Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Tin PTXL: Tĩnh tâm - Hội thảo LĐ Cursillo XL 2016

TĨNH TÂM - HỘI THẢO LÃNH ĐẠO CURSILLO XUÂN LỘC
Phú Dòng, 26-28/06/2016

 
Trong tâm tình tri ân cảm tạ, nhìn về quá khứ với lòng biết ơn - sống hiện tại với niềm hăng say - hướng đến tương lai với niềm hy vọng, PT Cursillo Xuân Lộc đã có buổi Tĩnh tâm – Hội thảo Lãnh đạo để ACE Lãnh đạo cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ học hỏi, đào luyện các kỹ năng, và nhìn lại thực trạng PT Cursillo XL hiện nay để có những bước điều chỉnh thăng tiến, khởi sắc và đúng tinh thần PT hơn trong những năm tới.

Buổi Tĩnh tâm - Hội thảo được tổ chức tại Tu hội Bác Ái Phú Dòng từ ngày 26/6 đến ngày 28/6/2016 với 75 Tham dự viên thuộc 10/12 Liên nhóm trong giáo phận - Với sự đồng hành, hướng dẫn của cha Giuse - LH PT Cursillo Xuân Lộc; cha Antôn - Linh phụ Tu hội; cha LH Giuse - Phó xứ Dốc Mơ; và Soeur Têrêsa - LH Liên nhóm Tân Mai.

Đặc biệt, trong ngày sinh hoạt đầu tiên, Đức ông Vinhsơn đã đến thăm, hiệp dâng thánh lễ, và đồng hành, hướng dẫn ACE. Mặc dầu đường xá xa xôi, Đức Ông đã vượt quãng đường dài để hiện diện tại Phú Dòng lúc 4h sáng, tham dự giờ Kinh Sáng, Nguyện Gẫm và Chủ tế - Giảng lễ - Ban huấn từ cho anh chị em.

Hoán cải và canh tân, sống và chia sẻ Đặc Sủng Cursillo để làm sao cho PT đạt được Mục Đích, đúng Bản Chất và Tâm Tưởng, trung kiên với Đặc Sủng một cách sáng tạo để đáp ứng hiện tình “thế giới phẳng” trong thời đại hôm nay. Đó là tâm tình chia sẻ của Đức Ông Vinhsơn gửi đến quý Linh hướng và ACE Lãnh đạo Cursillo Xuân Lộc.

Tạ ơn Chúa, Tĩnh tâm - Hội thảo lãnh đạo Cursillo XL đã diễn tiến tốt đẹp trong ơn Chúa với giờ hồi tâm, hòa giải, các bài nguyện gẫm đan xen các chủ đề học hỏi tinh thần PT giúp ACE Lãnh đạo gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, nhìn lại chính mình trong đời sống thiêng liêng gắn bó với Chúa và hành trình phục vụ, để có những bước chuyển mình thăng tiến hơn trong thời gian tới.

Ước mong qua việc sống và chia sẻ Đặc Sủng Cursillo, anh chị em thêm lòng yêu mến và dấn thân hơn trong mọi công tác của Phong trào, nỗ lực trong đào luyện & sống chứng nhân, từ đó góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa nơi trần gian qua phương pháp Phong trào.

Xin cám ơn lời cầu nguyện, những hy sinh đóng góp quý báu của quý cha, quý tu sĩ linh hướng, và của quý anh chị cursillistas từ khắp nơi cho các sinh hoạt của Phong Trào; đặc biệt là những Palancas dành cho Tĩnh Tâm - Hội Thảo Lãnh Đạo Cursillo Xuân Lộc năm 2016.

Trên hết, chúng ta cùng tạ ơn Chúa, vì muôn hồng ân Ngài đã thương ban cho từng người, từng nhóm, từng liên nhóm. Nguyện cho mối dây liên kết, Tình Bạn trong Chúa Kitô giữa anh chị em với nhau ngày càng bền chặt và trổ sinh hoa trái, xin cho tình liên đới, tinh thần đồng trách nhiệm của các nhà lãnh đạo ngày càng tiến triển hơn.

Kính xin quý Linh hướng tiếp tục thương yêu, cầu nguyện và đồng hành hướng dẫn ACE chúng con.

De Colores! Ultreya!

