chết của thánh Stêphanô, thánh tử đạo đầu tiên, trước khi giải thích phải bắt đầu từ đâu để có thể tha thứ.
Đức Giáo Hoàng đề nghị suy niệm này trước Kinh Truyền Tin nhân ngày lễ kính vị thánh tử đạo, thứ bẩy 26 tháng 12.
Để mình có thể tha thứ, Đức Giáo Hoàng căn dặn, người đã chịu Phép Rửa phải làm như thánh Stêphanô: trước tiên phải cầu nguyện. "Phải bắt đầu từ chính lòng mình: chúng ta có thể đương đầu với lòng oán hận mà chúng ta cảm thấy đối với kẻ làm điều ác với chúng ta bằng cầu nguyện, để phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng khuyên bảo.
"Sau đó, ngài nói tiếp, người ta khám phá ra là cuộc tranh đấu nội tâm để tha thứ, thanh tẩy chúng ta khỏi điều ác, và cầu nguyện và tình yêu giải thoát chúng ta ra khỏi xiềng xích nội tại của lòng oán giận. Thật là quá khó chịu phải sống trong sự oán hận!"
Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến một sự luyện tập hàng ngày: "Mỗi ngày, chúng ta có dịp tập cách tha thứ, để sống cử chỉ cao thượng biết bao này hàng ngày đến độ nó đưa con người đến gần với Thiên Chúa".
Sau đây là bản dịch đầy đủ những lời của Đức Giáo Hoàng trước và sau Kinh Truyền Tin.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay chúng ta mừng lễ kính thánh Stêphanô. Kỷ niệm vị thánh tử đạo đầu tiên được cử hành ngay sau lễ trọng mừng Chúa Giáng Sinh. Hôm qua, chúng ta đã chiêm ngắm tình yêu thương xót của Thiên Chúa, đã nhập thể vì chúng ta; ngày hôm nay, chúng ta thấy được sự đáp trả liền lạc của môn đệ Chúa Giêsu, ngài đã hiến dâng mạng sống mình. Ngày hôm qua Đấng Cứu Thế đã giáng sinh xuống trần; ngày hôm nay chứng cứ trung thành của ngài đã bay lên trời. Ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay bóng tối từ chối sự sống đã thể hiện, nhưng ánh sáng Tình Yêu, chiến thắng hận thù, khánh thành một thế giới mới, vẫn còn chiếu sáng hơn nữa.
Trong bài đọc trích Sách Tông Đồ Công Vụ ngày hôm nay, có một khía cạnh đặc biệt kéo gần thánh Stêphanô với Chúa Giêsu: đó là sự tha thứ của ngài trước khi bị ném đá chết. Bị đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu đã nguyện rằng: "Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34);  cùng một cách đó, thánh Stêphanô quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lậy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Cv 7, 60). Thánh Stêphanô như thế là một thánh tử vì đạo, điều đó có nghĩa là chứng nhân, bởi vì ngài hành xử như Chúa Giêsu; thực chất, đây chính là một chứng nhân đích thực đã hành xử như Người, là Đấng cầu nguyện, yêu thương, ban phát, và nhất là tha thứ, bởi vì tha thứ là sự thể hiện cao nhất của quà hiến tặng.

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Thông điệp GS 2015

Thông Điệp Giáng Sinh 2015
của Đức Giáo Hoàng Phanxicô



"Nơi nào Thiên Chúa giáng sinh, (nơi đó) lòng thương xót nở hoa"

Ban Biên Tập – 25/12/2015 - ZENIT.org
"Nơi nào Thiên Chúa giáng sinh, (nơi đó) lòng thương xót nở hoa. Đó là ơn rất quý trọng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đặc biệt trong Năm Thánh này, khi chúng ta được kêu gọi khám phá ra sự dịu hiền của Cha Chúng Ta ở trên Trời dành cho mỗi người chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong thông điệp Giáng Sinh của ngài, trước khi ngài ban Phép Lành Urbi et Orbi, cho thành phố và cho thế giới.
Ngài kể ra những nơi chính trên thế giới mà "Thiên Chúa còn phải giáng sinh" để nơi đó nẩy sinh hy vọng và hòa bình: Đất Thánh, Syria, Libya, Irak, Yêmen, Châu Phi phía nam sa mạc Sahara, và nhắc đến những vụ khủng bố tại Ai Cập, Beyruth, Paris, Bamako, Tunis. Đức Giáo Hoàng nói lên sự gần gũi của ngài với các Kitô hữu bị bách hại, "những vị tử đạo của ngày hôm nay". Ngài kể ra nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo, nước Burundi, Nam Soudan, và ngài cũng cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraina và tại Columbia.
Ngài thêm rằng: "Mong rằng sự gần gũi của chúng ta ngày hôm nay tới được với những ai không được bảo vệ nhất, nhất là những lính-trẻ con, những phụ nữ đang chịu đựng bạo hành, những nạn nhân của nạn buôn người và buôn bán ma túy". Ngài nhắc đến những người bị bỏ đói, bỏ rét.
Đồng thời ngài cũng loan báo tin mừng Giáng Sinh: "Chỉ có Người, chỉ có Người mới có thể cứu độ chúng ta. Chỉ có Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mới có thể giải thoát nhân loại ra khỏi nhiều hình thức của sự ác, với những bộ mặt khủng khiếp, mà tính ích kỷ (của con người) đã sản sinh ra trong nhân loại. Ân điển của Thiên Chúa có thể hoán cải lòng người và mở ra những con đường vượt thoát khỏi những tình huống bế tắc về phương diện con người".
Bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được khơi mào và kết thúc bởi quốc thiều nước Ý và Vatican, được tấu lên bởi các đội quân nhạc của Cảnh Sát Ý và Cảnh Sát Vatican, trước sự hiện diện của vệ binh Thụy Sĩ.
Sau đây là toàn văn thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.
Thông Điệp Giáng Sinh 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Anh chị em thân mến, chúc Giáng Sinh vui vẻ!
Đức Kitô đã giáng sinh vì chúng ta, chúng ta hãy hân hoan vui mừng trong ngày cứu độ của chúng ta này! Chúng ta hãy mở lòng mình ra để đón nhận ơn phúc của ngày này, vốn chính là Người: Chúa Giêsu là "ngày" sáng lạn đã hiện ra nơi chân trời của nhân loại. Ngày của lòng thương xót, trong đó Thiên Chúa là Cha đã mặc khải cho nhân loại lòng nhân hậu vô biên của Người. Ngày của ánh sáng xua đi đêm tối hãi hùng và lo sợ. Ngày của hòa bình, trong đó có thể gặp nhau, đối thoại, hòa giải. Ngày của mừng vui: một "niềm vui lớn" cho những kẻ bé mọn và những người khiêm nhường, và cho toàn dân (x. Lc 2, 10).
Trong ngày này, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc đã sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Máng cỏ cho chúng ta thấy "dấu chỉ" mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: "một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ" (Lc 2, 12).

