Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Huấn từ ĐTC Phanxicô: Nhân đức là sự biểu hiện cao nhất của tự do con người - 3.3.2016

"Nhân đức là sự biểu hiện cao nhất của tự do con người"
Hàn lâm viện Giáo Hoàng cho sự sống: diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (bản dịch đầy đủ)


Académie Pontificale Pour La Vie, 3 Mars 2016 © L'Osservatore Romano
"Nhân đức là sự biểu hiện cao nhất của tự do con người", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích và chỉ rõ sự thực hành các nhân đức bởi người phát huy sự sống như là điều kiện cho sự phong phú hành động của họ.
 
Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến các thành viên của Hội Nghị khoáng đại lần thứ XII của Hàn Lâm Viện giáo hoàng cho sự sống, sáng ngày thứ Năm 03/3/2016, trong Phòng Họp Clémentine của Phủ Giáo Hoàng tại Vatican. Hội nghị này có chủ đề "Các nhân đức trong nền đạo đức sự sống", sẽ bế mạc vào ngày thứ Bẩy 05/3/2016.
"Chính những nhân đức của người hoạt động cho sự phát huy sự sống mới là bảo đảm cuối cùng rằng điều thiện sẽ được thực sự tôn trọng", Đức Giáo Hoàng tuyên bố.
"Nói đến nhân đức, ngài giải thích, có nghĩa là khẳng định rằng sự lựa chọn điều thiện lôi cuốn và gắn chặt với toàn bộ con người; không phải là một vấn đề "trang điểm", một sự làm đẹp bề ngoài vốn không có hiệu quả gì: phải nhổ bỏ tận gốc trong tâm tư những ham muốn bất lương và chân thành tìm kiếm điều thiện".
Ngài xác định: "Trong lãnh vực đạo đức trên đời, mặc dù các tiêu chuẩn là cần thiết để bảo đảm sự tôn trọng con người, nhưng một mình các tiêu chuẩn đó không đủ để thực hiện đầy đủ cái tốt cho con người".
Bởi vậy Đức Giáo Hoàng mời gọi hãy "trau dồi" nhân đức, nhờ vào một sự "phân định liên tục" và "một sự bám rễ vào Thiên Chúa, nguồn gốc mọi nhân đức".
Sau đây là bản dịch toàn văn bài diễn từ bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng.

A.B.

Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Tôi chào mừng tất cả anh chị em đã tập họp về đây để tham dự Hội Nghị khoáng đại của Hàn Lâm Viện giáo hoàng cho Sự Sống. Tôi đặc biệt sung sướng được gặp Đức Hồng Y Sgreccia, vẫn còn đứng vững… Cảm Ơn! Những ngày này được dành cho việc nghiên cứu các nhân đức trong nền đạo đức của sự sống, một chủ đề thuộc về quan tâm kinh viện nhằm gửi một thông điệp quan trọng cho nền văn hóa đương đại: điều thiện mà con người làm ra không phải là thành quả của những toan tính hay sách lược, cũng không phải sản phẩm của một cấu trúc phát sinh hay điều hòa xã hội, mà chính là thành quả của một tấm lòng thiện chí, của sự tự do lựa chọn hướng tới thiện ích đích thực. Khoa học và kỹ thuật không đủ để hành thiện, phải có sự khôn ngoan của tâm hồn.
Bằng nhiều cách khác nhau, Sách Thánh dậy chúng ta là những chủ ý tốt hay xấu không xâm nhập con người từ bên ngoài, mà chúng nẩy ra từ "trong lòng". "Từ bên trong, Chúa Giêsu khẳng định, từ lòng người" (Mc 7, 21). Trong Thánh Kinh, lòng người là cơ phận không những của các cảm tình, mà còn là của các khả năng tinh thần, lý trí và ý chí; nó là trung tâm của các quyết định, của cách suy nghĩ và hành động. Sự khôn ngoan của lựa chọn, mở ra cho động thái của Chúa Thánh Linh, cũng liên quan đến lòng người. Chính từ đấy đã sinh ra các việc thiện, và cả các việc sai lầm, khi sự thật và những gợi ý của Chúa Thánh Linh bị gạt bỏ. Tóm lại, lòng người là tổng hợp của nhân loại được làm nên bởi chính bàn tay Thiên Chúa (x. St 2,7) và được Đấng Tạo Hóa nhìn ngắm với một sự hài lòng vô song (x. St 1, 31). Thiên Chúa đổ đầy sự không ngoan của chính Người vào trong lòng con người.
Ở thời đại chúng ta, nhiều xu hướng văn hóa không còn công nhận dấu ấn của sự khôn ngoan Thiên Chúa trong những thực tế được cấu tạo, kể cả trong con người. Bản chất con người, như thế, đã bị thâu hẹp lại và chỉ là một chất liệu, có thể nhào nặn theo bất cứ một ý đồ nào. Trái lại, tính nhân bản của chúng ta là độc nhất vô nhị và được coi là vô cùng quý giá dưới mắt Thiên Chúa! Bởi vậy, bản chất đầu tiên phải gìn giữ, để nó mang nhiều hoa trái, là tính nhân bản của chúng ta. Chúng ta phải dành cho nó không khí trong lành của sự tự do và nguồn nước đầy sinh khí của sự thật, che chở nó khỏi những nọc độc của tính ích kỷ và sự dối trá. Trên địa bàn nhân bản của chúng ta, như thế, có thể nở ra vô số các nhân đức.
Nhân đức là sự thể hiện đích thực nhất của điều tốt lành mà con người, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, có thể thực hiện được. "Nó khiến nhân vị không những thực hiện những hành vi tốt, mà còn cống hiến những điều tốt nhất của bản thân mình" (SGLGHCG, số 1803). Nhân đức không phải là một thói quen, mà chính là một thái độ hằng được cải tiến để chọn lấy điều thiện. Nhân đức không phải là một xúc động, không phải là một khả năng có thể luyện được với một khóa học cập nhật, và lại càng không phải là một bộ máy sinh hóa; mà nó chính là sự thể hiện cao độ nhất của sự tư do nhân bản. Nhân đức là điều tối thiện mà lòng người có thể cống hiến. Khi lòng người tách xa điều thiện và chân lý, chứa đựng trong Lời của Thiên Chúa, nó sẽ gặp nhiều nguy hiểm, nó bị mất đi phương hướng và có nguy cơ lấy thiện làm ác và lấy ác làm thiện; nếu mất đi nhân đức, tội lỗi xâm nhập dễ dàng, và sau đó là truỵ lạc. Người nào đi vào con đường dốc trơn trượt này sẽ ngã vào sự sai lầm đạo đức và người đó sẽ bị nghẹt thở bởi một mối lo hiện sinh ngày càng gia tăng.
Sách Thánh trình bầy cho chúng ta động lực của tấm lòng cứng cỏi: lòng người càng nghiêng về tính ích kỷ và điều ác, càng khó để thay đổi. Chúa Giêsu khẳng định: "Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội" (Ga 8, 34). Khi lòng người bị hư hỏng, hậu quả là trầm trọng cho đời sống xã hội, như ngôn sứ Giêrêmia đã nhắc nhở. Tôi trích dẫn lời ngài: "Còn ngươi, mắt người đâu nhìn gì, lòng ngươi đâu muốn gì nếu không phải là tư lợi, nếu không phải là máu người vô tội ngươi có thể đổ ra, nếu không phải là điều áp bức bạo tàn ngươi sẵn sàng thực hiện" (Gr 22, 17). Một tình trạng như vậy không thể thay đổi bằng cách dựa trên những lý thuyết, hay dưới tác dụng của những cải tổ xã hội hay chính trị. Chỉ có tác động của Chúa Thánh Linh mới có thể cải sửa lòng chúng ta được, nếu chúng ta hợp tác: chính Thiên Chúa đã hứa ban đặc sủng của Người cho những ai tìm kiếm Người và cho những ai trở lại với Người "với hết lòng mình" (x. Go 2, 12).
