Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Phút suy tư: Hối hận

HỐI HẬN
Hối hận là tâm trạng của một người, sau khi đã làm điều không tốt, cảm thấy day dứt lương tâm về điều sai trái mình đã làm. Một người hối hận thường mong muốn sửa lại lỗi lầm của mình, hoặc muốn bù đắp những thiệt hại về danh dự cũng như vật chất mình đã gây ra cho người khác. Hối hận là sự thức tỉnh lương tâm và là khởi đầu của hành trình trở về, để sám hối và canh tân đổi đời.
Dân gian ta có câu: “Đánh người chạy đi, ai nỡ đánh người chạy lại”. Điều này cho thấy cuộc đời rất bao dung đối với những ai lầm lỗi. Một khi họ đã nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ, trở về hoàn lương, thì không ai nỡ chối từ. Họ là những người can đảm “chạy lại” để hòa nhập với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, để được đón nhận và tha thứ, người lầm lỗi phải chứng minh thiện chí của mình. Họ cũng phải can đảm vượt lên những thành kiến mặc cảm, quyết tâm sửa đổi hạnh kiểm. Cuộc đời sẽ dang rộng vòng tay đón nhận và quên đi quá khứ của những ai đã trót lầm lỗi mà hối hận ăn năn.
Có những khi niềm hối hận lại trở nên quá muộn màng, không còn cơ hội để sửa chữa lầm lỗi. Đó là trường hợp những người phạm pháp và phải ra trước vành móng ngựa. Đó cũng là những đứa con bất hiếu mà khi tỉnh ngộ thì cha mẹ đã qua đời, hoặc những anh em trong gia đình, vì mâu thuẫn xung đột, quyết đoạn tuyệt tình thân mà nay sự chết không cho họ gặp lại để hòa giải. Còn biết bao trường hợp khác nữa, khi mà sự ích kỷ, ghen ghét làm cho người thân trở thành kẻ thù, người thiết nghĩa coi nhau như người dưng. Một lúc nào đó, khi thức tỉnh lương tâm, họ muốn người nằm xuống sống lại chỉ một giây để họ nói lời xin lỗi và tỏ bày niềm hối hận, nhưng đã quá muộn màng.

Giáo lý ĐTC về LTX (tt) - 24.02.2016

Bài giáo lý ngày 24 tháng 02 năm 2016 về "Lòng Thương Xót và quyền lực"


Capture CTV - Audience Générale, Place Saint-Pierre, 24 Février 2016

"Sẽ rất đẹp nếu những người khai thác có uy quyền ngày nay biết làm giống như" vua A-kháp đã nhận biết tội lỗi của mình, đã thấu hiểu, đã khiêm nhượng và đã xin tha thứ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý và ngài liên kết với giáo huấn của ngôn sứ I-sai-a khi bình luận rằng: "Và ngôn sứ I-sai-a không phải là cộng sản!"
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trì triều kiến chung, ngày thứ Tư 24/02/2016 này vào lúc 10 giờ sáng, trên quảng trường Thánh Phêrô nơi ngài đã gặp gỡ các nhóm hành hương và du khách đến từ Italia và trên toàn thế giới.
Trong Bài giáo lý bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng đã tiếp nối các bài giáo huấn của ngài về lòng thương xót trong Thánh Kinh, trên chủ đề "Lòng Thương Xót và quyền lực", từ truyện vườn nho của Nabot, đã bị vua A-kháp chiếm đoạt trái phép (1V 21, 1b-4a) trước khi nhà vua hối cải.
"Thiên Chúa nhìn thấy tội ác này và Người đánh động trái tim vua A-kháp và nhà vua, bị đặt trước tội lỗi của mình, đã hiểu ra, hạ mình và cầu xin tha thứ. Sẽ đẹp biết bao nếu những người khai thác có uy quyền ngày hôm nay biết làm như thế! Đức Chúa chấp nhận sự hối cải của nhà vua; tuy nhiên, một người vô tội đã bị giết chết và lỗi lầm đã phạm sẽ có những hậu quả không thễ tránh được. Quả vậy, điều ác một khi đã phạm sẽ để lại những vết hằn đau đớn và lịch sử loài người còn mang thương tích", Đức Giáo Hoàng Phanxicô bình giải.
Ngài đã kêu gọi tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa: "Lòng thương xót cũng cho thấy, trong trường hợp này, con đường chủ đạo phải theo. Lòng thương xót có thể chữa lành các thương tích và làm thay đổi lịch sử. Bạn hãy mở con tim mình ra với lòng thương xót! Lòng thương xót Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Nó mạnh hơn. Đó là tấm gương của vua A-kháp".
Sau khi tóm lược Bài giáo lý của ngài bằng nhiều thứ tiếng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chào mừng đặc biệt đến các nhóm. Buổi triều kiến đã kết thúc khi mọi người cất tiếng hát kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

