Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Huấn từ ĐTC Phanxicô ngày 28.09.16 - Hãy nhìn lên Thánh Giá


"Hãy nhìn lên Thánh Giá",
Đức Giáo Hoàng nói với những người đang đau khổ

Bài giáo lý ngày 28 tháng 9 năm 2016 (toàn văn)
Buổi triều kiến chung ngày 28/9/2016
"Với người đang bệnh liệt giường, với người đang sống giam cầm trong nhà tù, với những người bị bao vây trong chiến tranh, tôi nói: hãy nhìn lên Thánh Giá, Thiên Chúa ở cùng anh chị em, Người ở lại cùng anh chị em trên Thánh Giá và Người hiến mình cho mọi người như Đấng Cứu Thế, cho tất cả chúng ta. Với anh chị em đang chịu nhiều đau khổ, tôi nói: Chúa Giêsu bị đóng đinh vì anh chị em, vì chúng ta, vì tất cả mọi người". Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra thông điệp này trong Bài giáo lý hàng tuần của ngài, trên quảng trường Thánh Phêrô, ngày 28/9/2016.
Ngài đã khuyến khích: "Anh chị em hãy để sức mạnh Phúc Âm thẩm thấu con tim anh chị em và an ủi anh chị em, ban cho anh chị em niềm hy vọng và sự khẳng định thâm sâu rằng không ai là người bị loại ra khỏi sự tha thứ của Người".
"Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khi ở trên Thánh Giá. Tất cả chúng ta đều biết rằng, không dễ gì "ở trên Thánh Giá", trên những cây Thánh Giá nhỏ bé hàng ngày của chúng ta. Người, trên cây Thánh Giá lớn, trong sự đau đớn tột độ, Người đã ở trên đó và từ trên đó, Người đã cứu chuộc chúng ta", Đức Giáo Hoàng nói tiếp trước đám đông đến Vatican để dự buổi triều kiến chung ngày thứ Tư. "Khi chịu chết trên cây Thánh Giá, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh, Người vô tội ở giữa hai tên tội đồ, Người chứng thực rằng sự cứu độ của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ người nào, trong bất cứ tình trạng nào, kể cả tình trạng tiêu cực và đau thương nhất".
Cũng như thế, "Giáo Hội không chỉ dành cho những người tốt lành hay những người tỏ ra tốt lành hoặc nghĩ rằng mình tốt lành; Giáo Hội là dành cho tất cả mọi người, và còn chiếu cố nhiều đến những kẻ hung dữ, bởi vì Giáo Hội là lòng thương xót".
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh một mâu thuẫn: người trộm lành, một người ăn trộm "đã trộm được nước trời", trở thành "mẫu mực của người Kitô hữu phó thác vào Chúa Giêsu". "Một kẻ tử tù lại là khuôn mẫu của chúng ta". Một khuôn mẫu mà tiếp theo đó, Đức Giáo Hoàng khuyến khích hãy thực hiện những lời nguyện ngắn "nhiều lần trong ngày": "Giêsu, Giêsu" chỉ thế thôi".   
AK
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Những lời Chúa Giêsu phán trong cuộc Thương Khó của Người đã đạt đến đỉnh cao của sự tha thứ. Chúa Giêsu tha thứ: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34). Không phải chỉ là lời nói, vì những lời đó đã trở thành một hành động cụ thể trong sự tha thứ ban cho "người trộm lành" ở bên cạnh Người. Thánh Luca nói về hai tên gian phi bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, họ nói với Người bằng hai thái độ trái ngược nhau.

Vượt tháng sự sầu khổ bằng cầu nguyện - Tv 87 (88)


Vượt thắng sự sầu khổ bằng cầu nguyện
Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 27.09.2016

Điều gì xảy ra trong tâm hồn khi chúng ta đang trong sầu khổ? Đó là câu hỏi Đức Thánh Cha gợi ý trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, xoay quanh nhân vật ông Gióp. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của thinh lặng và cầu nguyện trong việc vượt thắng những giây phút đen tối nhất.
Đức Thánh Cha phát triển bài giảng từ bài đọc trích sách Gióp. Ông Gióp rơi vào tình trạng bấn loạn vì ông đã mất hết mọi sự. Ông bị mất hết tài sản, thậm chí mất con cái. Giờ đây ông cảm thấy mất mát và cùng quẫn, nhưng ông không than trách Thiên Chúa.