Ngày hôm nay, có nhiều các cơ quan dấn thân phục vụ sự sống, với danh nghĩa là khảo cứu hay giúp đỡ; họ khuyến khích không chỉ những việc thiện, mà còn sự đam mê điều thiện. Nhưng cũng có nhiều cấu trúc lại ưu tư nhiều về lợi ích kinh tế hơn là về công ích. Nói đến nhân đức có nghĩa là khẳng định rằng sự lựa chọn điều thiện phải lôi cuốn và gắn chặt với toàn bộ con người; chứ không phải là một vấn đề "trang điểm", một sự làm đẹp bề ngoài vốn không có hiệu quả gì: phải nhổ bỏ tận gốc trong tâm tư những ham muốn bất lương và chân thành tìm kiếm điều thiện.
Trong lãnh vực đạo đức trên đời, mặc dù các tiêu chuẩn là cần thiết để bảo đảm sự tôn trọng con người, nhưng một mình các tiêu chuẩn đó không đủ để thực hiện đầy đủ cái tốt cho con người. Chính những nhân đức của người hoạt động cho sự phát huy sự sống mới là bảo đảm cuối cùng rằng điều thiện sẽ được thực sự tôn trọng. Ngày nay, chúng ta không thiếu những tri thức khoa học và các phương tiện kỹ thuật có thể cống hiến một sự nâng đỡ cho sự sống con người trong những hoàn cảnh mà sự sống tỏ ra suy yếu. Hành động tốt không phải là áp dụng đúng cách sự hiểu biết đạo đức; mà phải là coi trọng chính con người suy yếu. Mong rằng các bác sĩ và tất cả các tác nhân trong y giới đừng bao giờ quên kết hợp khoa học, kỹ thuật với nhân bản.
Bởi vậy, tôi khuyến khích các viện Đại Học hãy xem xét tất cả những điều này trong các chương trình đào tạo của mình, để cho các sinh viên có thể làm chín mùi những sự sẵn sàng cống hiến trong lòng và trong trí họ, vốn là thiết yếu để đón nhận và điều trị sự sống con người, theo đúng nhân phẩm vốn là sở hữu của con người dù trong bất kể hoàn cảnh nào. Tôi cũng mời gọi các vị giám đốc các cơ sở y tế và khảo cứu làm sao để nhân viên của họ cũng coi tầm vóc nhân bản như thành phần cơ hữu của công việc chuyên môn họ làm. Dù sao chăng nữa, mong rằng những người dấn thân cho việc bảo vệ và phát huy sự sống có thể cho thấy cái đẹp của công tác này. Quả vậy, cũng như "Giáo Hội lớn mạnh không vì lôi kéo, mà vì "sức hút" (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 14), như thế, người ta chỉ có thể bảo vệ  và khuyến khích sự sống con người khi người ta biết và trình bầy cái đẹp của sự sống đó. Trải nghiệm một niềm đam mê đích thực cũng như các nhân đức khác, anh chị em sẽ là những chứng nhân đặc biệt cho lòng thương xót của Cha Sự Sống.
Văn hóa đương đại còn bảo lưu những tiền đề để khẳng định rằng con người, bất kể ở trong tình trạng nào của cuộc sống, là một giá trị phải bảo vệ; tuy nhiên, giá trị đó thường hay là nạn nhân của những nghi nan luân lý khiến nó không có thể bảo vệ sự sống một cách hữu hiệu. Không phải ngẫu nhiên mà dưới danh nghĩa nhân đức, có thể ẩn nấp "những trụy lạc mỹ miều".
Vì thế, cần thiết là các nhân đức không chỉ thông tin thực sự tư tưởng và hành động của con người, mà chúng còn phải được trau dồi qua một sự phân định liên tục và phải luôn bám rễ vào Thiên Chúa, nguồn gốc của mọi nhân đức. Tôi muốn nhắc lại ở đây điều mà tôi đã nhiều lần khẳng định: chúng ta phải coi chừng những cuộc xâm thực chủ thuyết mới đang len lỏi vào tư tưởng con người, kể cả tư tưởng Kitô giáo, dưới hình thức là nhân đức, là hiện đại, là thái độ mới; nhưng đó là những hình thức xâm thực, nghĩa là chúng làm cho mất đi tự do và chúng là chủ thuyết vì chúng sợ sự thật mà chính Thiên Chúa đã dựng lên.
Chúng ta hãy cầu xin sự hỗ trợ của Chúa Thánh Linh, để Người giải thoát chúng ta ra khỏi tính ích kỷ và sự ngu dốt: để chúng ta được Người canh tân, chúng ta có thể tư duy và hành động theo tâm tư của Thiên Chúa và trình bầy lòng thương xót của Người cho những kẻ đau khổ trong thể xác cũng như tinh thần.
Tôi chúc cho tất cả anh chị em, các công việc và những ngày này có thể mang nhiều thành quả và đồng hành cùng anh chị em, cũng như cho những người mà anh chị em gặp gỡ trong công việc, trên con đường phát triển nhân đức này. Tôi cảm ơn anh chị em và xin anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!

Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Mạc Khải phỏng dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét