Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Kịch: Dụ ngôn NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

KỊCH: NGƯỜI CHA NHÂN HẬU
(Lc 15, 11-31)

CÁC NHÂN VẬT: Người cha – Người anh – Người em – Gia nhân

PHẦN A

Người anh:    Thưa cha, hôm nay con thấy cha có chuyện buồn phiền.
 
Người cha:    Hôm nay là một trong những ngày buồn nhất đời cha.
Người anh:    Thưa cha, con có thể chia sẻ nỗi lòng của cha không?
Người cha:    Chiều hôm nay em con đến tỏ ý định bỏ nhà ra đi.
Người anh:    Thật như vậy sao?
Người cha:    Cha đã chia phần gia tài cho nó lúc nãy.
Người anh:    Cha đã chiều ý nó à?
Người cha:    Cha đã chiều ý nó.
Người anh:    Con xin thất kính với cha, cha không thương nó sao?
Người cha:      Con biết rằng cha yêu thương hai con đến độ nào rồi cơ mà.
Người anh:    Nhưng sao cha không ngăn cản nó? Nó sẽ hư hỏng cho mà xem.
Người cha:    Cha biết ! Nhưng nếu cha ngăn cản thì cha đã dùng tình thương như một sợi dây trói buộc. Cha không muốn dùng tình thương để gông cùm các con.
Người anh:    Con xin cha giữ nó lại, không biết nó sẽ gặp gì ngày mai.
Người cha:    Không, điều cha cần nơi các con là trái tim chứ không phải là thân xác, giữ nó lại làm gì khi trái tim nó đã đi xa?
Người anh:    Nhưng còn những nỗi khổ tương lai của nó thì sao?
Người cha:    Cha đang khổ tâm vì biết trước rằng nó sẽ khổ. Nhưng không có nỗi khổ nào là nỗi khổ vô ích. Tình thương đôi khi bắt buộc mình phải để cho người mình thương chịu đau khổ.
Người anh:    Con không hiểu được...
Người cha:    Điều đó thật khó hiểu. Và niềm đau của Cha mãi mãi vẫn là có những đứa con không hiểu được tình yêu của mình đối với nó.
Người anh:    Con sẽ giữ nó lại.
Người cha:   Vô ích con ạ, người ta chỉ có thể giữ người muốn ở lại, không ai có thể giữ người muốn ra đi... Thôi cha đi nghỉ đây (Người cha đi ra... )
Người anh:   Chú ba! Chú ba này! (Có tiếng: “Dạ!” rồi người em mới xuất hiện). Tôi muốn nói chuyện với chú.
Người em:     Em cũng định đến chào anh, vì sáng mai em đi sớm.
Người anh:    Chú định đi đâu?
Người em:     Em cũng chưa biết nữa, bất cứ nơi đâu, miễn là ra khỏi cái nhà này thôi.
Người anh:    Ngôi nhà này cầm tù chú à?
Người em:     Ngôi nhà không thể cầm tù em. Điều cầm tù em là những liên hệ trong gia đình. Anh có bao giờ thấy mình cô độc trong ngôi nhà này không?
Người anh:    Cô độc! Chú điên rồi à! Suốt ngày cha làm việc, suốt ngày tôi lam lũ để cho chú thoải mái vui chơi, nào bạn, nào bè... rồi hôm nay chú lại nói rằng chú cô độc. Tôi không bao giờ thấy cô độc vì tôi không có thì giờ rỗi rảnh để ngồi nghĩ những chuyện viển vông.
Người em:      Những điều anh cho là viển vông thì em thấy cần như không khí để thở. Em cần tình người... Anh hiểu em không?
Người anh:    Cha thương chú, tôi thương chú, chú không biết sao?
Người em:     Em biết chứ! Nhưng biết rằng mình được yêu thương để làm gì khi mình không cảm được tình thương?
Người anh:    Vì sao?
Người em:     Em chưa bao giờ nghe được một câu ngọt ngào trong nhà này. Cha thì quá nghiêm, anh thì quá nóng. Anh có bao giờ nghĩ rằng em có một trái tim không?
