Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

PTS: Hồi sinh

HỒI SINH
 
Truyền thống văn hoá tại một số quốc gia châu Âu và châu Mỹ thường chọn con bướm là biểu tượng cho sự hồi sinh. Có những trung tâm thương mại được trang trí một đàn bướm hàng ngàn con bằng pha lê, rực rỡ muôn màu sắc, tạo ấn tượng tốt đẹp, tươi mát và lạc quan cho du khách. Con bướm cũng là biểu tượng của hy vọng và may mắn thành đạt. Chúng ta đều biết “tiền kiếp” của con bướm là con sâu. Con sâu thì xù xì xấu xí, con bướm thì đẹp đẽ lung linh. Con sâu chỉ cắn lá phá hoại, con bướm thì tô điểm cho hoa lá thêm xinh. Con sâu trông gớm ghiếc ghê sợ, con bướm nhìn duyên dáng đáng yêu. Từ con sâu thành con bướm, đó là quá trình của một cuộc hồi sinh.
Cuộc hồi sinh nào cũng phải trải qua những gian nan. Chúng ta không cảm nhận được sự lột xác để biến từ một con sâu thành chú bướm, nhưng chắc chắn một điều, con bướm phải chấp nhận những đau đớn thể xác, giống như người mẹ vật vã khi sinh con. Chẳng có cuộc hồi sinh nào mà không đòi hỏi phải gian khổ, cũng như chẳng có thành công nào mà thiếu vắng tập luyện kiên trì.
Sau những ngày ảm đạm bi thương của Tuần Thánh, người tín hữu vui mừng cử hành cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Qua mầu nhiệm khổ nạn thập giá, Đức Giêsu như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất. Hạt lúa ấy đã chấp nhận mục nát đi để mọc lên thành cây mới sinh hoa kết trái. Hạt lúa Giêsu đã tự huỷ mình, chấp nhận thương đau và sau đó đã phục sinh vinh quang sáng láng. Khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu phục sinh đã mở cho nhân loại cánh cửa hy vọng, để rồi từ nay, cuộc sống con người có một định hướng trong tương lai, đó là được phục sinh với Chúa. Sự phục sinh của Chúa là câu trả lời cho vấn nạn ngàn đời về phẩm giá con người và ý nghĩa cuộc sống: con người được dựng nên để sống hạnh phúc với Chúa trong cõi sống đời đời. Nhờ Đấng Phục sinh, người tín hữu còn nhận ra trong con người của mình có sức sống thần thiêng của Con Thiên Chúa, giúp họ biến đổi mỗi ngày, đến mức cuộc sống, hành động và ngôn từ của họ đều phản ánh sự hiện diện đầy yêu thương của Đấng họ tôn thờ.
Việc Đức Giêsu ra khỏi mộ sau khi đã chết ba ngày làm cho những người đương thời ngỡ ngàng khó tin, kể cả các môn đệ của Chúa, mặc dù Chúa đã tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Người. Sự ngỡ ngàng này là điều dễ hiểu, bởi theo lẽ thông thường, người đã chết chẳng thể sống lại. Những chứng nhân mắt thấy tai nghe đã quả quyết được gặp Chúa phục sinh, và họ dám lấy mạng sống mình để làm chứng cho điều đó. Sự phục sinh của Chúa Giêsu vượt trí loài người. Người sống lại bởi quyền năng của Thiên Chúa. Người đã tuyên bố, Người có quyền trao ban và có quyền lấy lại sự sống. Nấm mộ không thể giam hãm Người trong cõi thâm u. Quyền lực của sự chết đã bị đánh bại trước sự phục sinh của Đức Giêsu.
Khi ra khỏi mộ tối, Chúa Giêsu đã giải phóng nhân loại khỏi quyền lực của sự chết. Nếu sự chết đã thất bại trước quyền năng của Con Thiên Chúa, thì những ai tin vào Người cũng sẽ chiến thắng sự chết như vậy. Bởi lẽ quyền năng của Thiên Chúa bao bọc và chở che những ai trung tín với Người.
Sau những ngày sống tinh thần Mùa Chay, người tín hữu được hồi sinh nhờ ân sủng của Đức Kitô. Khi long trọng mừng lễ Phục sinh, chúng ta trở nên con người mới, như con sâu xù xì thoát kiếp để biến thành con bướm huy hoàng. Thân phận con sâu là quá khứ, thân phận com bướm là hiện tại. Nhờ sám hối chay tịnh của Mùa Chay, người tín hữu đoạn tuyệt với quá khứ, như người con hoang đàng trở về với cha mình để làm lại cuộc đời. Giờ đây, họ được mặc lấy Chúa Kitô phục sinh, trở nên huy hoàng và vinh quang như Người. Sự phục sinh của Chúa Giêsu tác động con người và cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta lạc quan tin tưởng vào Chúa và nhân ái bao dung với anh chị em.