​BPV Cursillo XL

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ kính Thánh Tông Đồ Phêrô & Phaolô - 29.06.2016

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ ra lối thoát
khỏi những tình trạng bế tắc

Bài giảng lễ kính Các Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ (bản chính thức)
29 JUIN 2016 - ANITA BOURDIN - PAPE FRANÇOIS
Lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ 29 tháng 6 năm 2016
Đức Giáo Hoàng chỉ ra lối thoát khỏi những tình trạng bế tắc trong bài giảng lễ của ngài nhân lễ kính hai vị thánh cả Phêrô và Phaolô Tông Đồ của Giáo Hội.
ĐGH đã chủ sự tại Đền Thánh Phêrô, hôm thứ Tư 29/6/2016, ngày lễ nghỉ ở Rôma, Thánh Lễ trọng thể trong đó ngài đã làm phép các dây pallium của các tổng giám mục được bổ nhiệm trong năm nay.
Cũng như mọi năm, một phái đoàn của Phủ Thượng Phụ đại kết Contantinople đã tham dự Thánh Lễ, dưới sự hướng dẫn của Đức Thượng Phụ Methodios de Boston đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến ngày hôm qua, 28/6/2016 tại Vatican.
"Cầu nguyện là lối thoát chính, Đức Giáo Hoàng giải thích: lối thoát cho cộng đoàn, có nguy cơ khép kín vì sự bách hại và sợ hãi; lối thoát cho thánh Phêrô, là đấng, lúc đầu sứ vụ của ngài do Chúa giao phó, đã bị vua Herôde bỏ tù và có nguy cơ bị xử tử hình".
"Cầu xin các thánh Phêrô và Phaolô chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta có thể vui vẻ đi trên con đường này, có thể trải nghiệm tác động giải thoát của Thiên Chúa và làm chứng cho tác động đó cho hết thẩy mọi người", Đức Giáo Hoàng kết luận.
Đức Giáo Hoàng đã làm phép dây pallium cho những vị chưa được đeo: dây pallium sẽ mang tính "bắt buộc" trong giáo phận của các ngài, để tạo thuận lợi không những cho sự hiệp thông với Người Kế Vị thánh Phêrô, mà còn hiệp thông giữa các giáo phận của Giáo Hội địa phương.
Trong 25 vị tân tổng giám mục, có ba vị là thuộc các nước Pháp thoại: một vị người Bênin, Đức Cha Roger Houngbédji, OP, tổng giám mục Cotonu, được bổ nhiệm tuần lễ trước; một vị người Bỉ, Đức Cha Jozef de Kesel, tổng giám mục Malines-Bruxelles, và một vị người Pháp, Đức Cha Đôminicô Lebrun, tổng giám mục Rouen.
Sau đây là văn bản bài giảng được chuyển ngữ và cung cấp bởi Vatican, như thế những đoạn ứng khẩu còn là tạm thời.
A.B.
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Lời Thiên Chúa trong phụng vụ hôm nay chứa đựng một nhị thức trung tâm: đóng / mở. Chúng ta cũng có thể so sánh hình ảnh này với biểu tượng chìa khóa, mà Chúa Giêsu hứa cho ông Simon Phêrô để ông có thể mở cửa Nước Trời, và đương nhiên không phải để đóng cửa này đối với người ta, như nhiều kinh sư và người pharisêu giả hình mà Chúa Giêsu đã khiển trách (x. Mt 23, 13).
Bài đọc Sách Tông Đồ Công Vụ (12, 1-11) trình bầy cho chúng ta ba sự đóng cửa: sự đóng cửa của thánh Phêrô trong tù; sự đóng cửa của cộng đoàn tĩnh tâm cầu nguyện; và – trong bối cảnh trực tiếp với bản văn của chúng ta - sự đóng cửa nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, còn gọi là Mác-cô, nơi thánh Phêrô tới gõ cửa sau khi được giải thoát.