Người anh:   Chú nói chuyện cứ như con gái ấy! Hừ, “Trái tim”! Chú là một người đàn ông, phải sống bằng lý trí. Cha khuyên dạy chú, tôi rầy la chú là vì muốn chú thành người. Nếu chú để cho những lời ngọt ngào làm mát trái tim thì rồi chú sẽ đánh mất mọi sự.
Người em:     Nhưng hiện giờ em có gì đâu, thì làm sao đánh mất?
Người anh:    Và chú muốn lấy cho được tài sản để phung phí?
Người em:     Em không coi tài sản là mục đích đời em.
Người anh:    Thế chú muốn có gì?
Người em:     Em muốn có tình người.
Người anh:    Chú sẽ đi tìm tình người à?
Người em:     Dạ.
Người anh:    Nếu trong nhà này chú đã đui mù không nhìn thấy tình người thì có đi khắp cùng mặt đất chú cũng chẳng thấy gì cả.
Người em:     Thà em đi khắp cùng mặt đất mà không thấy được gì còn hơn là ngồi tại đây để không nhìn được gì.
Người anh:    Thế này nhé! Một ngày nào đó thì chú sẽ đi chu du, nhưng khi nào có đủ kinh nghiệm đời rồi kia, nếu không, chú sẽ bị cuộc đời lừa gạt.
Người em:     Em chấp nhận bị lừa gạt để học lấy kinh nghiệm. Vì kinh nghiệm là một bài học bản thân. Không có ai có thể có kinh nghiệm thay cho em được.
Người anh:    Thế những gì người lớn dạy chú. Chú cho là sai à?
Người em:     Em thú thật là em không biết, anh à. Vì em chưa có kinh nghiệm.
Người anh:    Chú hãy biết rằng chú sẽ phải trả giá rất đắt cho những rồ dại của mình!
Người em:     Em sẽ trả giá sòng phẳng. Em cần phải trưởng thành. Em cần phải biết cuộc đời muôn mặt ngoài kia. Nếu em ở nhà với sự chăm sóc của cha, với sự nâng đỡ của anh, thì suốt đời em sẽ là một đứa con nít. Em cần phải đập cái vỏ trứng che chở nhưng đồng thời bóp nghẹt mình. Em cần trở thành một con chim để tự mình vỗ cánh mà bay...
Người anh:    Tôi cấm chú phá vỡ sự đầm ấm của gia đình này. Tôi cấm chú ra đi!
Người em:     Anh không thể cấm em được nữa. Bắt đầu từ sáng mai em sẽ tự định liệu cuộc đời em.
Người anh:      Nếu mày ra đi, thì đừng bao giờ đặt chân trở lại ngôi nhà này.
Người em:     Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại!
Người anh:    Muôn đời người ta sẽ gọi mày là đứa “Con hoang đàng”!
Người em:    Đó là giá đầu tiên tôi phải trả! (Người em bỏ đi, người anh bực tức bỏ đi hướng khác...Có tiếng nói từ hậu trường: “Người con hoang đàng quyết ra đi và không bao giờ trở lại. Nhưng chúng ta còn nhớ rõ Tin Mừng đã nói gì...” )
                        (Đọc đoạn Tin Mừng Lc 15, 13 – 20: “Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.
                          Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy". Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha...)
                       (Người cha ra, ngoảnh trông về phương xa, người anh đi ngang, nhìn thấy, dừng lại...)
Người anh:    Thưa cha, xin cha hãy vào nghỉ, sức khoẻ cha yếu lắm rồi.
Người cha:    Con hãy để mặc cha.
Người anh:    Con không thể để mặc cha được. Khi ngày nào cũng phải nhìn cha trông đợi hoài công một thằng con hoang đàng.
Người cha:    Nhưng dù sao nó cũng là con của cha.
Người anh:    Nó đã không muốn làm con của cha nữa rồi.
Người cha:    Đứa con có thể từ chối làm con, nhưng người cha không bao giờ từ chối làm cha.
Người anh:    Nó đã quyết định không bao giờ trở về nữa.
Người cha:    Nhưng cha đã quyết định đợi chờ. Nó có thể đổi ý, còn Cha thì không.
Người anh:    Nó đâu có biết rằng cha khổ với nó thế này.
Người cha:    Nhưng cha biết rằng ở đâu đó, nó đang khổ và không có ai bên cạnh.