Sớm hay muộn thì chúng ta cũng trải qua sự sầu khổ ghê gớm
Ông Gióp sống trong sự sầu khổ khủng khiếp và ông kêu gào lên Chúa, giống như đứa trẻ khóc nặng trước mặt cha mình. Ngôn sứ Giêrêmia cũng từng làm như thế, nhưng không bao giờ than trách Chúa.  
Sự sầu khổ là điều gì đó xảy ra cho tất cả chúng ta. Khi ấy linh hồn đang trong tối tăm, thất vọng, nghi ngờ, không muốn sống, không thấy ánh sáng ở cuối con đường, sự rối bời trong tâm trí… Sự sầu khổ này làm chúng ta cảm thấy linh hồn bị giày vò rằng: thất bại, thất bại, không muốn sống, chết đi còn hơn! Điều ấy đã xảy ra với Gióp. Ông thấy thà chết còn hơn là sống như thế này. Chúng ta phải hiểu những lúc tăm tối xảy ra cho linh hồn, những lúc ấy dường như ngừng thở. Dù mạnh hay không… tình trạng này xảy ra cho tất cả chúng ta. Cần hiểu được điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta khi ấy.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì trong những giây phút đen tối ấy, những bi kịch xảy đến gia đình, bệnh tật… Có người nghĩ tới viên thuốc an thần… Những cách ấy chẳng giúp ích. Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy cách thế để đối diện với sự sầu khổ này, với sự tuyệt vọng này.

PST tháng Mân Côi: Lời chào huyền diệu

Lời chào huyền diệu
Chào hỏi là cử chỉ đầu tiên khi hai người gặp gỡ nhau. Tùy theo cách thức chào hỏi mà người ta nhận ra mối tương quan giữa hai người, cũng như địa vị của họ. “Ave Maria – Kính chào Bà Maria” là lời chào của Sứ thần Gabrien trong ngày truyền tin. Lời chào ấy, vừa thể hiện sự kính trọng, vừa là lời tôn vinh các nhân đức của Đức Trinh nữ. Lời chào thân thương ấy đã trở thành lời kinh quen thuộc của người Công giáo chúng ta.
Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Sứ thần Gabrien và Đức Trinh nữ thành Nagiarét. Sự kiện này được chính Đức Maria kể lại cho tác giả như một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời mình. Gabrien là vị sứ thần được Chúa sai từ trời xuống chào kính Đức Trinh nữ và loan báo mầu nhiệm Nhập Thể. Đây thật là lời chào huyền diệu, hàm chứa những ý nghĩa sâu xa. Lời chào này không chỉ khởi đầu cho cuộc gặp gỡ giữa cá nhân, mà còn là khởi đầu của công cuộc Nhập thể cứu độ trần gian.
Trong Cựu ước, nhiều cuộc gặp gỡ giữa các thiên sứ (hay người của Thiên Chúa) với người phàm được ghi lại, như trường hợp của ông Abraham hay các ngôn sứ. Tuy vậy, không có một cuộc gặp gỡ nào được diễn tả với thể thức chào hỏi kính trọng, như lời chào của Sứ thần Gabrien. Lời chào của Sứ thần là lời chào của chính Thiên Chúa, Đấng sai Sứ thần đến gặp Đức Trinh nữ Maria. Sứ thần có sứ mạng chuyển tải một thông điệp, với nội dung như Đấng sai mình đã truyền dạy.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Tâm tình tri ân - Lễ STTG 14.09.2016


TÂM TÌNH TRI ÂN


"Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương"​

(Tv 136,1)