Bản tin số 25 - T.03.2016

BẢN TIN ULTREYA SỐ 25 - T.03/2016
Bản tin ghi nhận những chủ đề chia sẻ học hỏi, tin tức sinh hoạt trong tháng vừa qua.
Mời xem và download tại đường link:
http://cursillovn.net/TY/BantinUltreya/BTXL_25.T.03.2016.pdf

LỜI NGỎ

Trọng kính quý Đức Cha, Đức Ông Vinhsơn,
Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ và quý anh chị cursillista rất quý mến,

Trong niềm hân hoan mừng Đại lễ Chúa Phục Sinh, PT Cursillo Xuân Lộc chúng con xin kính chúc quý Đức Cha, Đức Ông, quý Cha, quý Tu sĩ và tất cả quý anh chị cursillistas tràn đầy Niềm Vui, Bình An và Ân Sủng của Chúa Giêsu Phục Sinh mọi ngày trong đời sống.

Quý anh chị cursillista rất quý mến,
Cùng hiệp thông và hòa niềm vui chung với Phong trào Cursillo các Giáo phận Bạn đang từng bước được mở rộng và củng cố sinh hoạt Hậu Cursillo theo đúng tinh thần mà các vị sáng lập đã đề ra và cùng hướng về các Đại Hội Ultreya của Phong trào Cursillo trên toàn thế giới với những đóng góp tích cực và thiết thực với ấn bản 3 của cuốn Tư Tưởng Nền Tảng mang nội dung gần với đặc sủng nền tảng, xác tín Phong trào Cursillo là món quà tặng cho Công Đồng Vatican II, ngày nay nó đi cùng với CĐ Vatican II, đi trên cùng một con đường với Giáo Hội, mang Chúa Kitô đến cho thế giới qua những con người được đổi mới trong Thánh Thần.
Phong trào Xuân Lộc chúng ta với nỗ lực của từng anh chị em, của từng Nhóm Thân Hữu, từng Liên Nhóm đang đóng góp cho PT Xuân Lộc một sức sống mới, lan tỏa đến từng con người cụ thể trong môi trường mà Chúa đã đặt để. Nhiều anh chị em đã đến với những con người bất hạnh, nghèo khó về vật chật lẫn tâm linh, những gia đình đang có những rạn nứt và đến với chính những anh chị em cursillista đang gặp khó khăn, tật bệnh để cùng chia sẻ và nâng đỡ nhau vượt qua những thử thách Chúa gửi đến.
Tất cả chúng ta hãy dấn thân hơn nữa, hãy nắm chặt lấy Chúa và anh chị em hơn nữa để chúng ta được tiếp thêm lửa mến từ Thầy Chí Thánh và lửa nhiệt thành từ anh chị em để cùng nhau thánh hóa bản thân, môi trường, để tình yêu Chúa Kitô Phục Sinh được thấm nhuần và làm cho tất cả được biến đổi và tràn đầy sức sống với sự tươi mới.
Anh chị em chúng ta hãy cùng nhau tiến lên. De Colores! Ultreya!
BPV PT Cursillo Xuân Lộc