A.B.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng tiếng Ý
Thân chào quý anh chị em!
Chúng ta tiếp tục các Bài giáo lý về lòng thương xót trong Thánh Kinh. Trong nhiều đoạn, có vấn đề những người quyền thế, các vua chúa, những người ở "thủ lãnh" và cả sự ngao mạn và lạm dụng của họ. Của cải và quyền thế là những thực tế có thể làm tốt và hữu dụng cho công ích, nếu chúng đợc sử dụng để phục vụ người nghềo và mọi người, trong công lý và bác ái. Nhưng khi, như đã thường xẩy ra, chúng được trải nghiệm như một đặc quyền ưu đãi, với lòng ích kỷ và toàn quyền, chúng sẽ biến thành khí cụ của thối nát và của sự chết. Đó là điều xẩy ra trong đoạn viết về vườn nho của ông Nabot, được mô tả trong Sách 1 các Vua, chương 21, và ngày hôm nay, chúng ta sẽ dừng lại ở chương này.
Đoạn văn này kể rằng vua A-kháp của Israel muốn mua vườn nho của một người tên là Nabot, bởi vì vườn nho này ở sát cạnh hoàng cung. Chủ tâm có vẻ chính đáng, và còn là đại lượng nữa, nhưng ở nước Israel, các bất động sản đất đai được coi như bất khả xâm phạm.  Quả vậy, sách Lê-vi dậy rằng: "Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta" (Lv  25, 23). Đất đai là linh thiêng, bởi vì đất đai là một quà tặng của Đức Chúa, và như quà tặng, nó phải được giữ gìn và bảo vệ, như dấu chỉ của phúc lành Thiên Chúa truyền lại từ thế hệ này tới thế hệ khác và như là sự bảo đảm phẩm giá cho tất cả mọi người. Như thế, người ta hiểu được câu trả lời từ chối của ông Nabot với vua: "Xin Đức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của ông cha tôi cho ngài" (1V 21, 3).

Eduardo Bonnin - Vị sáng lập PT

Eduardo Bonnín Aguiló, Vị Sáng Lập PT Cursillo
(4/5/1917 – 6/2/2008)
Bước đầu tiên trong tiến trình Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Ông Eduardo đã được công bố tại Mallorca, Tây Ban Nha vào ngày 5 tháng 2, 2015.
PT Cursillo mời gọi quý anh chị cùng hiệp ý cầu nguyện cho việc Phong Thánh Ông Eduardo Bonnín Aguiló sớm thành hiện thực.