Phút suy tư: Lòng tốt

Lòng tốt
Lòng tốt là những việc làm cao đẹp nhằm giúp đỡ người khác. Lòng tốt đã tồn tại nơi con người từ khi họ xuất hiện trên trái đất, như một thuộc tính được Thượng đế phú bẩm. Nhờ lòng tốt, con người quan tâm và sống tình liên đới với tha nhân. Trong một xã hội hiện đại, lòng tốt càng ngày càng hiếm và trở thành một thứ “xa xỉ phẩm”. Những hành động tự nó là đơn giản, nhằm giúp đỡ người khác trong mối tương quan người với người đã trở thành “hành động lạ” và hiếm hoi. Gần đây, một số báo điện tử đưa tin và hình ảnh anh lái xe taxi đã dừng xe để đưa một cụ già sang đường ở Hà Nội. Hành động này lập tức được coi là một “hành động lạ”, được nhiều người tán dương và bình luận với những ý kiến rất tích cực. Giúp đỡ người cao tuổi là lời khuyên của ông bà cha mẹ đối với trẻ em khi chập chững vào đời và là bài học thời “vỡ lòng” mà nay được coi như một nghĩa cử anh hùng! Bởi lẽ những hành động này rất ít thấy trong cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau: hoặc người ta quá bận rộn, không có thời gian, hoặc con người đã trở nên vô cảm dửng dưng đối với người khác. Cũng có khi lòng tốt bị nghi ngờ, dẫn đến hậu quả là “làm phúc phải tội”, từ đó nảy sinh tình trạng “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”.
Từ bao đời nay, cuộc sống ở nông thôn vẫn được coi là thân thiết, nặng tình nặng nghĩa. Hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, vui buồn cùng chia sẻ. Tuy nhiên, cuộc sống an bình này cũng đang thay đổi. Do phong trào thành thị hoá nông thôn, tình làng nghĩa xóm đang dần trở nên khô khan, cách biệt. Cùng với những bức tường ngăn cách mỗi gia đình để bảo đảm an ninh và thiết lập một không gian riêng, những người láng giềng vốn gắn bó bỗng trở nên xa cách, theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”. Lòng tốt trở nên càng ngày càng hiếm.
Trong bối cảnh xã hội còn tồn tại nhiều tiêu cực, niềm tin đã bị đánh cắp. Đã có nhiều cá nhân và tổ chức nhân danh “từ thiện” để trục lợi bất chính. Đây là những hành động vô luân trái với đạo đức, vì họ lợi dụng người nghèo hoặc nỗi đau của những bệnh nhân để kiếm tiền. Thời gian qua, nở rộ những công ty, những văn phòng huy động vốn với danh nghĩa “giúp người nghèo vượt khó”, nhưng thực chất là lừa đảo, làm cho người nông dân đã nghèo nay thêm khốn đốn vì nợ nần chồng chất chưa biết đến bao giờ mới có khả năng trả nợ. Đơn cử trường hợp Trung tâm hỗ trợ người nghèo ở huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá (x. bài viết trên Báo điện tử Lao Động, ngày 21-6-2016). Nạn nhân là những người nông dân ít học, dễ tin và ôm ấp giấc mơ nhanh chóng đổi đời, nhưng niềm tin của họ đã bị trao nhầm chỗ.

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Phút suy tư: Ánh mắt yêu thương

Ánh mắt yêu thương

“Thầy đã chọn con” (Ga 15, 16)

Thông thường, khi công bố trên truyền hình hoặc báo chí, hình ảnh những nghi phạm hay những nhân vật được nêu trong trường hợp tế nhị thường được che mờ hai con mắt. Lý do tại sao? Bởi vì đôi mắt là điểm quan trọng giúp ta nhận ra một con người. Do việc xóa mờ đôi mắt, người xem dù có nhìn thấy cả khuôn mặt, cũng khó nhận ra người đó chính xác là ai. Thiếu đi đôi mắt, những khuôn mặt hầu như đều giống nhau.
Con mắt là nét đặc trưng riêng để ta nhận ra một người. Con mắt cũng là cửa sổ của tâm hồn. Những gì được đón nhận bằng con mắt, sẽ giúp chúng ta học hỏi, trau dồi kiến thức và rèn luyện phong cách để trở nên con người tốt hơn. Một cửa sổ mở ra đón nhận những điều tốt và có những điều không tốt cũng lợi dụng để ùa theo. Vì thế, lý trí là chủ nhân của cửa sổ tâm hồn phải chọn lọc để tránh những điều xấu lọt vào đôi mắt, làm cho tâm hồn băng hoại và suy đồi.
Ánh mắt đơn giản mà hàm chứa bao ý nghĩa khác nhau như một thứ ngôn ngữ không lời. Trong tiếng Việt, ánh mắt được diễn tả bằng những từ ngữ phong phú, vừa tiêu cực vừa tích cực. Quả vậy, có những cái nhìn hận thù, hằn học, căm ghét, khinh bỉ, chế giễu, giận dữ, thách thức, nhưng cũng có những ánh mắt thân thiện, bằng hữu, thông cảm, khích lệ động viên, bao dung độ lượng, âu yếm, nhân từ. Ánh mắt luôn mang một thông điệp, diễn tả trạng thái tâm hồn con người, đồng thời biểu thị tâm tình của người đó với những người có liên hệ. Một cái nhìn “đểu” có thể dễ dàng cướp đi một mạng sống; một ánh mắt bao dung có thể cứu vớt một con người. Một cái nhìn hằn học có thể tiếp tục đào hố sâu ngăn cách; một ánh mắt thân thiện có thể chấm dứt mối thù hận truyền đời.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Giáo lý ĐTC về LTX theo Tân Ước (tt) - 08.06.2016