Trọng kính Đức ông Vinhsơn,
Kính thưa cha Giuse - LH PT Cursillo GP,
Kính thưa quý cha, quý tu sĩ linh hướng,
Thưa toàn thể quý anh chị cursillistas rất quý mến,
​Ngày Truyền Thống của PT Cursillo Xuân Lộc 14/9 vừa qua đã diễn ra trong một bầu khí đầy ắp yêu thương của tình Chúa với tình người. Chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã gắn kết anh chị em lại với nhau. Hơn 400 anh chị em đã về họp mặt để cùng tham dự Đại Ultreya và Thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa - Niềm vinh quang của những người tin vào Chúa. 
​​Trong hồng ân Năm Thánh Lòng Thương Xót, để hướng tâm tình cho ngày sinh hoạt truyền thống của PT Cursillo Xuân Lộc, Ban linh hướng đã khích lệ ACE suy tôn Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua đời sống chứng nhân trong các môi trường.
Qua các sinh hoạt Phong trào và qua các chứng từ chia sẻ, nhận thấy sự nỗ lực của anh chị em giáo dân trong PT Cursillo với công cuộc Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội, nên trong Đại Ultreya lần này, Ban Linh hướng cũng đã nhóm họp, để tìm phương cách đồng hành hướng dẫn từng Liên Nhóm, từng anh chị em cursillista, góp phần thăng tiến PT Cursillo trong sứ vụ của Giáo Hội. Do đó, với sự khích lệ của Đức ông Vinhsơn, Cha LHGP và quý Linh hướng cũng đã lên kế hoạch tổ chức Hội thảo Linh hướng, để cùng với anh chị em giáo dân sống và chia sẻ Đặc Sủng Cursillo. Đây là điều mà chúng con nguyện ước từ lâu vì sinh hoạt PTXL trải rộng trên 12 LN với hơn 1.230 cursillistas, anh chị em dấn thân trong các môi trường với những thách đố của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội hôm nay, nên rất cần được sự đồng hành hướng dẫn của quý linh hướng trong tiến trình thánh hóa bản thân và Phúc âm hóa môi trường.
Tạ ơn Thầy Chí Thánh đã thương và chúc lành cho mọi cố gắng của quý linh hướng và toàn thể quý anh chị cursillistas.
Qua sự cầu nguyện của quý linh hướng, cộng với những Palancas ACE thực hiện hằng ngày, cây Cursillo sẽ sinh nhiều hoa trái, đem lại niềm vui cho những tâm hồn khát khao Thiên Chúa.
Chúng con xin chân thành tri ân Đức cha Giuse và Đức cha Đaminh.
Tri ân Đức ông Vinhsơn, cha LH Giuse, quý cha, quý tu sĩ linh hướng.
Xin cám ơn sự cộng tác của tất cả quý anh chị cursillistas trong toàn GP.
Xin Thầy chúc lành cho mọi cố gắng của chúng con.

De Colores! Ultreya!
BPV Cursillo Xuân Lộc

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Bản tin số 27 - T.09.2016

BẢN TIN ULTREYA
SỐ 27 - T.09/2016
Mời xem và download tại đường link:


LỜI NGỎ:


Kính thưa quý cha, quý tu sĩ linh hướng, và quý anh chị cursillista rất quý mến,
Bản tin số 27, tháng 09/2016 phát hành trong dịp mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá, ngày sinh hoạt truyền thống của Phong trào Cursillo Xuân Lộc. Lễ mừng năm nay lại càng ý nghĩa hơn vì trong bầu khí hân hoan của Năm Thánh Lòng Thương Xót, anh chị em đón nhận và chia sẻ ân sủng từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và cùng nhau có những quyết tâm: tôn vinh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa bằng đời sống hoán cải và canh tân, thực thi lời mời gọi của Chúa và các vị chủ chăn, đó cũng chính là tinh thần Đặc Sủng PT Cursillo, mời gọi cursillistas đến với những anh chị em đau yếu bệnh tật, những người nghèo khó, neo đơn, những anh chị em vì hoàn cảnh còn sống xa cách Chúa và Giáo Hội của Người, đang rất cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để chia sẻ, đỡ nâng và trợ giúp trong tinh thần: Tìm Bạn, Kết Bạn và Đem Bạn về với Chúa.
Nét chính trong huy hiệu của PT Cursillo chính là Thánh Giá Chúa Kitô. Là cursillistas, người môn đệ theo Chúa, chúng ta được mời gọi tôn vinh Thánh Giá Chúa, không phải bằng nghi lễ, nhưng bằng chính đời sống chứng nhân nơi môi trường Chúa đặt để chúng ta.
Với tâm tình và ý nghĩa đó, ước mong anh chị em cursillistas cùng cầu nguyện và chung lòng góp sức trong KHMV 2016-2017 của PTXL, hướng đến kỷ niệm 50 năm PT Cursillo hiện diện tại XL-VN (1967-2017), cùng sống và chia sẻ, học hỏi Đặc Sủng Cursillo, góp phần xây dựng Giáo Hội và Xã Hội hôm nay.
Anh chị em chúng ta hãy cùng nhau tiến lên. De Colores! Ultreya!
BPV PT Cursillo Xuân Lộc