Người anh:    Ít ra thì cha cũng vào nhà đi, để cho gia nhân đón nó và báo tin cho cha.
Người cha:    Cha muốn rằng cha là người đầu tiên đón tiếp nó... Phần con, con hãy ra đồng lo công việc của con đi.
Người anh:    Xin vâng, nhưng xin cha bảo trọng tấm thân. Con ái ngại quá!
Người cha:    Con đừng lo cho Cha. (Người anh ra đi, người cha lại ngóng đợi.. Chợt người em trở về, chạy đến phủ phục dưới chân cha...)
Người em:     “Lạy Cha, con thật có lỗi với trời và với Cha...”
 Người cha:   (Nâng dậy, ôm vào lòng). Ôi, con của tôi!
Người em:     Thưa cha, con... con... (xúc động không nói thành lời).
Người cha:    Thôi con không cần nói nữa, Cha đã hiểu con. Cha hiểu rằng con đã đau khổ, vì Cha đã từng đau khổ như con. Con không cần xin lỗi nữa, vì Cha đã tha thứ cho con. Con về với Cha là đủ rồi... Con biết không... Cha chờ đợi con đã từ lâu.
Người em:     Thưa cha, con không xứng...
Người cha:    Thôi con vào tắm rửa nghỉ ngơi đi... Con mệt nhọc lắm rồi. Gia nhân đâu? (Có tiếng: “Dạ!” rồi một gia nhân chạy ra) Hãy đem áo thượng hạng đến cho cậu ba mặc, hãy đem nhẫn đến cho cậu ba đeo, hãy đem giày cho cậu ba mang... Ngươi hãy hạ con bò tơ mập nhất để ăn khao. Vì con ta đã chết, nay đã hoàn sinh.
Gia nhân:       Xin vâng! (Người cha đưa người em đi ra, gia nhân cúi chào, rồi vội vã đi hướng khác... Người anh vào từ đúng hướng ấy).
Người anh:    Đi đâu mà vội vã thế?
Gia nhân:       Thưa cậu, con đi chuẩn bị bữa tiệc ăn khao.
Người anh:    Ăn khao cái gì?
Gia nhân:       Thưa cậu, cậu ba vừa mới về, ông ra lệnh giết con bò tơ để ăn khao.
Người anh:    Nó đã về à! Thế ra... Nhưng sao lại ăn khao?
Gia nhân:       Thưa cậu, đó là lệnh của ông.
Người anh:    Thôi, đi đi! (Người anh ngồi xuống, bực tức... người cha bước ra)
Người cha:    Này con, sao con không vào nhà?
Người anh:    Con không vào nhà nữa đâu!
Người cha:    Sao con lại nói như vậy, đây là nhà của con mà.
Người anh:    Nó đã về và cha cho giết bò ăn khao, có đúng như vậy không?
Người cha:    Đúng như vậy... Vì thế mà con phật lòng à?
Người anh:    Đã bao năm nay con làm việc cho cha, chưa bao giờ sai lệnh cha, thế mà, có bao giờ cha cho con được một con dê để ăn mừng với chúng bạn đâu?
Người cha:    Này con, con hằng ở luôn với cha, thì tất cả của cải cha đều là của con mà.
Người anh:    Đó chỉ là một cách nói. Trên thực tế con được gì ngoài việc lo lắng cho cha ở nhà và lam lũ ngoài đồng? Còn thằng con của cha, nó đã ngốn cả sự nghiệp với đĩ điếm, bây giờ nó về, cha lại giết cả bò tơ mà ăn khao.
Người cha:    “Thằng-con-của-cha” chính là “em-của-con” đó, nó đã mất đi mà lại tìm thấy được, nên phải ăn mừng chứ! Con không thương em con à?
Người anh: Nhưng nó có thuơng ai đâu? Cha tưởng nó về đây là vì thương cha à? Nó về đây tại vì nó đã nghèo xơ nghèo xác, có vậy thôi!
Người cha:    Nó đã về vì nó khổ, nhưng cũng vì nó hy vọng rằng cha vẫn thương nó, anh vẫn thương nó.
Người anh:    Con không còn thương nó. Và nếu cha thương nó, có nghĩa là cha ghét con và cha đã đối xử bất công với con.