Tất cả đều được mời dự tiệc cưới Ca-na
Gia tài của Mẹ Maria: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!"
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi triều kiến ngày 08/6/2016
"Tất cả chúng ta đều được mời tới dự tiệc cưới, để không bao giờ còn phải thiếu rượu mới nữa!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích trong Bài giáo lý bằng tiếng Ý của ngài về lòng thương xót tại Ca-na.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bình giảng về lòng thương xót trong chương 2 của Tin Mừng theo thánh Gioan, nhân buổi triều kiến chung, sáng thứ Tư, 08/6/2016 trên quảng trường Thánh Phêrô.
Ngài đã lưu ý rằng Chúa Giêsu đã mặc khải như là Chú Rể đang được nhân loại mong chờ: "Tiệc cưới Ca-na có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều chứ không phải chỉ là một đoạn kể về phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như một hộp tư trang, nó lưu giữ sự bí mật về thân phận của Người và mục đích giáng trần của Người: Chú Rể hằng được mong đợi đã phát động trong đám cưới được hoàn tất trong mầu nhiệm vượt qua. Ở tiệc cưới này, Chúa Giêsu kết nối các môn đệ của Người với chính Người, nhờ vào một giao ước mới mẻ và vĩnh viễn. Tại Cana, các môn đệ của Chúa Giêsu trở thành gia đình của Người và tại Ca-na đã nẩy sinh đức tin của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều được mời tới dự tiệc cưới đó, để không bao giờ còn phải thiếu rượu mới nữa!"
"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!": Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh về những lời của Mẹ Maria, những lời này cũng sẽ hướng dẫn đời sống Kitô giáo ngày hôm nay: Tại tiệc cưới này, một giao ước mới đã thực sự được cam kết, và các tôi tới của Chúa, nói cách khác là toàn thể Giáo Hội, nhận được một sứ vụ mới: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!".
Sau đây là bản dịch, từ tiếng Ý, Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Trước khi khởi sự Bài giáo lý, tôi muốn chào mừng một nhóm các cặp vợ chồng, sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm đám cưới của họ. Đây là rượi ngon, "rượu ngon" của gia đình! Chứng từ của anh chị em phải là tấm gương cho những cặp vợ chồng trẻ - mà tôi sẽ chào mừng sau – và cho những người trẻ nói chung. Thật là một chứng từ tốt đẹp. Xin cám ơn vì chứng từ của anh chị em. Sau khi bình giảng một số dụ ngôn về lòng thương xót, hôm nay, chúng ta hãy dừng chân trước phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, mà thánh sử gia Gioan gọi là "những dấu lạ", bởi vì Chúa Giêsu không làm ra để dấy động sự kinh ngạc thán phục, mà để mặc khải tình yêu thương của Thiên Chúa Cha. Dấu lạ đầu tiên trong những dấu lạ này đã được thánh Gioan kể lại (x. Ga 2, 1-11), và đã diễn ra tại Ca-na, xứ Ga-li-lê. Giống như một thứ "cửa ra vào", trên đó có khắc ghi những lời nói và những thành ngữ làm sáng tỏ mầu nhiệm Đức Kitô và mở lòng cho các môn đệ ra với đức tin. Đây là một vài dấu lạ:

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Đại hội Giới trẻ GPXL - 05.06.2016

Đại hội Giới trẻ Giáo phận Xuân Lộc 2016
Video sinh hoạt giới trẻ GPXL - 05.06.2016
Lúc 8g30 sáng Chúa Nhật ngày 05/06/2016, gần 2500 bạn trẻ của 12 giáo hạt đến từ khắp nơi trong toàn giáo phận Xuân Lộc đã tề tựu về Nhà thờ Thanh Hoá, giáo hạt Hoà Thanh để cùng với người Cha chung giáo phận, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và mừng lễ bổn mạng Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, một người con quê hương của Giáo xứ Tân Triều. 