Thánh Gioan Tông Đồ - 27.12

GIOAN - VỊ TÔNG ĐỒ CỦA TÌNH YÊU

(Mt 13, 34)


Nếu bạn muốn có một căn bản tín lý và thần học,
hãy đọc các thư của Thánh Phaolô.
Nếu bạn muốn tiến lên trên con đường tu đức,
hãy đọc thư của Thánh Giacôbê...
Nhưng nếu bạn muốn hiểu,
muốn biết,
muốn cảm nghiệm về tình yêu,
cốt tủy của Kitô giáo,
Bạn không thể nào không đọc tác phẩm của Thánh Gioan...
Trong số 12 Tông Đồ, hình như có một nhóm nòng cốt:
Giacôbê, Phêrô và Gioan...
Và trong số ba người này, người gần Chúa nhất là Gioan,
người môn đệ yêu dấu của Chúa...
Từ sự liên lạc mật thiết này đã thể hiện:
một cuộc đời muôn sắc,
một tâm hồn nhạy cảm,
một môn đệ của tình yêu...


Dĩ nhiên, một vấn đề được đặt ra là:
Chẳng phải Chúa Giêsu yêu thương tất cả các môn đệ sao?
Đương nhiên là phải.
Chẳng phải Người yêu thương thế gian sao?

"Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một mình..." 
(Ga 3, 16).

Chúc mừng Giáng Sinh 2015

EMMANUEL, THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA (x. Mt 1, 23)


Trong tâm tình tri ân cảm tạ về hồng ân Năm Thánh Lòng Thương Xót, và trong niềm hân hoan mừng Đại lễ Chúa Giáng Sinh, PT Cursillo XL xin kính chúc quý Linh hướng, quý anh chị cursillistas khắp muôn nơi vui hưởng:

MỘT MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH, TRÀN ĐẦY NIỀM VUI và
ÂN SỦNG CỦA ĐẤNG EMMANUEL - DUNG MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
MỘT NĂM MỚI HẠNH PHÚC - KHANG AN TRONG ƠN SỦNG CỦA CHÚA XUÂN.

Emmanuel - Ultreya!

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Giáo lý Năm Thánh LTX - Bài 2

Chú ý! Không phải chi trả gì hết!