 Video hình ảnh về cuộc đời của ông do VPĐH HK sưu tập và thực hiện
Ngày 6 - 2 - 2008, lúc 4 giờ chiều, Ông Eduardo Bonnín đã qua đời sau một cơn bệnh ngắn ngủi, hưởng thọ 90 tuổi. Ngày ấy quả thật ngày định mệnh do Chúa Quan Phòng một số do. Đó Thứ Lễ Tro, khởi sự Mùa Chay Thánh, đánh dấu con đường dẫn đến tự do đích thực và ghi nhớ năm thứ 68 kỷ niệm một biến cố lịch sử trong cuộc đời của ông Bonnín.
Trong khi bày tỏ lòng ngưỡng mộ Ông Bonnín thương tiếc mất đi viên đá góc tường lỗi lạc này trong Phong Trào Cursillo, PT Cursillo cố gắng ghi lại vắn tắt cuộc đời nhân cách của vị sáng lập các Khóa Học Kitô Giáo (PT Cursillo) với một số trích đoạn rời rạc từ bản phác thảo tiểu sử của ông.
Ông Eduardo sinh tại Palma de Mallorca ngày 4 - 5 - 1917, tại gia ngày nay trở thành Quán "Bar Niza". Ông Bonnín người con thứ hai trong số 10 người con. Cha Mẹ Ông Dn Fernando Bonnín Piña Mercedes Aguiló Forteza. Ông Bonnín lúc còn nhỏ được Cha mình âu yếm gọi "Lớn". Ngay từ thời thơ ấu, mẹ của anh Bonnín ông ngoại tên Jorge (là người đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của ông), đã in sâu trong tâm trí của ông những điều căn bản của Kitô giáo: đó Tình Yêu Thiên Chúa điều quan trọng phải "cùng đồng hành" với kẻ khác. Sự kiện này đã trở thành viên đá góc tường trong cuộc đời của ông.

Phút suy tư: Tôi đi tìm tôi

Tôi đi tìm tôi
Sống ở đời là một cuộc kiếm tìm không ngơi nghỉ. Có biết bao điều ta phải tìm kiếm hằng ngày, trong lãnh vực vật chất cũng như tinh thần. Dù kiếm tìm liên lỉ như vậy, con người chẳng bao giờ thỏa mãn về những gì mình đã đạt được. Vì thế, cuộc sống là một chuỗi những khám phá vô biên. Tuy vậy, nhiều khi tôi say sưa đi tìm kiếm nhiều thứ trên đời mà đánh mất chính mình. Cho nên, trong cuộc tìm kiếm này, tôi không được quên một điều quan trọng, đó là tôi đi tìm chính bản thân tôi.
Tại sao tôi lại phải đi tìm tôi, vì tìm kiếm điều gì có nghĩa là mình chưa đạt được điều ấy, trong khi tôi đang hiện diện trong chính cuộc sống này? Câu trả lời thật đơn giản: Tôi luôn phải đi tìm tôi, vì tôi thường đánh mất mình giữa cuộc đời bon chen tính toán này. Giữa dòng đời trôi nổi ngược xuôi, tôi như đám bèo trôi dạt, bồng bềnh theo con sóng của thời cuộc, phó mặc cho may rủi của cuộc đời. Tôi không còn là tôi nữa, tôi đánh mất chính mình, khi vì lợi lộc và danh vọng mà sống giả dối mưu mô ích kỷ.
Trước hết, tôi đi tìm tôi để biết tôi là ai trong mối tương quan với Chúa. Giữa cuộc đời này, tôi chỉ nhỏ bé như một hạt cát trong sa mạc, như giọt nước giữa đại dương. Ấy vậy mà Chúa biết rõ tôi, kể cả khi tôi đứng, khi tôi ngồi. Chúa biết rõ từ khi tôi được hoài thai trong lòng mẹ. Từ muôn thuở, Chúa đã biết tôi và Ngài gọi tôi bằng chính tên của tôi. Nếu Chúa biết tôi như thế, là vì Ngài là Đấng quyền năng và Ngài yêu thương tôi bằng tình yêu vô bờ bến. Khi người ta yêu mến nhau thì người ta biết rõ về nhau, hiểu tâm tính và sở thích của nhau và muốn làm mọi sự để người mình yêu được hài lòng và hạnh phúc. Thật ngọt ngào và hãnh diện khi biết rằng, dù nhỏ bé, tôi vẫn là đối tượng của tình yêu thương Thiên Chúa. Chúa thương tôi vì tôi là tạo vật bé bỏng của Ngài. Tình yêu đáp lại tình yêu. Ý thức tình yêu thương bao la của Chúa như vậy, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân như Chúa muốn. Tôi cũng cố gắng làm mọi sự để đền đáp tình yêu thương mà Ngài đã dành cho tôi. Tất cả mọi lệnh truyền của Chúa đều xuất phát từ tình yêu thương. Chúa yêu thương tôi và muốn san sẻ cho tôi vinh quang và hạnh phúc của Ngài. Khi tôi thành tâm thực hiện những điều Chúa dạy, tôi sẽ đạt được niềm vui và hạnh phúc Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài.
Tôi đi tìm tôi để biết tôi là ai trong gia đình nhân loại. Tôi được sinh ra để chung sống với mọi người trong xã hội này. Dù mỏng manh yếu ớt, tôi vẫn có thể lớn lên nhờ sự đùm bọc của cha mẹ và những người thân. Dù nhỏ bé mọn hèn, tôi vẫn có thể thành đạt nhờ sự giúp đỡ của mọi người tôi gặp trong cuộc sống. Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại. Gia đình này bao gồm mọi nền văn hoá, mọi sắc tộc, mọi ngôn ngữ, mọi ý thức hệ chính trị. Là Cha chung, Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, kể cả những tội nhân. Ngài là Thiên Chúa của tình yêu chứ không phải một vị thần nghiêm khắc chỉ rình rập để trừng phạt. Ngài vui mừng vì thấy con người sám hối ăn năn để được sống. Hiện diện trên đời này, tôi không phải là ốc đảo cô đơn, nhưng là một phần của xã hội, giống như chi thể của một thân thể. Thân thể ấy vừa là xã hội nơi tôi sinh sống, vừa là cộng đoàn Đức tin nơi tôi được gọi làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Ý thức mình là một chi thể, tôi không thể bo bo ích kỷ cho lo cho bản thân mà quên những người xung quanh. Những cố gắng cộng tác để bảo vệ môi trường, tham gia những hoạt động công ích, cổ võ sống lành mạnh với một lương tâm ngay chính… đó là những hành động thiết thực giúp tôi hoà đồng với cuộc sống xã hội. Khi đi tìm để biết tôi là ai trong xã hội mênh mông này, tôi sẽ nhận ra những người đang sống xung quanh tôi đều là anh chị em với nhau. Cũng như tôi, họ đều đang có những niềm vui cần được chia sẻ, những nỗi buồn cần được cảm thông, những yếu đuối cần được nâng đỡ. Cùng với tôi, hết thảy họ đều đang đi trên con đường tiến tới trọn lành. Những nghĩa cử đẹp, dù nhỏ bé đơn sơ, cũng giúp nối kết tôi với họ trong tình huynh đệ chân thành để cùng dựng xây một cuộc sống tốt đẹp và nhân ái hơn.

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Tản mạn về Khỉ ´´Ba Không´´

TẾT BÍNH THÂN
TẢN MẠN KHỈ “BA KHÔNG”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Người ta tặng cho tôi 3 con khỉ nhỏ bằng sứ: con bịt mắt, con bịt tai và con bịt miệng. Thấy ngồ ngộ, tôi để chúng nơi phòng khách, ai vào thăm cũng sôi nổi bình luận. Mắt để thấy, tai để nghe, miệng lưỡi để ăn nói. Đó là những khả năng tự nhiên, chẳng ai lại muốn khiếm khuyết. Ai cũng muốn mình được thông minh, lanh lợi, tại sao phải bịt cả mắt lẫn tai và miệng lại giống như người mù, câm, điếc?.

Tết Con Khỉ sắp đến nên xin được tản mạn về khỉ “ba không” ấy.

 1.    Nguồn gốc.

Nguồn gốc về ý niệm ba con khỉ có thể bắt nguồn từ Ấn Độ cả ngàn năm trước. Thần Vajrakilaya là vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng nhằm để răn dạy con người mà dân chúng Ấn Độ đa số là Phật tử, với ý khuyên là không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy. Tư tưởng 3 không theo các nhà tu Phật giáo đi qua nước Tàu không rõ vào thời kỳ nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ VIII đời nhà Đường, một thiền sư Phật giáo trong chuyến Phật sự ở Trung hoa, đã mang theo về Nhật tư tưởng này.