"Giới Trẻ - Những sứ giả của lòng thương xót". Đây cũng chính là chủ đề đã được Ban mục vụ Giới Trẻ chọn đặc biệt riêng cho ngày gặp gỡ nhất là trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngoài ra, về tham dự "Ngày Giới Trẻ Giáo Phận" năm nay, các bạn trẻ còn vinh dự được đón tiếp quý Cha quản hạt, Cha quản hạt Hoà Thanh, Cha đặc trách Giới trẻ giáo phận Đaminh Nguyễn Thành Tiến, Cha Chính xứ giáo xứ Thanh Hoá, quý Cha trong Ban mục vụ Giới trẻ giáo phận và giáo hạt, quý Tu sĩ nam nữ, và quý Ban hành giáo cùng đồng hành. 

Mở đầu ngày họp mặt là phần chia sẻ sâu sắc của Cha Giuse Vũ Đức Hiệp, Chính xứ Tân Triều về "Cuộc đời của Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, một chứng nhân của lòng thương xót". Qua gương tiểu sử của thánh nhân, các bạn trẻ đã được cảm nghiệm lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho mỗi người, cách riêng là Thánh Phaolô Hạnh - một kết quả của Lòng Chúa thương xót, một bông hoa đức tin anh dũng bên vệ đường nhưng sau cùng đã toả mùi hương cách lạ lùng để trở thành vị thánh của Giáo Hội và của Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc. Học tập gương nhân đức của Ngài, các bạn trẻ đã mạnh dạn đến với Bí tích Hoà Giải để được Chúa xót thương, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực hơn, sẵn sàng trở thành Sứ giả của Ngài và mang tình yêu ấy đến cho tha nhân. Cũng trong tâm tình tạ ơn, các bạn trẻ đã cùng nhau ca vang bài hát: "Tôi là Kitô hữu" để tạ ơn Chúa vì hồng ân mà Chúa đã ban cho Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, một giang hồ Kitô. 

Liên hệ đến các bạn trẻ, Cha Giuse, Ngài đề cập tới chứng bệnh vô cảm, lối sống thử và thích hưởng thụ đang lan tràn trong xã hội ngày nay, vốn là hậu quả của việc "chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa". Theo đó, những giá trị sống như lòng yêu thương, sự trung thực, tình bao dung, cũng như tinh thần trách nhiệm rất nhạt nhòa và hời hợt nơi các bạn trẻ. Ngài phân tích và gợi ý chữa lành bằng lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: "hãy mở lòng mình ra với Lòng thương xót của Chúa, mở tâm hồn và bản thân ra để Chúa Giêsu có thể ngự đến" bằng cách đi xưng tội và có lòng thương xót với tha nhân. Đây là cách rõ ràng và dứt khoát mời gọi Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc.

Đến chia sẻ niềm vui với Giới trẻ giáo phận, quý Sơ Dòng Phan Sinh Đức Mẹ Thừa Sai đã đưa các em khiếm thị "Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa" đến trình bày ba bản nhạc thật đặc sắc và ý nghĩa với giai điệu thật xúc động, đã đánh động tâm hồn nhiều người trẻ nhưng đồng thời cũng truyền tải một thông điệp tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. 


Video tiết mục văn nghệ do các em khiếm thị biểu diễn

 
Ngay sau các tiết mục xen kẽ, Đức Cha Giuse đã gặp gỡ, giảng cho các bạn trẻ giáo phận với bài chia sẻ định hướng và đặt rất nhiều kỳ vọng nơi Giới trẻ. Ngài đề cập tới những người đang đau khổ trong xã hội, những người đang rất cần đến tình thương yêu và sự quan tâm của cộng đồng. Riêng với Giới trẻ giáo phận, Đức Cha Giuse kỳ vọng người trẻ hôm nay sẽ là bàn tay nối dài của giáo xứ, sẵn sàng đem lòng thương xót của Chúa đến với những người nghèo khổ, đến các gia đình tăm tối, đến học đường và những người trẻ khác đang mất phương hướng. Ngài ước ao và mời gọi các bạn trẻ hãy lên đường, đồng thời ký thác sứ mệnh Lòng Thương Xót "ra đi" và "khơi lên" trong giáo phận bầu khí yêu thương và ngọt ngào mang đậm "chất thương xót" để từ đó mỗi người đều là những Sứ giả của Chúa, là chim én lớn nhỏ của ông hoàng Giêsu, đem tình yêu của Ngài đến khắp muôn nơi. 
Đức Cha Giuse gặp gỡ giới trẻ GPXL