Bài giáo lý thứ nhì Năm Thánh Lòng Thương Xót (bản dịch đầy đủ)
Đức Giáo Hoàng Phanxicô – Rôma 16/12/2015 – ZENIT.org / Triều kiến chung
"Xin anh chị em chú ý! Chớ gì không có ai khôn khéo, xảo quyệt để nói với anh chị em phải trả tiền: không! Sự cứu rỗi không phải trả tiền. Sự cứu rỗi có tiền cũng không mua được. Cánh Cửa, chính là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là miễn phí!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh giác.
Đức Giáo Hoàng đã tung ra lời cảnh giác này trong Bài giáo lý thứ nhì của ngài hôm thứ Tư 16/12/2015 trong Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót
Chính Đức Giêsu phán, Đức Giáo Hoàng nói tiếp, "về những kẻ không cho vào trong lúc, đáng lẽ là phải cho, và Người phán đơn giản, đó là những kẻ trộm cướp".
Ngay trong bài giảng hôm 15/12/2015, Đức Giáo Hoàng đã phiền hà vì, ở một giáo phận nào đó, người ta đã yêu cầu tín hữu "dâng cúng" khi bước vào Cửa Thánh.
Nhưng lời cảnh giác của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng mang tính rất thiêng liêng: Ân điển của Thiên Chúa là nhưng không, không cần một công trạng nào từ loài người: "Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, anh chị em hãy chú ý: sự cứu rỗi là miễn phí. Bước qua Cửa Thánh là dấu chỉ của một sự cải hối đích thực của trái tim chúng ta". 
Đây là nội tâm mà Năm Thánh kêu gọi: "Khi chúng ta bước qua Cửa này, thật là hữu ích khi chúng ta nhắc lại rằng chúng ta cũng luôn phải giữ cho cánh cửa lòng mình rộng mở. Đứng trước Cửa Thánh, tôi đã cầu xin; "Lạy Chúa, xin giúp con rộng mở cánh cửa lòng con!" Năm Thánh sẽ chẳng ích lợi là bao, nếu cánh cửa trái tim chúng ta không để cho Chúa Kitô bước vào, Người là Đấng thúc đẩy chúng ta đi tới những người khác để mang chính Người và tình yêu của Người đến cho họ.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nói đến nhiệm tích hòa giải, trọng tâm Năm Thánh.
Sau đây là bản dịch đầy đủ, từ tiếng Ý, của Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng tiếng Ý
Thân chào quý anh chị em!
Chúa Nhật tuần trước, Cửa Thánh của vương cung thánh đường Thánh Gioan Latran ở Rôma; đã được khai mở, và một Cánh Cửa của lòng thương xót đã được mở ra trong thánh đường của tất cả các giáo phận trên thé giới, cũng như trong các thánh địa đã được các giám mục chỉ định. Năm Thánh sẽ là trên khắp thế giới chứ không chỉ ở Rôma. Tôi đã mong muốn rằng dấu chỉ của Cửa Thánh này hiện diện trong mỗi Giáo Hội đặc biệt, để Năm Thánh Lòng Thương Xót có thể trở thành một kinh nghiệm được chia sẻ cho mọi người. Bằng cách đó, Năm Thánh đã được bắt đầu trong toàn Giáo Hội và đã được cử hành trong tất cả các giáo phận cũng như tại Rôma. Lại còn Cửa Thánh đầu tiên được mở ra ở ngay trung tâm của Phi Châu. Và Rôma là dấu chỉ hiển nhiên của sự hiệp thông hoàn vũ. Mong rằng sự hiệp thông Giáo Hội này luôn trở nên mãnh liệt, để Giáo Hội là dấu chỉ sống động của tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha trên thế gian này.
Ngày 08/12/2015 cũng muốn nhấn mạnh đòi hỏi này bằng cách kết nối, 50 năm sau, sự khai mạc Năm Thánh với ngày bế mạc Công Đồng Đại Kết Vatican II. Quả vậy, Công Đồng đã chiêm ngắm và đã đưa Giáo Hội ra ánh sáng của mầu nhiệm hiệp thông. Trải rộng trên toàn thế giới và được tổ chức thành nhiều Giáo Hội đặc biệt, tuy nhiên Giáo Hội chỉ là Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội mà Người muốn và Người đã hiến mạng sống cho. Giáo Hội "là một", hằng sống trong sự hiệp thông với chính Thiên Chúa.
Mầu nhiệm hiệp thông này, từng khiến cho Giáo Hội thành dấu chỉ của tình yêu Chúa Cha, làm lớn lên và làm chín mùi trong lòng chúng ta tình yêu, mà chúng ta nhận biết trên Thánh Giá Đức Kitô và trong đó chúng ta tắm gội, khiến cho chúng ta yêu mến như chính chúng ta được Người thương yêu. Đó chính là một tình yêu vô tận, có dung nhan của sự tha thứ và lòng thương xót.

Thư Giáng Sinh 25.12.2015 - UBGDCG

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
_________________________________________________________________________
72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
Email: uybangiaoduc@gmail.com; Đt: 093 890 5015 – 096 725 7483

THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
DỊP LỄ GIÁNG SINH 2015
Các con thương mến,
Hòa nhịp trong niềm vui của lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Cha vui mừng gửi đến các con lời cầu chúc ơn an bình và niềm vui Thiên Chúa "ban cho loài người Chúa thương" (Lc 2,14). Cùng với lời cầu chúc rất thương mến, Cha cũng muốn chia sẻ với các con đôi tâm tình và suy nghĩ của Cha nhân dịp lễ Giáng Sinh năm nay.
Lễ Giáng Sinh trong năm thánh Lòng Thương Xót
Lễ Chúa Giáng Sinh được đã cử hành hằng năm trong hơn 2000 năm nay, nhưng mỗi năm, lễ Giáng Sinh đều có sức khơi dậy một bầu khí vui tươi và tưng bừng, cứ như thể mỗi năm đều là năm đầu tiên. Vì sao? Bởi vì đây là hành động yêu thương sâu đậm của chính Thiên Chúa. Khi thương mến nhau, người ta tìm thời giờ để thăm viếng, gặp gỡ nhau, nhưng khi tình yêu đạt đến mức sâu đậm và say mê, người ta khát khao thông chia với nhau điều kiện sống và gắn liền mạng sống của mình với số phận của người mình say mê. Đây chính là cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người mà chúng ta cử hành trong ngày lễ Giáng Sinh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh năm nay được ghi dấu bằng năm thánh Lòng Thương Xót mà trọng tâm là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đây là cách thế yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại khổ đau và tội lỗi. Mặc dầu khoa học kỹ thuật đã tiến bộ vượt bậc, tài nguyên vật chất nhiều hơn, xã hội xem ra văn minh hơn trước, nhưng số người đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì các thói xấu và các tệ nạn cũng tăng lên nhiều. Con người không chỉ yếu đuối, mà còn bất lực trước sức mạnh quyến rũ của sự dữ. Nhưng con người vẫn còn lý do để hy vọng, vì tình yêu trong mầu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người còn là tình yêu xót thương và tha thứ.
Lòng thương xót trời biển của Thiên Chúa đem an bình cho tâm hồn sầu khổ và nâng dậy những con người yếu đuối, bạc nhược. Qua nhiều nẻo đường và nhiều cách thức, Thiên Chúa thiết tha mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài, hãy để cho lòng thương xót của Ngài rỉ rả rót vào tận cõi lòng và tưới mát tâm hồn của ta. Không có lỗi lầm nào có thể lớn hơn, mạnh hơn lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa. Không có tình trạng lầm than nào mà lòng nhân từ của Thiên Chúa lại không có khả năng làm cho nên mới mẻ và tươi sáng. Không có tâm hồn nào khô cằn đến độ lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa không thể làm cho trở nên mầu mỡ tốt tươi. Chỉ cần đón nhận và tin tưởng vào tình thương yêu và lòng thương xót của Ngài.
Biểu tượng năm thánh Lòng Thương Xót vẽ hình Chúa Giêsu đang vác trên vai một người mà chân tay và tất cả thân hình đều mềm nhũn, như thể không có xương, không còn sức sống, nhưng đang quấn mình vào Chúa Giêsu. Trong khi đó, Chúa Giêsu dùng sức mạnh của hai cánh tay để giữ và ghì chặt người đó vào mình, như thể Ngài đang thông truyền sức sống của Ngài sang người đó. Biểu tượng Năm Thánh này gợi lại trong tâm trí chúng ta lời mời gọi rất quen thuộc của Chúa Giêsu: "Hỡi tất cả những ai đang mệt mỏi và vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng." (Mt 11,28). Những lời này, các con hãy lắng nghe như thể chính Chúa nói cho các con và các con hãy đến với Người để được Lòng Thương Xót của Người nâng đỡ và ủi an.