Mừng Phục Sinh 2016

HÂN HOAN MỪNG ĐẠI LỄ PHỤC SINH 2016
ALLELUIA - ALLELUIA
 
 
Trọng kính Đức Ông Vinhsơn,
Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ và quý anh chị cursillistas rất kính mến,
 
Trong niềm vui mừng Đại lễ Chúa Phục Sinh, 
thay mặt PT Cursillo XL, BPV chúng con kính chúc Đức Ông, quý Cha, 
quý Tu sĩ LH và toàn thể anh chị em cursillistas cùng gia quyến:

Mùa Phục Sinh tràn đầy Niềm Vui, Bình An và Ân Sủng của​ Đấng Phục Sinh
Xin Chúa Phục Sinh luôn đồng hành, nâng đỡ quý LH và ACE
trong sứ vụ là men, muối trong môi trường Chúa đặt để.
 
 
BPV PT CURSILLO XUÂN LỘC
Facebook: Cursillo Xuan Loc
 
 

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Phút suy tư: VỤ ÁN GIÊ SU

Vụ án Giêsu
Trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu được thực hiện như một phóng sự tóm tắt, dẫn đưa khán thính giả từ phòng Tiệc ly đến chân đồi Canvê. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là một vụ án dân sự vô tiền khoáng hậu và bất bình thường: thời gian xét xử quá nhanh, diễn ra từ chiều thứ Năm đến chiều thứ Sáu, không có luật sư bào chữa, bị cáo không được thanh minh, mặc dù quan niệm và luật lệ thời bấy giờ cũng cho phép bị cáo tự bào chữa trước khi có tuyên án của toà (x. Ga 7,51). Chứng nhân trong vụ án là một đám đông hừng hực căm thù và a dua ùa theo dư luận quần chúng. Những lời tố cáo là những lời vu khống, xuất phát từ sự căm hờn. Công nghị Do Thái làm việc từ tảng sáng (x. Lc 22,66), dường như để xét xử chiếu lệ cho xong một cách vô trách nhiệm. Chúa Giêsu ở đó, một mình trước đám đông. Những người thân thiết đã lánh mặt, hoặc có hiện diện thì cũng từ xa âm thầm theo dõi.
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cũng được trình bày như một vở kịch. Vở kịch này có nhiều nhân vật. Có những người đại diện cho luật pháp dân sự như Hêrôđê và Philatô. Có những người lãnh đạo tôn giáo như vị Thượng tế và các kỳ mục. Có những người đại diện cho truyền thống Do Thái như các kinh sư và biệt phái. Bên cạnh họ là một đám đông mà lập trường của họ bất nhất, dễ đổi thay. Họ bị kích động trước nhóm người đang tìm cách tố cáo vu oan vị ngôn sứ thành Nagiarét. Họ cố tình xuyên tạc những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, để cắt nghĩa từ một giáo huấn thiêng liêng có ý nghĩa tượng trưng thành những âm mưu chính trị và hành động phá hoại.

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Huấn từ ĐTC Phanxicô: Nhân đức là sự biểu hiện cao nhất của tự do con người - 3.3.2016

"Nhân đức là sự biểu hiện cao nhất của tự do con người"
Hàn lâm viện Giáo Hoàng cho sự sống: diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (bản dịch đầy đủ)


Académie Pontificale Pour La Vie, 3 Mars 2016 © L'Osservatore Romano
"Nhân đức là sự biểu hiện cao nhất của tự do con người", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích và chỉ rõ sự thực hành các nhân đức bởi người phát huy sự sống như là điều kiện cho sự phong phú hành động của họ.
 
Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến các thành viên của Hội Nghị khoáng đại lần thứ XII của Hàn Lâm Viện giáo hoàng cho sự sống, sáng ngày thứ Năm 03/3/2016, trong Phòng Họp Clémentine của Phủ Giáo Hoàng tại Vatican. Hội nghị này có chủ đề "Các nhân đức trong nền đạo đức sự sống", sẽ bế mạc vào ngày thứ Bẩy 05/3/2016.
"Chính những nhân đức của người hoạt động cho sự phát huy sự sống mới là bảo đảm cuối cùng rằng điều thiện sẽ được thực sự tôn trọng", Đức Giáo Hoàng tuyên bố.
"Nói đến nhân đức, ngài giải thích, có nghĩa là khẳng định rằng sự lựa chọn điều thiện lôi cuốn và gắn chặt với toàn bộ con người; không phải là một vấn đề "trang điểm", một sự làm đẹp bề ngoài vốn không có hiệu quả gì: phải nhổ bỏ tận gốc trong tâm tư những ham muốn bất lương và chân thành tìm kiếm điều thiện".
Ngài xác định: "Trong lãnh vực đạo đức trên đời, mặc dù các tiêu chuẩn là cần thiết để bảo đảm sự tôn trọng con người, nhưng một mình các tiêu chuẩn đó không đủ để thực hiện đầy đủ cái tốt cho con người".
Bởi vậy Đức Giáo Hoàng mời gọi hãy "trau dồi" nhân đức, nhờ vào một sự "phân định liên tục" và "một sự bám rễ vào Thiên Chúa, nguồn gốc mọi nhân đức".
Sau đây là bản dịch toàn văn bài diễn từ bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng.

Kịch: Dụ ngôn NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

KỊCH: NGƯỜI CHA NHÂN HẬU
(Lc 15, 11-31)

CÁC NHÂN VẬT: Người cha – Người anh – Người em – Gia nhân

PHẦN A

Người anh:    Thưa cha, hôm nay con thấy cha có chuyện buồn phiền.
 
Người cha:    Hôm nay là một trong những ngày buồn nhất đời cha.
Người anh:    Thưa cha, con có thể chia sẻ nỗi lòng của cha không?
Người cha:    Chiều hôm nay em con đến tỏ ý định bỏ nhà ra đi.
Người anh:    Thật như vậy sao?
Người cha:    Cha đã chia phần gia tài cho nó lúc nãy.
Người anh:    Cha đã chiều ý nó à?
Người cha:    Cha đã chiều ý nó.
Người anh:    Con xin thất kính với cha, cha không thương nó sao?
Người cha:      Con biết rằng cha yêu thương hai con đến độ nào rồi cơ mà.
Người anh:    Nhưng sao cha không ngăn cản nó? Nó sẽ hư hỏng cho mà xem.
Người cha:    Cha biết ! Nhưng nếu cha ngăn cản thì cha đã dùng tình thương như một sợi dây trói buộc. Cha không muốn dùng tình thương để gông cùm các con.
Người anh:    Con xin cha giữ nó lại, không biết nó sẽ gặp gì ngày mai.
Người cha:    Không, điều cha cần nơi các con là trái tim chứ không phải là thân xác, giữ nó lại làm gì khi trái tim nó đã đi xa?
Người anh:    Nhưng còn những nỗi khổ tương lai của nó thì sao?
Người cha:    Cha đang khổ tâm vì biết trước rằng nó sẽ khổ. Nhưng không có nỗi khổ nào là nỗi khổ vô ích. Tình thương đôi khi bắt buộc mình phải để cho người mình thương chịu đau khổ.
Người anh:    Con không hiểu được...
Người cha:    Điều đó thật khó hiểu. Và niềm đau của Cha mãi mãi vẫn là có những đứa con không hiểu được tình yêu của mình đối với nó.