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Giáo lý Năm Thánh LTX (tt): Chúa Giêsu là khí cụ LTX của Thiên Chúa


Đi sâu vào mầu nhiệm nhân từ của Chúa Giêsu

"Chúng ta hãy dấn thân, đừng đưa ra một trở ngại nào đề kháng lại lòng thương xót của Cha"

Triều kiến chung ngày 07/9/2016
"Đi sâu bào mầu nhiệm nhân từ của Chúa Giêsu, để nắm bắt lấy lòng nhân từ và thương xót của Người", đó là điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị trong Bài giáo lý ngài ban bằng tiếng Ý trong buổi triều kiến chung hôm thứ Tư 07/9/2016, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Giáo Hoàng mời gọi hãy dẹp bỏ những chướng ngại vật ngăn trở sự tiếp nhận lòng thương xót đó: "Chúng ta, các Kitô hữu, chúng ta tin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô và ước muốn của chúng ta là được lớn lên trong kinh nghiệm sống động mầu nhiệm tình yêu của Người. Chúng ta hãy dấn thân đừng đưa ra một trở ngại nào đề kháng lại lòng thương xót của Cha, mà hãy cầu xin ơn có một đức tin to lớn để chúng ta cũng trở thành những dấu hiệu và khí cụ của lòng thương xót".
Sau đây là bản dịch đầy đủ Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về lòng thương xót.
AB
Chính lòng thương xót cứu độ (x. Mt 11, 2-6)
Thân chào quý anh chị em!
Chúng ta đã nghe một đoạn Tin Mừng thánh Mátthêu (11, 2-6). Chủ ý của thánh sử gia là đưa chúng ta đi sâu vào trong mầu nhiệm của Chúa Giêsu, để nắm bắt lấy lòng nhân từ và thương xót của Người. Đoạn đó như sau; Ông Gioan Tẩy Giả sai các môn đệ mình đến với Chúa Giêsu – ông Gioan lúc đó ngang ngồi tù - để đặt một câu hỏi rất minh bạch: "Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (c. 3) Đó đúng là môt lúc tối tăm… ông Gioan Tẩy Giả đã lo âu đợi chờ Đấng Mêsia và, trong rao giảng của ông, ông đã vẽ ra một chân dung mãnh liệt, như một vị quan tòa sẽ cuối cùng thiết lập Nước Thiên Chúa và thanh tẩy dân Người, khen thưởng người lành, trừng phạt kẻ dữ. Ông đã giảng như thế này: "Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt, đều bị chặt đi và quăng vào lửa" (Mt 3, 10). Bây giờ lại thấy Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người với một phong cách khác hẳn, ông Gioan cảm thấy đau buồn bởi vì ông ở trong tình trạng hai lần đen tối: cái đen tối của phòng giam, nhà tù, và cái đen tối trong tâm khảm. Ông không hiểu cái phong cách đó của Chúa Giêsu và muốn biết có phải thật Người là Đấng Mêsia hay ông còn phải chờ ai khác.
Và câu trả lời của Chúa Giêsu dường như, lúc mới nghe, không đáp ứng câu hỏi của ông Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu quả đã phán "Các anh cứ về thuật lại với ông Gioan những điều mắt thấy, tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!" (c. 4-6). Cầu này, chủ ý của Chúa Giêsu đã rõ ràng; Người trả lời rằng: Người là khí cụ cụ thể của lòng thương xót của Thiên Chúa. Người mù, người què, người cùi, người điếc tìm thấy lại phẩm giá của mình và đã không còn bị loại bỏ vì bệnh tật của mình, người chết hồi sinh trong lúc Tin Mừng được loan báo cho người nghèo. Và điều này trở thành sự tổng hợp hành động của Chúa Giêsu, như thế khiến cho hành động của chính Thiên Chúa được hiển thị và sờ mó được.