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Giáo lý về Năm Thánh LTX - 9.12.15

Giáo Hội cần Năm Thánh Lòng Thương Xót


Bài giáo lý ngày thứ Tư 09 tháng 12 năm 2015
"Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót có nghĩa là đặt lại vào trung tâm đời sống riêng của chúng ta và của cộng đoàn chúng ta tính đặc thù của đức tin Kitô giáo, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa giầu lòng thương xót", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.
Ngài đã giải thích ý nghĩa của Năm Thánh Lòng Thương Xót trong Bài giáo lý của ngài ngày thứ Tư 09/12/2015, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Năm Thánh là một "thời gian phi thường" để hướng sự quan tâm của chúng ta "đến nội dung cốt lõi của Phúc Âm: Chúa Giêsu là lòng thương xót nhập thể", Đức Giáo Hoàng nói. Ngài đã kêu gọi mọi người hãy "sống lòng thương xót", hãy "trải nghiệm trong cuộc đời chúng ta sự đụng chạm êm ái và ngọt ngào của sự thứ tha của Thiên Chúa" và chỉ lựa chọn "điều gì làm vừa lòng Thiên Chúa": sự tha thứ và lòng thương xót.
"Nguồn gốc của sự lãng quên lòng thương xót, luôn là sự tự ái", Đức Giáo Hoàng nhận xét. Nó thường xuất hiện dưới hình thức chỉ đi tìm kiếm tư lợi, thú vui và danh vọng gắn liền với chủ ý vơ vét của cải" hay "che dấu", trong cuộc đời người Kitô hữu", "dưới sự giả hình và những thói hư trần tục", "Tất cả những thứ đó đi ngược lại lòng thương xót", Đức Giáo Hoàng tuyên bố. 
Ngài đã biểu lộ niềm hy vọng của ngài rằng trong Năm Thánh này, "mỗi người chúng ta sẽ trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, để trở thành chứng nhân cho điều làm vừa lòng Người nhất".
Sau đây là bản dịch đầy đủ Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ tiếng Ý.
M.D.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Hôm qua, tại đây, tôi đã khai mở trong Đền Thánh Phêrô, cánh Cửa Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, sau khi đã khai mở cánh cửa trong nhà thờ chánh tòa ở Bangui, Cộng Hòa Trung Phi. Hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa của Năm Thánh này, bằng cách trả lời câu hỏi: Tại sao phải có một Năm Thánh Lòng Thương Xót? Điều này có ý nghĩa gì?
Giáo Hội đang cần một thời gian phi thường như thế này. Tôi không nói: thời gian phi thường này tốt lành cho Giáo Hội. Tôi nói: Giáo Hội cần đến thời gian phi thường này. Ở thời đại của những thay đổi sâu đậm chúng ta, Giáo Hội được kêu gọi cống hiến sự đóng góp cách riêng của mình bằng cách làm cho thấy rõ những dấu chỉ của sự hiện diện và thân cận của Thiên Chúa. Và Năm Thánh là một thời gian thuận lợi cho tất cả chúng ta, để khi chiêm ngắm lòng thương xót Chúa, vốn vượt khỏi mọi giới hạn của con người và chói sáng trong bóng đêm tội lỗi, chúng ta có thể trở thành những chứng nhân xác tín và hữu hiệu hơn.
Ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa, là Cha giầu lòng thương xót, và nhìn sang anh em mình đang cần lòng thương xót, có nghĩa là hướng sự quan tâm của mình vào nội dung cốt lõi của Phúc Âm: Chúa Giêsu là lòng thương xót nhập thể, Người mở mắt chúng ta để thấy được mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa. Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót có nghĩa là đặt lại vào trung tâm đời sống riêng của chúng ta và của cộng đoàn chúng ta tính đặc thù của đức tin Kitô giáo, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa giầu lòng thương xót.