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Sống nhân từ trong Năm Thánh LTX

56 Cách Sống Nhân Từ
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
Những người Pharisêu thấy vậy bèn nói với các tông đồ, “Sao Thầy của các ông ăn uống với phường thu thuế và tội lỗi?”
Ngài nghe thế liền nói, “Những người lành lặn thì không cần thầy thuốc, chỉ những người bệnh tật mới cần. Hãy đi và học điều này: ‘Ta cần lòng nhân chứ không cần hy tế’. Ta không đến để kêu gọi những người ngay chính, mà là kêu gọi những người tội lỗi”. (Mt 9,11-13)
Thiên Chúa, là Đấng nhân từ, đòi hỏi chúng ta lòng nhân từ. Đây là 56 cách để sống lòng nhân từ trong Năm Thánh này.
Ta hãy chọn ngẫu nhiên một điều và tập sống hoàn thiện nó.
1.        Chống lại cám dỗ chế nhạo, mỉa mai người khác; nó đi ngược lại với lòng nhân từ. “Ôi, lạy Thiên Chúa, hãy bảo vệ môi miệng con; hãy canh giữ miệng lưỡi con!” (Tv 141,3)
2.        Hạn chế quyền sở hữu: chia sẻ mọi vật với những người đang cần chúng.
3.        Thăm hỏi những người đơn côi, ngay cả những người trong bà con, bạn bè, lối xóm… Có thể có những người mình đã xúc phạm họ.
4.        Viết ra những lời tha thứ. Cho dầu không gửi chúng đi được, thì nhúng chúng vào nước thánh, cầu nguyện với Đức Giêsu xin tha thứ cho đôi bên, rồi đốt đi hoặc chôn chúng xuống đất.
5.        Tập cách cầu nguyện lớn tiếng điều này: “Lạy Chúa của con, xin hãy chúc lành cho (nói tên người làm khổ mình) và xin thương xót con!”
6.        Lên kế hoạch hành hương đến những nhà thờ trong vùng; cố gắng làm theo cách sống lòng nhân từ giống Chúa Giêsu ‘đón tiếp những người xa lạ’.
7.        Thực hành một điều tốt, giúp ích cho một người mà mình không thích hay đã làm hại mình.
8.        Quan tâm đến cách cư xử của mình hiện thời. Có làm gì để tự đề cao mình… mà làm cho người khác buồn không? Có cãi nhau, phê bình, chỉ trích nặng nề cho thỏa mãn cơn nóng giận của mình mà làm chạm tự ái người khác không? Có nói quá lời đụng chạm đến những thành viên trong gia đình, bè bạn, hoặc những người ta chỉ tiếp xúc qua bài vở, sách báo… những người gặp những điều kiện khó khăn hơn ta không?
9.        Quảng đại để người khác giúp mình; những người mà họ mong được thực hiện nghĩa cử giúp người.
10.    Nếu không muốn mình là gánh nặng cho người khác, hãy luôn nhận ra sai lỗi của mình và xin lỗi người khác.

Giáo lý Năm Thánh LTX (tt): Thương xót và Sửa lỗi

"Dân Chúa không cần đồng tiền bẩn thỉu
mà cần tấm lòng mở ra với lòng thương xót"

Triều kiến chung ngày thứ Tư 02 tháng 3 năm 2016 (bản dịch toàn văn)
 