Lễ phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta - 04.09.2016


Lễ phong thánh: Tình yêu nhưng không và tự do của
thánh Têrêxa thành Calcutta


Toàn văn bài giảng huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Lễ phong thánh Mẹ Têrêxa thành Calcutta 04/9/2016
"Lòng Thương Xót đối với Mẹ là "muối" mang đến mùi vị cho mỗi công trình của Mẹ, và "ánh sáng" chiếu rọi những tối tăm của những ai không còn cả lấy nước mắt để khóc cho sự khó nghèo và đau khổ của mình", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong bài giảng lễ tuyên phong hiển thánh cho Mẹ Têrêxa thành Calcutta, ngày Chúa Nhật 04/9/2016 này, trên quảng trường Thánh Phêrô, trước hàng trăm ngàn người. Ngài đã nhấn mạnh đến sự tự do.
Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến "những vùng ngoại vi" được thăm viếng và nâng đỡ bởi Mẹ Têrêxa, như một sự viếng thăm của Thiên Chúa: "Sứ mạng của Mẹ trong các vùng ngoại vi các thành phố và trong những vùng ngoại vi của cuộc sống kéo dài ở thời đại chúng ta như một sự làm chứng hùng hồn cho sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo khó giữa những người khó nghèo".
Ngài đã gửi gấm tấm gương tự do cho những ai đã dấn thân trong công tác thiện nguyện bên cạnh người nghèo và những người bệnh hoạn: "Hôm nay, tôi đặt hình ảnh biểu tượng của người phụ nữ này và của người thánh hiến trong thế giới thiện nguyện: mong rằng Mẹ là gương thánh thiện cho chúng ta!  Mong rằng người thợ xây dựng lòng thương xót này luôn giúp cho chúng ta ngày càng hiểu hơn rằng tiêu chuẩn hành động duy nhất của chúng ta là tình yêu nhưng không, tự do đối với mọi chủ thuyết và mọi ràng buộc và cống hiến cho tất cả mọi người không phân biệt tiếng nói, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo".
Sau đây là bản dịch chính thức của Tòa Thánh toàn văn bài giảng bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
AB
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
"Nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?" (Kn 9, 13). Câu hỏi này trong sách Khôn Ngoan, chúng ta vừa nghe trong bài đọc I, cho chúng ta  thấy cuộc đời chúng ta như một mầu nhiệm, mà chìa khóa diễn giải không thuộc về chúng ta. Luôn có hai tác nhân chính trong lịch sử: một đàng là Thiên Chúa, một đàng là chúng ta. Chúng ta có bổn phận nhận ra lời gọi của Thiên Chúa và, rồi sau đó, đón nhận thánh ý Người. Nhưng để đón nhận thánh ý Người mà không do dự, chúng ta có tự hỏi: thánh ý của Thiên Chúa là thế nào? Trong cùng một đoạn của Sách Khôn Ngoan, chúng ta thấy được câu trả lời: "Chính vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Người" (c. 18). Để chứng thực lời gọi của Thiên Chúa, chúng ta phải tự hỏi và hiểu được cái gì làm đẹp lòng Người. Quá nhiều khi, các ngôn sứ loan báo điều làm đẹp lòng Chúa. Thông điệp của các ngài tìm thấy một sự tổng hợp đáng ca ngợi trong câu: "Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ" (Hs 6, 6; Mt 9, 13). Mọi công trình thương xót đều làm đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì trong người anh em mà chúng ta giúp đỡ, chúng ta nhận ra chân dung của Thiên Chúa mà không ai có thể thấy được (x. Ga 1, 18). 

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Mẹ Têrêsa Calcutta, chứng nhân lòng thương xót