Kinh truyền tin ngày 8.12.15

Trong đời chúng ta, tất cả là ơn phúc,
tất cả là lòng thương xót

Kinh Truyền Tin đầu tiên của Năm Thánh (bản dịch đầy đủ)

Rôma – 08/12/2015 (ZENIT.org)


"Trong cuộc đời chúng ta, tất cả là ơn phúc, tất cả là lòng thương xót", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý trong giờ Kinh Truyền Tin Lễ Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, và cũng là ngày kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II.
Đức Giáo Hoàng vừa mở Cánh Cửa Thánh tại Đền Thánh Phêrô trước sự hiện diện của khoảng 50 000 người: như thế, đây là Kinh Truyền Tin đầu tiên của Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót (08/12/2015 – 20/11/2016).
Sau đây là bản dịch đầy đủ lời Đức Giáo Hoàng trước và sau Kinh Truyền Tin.
A.B.
Bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em và chúc mừng ngày lễ!
Hôm nay, lễ Vô Nhiễm làm cho chúng ta chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria, đấng nhờ ưu đãi có một không hai, đã được gìn giữ cho khỏi mắc tội tổ tông ngay từ khi mẹ được thụ thai. Vẫn sống trong một thế gian bị hằn dấu bởi tội lỗi, Mẹ đả không hề bị tội lỗi chạm đến. Đức Maria là người chị chúng ta trong đau khổ, nhưng không phải trong sự ác và tội lỗi. Trái lại, nơi Mẹ sự ác đã bị thua trận mà không thể đụng đến Mẹ được, bởi vì Thiên Chúa đã đổ tràn đầy ơn sủng trên Mẹ (x. Lc 1, 28). Vô Nhiễm Nguyên Tội có nghĩa là Đức Maria là người đầu tiên được cứu độ bởi lòng thương xót vô biên của Chúa Cha, chỉ dấu tiên khởi của sự cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban cho tất cả mọi con người nam, nữ, trong Đức Kitô. Chính vì thế mà Vô Nhiễm Nguyên Tội đã trở thành hình ảnh tuyệt vời của lòng thương xót Chúa đã chiến thắng tội lỗi. Và chúng ta, ngày hôm nay, vào đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta muốn nhìn hình ảnh này với một lòng yêu mến tin tưởng và chiêm ngắm hình ảnh đó trong tất cả sự huy hoàng của Mẹ và noi gương đức tin của Mẹ.

Bài giảng ĐTC Phanxico - Lễ Khai Mạc Năm Thánh LTX

"Bước qua ngưỡng Cửa Thánh đòi hỏi chúng ta phải có lòng thương xót của người Samari nhân lành".

Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót (toàn văn)

Rôma – 08/12/2015 (ZENIT.org) Anita Bourdin

  

"Bước qua Cửa Thánh đòi hỏi chúng ta phải có lòng thương xót của người Samari nhân lành", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong bài giảng ngày thứ Ba 08/12/2015, trên quảng trường Thánh Phêrô nhân lễ kính Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội.
Đức Giáo Hoàng đã chủ tọa thánh lễ khai mạc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót (08/12/2015 – 20/11/2016) trước khi khai mở Cánh Cửa Thánh.
"Chúng ta hãy bỏ đi mọi hình thức lo sợ và hãi hùng, bởi vì điều đó không hợp với kẻ được yêu thương; thay vào đó, chúng ta hãy sống niềm vui được gặp ơn phúc thay đổi mọi sự", Đức Giáo Hoàng đã nói trong lúc các biện pháp an ninh đang được tăng cường.
Khoảng 50.000 người đã có mặt vào lúc đầu lễ, nhưng đám đông vẫn tiếp tục kéo đến cho tới lúc khai mở Cửa Thánh, dự trù vào lúc 10giờ30.
Các ý chỉ cầu nguyện đã được đọc lên bằng tiếng Trung Hoa, Ả Rập, Pháp và Swahili.
Sau đây là bản văn đầy đủ bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được Tòa Thánh chính thức phiên dịch sang tiếng Pháp.
A.B.
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thưa anh chị em,
Lát nữa đây, tôi sẽ có niềm vui khai mở Cửa Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta làm cử chỉ này, vừa đơn giản vừa rất biểu tượng, dưới ánh sáng Lời của Thiên Chúa mà chúng ta đã nghe, và đã đặt ưu tiên ơn phúc lên địa vị cao nhất. Điều được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các Bài Đọc, quả đã đưa chúng ta về với câu nói mà thiên thần Gabriel đã nói với một thiếu nữ, ngỡ ngàng và bối rối, về mầu nhiệm đang bao trùm lấy cô: "Chào mừng bà, hỡi đấng đầy ơn sủng" (Lc 1, 28).
Đức Trinh Nữ Maria trước hết được mời gọi hãy vui mừng vì điều mà Chúa đã làm nơi bà. Ơn sủng của Thiên Chúa đã bao trùm lấy bà, khiến bà xứng đáng trở nên mẹ Đức Kitô. Khi thiên thần Gabriel bước vào trong nhà, mầu nhiệm sâu xa nhất, vượt khỏi mọi khả năng của lý trí, trở thành lý do vui mừng đối với bà, lý do đức tin và phó thác vào lời đã mặc khải cho bà. Sự vẹn toàn của ơn phúc có thể làm thay đổi lòng người, khiến cho lòng người có khả năng hoàn thành một hành động to lớn đến nỗi nó làm thay đổi lịch sử loài người.