Người cha:    Con đừng nặng lời để cha phải buồn lòng trong một ngày vui thế này... Con hãy vào nhà đi.
Người anh:    Xin cha để cho con yên... Con còn một món nợ tinh thần phải thanh toán với nó.
Người cha:    Con không thể vì cha mà chấp nhận em con sao?
Người anh:    Vì con nhớ lại những nỗi khổ của cha, mà con không chấp nhận nó.
Người cha:    Cha biết nói làm sao bây giờ? Có lẽ nỗi đau buồn muôn thuở của cha là phải luôn luôn mất đi một đứa con.
Người anh:    Thưa cha, cha hãy vào đi và cho phép con ở đây một mình.
Người cha:    Con nhất định không vào sao?
Người anh:    Con cần nói chuyện với nó trước đã.
Người cha:    Thôi được, cha sẽ vào gọi em con ra. (Người cha vào, sau đó người em ra).
Người em:     Thưa anh, anh gọi em?
Người anh:   (Không thèm nhìn người em) Đừng gọi tôi là anh ( Đi đi lại lại trong vài giây) Thế là chú đã về. Chú đã quả quyết rằng chú không về nữa cơ mà?
Người em:     Em đã thất bại!
Người anh:    Chú từng nói rằng chú sẵn sàng trả giá kia mà.
Người em:     Em đã trả giá rất nhiều. Đấy anh xem, em không còn là một thằng trẻ con nữa!
Người anh:    Chú trả giá bằng sản nghiệp của cha già!
Người em:     Em trả giá bằng những nỗi nhục nhằn, bằng những chán chường bi đát nhất.
Người anh:   Tôi đã báo trước, nhưng ngày ấy chú vẫn bỏ nhà ra đi: xa cha, xa anh, xa mọi người thân thuộc.
Người em:     Em chưa bao giờ cảm thấy gần gũi cha, gần gũi những người thân thuộc như khi em ở phương xa. Em biết rằng mình đã từng hạnh phúc khi mà em đã xua đuổi hạnh phúc ra khỏi tầm tay với.
Người anh:    Chú đã rêu rao rằng mình muốn biết cuộc đời muôn mặt ngoài kia và bây giờ lại than van à?
Người em:      Em biết rằng mình sai. Nhưng em không than van. Nếu phải bắt đầu lại, thì em cũng sẽ ra đi... để biết được cuộc sống muôn màu bên ngoài khu vườn nhỏ bé của gia đình.
Người anh:    Chú đã biết được gì?
Người em:     Em đã biết được thế nào là đói, thế nào là rét. Em đã biết được thế nào là bị lường gạt, bị phỉ nhổ, bị xua đuổi. Em đã có kinh nghiệm. Em đã biết được điều em tìm kiếm.
Người anh:    Chú đã tìm kiếm gì?
Người em:     Em đã nói trước khi em đi: em tìm kiếm tình người.
Người anh:    Và bây giờ chú đã tìm ra được tình người?
Người em:     Vâng.
Người anh:    Vậy sao chú không ở lại với những người có tình đó.
Người em:     Em khám phá ra rằng không có nơi nào có tình người nếu không chấp nhận nhau như anh em một nhà. Và em biết rằng chỉ có tình người trong gia đình mình.
Người anh:    Tại vì thế mà chú trở về à?
Người em:     Vâng.
Người anh:    Chứ không phải vì chú “gãy gối tối mặt” và không còn nơi bám víu à?
Người em:     Đúng là em đã “gãy gối tối mặt”, nhưng em biết rằng em còn có thể bám víu vào gia đình, vì nơi đây vẫn còn lại tình người.
Người anh:    Chú đã dẫm chân lên cái tình người đó từ lâu rồi!
Người em:     Em xin lỗi, em hết lòng xin lỗi.
Người anh:    Thế thì dễ quá. Chỉ việc phá hỏng hết mọi sự rồi nói xin lỗi, thế là xong ư? Nhưng không được đâu. Vấn đề không phải là xin lỗi, vấn đề đừng có rồ dại để phạm lỗi.
Người em:     Bây giờ em mới đủ khôn ngoan để thấy mình từng rồ dại, nhưng lúc đó...
Người anh:    Bây giờ chú đủ khôn ngoan để về chiếm nốt nửa phần gia tài còn lại.