© OR - Audience Du 2 Mars 2016, Place Saint-Pierre
"Dân Chúa không cần đồng tiền bẩn thỉu mà cần tấm lòng mở ra với lòng thương xót", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.
Buổi triều kiến chung ngày thứ Tư 02/3/2016, đã diễn ra vào lúc 10 giờ sáng, trên quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp mặt các nhóm người hành hương đến từ Italia và trên toàn thế giới.
Trong Bài giáo lý của ngài bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng đã tiếp nối những suy ngẫm về lòng thương xót trong Thánh Kinh, từ một đoạn của ngôn sứ I-sai-a với chủ đề: "Lòng thương xót và sự sửa phạt" (Is 1, 16b-17. 18b).
"Ngôn sứ I-sai-a nói "Thiên Chúa không muốn máu bò và máu cừu (c. 1), nhất là của lễ được dâng lên với những bàn tay nhuốm máu anh em chúng ta (c. 15)", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh.
Ngài đã cập nhật thông điệp này khi ngài nói: "Tôi nghĩ đến những loại người hảo tâm của Giáo Hội, đã đến với của lễ; "Đây này, đây là lễ cúng cho Giáo Hội!"; đó là thành quả của bao con người bị lợi dụng, bị hành hạ, bị làm việc như nô lệ với đồng lương chết đói: Tôi sẽ bảo những kẻ đó "Vui lòng rời đi với tấm chi phiếu đó và đốt nó đi!" Dân của Thiên Chúa, tức là Giáo Hội, không cần đồng tiền bẩn thỉu, mà cần những tấm lòng rộng mở ra với lòng thương xót của Thiên Chúa".

Kinh truyền tin với ĐTC ngày 28.02.2016

Đừng quên cầu nguyện cho tôi

Kinh Truyền Tin ngày 28 tháng 02 năm 2016 (toàn văn)
Angélus Du 28 Février 2016, Capture D'écran CTV
"Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi": Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn kết thúc bài giảng của ngài bằng câu nói này như trước và sau Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật vừa qua, ngày 28/02/2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Trước Kinh Truyền Tin, ngài đã giảng về bài Phúc Âm ngày Chúa Nhật. Sau Kinh Truyền Tin, ngài đã nhắc tới cuộc khủng hoảng di dân, hòa bình ở Syria, cơn bão lốc giáng xuống đảo Fidji và Ngày các bệnh nhân mắc bệnh hiếm thấy.
Ngài đã mời gọi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria để biết xét mình Mùa Chay: "Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta, để chúng ta có thể mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, mở ra với lòng thương xót của Người; và mong Mẹ giúp đỡ chúng ta để đừng bao giờ xét đoán người khác, mà để chúng ta biết động lòng bởi những nỗi khốn khổ hàng ngày để làm một cuộc xét mình nghiêm túc để chấn chỉnh bản thân chúng ta".
Sau đây là bản dịch tiếng Pháp lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô được ngài đọc bằng tiếng Ý.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Khốn thay, ngày nào cũng vậy, thời sự mang đến toàn những tin xấu: giết người, tai nạn, thiên tai… Trong bài Phúc Âm ngày hôm nay, Chúa Giêsu nhắc tới hai sự kiện bi thảm, ở thời đại đó, đã làm xôn xao dư luận: một cuộc đàn áp bởi quân lính La Mã ngay trong Đền Thờ và vụ Tháp Si-lô-ác ở Giêrusalem sụp đổ khiến 18 người thiệt mạng (x. Lc 13 1-5).
Chúa Giêsu biết rõ tâm tính dị đoan của những người đang nghe Người và Người biết rõ cái kiểu họ suy diễn biến cố này một cách sai lạc. Quả thật, họ nghĩ rằng nếu những người đó bị chết dữ dằn như thế, đó là dấu chỉ Thiên Chúa đã trừng phạt họ vì họ đã phạm tội lỗi gì nặng lắm; môt cách để nói rằng "họ chết là đáng lắm". Và trái lại, sự kiện thoát được tai họa này tương đương với việc có thể coi như mình "hợp lệ". Họ "đáng đời"; tôi "hợp lệ". 