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Tâm tình chia sẻ của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - Thánh lễ Khởi Đầu Sứ Vụ Mục Tử - 31.05.2016

THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỨ VỤ MỤC TỬ
Nhà thờ Chánh Tòa Xuân Lộc
Ngày 31/5/2016
 
TÂM TÌNH TRI ÂN VÀ ĐÔI TÂM TƯ GỬI GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN

Trọng kính quý Đức Tổng, quý Đức Cha,
Kính thưa quí Đức Ông và quí Cha Tổng Đại Diện, quí Viện Phụ, quí Cha Bề Trên và Nữ tu Bề Trên các Hội Dòng, Tỉnh Dòng, quí Cha Giám đốc Đại Chủng viện, quí Cha Quản Hạt, quí Cha, quí Bề Trên, quí Tu sĩ nam nữ, quí thầy chủng sinh,
Kính thưa quí Ông Bà, anh chị em và họ hàng, thân hữu.

1. Trong tâm tình suy tôn và vâng phục Đức Tin đối với Thiên Chúa và lòng kính mến, hiếu thảo đối với Đức Thánh Cha và các Bề Trên trong Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, con xin bày tỏ lòng biết ơn rất chân thành và sâu xa đến:
·        Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam,
·        Đức Tổng Charmnien, Tổng Giáo phận Thare e Nonseng và quý Cha từ Thái Lan, là bạn học ngày xưa bên Roma,
·        Đức Cha Stephanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Giáo phận Cần Thơ đã thương chia sẻ Lời Chúa cho cộng đoàn phụng vụ hôm nay.
·        Đức Cha Peter Comensoli, Giám mục Giáo phận Broken Bay (Australia) là Giáo phận kết nghĩa với Giáo phận Xuân Lộc vì bận công việc mục vụ, hiện diện qua cha đại diện.
·        Quý Đức Ông, quý Cha Tổng Đại Diện, quý Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện, quý Cha, quý Nữ Tu Bề Trên các Hội Dòng, Tỉnh Dòng và tất cả quý khách.
Giáo phận Xuân Lộc và cá nhân con hết lòng biết ơn quý Đức Tổng, quý Đức Cha và tất cả quý khách. Sự hiện diện của quý ngài đem lại niềm vui cho chúng con, lời cầu nguyện của quý ngài kéo ơn lành của Chúa xuống cho mọi con cái Giáo phận Xuân Lộc chúng con.
Bây giờ con xin phép quý khách để có đôi lời với con cái Giáo phận Xuân Lộc.

2. Kính thưa quý Cha, quý Tu Sĩ nam nữ, quý Chủng Sinh và quý Ông Bà, Anh Chị Em, con cái Giáo phận Xuân Lộc,
Ngày 18/5 vừa qua, Giáo phận chúng ta đã dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Đức Cha Đaminh vì cả cuộc đời linh mục và nhất là 12 năm Giám mục hướng dẫn Giáo phận với biết bao hy sinh. Cùng với Đức Cha Đaminh, Giáo phận cũng dâng lời tri ân Đức Ông Vinh Sơn đã cùng sát cánh với Đức Cha Đaminh trong trách vụ Tổng Đại Diện Giáo phận suốt 12 năm trời. Hôm nay, Linh mục đoàn và Đại diện mọi thành phần Dân Chúa của Giáo phận tụ họp nhau về ngôi Nhà thờ Chánh Tòa của Giáo phận tham dự Thánh lễ, để xin Chúa chúc lành cho Giáo phận chúng ta và cầu nguyện cho tôi trong sứ vụ mục tử Chúa trao phó.
Nhân dịp này tôi muốn bày tỏ đôi tâm tình với gia đình Giáo phận. Tôi cảm tạ Chúa vì được thừa hưởng một gia tài quý báu là Giáo phận Xuân Lộc. Tôi đón nhận gia tài này với tất cả lòng trân trọng vì đây là một viên bích ngọc và là món quà quý báu của Chúa Thánh Thần trao ban cho tôi.
Gia tài này là kết tinh của một hành trình 50 năm của đoàn Dân Chúa, dưới sự dẫn dắt của bốn Đức Giám Mục tiền nhiệm của tôi: Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật và Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh. Quý Đức Cha là những mục tử tài ba và thánh thiện, đã dẫn đưa con thuyền Giáo phận Xuân Lộc trong những thời điểm rất khó khăn và các ngài đã để lại cho chúng ta những dấu ấn không thể phai nhòa.