Người em:     Không, em không cần gia tài, em chỉ cần làm một đầy tớ trong nhà, em cần môt người cha, em cần một người anh.
Người anh:    Người anh của chú đã chết rồi! Chú thề thốt rằng chú không trở về, nhưng chú đã về. Thì bây giờ chú hãy ở lại. Đó, cha của chú đó, gia tài của chú đó. Còn tôi, tôi sẽ ra đi, tôi không muốn nhìn thấy mặt chú nữa. Tôi sẽ đi và không bao giờ trở lại. Chú nghe rõ chứ? (Gằn từng tiếng ) Không Bao Giờ Trở Lại!
                       (Người anh bỏ đi, người em chạy theo...)
Người em:     Anh Hai, anh Hai!
                       (Sau khi diễn đến đoạn người anh bỏ đi, trở lại với phần NỐI KẾT, vai Tham dự 1 tiếp tục câu chuyện...)
Tham dự 1: Đấy! Tôi suy nghĩ như thế đấy...
                         Cố nhiên khi kể dụ ngôn. Chúa Giêsu chỉ nói đến sự bực tức của người anh cả chứ không nói gì về sự gãy đổ của hai anh em, nhưng thái độ của người anh như thế cũng đủ chấp cánh cho chúng ta tưởng tượng đến một sự bất hòa vô phương cứu chữa giữa hai anh em. Và tôi nghĩ rằng tưởng tượng như thế thì cũng không có gì là quá đáng so với thực tế của mọi gia đình.
                       Tóm lại, tôi muốn chứng minh rằng những bất hòa giữa anh em thường khó hàn gắn hơn là chúng ta mơ ước.
Hướng dẫn:    Nhưng bạn đã tưởng tượng thì tại sao lại không tưởng tượng đến cùng?
Tham dự 1:    Tưởng tượng đến cùng nghĩa là sao?
Hướng dẫn:    Có thể một ngày đẹp trời nào đó hai anh em sẽ hiểu nhau và không còn ôm mối bất hòa nữa.
Tham dự 1:    Tôi không lạc quan như vậy. Một mặt vì trong Tin Mừng, Luca không nói thêm đoạn sau, mặt khác kinh nghiệm cho thấy rằng, dường như những xung đột giữa anh em khó mà giải quyết ổn thỏa.
Hướng dẫn: Theo tôi nghĩ, đây không phải là vấn đề lạc quan hay bi quan, nhưng là vấn đề thực tế. Có nghĩa là chúng ta phải đối diện những mâu thuẫn như là chuyện bình thường, và đừng bi đát hóa. Đồng thời cũng tin rằng có nhiều cách để hòa giải những mâu thuẫn đó.
Tham dự 1:    Theo anh, diễn tiến câu chuyện nên như thế nào để đạt được kết quả tốt đẹp đó?
Hướng dẫn:    Tôi chưa làm tài xế nên tôi chưa biết lái, nhưng đại khái, nếu hai anh em nhìn thấy những yếu tố gây nên mâu thuẫn, có lẽ chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề. Có một lần, anh em trong nhóm đã thảo luận về vấn đề này, ý kiến thì đa dạng, và có một ý kiến khá độc đáo. Nếu không có gì trở ngại thì mời hai bạn (X. và Y. ) lên trình bày lại với tư cách là hai anh em (Người giữ vai người anh quay trở lại... Hỏi người anh) Sau khi gặp gỡ em mình, bạn đã quyết định ra đi. Thế bạn có trở về không?
Người anh:    À! Rốt cuộc thì tôi không ra đi.
Hướng dẫn:   Ơ hay! Sao lạ thế?
Người anh:    Tôi đến từ biệt cha tôi, người không ngăn cản, nhưng người yêu cầu tôi ở nhà thêm một tháng rồi hẵng ra đi. Tôi đã vâng lời người.
Hướng dẫn:     Bạn có hiểu vì sao ông giữ bạn lại một tháng không?
Người anh:    Lúc bấy giờ thì không, nhưng hiện giờ thì thật rõ ràng. Ông không muốn ép buộc tôi tha thứ thằng em, nhưng muốn để cho thời gian làm nguôi ngoai cơn giận dữ và sau đó tôi sẽ nhìn mọi việc với cái nhìn đúng đắn hơn.