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Chia sẻ về đôi mắt

ĐIỀU DIỆU KỲ TỪ ĐÔI MẮT

Một vài suy nghĩ:
Con người có năm giác quan là: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, và giác quan thứ sáu gọi là thần giao cách cảm. Nhưng xem ra chỉ có thị giác là được người ta nói đến nhiều nhất. Đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ, nhà tâm lý, triết gia… thì đôi mắt đã trở thành đề tài tạo nguồn cảm hứng thú vị hầu như bất tận trong việc nghiên cứu và sáng tác… Cũng chính nhờ cảm nhận, và thấu hiểu được sự “vấn vương” của những ánh mắt kỳ diệu trao nhau, mà hàng ngàn, hàng vạn những câu ca dao, tục ngữ, bài thơ, bài văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, luận án…có giá trị hầu như vô giá, đã được sáng tạo cho nhân loại, còn lưu truyền đến ngày nay, và ngày một phong phú hơn. Nhưng xem ra với bao đam mê đắm say nghiên cứu, sáng tác như thế, họ vẫn chưa diễn tả hết được sự diệu kỳ, những ngõ ngách thẩm sâu nơi tâm hồn con người thể hiện qua đôi mắt... Đôi mắt, mà Tạo Hóa tao dựng, vẫn còn bao điều bí ẩn, mà nhân loại đến nay, vẫn say mê tìm kiếm... Mặc dù, đôi mắt chỉ là phần bé nhỏ so với thân thể con người. Có lẽ vì thế, mà triết gia, và cũng là nhà hùng biện Cicero, La-Mã trước công nguyên đã nói: “Khuôn mặt là chân dung của tâm hồn, mà đôi mắt là để diễn tả”. Người đời, thường nói ngắn gọn là: “Con mắt là cửa sổ tâm hồn”.

Với những suy nghĩa được nêu trên, ta cùng tìm hiểu: Điều diệu kỳ từ đôi mắt:

Điều diệu kỳ từ đôi mắt trong cấu tạo, và hoạt động:
Nhớ lại, năm học 1964-1965, tôi học lớp đệ I khối A, tại trường Văn Học, Sài Gòn, cuốn “Vạn vật học” ngày đó dày khoảng 400 trang nói về con người, trong đó có phần nói về mắt, học sinh gần như phải thuộc lòng, vì môn vạn vật khối A có hệ số 3. Ngày nay, học y khoa ở các nước tiên tiến như Mỹ, Anh… sinh viên phải học từ 12 đến 15 năm, còn tại Việt Nam sinh viên Y Khoa học sáu năm. Tất cả được học về con người, mà vẫn còn bao điều bí ẩn chưa biết…Điều đó cho thấy sự cấu tạo của con người nói chung, và đôi mắt nói riêng, nó kỳ bí đến chừng nào! Ở đây, tôi xin mượn sự tra cứu khá công phu của Mục sư Ngô Minh Quang, Úc Châu nói về sự cấu tạo, và hoạt động của đôi mắt, như một minh chứng cho điều kỳ diệu đó: “Đôi mắt loài người chúng ta được Thượng Đế tạo ra một cách thật lại lùng! Không một cấu trúc nào khéo léo, tinh vi, bén nhậy, thanh nhã bằng đôi mắt chúng ta. Chỉ trong một thể tích nhỏ bé của mắt, lại có thể chứa đựng hàng chục triệu mạch điện. Chỉ trong một võng mạc với diện tích không quá một phân tây vuông chứa đựng 137 triệu tế bào tiếp nhận ánh sáng. Những bắp thịt tí hon của đôi mắt lại là phần mạnh nhất của thân thể chúng ta. Trung bình bắp thịt của mắt di động mỗi ngày khoảng 100.000 lần. Việc làm của nó giống như của máy chụp ảnh, đem ảnh vào đúng tiêu cự để ta trông thấy rõ ràng một vật gì đó! Chẳng hạn như khi chúng ta muốn nhìn một vật ở đằng xa, chúng ta phải nhướng mắt mới thầy rõ được. Đem so công xuất của các bắp thịt, đôi mắt ta làm việc trong một ngày, sẻ bằng công xuất của bắp thịt đôi chân ta đi qua một đoạn đường dài 50 dăm, hay 80 mươi cây số. Ôi! Đôi mắt chúng ta là một món quà vô giá được Đấng Tạo Hóa ban tặng”.

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Nguồn gốc hình LTX Chúa




Ngày 22/02/1931, tại tu viện Plock Thánh nữ Faustina đã được Chúa Giêsu hiện ra trong một thị kiến.
Trong nhật ký Thánh nữ có ghi: “Ðêm đó, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra. Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn thẳng vào Chúa không chớp mắt trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa phán với Thánh nữ: “Con hãy vẽ một bức hình, theo những gì con trông thấy đây, với lời ghi chú: Giêsu, con tín thác vào Chúa” (gốc tiếng Ba Lan là Jezu, Ufam Tobie, ta thường thấy bản dịch ra tiếng Anh là Jesus, I trust in you).