Tại Nhật, vùng Nikko cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc, trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng 8 bức khác nhau) có tượng 3 con khỉ tên Mizaru, Kikazaru và Iwazaru (bịt tai, bịt mắt, bịt miệng) bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro (1594-1634), rất nổi tiếng từ thế kỷ XVII. Tại sao lại là 3 con khỉ?  Trong tiếng Nhật chữ “zaru” nghĩa là không, “saru” nghĩa là con khỉ. Một con lấy tay che mắt tên là mizaru, tiếng Nhật là mizaru có ý nghĩa "tôi không thấy điều xấu". Con giữa lấy tay bịt tai tên là kikazaru có ý nghĩa "tôi không nghe điều xấu". Còn con thứ 3 lấy tay bịt miệng tên là iwazaru với ý nghĩa là "tôi không nói điều xấu". Không hiểu rõ nguyên nhân là người Nhật họ muốn chơi chữ hay là phát âm không rõ ràng, mà ngày nay các sách đều viết là “mi-zaru, kika-zaru, iwa-zaru”. Nhưng có một điều chắc chắn là người Nhật tu Thiền dùng 3 con khỉ để nói lên sự quan trọng và sự kiểm soát ba giác quan từ cơ thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài là mắt, tai, miệng. Nhiều vùng ở Nhật, người ta cũng tin rằng con khỉ là trung gian giữa thần thánh và con người. Không nhìn, không nghe, không thấy là khuôn vàng thước ngọc của nhiều thế hệ người Nhật, ngày nay tư tưởng này được chấp nhận như là một nguyên tắc chỉ đạo.

Sứ điệp Mùa Chay 2016

Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2016 của ĐTC Phanxicô

 “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13).
Những việc bác ái trên hành trình Năm Thánh
1.   Đức Maria, hình ảnh một Giáo Hội loan báo Tin Mừng vì chính Mẹ là người đã đón nhận Tin Mừng
Trong lời giới thiệu tông sắc Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương xót, tôi đã đề nghị rằng chúng ta hãy sống Mùa Chay trong Năm Thánh này một cách mạnh mẽ hơn như là khoảng thời gian đặt biệt để cử hành và cảm nghiệm Lòng Thương Xót Chúa” (Misericordiae Vultus, 17). Bằng việc mời gọi mọi người hăng say lắng nghe lời Chúa và khích lệ sáng kiến ​​”24 giờ cho Chúa”, tôi đã cố gắng nhấn mạnh đến tính ưu việt của việc lắng nghe lời Chúa trong cầu nguyện, đặc biệt là những lời mang tính ngôn sứ của Người. Lòng thương xót Chúa là một lời loan báo dành cho thế giới, mà mỗi Kitô hữu được mời gọi để trải nghiệm ngay. Vì thế, trong suốt mùa Chay 2016 tôi sẽ gửi những Sứ Giả của Lòng Thương xót như là một dấu chỉ cụ thể về sự gần gũi và sự thứ tha của Thiên Chúa đến mọi người.
Sau khi nhận được Tin Mừng từ tổng lãnh Thiên Thần Gabriel, Đức Maria trong bài ca Magnificat, đã tiên tri hát lên bài ca lòng thương xót khi Thiên Chúa đã chọn Mẹ. Nhờ đó, một Trinh Nữ thành Nazareth đã đính hôn với Giuse, trở thành biểu tượng hoàn hảo của Giáo Hội có sứ mạng rao giảng Tin mừng, vì Mẹ đã và vẫn đang tiếp tục được Tin Mừng hoá bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã cho Mẹ thụ thai mà vẫn đồng trinh. Trong truyền thống ngôn sứ, lòng thương xót có liên hệ chặt chẽ – thậm chí ở mức độ nguyên ngữ – với tử cung người mẹ (rahamim) và với một lòng tốt đầy quảng đại, trung thành và trắc ẩn được biểu hiện trong hôn nhân và những tương quan gia đình.
2.   Giao ước của Thiên Chúa với nhân loại: một lịch sử của lòng thương xót
Mầu nhiệm lòng thương xót Chúa được mặc khải trong lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người là Israel. Thiên Chúa luôn tỏ mình ra là Đấng giàu lòng thương xót, luôn sẵn sàng sửa dạy dân Người với lòng dịu dàng và lòng từ bi sâu sắc, đặc biệt là những lúc dân Người bất trung phá vỡ mối dây giao ước, vốn dĩ cần phải được thắt chặt bền chắc hơn trong công lý và sự thật. Đây là một câu chuyện tình đích thực, trong đó Thiên Chúa đóng vai trò người cha và vị lang quân bị phản bội, trong khi Israel đóng vai những đứa con và hiền thê không chung thủy. Những hình ảnh rất gần gũi này - như trường hợp của ông Hôsê (x. sách Hôsê, 1-2) – cho thấy Thiên Chúa ước muốn gắn bó mình với dân biết dường nào.
Đỉnh điểm của câu chuyện tình này là sự nhập thể của Con Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, Chúa Cha đổ tràn lòng thương xót vô biên của Người khi làm cho Chúa Con “nhập thể với lòng thương xót” (Misericordiae Vultus, 8). Là một con người, Đức Giêsu Nazareth đích thị là một người con của Israel; Người là hiện thân của lời kinh Shema hoàn hảo mà mỗi người Do Thái phải thuộc nằm lòng, mà thậm chí hôm nay nằm ngay tâm điểm giao ước giữa Thiên Chúa với Israel: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” (Đnl 6, 4-5). Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu là Tân Lang làm mọi thứ để chinh phục tình yêu của tân nương, người mà vị Tân Lang ấy đã yêu vô điều kiện, được tỏ lộ trong Tiệc cưới vĩnh hằng.