Hướng dẫn:    Ông cụ đã hành động đúng, có phải không?
Người anh:    Phải! Sau ba tuần lễ, hai anh em chúng tôi đã nói chuyện với nhau.
Hướng dẫn:     Bạn vui lòng kể lại lần gặp gỡ đó, xin nhường chỗ cho hai anh em (Về chỗ).
Người anh:    Suốt ba tuần lễ tôi không nói chuyện với nó nhưng tôi cũng nhận thấy rằng nó đã thay đổi hẳn, nó đã biết ăn nói nhỏ nhẹ, biết chăm sóc cha già, biết siêng năng làm mọi việc trong nhà.
                       Ngày qua ngày, tôi ý thức rằng từ thâm sâu tôi vẫn yêu thương nó, và ý định ra đi của tôi là một phản ứng do tự ái bị tổn thương, hơn là một quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, nếu tôi tuyên bố là mình không đi nữa thì hơi bẽ mặt! Tôi mong có một cơ hội, và tối hôm đó...
(Bắt dầu diễn phần B, NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG)
PHẦN B
Người em:     Thưa anh, em muốn nói chuyện với anh.
Người anh:    Tôi không có chuyện gì phải nói với chú.
Người em:       Em chỉ xin gặp anh một lần này nữa thôi, vì mai em lại ra đi.
Người anh:    Ô hay, chú tưởng nhà này là cái chợ chắc? Vui thì về, buồn thì đi à?
Người em:     Không anh à! Em thấy sự hiện diện của em trong nhà này làm cho anh bực bội, và vì thế mà cha sầu não! Em là người có lỗi, và phải nhận lấy hậu quả chứ không có quyền bắt anh phải chịu đựng em. Vì vậy, anh hãy ở lại để phụng dưỡng cha già, em sẽ ra đi ngày mai. Nhưng trước khi ra đi, em chỉ xin anh một điều: anh hãy nói rằng anh tha thứ cho em. (Im lặng vài giây).
Người anh:    Này chú ba!
Người em:     Dạ!
Người anh:    Chú đừng ra đi nữa!
Người em:     Em không thể chăm sóc cha già như anh, em phải ra đi, nhưng lần này ra đi không phải để tìm kiếm cái gì cho mình, mà để cho anh ở lại với cha. Cha cần anh hơn em.
 Người anh:   Tôi cũng sẽ không ra đi nữa!
Người em:     Thật vậy không anh?
Người anh:    Thật đấy!
Người em:     Nghĩa là anh tha lỗi cho em?
Người anh:    Không! Tôi không thể tha lỗi cho chú, bởi vì chưa bao giờ chú có lỗi với tôi. Chú đã có lỗi với cha và cha đã tha thứ. Chú đã có lỗi với chính mình và chú đã trả giá.
Người em:     Em thật cảm động được nghe anh nói như thế. Ngày em về đây, em nói với anh rằng em đã có kinh nghiệm. Em muốn nói rằng ở vào địa vị anh, nếu có một thằng em cứng đầu và bướng bỉnh như em, chắc chắn em sẽ rất tàn nhẫn đối với nó. Còn anh, anh chỉ lánh mặt em. Chính thái độ rộng luợng của anh làm em thấy lỗi mình càng nặng. Em thật có lỗi vì đã làm cho một người anh như anh phải bực mình.
Người anh:    Tôi có bực mình, đúng như vậy. Nhưng xét cho cùng là cũng lỗi tại tôi. Tôi có cái nhìn đầy ắp thành kiến. Chú đã từng đi hoang, đúng ! Nhưng từ đó, tôi dứt khoát khẳng định rằng chú có một thằng hoang đàng và không thể nào thay đổi được. Tuy nhiên ba tuần vừa qua, chú đã biết nhẫn nhục, mềm mỏng và siêng năng làm việc. Qua đó, tôi phải nhận thấy rằng người chưa thay đổi chính là tôi. Tôi đã nhìn con người mới của chú với cái nhìn cũ của tôi.
Người em:     Mồ hôi và nước mắt của em đổ ra trong những ngày lang bạt, cho em hiểu rằng anh đã yêu thương em chân thành, nhưng hôm nay em mới tự hào có một người anh đầy thông cảm như thế.