Mẹ Têrêsa Calcutta, chứng nhân lòng thương xót
Ngày 4-9-2016 tới đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ sự nghi thức tuyên phong hiển thánh cho Chân phước nữ tu Têrêxa Calcutta, được cả thế giới quen gọi là Mẹ Têrêxa Calcutta. Trong khung cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, việc tuyên thánh này làm nổi bật khuôn mặt Mẹ Têrêxa như chứng nhân của lòng thương xót. Chắc chắn có nhiều điều để nói về cuộc đời cũng như những công việc của lòng thương xót mà Mẹ Têrêxa đã thực hiện, riêng bài viết này chỉ muốn tập trung vào diễn văn của Mẹ Têrêxa khi lãnh giải Nobel Hoà Bình ngày 10 tháng 12 năm 1979. Sở dĩ như thế là vì khi lãnh giải Nobel Hoà Bình, Mẹ Têrêxa được cả thế giới – chứ không chỉ riêng người Công giáo – nhìn nhận và chiêm ngưỡng như chứng nhân sống động của tình yêu và lòng thương xót; đồng thời, khi ngỏ lời trong dịp này, Mẹ Têrêxa cũng không chỉ nói với người Công giáo nhưng với cả thế giới, kể cả những nhà lãnh đạo thế giới. Chính vì thế, diễn văn này rất cần được nghe lại và rút ra những bài học lớn cho đời sống làm người nói chung và đời sống đức tin Kitô giáo nói riêng.
Lời cầu xin trở thành khí cụ bình an
Có lẽ trong số những người lãnh giải Nobel Hoà Bình, chỉ có Mẹ Têrêxa Calcutta bắt đầu bài diễn văn của mình bằng một lời cầu nguyện, hơn thế nữa, còn mời mọi người cùng cầu nguyện. Mẹ đã bắt đầu thế này: “Kính thưa quý vị, khi chúng ta quy tụ ở đây để tạ ơn Chúa về giải Nobel Hoà Bình, tôi nghĩ rằng sẽ thật đẹp nếu chúng ta cùng cầu nguyện bằng Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi. Chúng tôi vẫn đọc Kinh Hoà Bình mỗi ngày sau khi rước lễ. Tôi tự hỏi không biết khi sáng tác lời kinh này cách nay bốn hoặc năm trăm năm, thánh Phanxicô có phải đối diện với những khó khăn như chúng ta đối diện ngày hôm nay không. Nhưng rõ ràng là lời kinh này rất phù hợp với chúng ta. Vì thế, xin mời quý vị cùng đọc Kinh Hoà Bình”.
Bằng cách này, Mẹ Têrêxa đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong những hoạt động bác ái và phục vụ của Mẹ. Nhờ cầu nguyện, Mẹ và các nữ tu trong dòng mới có thể “phục vụ Chúa trong mọi người”, khám phá sự hiện diện của Chúa nơi “những người nghèo nhất trong các người nghèo”, những người bị bỏ rơi. Cũng vì thế, rất nhiều lần Mẹ Têrêxa nhấn mạnh Mẹ và các chị em trong dòng không phải là những người làm công tác xã hội nhưng là “những nhà chiêm niệm giữa lòng thế giới, những người chạm đến Thân Mình Đức Kitô 24 giờ một ngày”. Lại chẳng phải là bài học quý giá cho các Kitô hữu khi thực thi những việc của lòng thương xót hay sao? Thiếu cầu nguyện, chúng ta có nguy cơ biến Giáo Hội thành một thứ cơ quan từ thiện, dù hiệu quả đến mấy, chứ không phải là Thân Thể sống động của Chúa Giêsu Kitô. Thiếu cầu nguyện, chúng ta còn có nguy cơ làm việc bác ái vì những tính toán và động lực nào khác chứ không còn là thực thi mệnh lệnh của Thầy chí thánh: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
Lời kinh mà Mẹ Têrêxa mời mọi người đọc bắt đầu bằng câu: “Lạy Chúa, xin Chúa dùng con làm khí cụ bình an của Chúa”. Xin ơn bình an thì ai cũng xin: bình an cho bản thân, gia đình, Giáo Hội, xã hội. Nhưng xin Chúa làm cho mình trở thành khí cụ bình an thì xem ra không phổ biến lắm. Vì thế, lời kinh này thay đổi cách nhìn của người môn đệ Chúa khi cầu nguyện. Không chỉ là xin và đón nhận ơn bình an cách thụ động nhưng còn là đón nhận một trách nhiệm, trở thành người xây đắp và kiến tạo bình an trong môi trường mình đang sống.
Hơn thế nữa, đây là “bình an của Chúa” chứ không phải bất cứ thứ bình an nào. Đó là sự bình an của Đấng nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy”, rồi Người nói thêm, “Thầy ban cho các con không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Đó là sự bình an của Đấng Phục sinh hiện đến giữa các môn đệ và nói “Bình an cho các con”, đồng thời cho các ông xem tay và cạnh sườn, bàn tay có dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu (Ga 20,20). Đó là sự bình an sâu xa và bền vững ngay giữa những thử thách gian nan, như sự tĩnh lặng của đáy đại dương dẫu cho mặt biển dậy sóng.