Huấn từ ĐTC Phanxicô tại Hội nghị Cor Unum về Thiên Chúa là Tình yêu - 26.02.2016

Tình yêu trong tim -
Đức Giáo Hoàng viện dẫn thánh nữ Têrêxa thành Lisieux

Hội nghị Cor Unum về Thiên Chúa là tình yêu (toàn văn)

Pape François, Capture
"Tình yêu nhận được và chia sẻ là trục quay của lịch sử Giáo Hội cũng như trục quay lịch sử của mỗi ngườii chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.
Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến vào ngày thứ Sáu 26/02/2016, các thành viên của một hội nghị quốc tế được tổ chức bởi Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum), với chủ đề "Đức Ái không bao giờ mất được", nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày công bố sứ điệp của ĐGH Biển Đức XVI Thiên Chúa là tình yêu (Deus Caritas est).
"Đức Ái …ở trung tâm đời sống Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã tái khẳng định, và thực sự là trái tim của Giáo Hội, như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói.
Đây là bản dịch tiếng Pháp chính thức bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng.
Bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Tôi đón tiếp anh chị em nhân dịp Hội Nghị quốc tế về đề tài "Đức Ái sẽ không bao giờ mất được" (1 Cr 13, 8). Deus Caritas est (Thiên Chúa là tình yêu): Viễn cảnh 10 năm sau", được Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum (Đồng Tâm), và tôi cảm ơn Đức Cha Dal Toso vì những lời của ngài dại diện anh chị em để chào mừng.
Sứ điệp đầu tiên của ĐGH Biển Đức XVI nói về một đề tài cho phép ôn lại toàn bộ lịch sử Giáo Hội, vốn cũng là một lịch sử của đức Ái. Đó là lịch sử của một tình yêu nhận được từ Thiên Chúa và phải được truyền lại cho thế gian: tình yêu này nhận được và chia sẻ làm thành trụ quay của lịch sử Giáo Hội, cũng như trụ quay của lịch sử mỗi người chúng ta. Hành động bác ái, quả không chỉ là một của bố thí khiến lương tâm yên ổn; nó bao hàm "một sự quan tâm tình yêu đối với người khác" (Thánh Tôma Aquinô, S. Th. II-IIae, q. 27, a. 2.), và mong muốn chia sẻ cho người khác tình bạn với Thiên Chúa. Đức ái, như thế, là trung tâm của đời sống Giáo Hội và đích thực là trái tim của Giáo Hội, như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói. Những lời Chúa Giêsu đã phán, theo đó đức ái là điều răn đầu tiên và là điều răn trọng nhất trong các điều răn: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mc 12, 30-31), có giá trị đối với mỗi tín hữu cũng như đối với toàn thể cộng đoàn Kitô giáo.
Năm Thánh được ban cho chúng ta để sống, cũng là dịp để trở về với trung tâm sống động của cuộc sống chúng ta và của chứng tá chúng ta, ở giữa việc loan báo đức tin: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4,8.16). Thiên Chúa không chỉ sở hữu mong muốn hay khả năng yêu thương, Thiên Chúa tình yêu: Tình yêu thương là bản thể của Người, là bản chất của Người. Người là Một, nhưng Người không đơn độc, Người không thể ở một mình, Người không thể co cụm lại chính Mình bởi vì Người là hiệp thông, Người là tình yêu, vì tình yêu, tự bản chất, là cởi mở, là tỏa lan. Như thế, Thiên Chúa kết hợp con người vào với sự sống tình yêu của Người, và dù cho con người có xa rời Người, Nguời không hề xa cách mà còn đến gặp con người. Sự kiện Thiên Chúa đến với con người chúng ta, đạt tới đỉnh cao là sự nhập thể của Con của Người, là lòng thương xót của Người; phương cách Người biểu lộ với chúng ta, là những kẻ tội lỗi, chân dung Người nhìn chúng ta và chăm sóc chúng ta. "Chương trình của Chúa Giêsu - được ghi trong sứ điệp - là "một trái tim biết nhìn thấy". Trái tim đó thấy được ở đâu tình yêu là cần thiết và hành động đáp ứng" (số 31). Đức ái và lòng thương xót gắn chặt với nhau, bởi vì chúng là cách thể hiện và cách hành động của Thiên Chúa: căn tính và thánh danh của Người.