Chia sẻ về Đạo Công giáo

PHẢN BIỆN CỦA MỘT SINH VIÊN HÀ NỘI VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ
LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG GIÁO ĐƯỢC GIẢNG DẠY Ở ĐẠI HỌC VĂN HÓA
11800577_797609590354490_1953320263408305101_nCách đây khoảng 10 năm, mình đọc cuốn Văn Hóa Tâm Linh, của tác giả Nguyễn Đăng Duy, NXB Van Hoa Thong Tin. Mình vô cùng thất vọng về mớ kiến thức sai lạc, què quặt về Kito giáo mà ông giảng dạy tại một trường đại học ở thủ đô. Mới đây, em Nguyễn Văn Thiên, sinh viên ĐHVH Hà Nội đã viết thư phản biện 6 luận điểm mà cô giáo của bạn là PGS-TS NGƯT Trịnh Thị Minh Đức giảng về Công Giáo hôm 24/11/2015 tại trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội. Mời các bạn đọc phản ứng của bạn, một bài phản biện rất sâu sắc, có tầm vóc và kiến thức của sinh viên Công giáo Nguyễn Văn Thiên.
Đây là bức thư bạn ấy đã gửi tận tay cô giáo bộ môn trưa ngày 26-11-2015.
Hà Nội, ngày 25-11-2015.
Cô giáo kính mến!
Em vô cùng biết ơn cô đã dành rất nhiều tâm huyết trong thời gian vừa qua để trao truyền kiến thức cho chúng em, tập thể lớp CH k21.
Cô chia sẻ sức khỏe cô không được tốt, nhưng cô vẫn cố gắng lên lớp để giảng dạy, điều ấy khiến em vô cùng cảm động. Chính vì vậy, em rất chăm chú nghe lời giảng của cô. Những kiến thức cô dạy ở tầm cao, và em đồng ý với hầu hết những luận điểm cô giảng.
Cô biết không! Trong tập thể lớp có tới 72 bạn học viên, nhưng chỉ có em theo đạo Công giáo. Bởi vậy, những vấn đề về Công giáo, ở lớp, không phải ai cũng hiểu, nhất là những bạn chỉ mới nghe qua về Kinh Thánh hoặc chỉ đọc lướt qua một vài lần.
Tuy nhiên, có 6 luận điểm này của cô, em không đồng ý. Và em viết thư này để trao đổi với cô.
1. Trong hầu hết các Thánh tử đạo Việt Nam, đa số là người nước ngoài, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
2. Tôn giáo được một bộ phận người tin theo, Hồi giáo có 902 triệu tín đồ.
3. Alexandre De Rhodes biến Công giáo trở thành Quốc giáo của Đế quốc La Mã.
4. Các giáo sĩ gắn với sự xâm lược của người Pháp.
5. Chúa Jesus còn thở khi được một ông nhà giàu tháo xác xuống từ cây Thánh giá.
6. Joseph và Maria yêu nhau, có bầu, xong gia đình hai bên không cho cưới.
Mặc dù là môn Phật giáo và VHVN, nhưng cô vẫn khá ưu ái giảng thêm về Công giáo. Điều ấy khiến em rất hạnh phúc. Tuy nhiên, cách nhìn của cô khiến em rất băn khoăn và quyết định viết một mạch lá thư này để tỏ bày những cảm nhận của mình. Bởi những gì cô giảng không chỉ dừng lại ở vấn đề kiến thức, mà còn vươn xa hơn, ảnh hưởng tới vấn đề nhận thức.

Giới thiệu sách: Đạt Thánh Đức qua Lời nói

GIỚI THIỆU SÁCH: 