Người anh:   Đó là điều mà cha đã dạy bằng đời sống của người, và chú đã khiến cho tôi khám phá. Tôi khám phá rằng yêu thương là chấp nhận sự khác biệt. Tôi là một người thực tế, thích hành động hơn là suy tư, chú là một người nghệ sĩ, thích cảm nghiệm hơn là chấp nhận cái đều đều hằng ngày.
Người em:     Nhưng cuộc đời đã chứng minh rằng anh có lý.
Người anh:    Tôi có lý nhưng không có tình. Chỉ có cha là người có tình có lý. Cha đã yêu thương chú với cái đẹp của chú, và yêu thương tôi với cái hay của tôi. Chú đã làm cha buồn một kiểu, tôi đã làm cha buồn kiểu khác, cả hai chúng ta, chẳng đứa nào biết yêu thương cha hết!
Người em:     Vì vậy mà em muốn ra đi ngày mai.
Người anh:    Bây giờ tôi hiểu rằng trước kia và hôm nay tôi đều có một phần trách nhiệm trong việc ra đi của chú. Tôi chưa bao giờ thông cảm chú, chưa bao giờ yêu thương chú như cha đã yêu thương chúng mình... Những ngày qua tôi đã làm cho chú khó chịu lắm nhỉ?
Người em:     Không anh à! Em thấy khổ tâm vì làm anh buồn, chứ em không thấy khó chịu.
Người anh:    Ở vào địa vị chú, tôi sẽ đấm vào mặt ông anh của mình ngay. Đây mặt đây, đấm đi! (Người anh mỉm cười đưa mặt, người em đưa tay đấm thật nhẹ).
Người em:     Em sẽ vào báo cho cha hay, và em sẽ xin cha một con dê để ăn mừng quyết định của anh. (Vội chạy đi).
Người anh:    (Cũng chạy theo) Ê, cái thằng này, không có dê bò gì hết! Mày vẫn chưa bỏ được cái tật phung phí mồ hôi nước mắt của cha à?
                       (Sau khi diễn xong phần B, người hướng dẫn tiếp tục...)
Hướng dẫn: (Nói với vai Tham dự 1 ) Qua diễn tiến vừa rồi, có lẽ bạn cũng chấp nhận rằng mọi việc đều có thể hòa giải giữa anh em một nhà chứ?
Tham dự 1:    Thực sự ra đấy chỉ là một thắc mắc đưa ra, nhưng từ thâm tâm, tôi vẫn ao ước là chúng ta sẽ vượt mọi trở ngại để giao hòa trong tình yêu thương. Vì thế dù trí óc có thể tìm ra những điểm không đồng ý, thì trái tim tôi đã rất đồng tình với lối giải quyết đó.
Hướng dẫn: Thưa các anh chị và các bạn,
                       Chúng ta đã khởi hành bằng tình thương và chúng ta dằng dai trên vấn đề giao hòa với anh em. Mới thoạt nhìn, có vẻ như chúng ta đi lạc đề, nhưng xét cho cùng thì chúng ta đã đi thật sâu vào đề. Bởi vì muốn yêu thương thì cần phải giao hòa với anh em, và trước tiên là giao hòa chính mình với Cha chung là Thiên Chúa...
                       Dù trong vở kịch không nhắc đến, nhưng chúng ta chắc chắn rằng những thay đổi của người anh xuất phát một phần lớn từ mẹ mình, vì người mẹ luôn luôn là cái tâm của sự hòa giải và thông cảm. Chúng ta đang sống trong Năm Thánh. Vì thế, khi giao hòa với nhau trong gia đình, chúng ta còn có sự trợ lực của Mẹ Maria. Mẹ đã ôm ấp tất cả đàn con vào lòng để chúng giao hòa với Cha và hòa giải với anh em. Và để nhớ lại hồng ân to lớn này, chúng ta hãy nhắc lại cho nhau một cách ý thức những lời ca mà ta thường dâng lên Mẹ.
                       (Cộng đoàn hát: Mẹ ơi, con biết lòng Mẹ từ nhân... )
Tác giả: Cố Gs. TRẦN DUY NHIÊN
Nhóm kịch Rabonni của cha Tiến Lộc, DCCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét