Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Huấn từ ĐTC ngày 21.08.16 - Cánh cửa cứu độ tuy hẹp nhưng luôn rộng mở

Cánh cửa cứu độ tuy hẹp nhưng luôn rộng mở

Kinh Truyền Tin ngày 21 tháng 8 năm 2016 (toàn văn)


Kinh Truyền Tin ngày 21/8/2016
Cửa cứu độ là "một cửa ngõ hẹp nhưng luôn rộng mở", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định như vậy trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 21/8/2016: "hẹp là để cầm nén tính kiêu ngạo của chúng ta làm cho chúng ta căng phồng" và "rộng mở bởi vì Thiên Chúa đón nhận chúng ta không phân biệt ai".
Từ một cửa sổ của dinh Giáo Hoàng trông xuống quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, Đức Giáo Hoàng đã giải thích cho đám đông rằng cửa ngõ cứu độ nhỏ hẹp "yêu cầu chúng ta hạn chế và cầm nén tính kiêu ngạo của chúng ta và nỗi lo sợ của chúng ta, để mở lòng chúng ta ra [với Thiên Chúa] với một tâm hồn khiêm nhường và tin tưởng, đồng thời nhìn nhận chúng ta là những kẻ tội lỗi, đang cần đến sự tha thứ của Người".
"Khi bước qua cửa ngõ Chúa Giêsu, ngài nói thêm, (…) chúng ta có thể thoát ra khỏi những thái độ trần tục, những thói xấu, những kiêu ngạo và khép kín". Và Đức Giáo Hoàng mời gọi các Kitô hữu hãy xét mình về điều ngăn trở mình bước qua ngưỡng cửa đó: "cái kiêu ngạo của tôi, cái tự mãn của tôi, các tội lỗi của tôi".
Trong suốt bài suy niệm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi đừng bỏ lỡ thời cơ bước qua cửa ngõ bằng cách kềm nén bản thân "đừng có những lời lẽ kinh điển về cứu độ", nhưng "hãy chớp lấy những thời cơ cứu độ". "Đời sống không phải là một trò chơi video, cũng không phải là một bộ phim tập trên truyền hình, ngài nhấn mạnh; cuộc đời chúng ta là nghiêm túc và mục đích phải đạt tới là quan trọng: sự cứu độ đời đời".
AK
Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Bài Phúc Âm ngày hôm nay khuyên chúng ta hãy suy ngẫm về đề tài cứu độ. Thánh Sử Gia Luca kể rằng Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem, và trên hành trình của Người, có kẻ đã tiến gần Người và hỏi: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, phải không?" (Lc 13, 23). Chúa Giêsu không đưa ra một câu trả lời trực tiếp, nhưng chuyển cuộc đối đáp sang một tầng cấp khác, với một ngôn ngữ gợi ý, mà thoạt đầu, các môn đệ có thể không hiểu: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được" (c. 24). Với hình ảnh cánh cửa, Người muốn cho những thính giả của Người hiểu rằng không phải là vấn đề số lượng – có bao nhiêu người sẽ được cứu độ -, không cần biết sẽ có bao nhiêu người, mà quan trọng là tất cả mọi người biết được đâu là con đường sẽ dẫn đến sự cứu độ: khung cửa.
Hành trình đó, con đường đó, dự kiến là người ta phải bước qua một khung cửa. Nhưng khung cửa đó ở đâu? Khung cửa đó như thế nào? Ai là khung cửa đó? Chính Chúa Giêsu là khung cửa. Chính Người đã phán điều này trong Phúc Âm theo thánh Gioan: "Tôi là cửa" (x. Ga 10, 9); Người dẫn dắt chúng ta vào sự hiệp thông với Chúa Cha, nơi chúng ta sẽ tìm thấy tình yêu, sự thông hiểu và chở che. "Nhưng tại sao cửa này lại hẹp ?", người ta có thể tự hỏi. Tại sao Người lại phán cửa hẹp? Đây là một cửa hẹp không phải vì nó áp bức, không, nhưng vì nó yêu cầu chúng ta hạn chế và cầm hãm tính kiêu ngạo và sợ hãi của chúng ta, để mở lòng chúng ta ra với Người với một tâm hồn khiêm nhường và tin tưởng, đồng thời nhìn nhận chúng ta là những kẻ tội lỗi, đang cần đến sự tha thứ của Người. Chính vì thế mà nó hẹp, để cầm hãm tính kiêu ngạo của chúng ta đang làm chúng ta căng phồng. Cửa lòng thương xót của Thiên Chúa tuy hẹp, nhưng luôn luôn rộng mở, và rộng mở cho tất cả mọi người! Thiên Chúa không thiên vị, mà Người luôn đón nhận mọi người, không phân biệt. Một khung cửa hẹp để giới hạn tính kiêu ngạo và nỗi sợ hãi của chúng ta, rộng mở bởi vì Thiên Chúa đón nhận chúng ta không phân biệt ai. Và sự cứu độ Người ban cho chúng ta là một luồng lòng thương xót không ngừng xô đổ mọi rào cản và mở ra những viễn cảnh kỳ dị của ánh sáng và bình an. Một khung cửa hẹp nhưng luôn luôn rộng mở, anh chị em đừng quên điều này: cửa hẹp nhưng luôn luôn rộng mở.

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Giáo lý ĐTC về LTX (tt) - Lòng Thương Xót, khí cụ của hiệp thông.


Trở thành "tôi tớ của lòng thương xót"

Bài giáo lý ngày 17 tháng 8 năm 2016 (toàn văn)
Audience générale du 17 août 2016
Triều kiến chung ngày 17/8/2016
Sống hiệp thông với Đức Kitô không có nghĩa là "thụ động và xa lạ với cuộc sống hàng ngày", mà là cống hiến cho thế giới "dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót và sự quan tâm của Đức Kitô", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định như vậy trong buổi triều kiến chung ngày 17/8/2016. Như vậy, mỗi người tín hữu đều được kêu gọi hãy "trở thành tôi tớ của lòng thương xót", hoạt động với "sự thương cảm" của Đức Kitô.
Trong buổi triều kiến tại Hội Trường Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng đã xoáy Bài giáo lý của ngài vào sự kiện hóa bánh ra nhiều, và so sánh với bí tích Thánh Thể: "Trong lúc nuôi dưỡng chúng ta bằng Đức Kitô, bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành cũng dần dần thay đổi chúng ta thành Mình Thánh Chúa Kitô và thành của uống thiêng liêng cho anh em chúng ta".
Bổn phận của các môn đệ, Đức Giáo Hoàng còn giải thích, là "làm cho dân chúng no đủ và giữ cho họ hiệp nhất, nghĩa là phục vụ cho cuộc sống và sự hiệp thông". Ngài đã đưa ra một điều mong ước rằng "mỗi người trong chúng ta có thể là một khí cụ của hiệp thông trong chính gia đình của mình, trong chỗ làm việc của mình, trong giáo xứ của mình và trong những nhóm mà mình thống thuộc, một dấu chỉ hiển thị của lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng không muốn để ai trong sự cô đơn và thiếu thốn".
AK
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Lòng Thương Xót, khí cụ của hiệp thông (x. Mt 14, 13-21)
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay, chúng ta sẽ suy niệm về phép lạ hóa bánh ra nhiều. Đầu bài của thánh Mátthêu (x. Mt 14, 13-21), Chúa Giêsu mới nhận được tin về cái chết của ông Gioan Tẩy Giả và Người đã băng qua hồ bằng thuyền để đi tìm "một nơi hoang vắng, riêng biệt" (c. 13). Nhưng dân chúng nghe biết và đã đi bộ trước Người, vì thế "lúc ra khỏi thuyền, Người trông thấy một đoàn người đông đảo; Người chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ". Chúa Giêsu là như thế đó: Luôn luôn chạnh lòng thương, luôn nghĩ đến người khác. Người ta bị ấn tượng bởi lòng quyết tâm của đám đông đang lo sợ bị bỏ lại một mình, như bị bỏ rơi. Sau cái chết của ông Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ có nhiều uy tín, đám đông trông cậy cả vào Chúa Giêsu, Đấng mà chính ông Gioan đã nói: "Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi" (Mt 3, 11). Như thế dân chúng chạy theo Người khắp nơi, để nghe Người giảng dạy và đưa những người bệnh hoạn đến cho Người. Và khi thấy điều này, Chúa Giêsu đã cảm động. Chúa Giêsu không lạnh lùng, Người không có một trái tim lạnh lùng. Chúa Giêsu có khả năng xúc động. Một mặt, Người cảm thấy mình gắn liền với đám đông này và không muốn họ đi; mặt khác, Người cần những lúc một mình, để cầu nguyện, với Chúa Cha. Rất thường khi, Người cầu nguyện Cha Người suốt đêm.
Ngày hôm đó cũng vậy, Thầy đã dành cả cho đám đông. Lòng thương cảm của Người không phải là một tình cảm vu vơ; trái lại, Người tỏ ra tất cả sức mạnh của ý chí muốn gần gũi chúng ta và cứu độ chúng ta. Chúa Giêsu thương yêu chúng ta biết bao; Người muốn gần gũi chúng ta.