ĐẠT ĐẾN THÁNH ĐỨC PHI THƯỜNG QUA LỜI NÓI

PHƯƠNG ÁN CỦA THÁNH GIACÔBÊ


Trong thư của Thánh Giacôbê (3,2) có chép: “Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo(If a person never makes a mistake in what he says, he is perfect.- St. James 3,2). Qua đó, ta thấy nền tảng và nguồn gốc của sự thánh thiện anh hùng có thể thuộc về chúng ta. Lắm khi chúng ta tưởng rằng việc nên Thánh ở ngoài tầm tay mình, nghĩ như thế là chúng ta thiếu lòng tin nơi Chúa. Thực tế chúng ta nói rằng: “Chúa không thể làm cho tôi nên Thánh”. Chúa là Đấng cao cả vô cùng, đối với Ngài việc gì cũng đều có thể thực hiện được, kể cả việc nâng chúng ta đến sự thánh thiện phi thường.
Có thể bạn sẽ chẳng trở thành vị Tông đồ cao cả, hay một Tu sĩ ở một vùng hẻo lánh, hăng say rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó; có thể bạn cũng không phải là một giảng sư hay một thuyết trình viên rao giảng hùng hồn về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc. Cũng có thể bạn là một người tàn tật, bệnh hoạn, cầm cố hoặc tù đày; cho dù bạn là ai hay ở đâu, bạn đều có phương cách riêng để giúp đạt đến thánh đức phi thường! Phương thế này được tìm thấy trong thư Thánh Giacôbê (3,2) khi Ngài nói: “Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo”. Vậy dù cho bạn là một thương gia, một nhà khoa học, một bác sĩ hay một giáo sư - ở bất cứ địa vị nào – sự thánh thiện phi thường qua lời nói là việc trong khả năng của bạn. Tôi đang nói gì với bạn đây? Tôi muốn nói rằng: Nhờ cân nhắc lời nói và kiềm chế miệng lưỡi mình, bạn có thể sẽ tránh được 97% các dịp tội và lỗi lầm, và như thế bạn sẽ anh dũng tiến đến sự thánh thiện. Có nghĩa là lời nói của Thánh Giacôbê phải tràn ngập vào tất cả mọi khía cạnh của cuộc đời bạn. Bạn phải ngày đêm suy gẫm câu nói ấy. Nó phải hiện diện trong mỗi lần bạn tĩnh tâm, lúc lần hạt, trong Thánh Lễ và trong khi cầu nguyện nâng mình lên với Chúa. Và lời ấy cũng phải có trong mọi khát vọng tinh thần phát ra từ môi miệng của bạn. Bạn phải tự giáo huấn mình bằng chính chân lý đó để lời của Thánh Giacôbê thấm nhập hoàn toàn vào bạn. Bạn có thể cho rằng sự thánh thiện là việc không thể thực hiện được, nhưng tôi cho rằng được! Thánh Têrêsa thành Lisieux đã chọn cho mình “Đường Nhỏ Bé”, qua đó Thánh nữ đã làm những việc nhỏ nhặt bình thường nhất bằng một cách phi thường nhất là làm vì tình yêu Chúa Kitô. “Đường Nhỏ Bé” tuyệt vời của Thánh nữ bao trùm tất cả, “Đường Nhỏ Bé” xâm nhập vào mọi mặt của cuộc sống. Phương án của Thánh Giacôbê cũng sẽ giúp ta đạt đến sự thánh thiện một cách tương tự như vậy.
Lời nói đi vào trong nhiều lĩnh vực. Những trang sách này giúp ta đề cập hầu hết các lĩnh vực ấy. Nhưng có điều căn bản tuyệt đối là phải cầu nguyện. Tiên vàn, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần trước khi bắt đầu cuộc hành trình thiêng liêng này, chúng ta không phải đi riêng rẽ, phải có Chúa Giêsu cùng đi với chúng ta. Ngài là người bạn đồng hành, cũng là người dìu dắt chúng ta, nếu không cuộc hành trình của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa và trần tục mất.
Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Nước Trời chỉ đạt được bằng sức mạnh” (Mt 11,12). Lẽ dĩ nhiên là chúng ta phải thật cứng rắn với miệng lưỡi mình. Điều này sẽ không dễ dàng. Đầu tiên phải thất bại keo này rồi keo khác, nhưng rồi ngày qua ngày, miệng đọc, lòng suy, hồn gắn bó với Chúa Giêsu, ta sẽ thấy ta có sức mạnh khống chế lời nói của mình. Thật là một nguồn an ủi lớn lao khi biết rằng chúng ta đang làm vui lòng Trái Tim Chúa Giêsu, và rồi qua một thời gian, chúng ta bắt đầu cảm nhận được rằng tinh thần của sự cố gắng này sẽ thấm nhuần vào cuộc sống và công việc làm hàng ngày của chúng ta.
Và như thế, chúng ta sẽ ý thức thấy rằng phương án đạt đến sự thánh thiện qua lời nói được bắt nguồn từ câu nói trên của Thánh Giacôbê. Vì ngay sau câu nói đó, Thánh nhân còn ngụ ý thêm rằng nếu bạn đạt đến sự hoàn hảo trong lời nói, thì bạn cũng sẽ kiện toàn được các khía cạnh khác trong cuộc sống. Ngài nói: “Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế bản thân” (Gc 3,2). Mỗi người chúng ta đều có thể áp dụng phương án này theo từng trường hợp riêng của mình. Nào khi phải lo âu, thất vọng, buồn chán, nào khi bị chối bỏ, bị khinh chê hay khi bị bệnh hoạn ngặt nghèo… Đương nhiên trong khi mạnh khỏe, vui vẻ và bình an thì ai cũng sẽ dễ dàng kiểm soát lời nói của mình cả.
Bạn có thể đã nghĩ rằng sự thánh thiện và ơn gọi nên Thánh là chuyện không thể đạt, nhưng giờ đã hiểu và tin rằng bạn có thể đạt được rồi. Vậy xin đừng dửng dưng với những lời này, xin đừng bịt tai trước ơn Chúa Thánh Thần. Chúng ta được mời gọi nên Thánh, không có ai ngoại lệ. "Này là giờ để đón nhận" (2 Cr 6,2). Chúng ta hãy đón nhận và hãy phó dâng mình trong vòng tay yêu thương ấp ủ của Chúa Giêsu Kitô, chính Ngài là người ban sức mạnh cho ta. "Ta là Thiên Chúa toàn năng. Hãy bước đi trong Ta và đừng để bị trách cứ" (St 17,1). Qua đó, ta thấy rằng Chúa không chấp nhận để chúng ta sống trong tội lỗi. Ước gì chúng ta luôn sống theo phương án của Thánh Giacôbê, và ước gì chúng ta luôn cầu nguyện rằng:
"Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp con vượt qua mọi trở ngại để thực thi Thánh Ý Chúa, nhờ đó, hỡi Chúa Giêsu - là con người của lời nói hoàn thiện - có thể ngự trong con". Amen.

Mời xem và download tại đường link:
Nguyện Chúa chúc lành và đồng hành cùng quý anh chị trên hành trình thiêng liêng tiến về Nước Trời.
De Colores! Ultreya!