Thư UBGD CG gửi Sinh viên, Học sinh Công giáo dịp Tết Bính Thân - 2016

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
_________________________________________________________________________
72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
Email: uybangiaoduc@gmail.com; Đt: 093 890 5015 – 096 725 7483

THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN BÍNH THÂN - 2016
Các con rất thân mến,

Trong bầu khí hân hoan của ngày Tết Dân Tộc, Cha vui mừng gửi đến các con lời cầu chúc đầy yêu thương. Xin Thiên Chúa ban cho các con mọi điều may lành trong suốt năm Bính Thân và được hưởng dồi dào sự an bình, niềm vui trong tình nghĩa đầm ấm gia đình, bên ông bà, cha mẹ và người thân. Nhân dịp này Cha cũng muốn chia sẻ với các con đôi điều tâm sự.

Gần đến ngày Tết, cuộc sống trở nên tấp nập và nhộn nhịp khác thường. Các khu phố và nhà ở được trang hoàng đẹp đẽ, tạo nên một môi trường và bầu khí rất vui tươi, làm phấn khởi lòng người. Nhưng đàng sau những quang cảnh tráng lệ đó, đâu đó vẫn còn những mảnh đời lầm than cơ cực. Biết bao người không dám nghĩ đến Tết vì sầu buồn trong hoàn cảnh nghèo đói; nhiều anh chị em đi học hoặc đi làm xa đang ủ rũ không dám về gia đình ăn Tết, vì không đủ tiền mua vé xe hay mua quà Tết; nhiều bậc cha mẹ đang buồn phiền vì không lo được một bữa ăn Tết cho con cái và không có tiền lì xì cho chúng; trên các vỉa hè đường phố, có các em bé mồ côi đang lang thang bán vé số hay ngửa tay xin của bố thí... Những hoàn cảnh thê lương tương tự kể sao cho cùng! Những con người đau khổ đếm sao cho hết! Tết năm nay, Cha thấy thương cảm đặc biệt với những người cô đơn.

Có những cụ già sống lẻ loi, buồn tủi ở những góc phố hay trong túp lều nơi thôn quê hẻo lánh, nhưng cũng có những người cô đơn dù ở giữa đám đông, chẳng hạn những anh chị em di dân ở nơi xa lạ, gặp nhiều khó khăn, không biết cậy nhờ ai, hay những gia đình sống trong các tòa nhà cao ốc, cả năm đi ngang qua nhau mà không một lời chào hay có khi còn sợ sệt, tránh mặt... Đây là thứ cô đơn mới của thời đại tân tiến. Các con có cảm thông được nỗi đau khổ day dứt của những người này không? Các sách Tin Mừng nhiều lần nhận xét là Chúa chạnh lòng thương khi thấy người ta đau khổ (x. Mt 9,35-38; Mt 14,13-14; Mt 15,32; Mc 1,40-41; Mc 8,1-3; Lc 7,11-16; Lc 10,33-36).