Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Huấn từ ĐTC ngày 23.11.2016 - Giáo dục là một hình thức Phúc âm hóa


"Giáo dục là một hình thức Phúc Âm hóa"


Các công trình bác ái "khuyên nhủ người nghi vấn và Giáo dục người dốt nát" (toàn văn)

23 NOVEMBRE 2016 - CONSTANCE ROQUES - PAPE FRANÇOIS



Triều kiến chung tại Hội trường Phaolô VI

Giáo dục là "một hình thức đặc biệt của Phúc Âm hóa", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định trong buổi triều kiến chung ngày 23/11/2016 trong hội trường Phaolô VI tại điện Vatican. Ngài đã ca ngợi mọi Kitô hữu đã "cống hiến đời mình trong việc giáo dục" và góp phần "trả lại phẩm giá của những người nghèo".

Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục các Bài giáo lý của ngài về những công trình lòng thương xót và dừng lại trên đề tài: "khuyên nhủ những ai nghi vấn và dạy dỗ những người dốt nát". "Ở một thế giới mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới mức cao như bây giờ, vẫn còn những trẻ em mù chữ! Đó là một sự bất công, ngài tố cáo (…) Không có Giáo dục, người ta dễ trở thành mồi ngon của sự khai thác và nhiều những hình thức bất ổn xã hội".

Ngài cũng đã suy niệm về sự nghi vấn, mà mỗi người đều có thể cảm nhận: "Những nghi vấn liên quan đến đức tin, trên chiều hướng tích cực, là một dấu chỉ chúng ta đang muốn hiểu biết thêm và cặn kẽ về Thiên Chúa, Chúa Giêsu và mầu nhiệm tình yêu của Người đối với chúng ta. Những nghi vấn này làm cho người ta lớn lên! Như thế, thật là một điều tốt lành khi chúng ta đặt những câu hỏi về đức tin của chúng ta, bởi vì như vậy, chúng ta sẽ được thúc đẩy đào sâu thêm về đức tin".

Để vượt qua những nghi vấn, Đức Giáo Hoàng đã khuyên nhủ hãy nghe Lời Thiên Chúa và "sống đức tin hết sức mình": "Chúng ta đừng khiến cho đức tin trở thành một lý thuyết trừu tượng trong đó sinh ra nhiều nghi vấn. Thay vào đó, chúng ta hãy làm cho đức tin trở thành đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy tìm cách thực hành đức tin trong sự phục vụ anh em chúng ta, nhất là những người nghèo khổ nhất. Và lúc đó, nhiều nghi vấn sẽ biến mất".

AK

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!

Năm Thánh đã bế mạc, hôm nay chúng ta trở về đời sống bình thường, nhưng vẫn còn một số suy nghĩ về các công trình lòng thương xót và như thế, chúng ta tiếp tục về đề tài này.

Sự suy nghĩ về các công trình lòng thương xót tinh thần, hôm nay, liên quan đến hai công tác gắn chặt với nhau. Đó là: khuyên nhủ những ai nghi vấn và dạy dỗ những người dốt nát, nghĩa là những người không hiêu biết. Từ ngữ "dốt nát" có vẻ quá mạnh, nhưng nó có nghĩa là những người không hiểu biết một điều gì đó và cần phải được Giáo dục. Đó là những công trình cụ thể tồn tại trong một chiều kích đơn giản, quen thuộc, gần gũi với tất cả mọi người, hay là, đặc biệt công tác thứ nhì, công tác Giáo dục, trên một bình diện mang tính thể chế hơn, có tổ chức hơn. Thí dụ, chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những trẻ em còn đang bị nạn mù chữ. Điều này không thể hiểu được: Ở một thế giới mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới mức cao như bây giờ, vẫn còn những trẻ em mù chữ! Đó là một sự bất công. Biết bao trẻ em còn đang ở trong điều kiện thiếu giáo dục! Đó là một tình trạng bất công to lớn xúc phạm đến cả phẩm giá con người. Không có giáo dục, người ta dễ trở thành miếng mồi ngon của sự khai thác và nhiều những hình thức bất ổn xã hội.

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

BẢN TIN ULTREYA SỐ 28 - T.10 & 11/2016


TRI ÂN THẦY GIÊSU

“Thầy đã chọn con” (Ga 15,6)
 
Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ và quý anh chị
Trong tâm tình cảm tạ hồng ân Chúa,
 
MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ – VUA VŨ TRỤ
MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
(20/11/2016)
PT CURSILLO XUÂN LỘC
HIỆP THÔNG CHÚC MỪNG QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ
QUÝ ANH CHỊ GIÁO CHỨC & GIÁO LÝ VIÊN
NGUYỆN XIN CHÚA BAN MUÔN HỒNG ÂN TRÊN
QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ LINH HƯỚNG
VÀ QUÝ ANH CHỊ
TẤT CẢ CURSILLISTAS VỚI VAI TRÒ LÀ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KITÔ GIÁO TRONG CÁC MÔI TRƯỜNG
CÙNG THEO GƯƠNG THẦY CHÍ THÁNH GIÊSU
ULTREYA! - ULTREYA!
 

Nhân dịp này, BPV Cursillo XL phát hành Bản tin Ultreya số 28
Bản tin ghi nhận những thông tin, hình ảnh và chứng từ chia sẻ trong hai tháng 10 và 11/2016 vừa qua.
Kính xin quý Cha, quý Tu sĩ và quý anh chị vui lòng xem và download theo đường link:
 Xin tiếp tục cầu nguyện cho công tác phát triển Phong trào được đẹp lòng Chúa và mưu ích cho ACE.
De Colores! Ultreya!
BPV Cursillo XL

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Các Thánh là ai?


CÁC THÁNH LÀ...
TÔI LÀ...
  1. Là người biết sống hòa hợp với mọi người.
  2. Là người không e ngại nhìn lại bản thân.
  3. Là người biết xoay vần cùng vũ trụ.
  4. Là người sống đơn giản.
  5. Là người có tâm hồn trẻ thơ.
  6. Là người biết rằng mình rất mỏng dòn.
  7. Là người biết khi nào cần nhún nhường một chút.
  8. Là người biết mình được yêu.
  9. Là người suy nghĩ chín chắn.
  10. Là người không ngừng lên đường.
  11. Là người biết ca hát trong nội tâm.
  12. Là người triển nở như những bông hoa nở đúng mùa.
  13. Là người chấp nhận bị lu mờ.
  14. Là người tôn trọng ý kiến người khác.
  15. Là người sống trong một thế giới thân thiện.
  16. Là người biết cười.
  17. Là người luôn tìm kiếm.
  18. Là người kiên nhẫn chờ đợi.
  19. Là người biết nghỉ ngơi đúng lúc.
  20. Là người biết rằng mình đáng được yêu.

Suy tư - cảm nghiệm: Từ vực thẳm


Từ vực thẳm

Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, Lạy Chúa,

Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con (Tv 130,1).

Thánh vịnh 130 diễn tả niềm cậy trông của người Do Thái nơi Thiên Chúa là Đấng cứu chuộc. Đây là một thánh thi thuộc thể loại “lên đền”, tức là người hành hương Do Thái thường hát khi tiến vào Đền thánh Giêrusalem. Phụng vụ Kitô giáo thường sử dụng thánh vịnh này trong các thánh lễ cầu hồn. Đây là tiếng kêu từ vực thẳm của những người cảm nhận rõ thân phận hèn yếu tội lỗi của mình trước mặt Chúa để nài xin Ngài đoái thương cứu vớt. Dù được vang lên “từ vực thẳm”, nội dung thánh vịnh không phải là tiếng kêu bi quan vô vọng, mà là lời cầu nguyện với niềm xác tín cậy trông. Trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn, chúng ta hãy suy tư về ý nghĩa của thánh vịnh này.

“Vực thẳm” trước hết là lối so sánh giữa sự cao cả của Thiên Chúa và sự hữu hạn của kiếp người. Quả vậy, Thiên Chúa chí thánh vượt xa con người phàm trần tội lỗi. Ý thức được sự bất xứng của mình, tác giả Thánh vịnh vẫn cả dám thân thưa với Chúa. Lời van nài của ông như vọng lên từ đáy vực sâu, và ông vẫn tin rằng Chúa sẽ nghe lời kinh thống thiết ấy. Không mặc cảm vì thân phận phàm hèn, chẳng thất vọng vì Chúa ngàn trùng xa cách, người tín hữu đang gặp thử thách gian nan vẫn vững lòng cậy trông và tin rằng Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của họ. Dẫu biết rằng tiếng kêu của mình giống như tiếng kêu từ vực thẳm, điều mà trong thế giới loài người tưởng chừng như vô nghĩa và vô vọng, tác giả vẫn chắc chắn rằng Chúa sẽ nghe và “lắng tai để ý”.

Khái niệm “vực thẳm” ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người cũng là một cách khiêm tốn thú nhận, nếu Chúa chấp tội theo kiểu người đời, thì chẳng có ai được cứu rỗi. Bởi lẽ con người ta ở đời chẳng lập công gì cho xứng. Nếu Chúa tha tội, là vì Ngài giàu lòng xót thương, chứ không phải vì công lao của chúng ta. Lời Thánh vịnh tóm lược giáo huấn của Cựu ước về lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài “chỉ giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 29,6). Lời cầu nguyện từ vực thẳm xuất phát từ niềm xác tín: “Bởi Chúa luôn từ ái một niềm”. Là Đấng từ ái bao dung, Thiên Chúa sẽ cứu giúp và sẽ cứu chuộc các tội nhân. Tin tưởng vào tình thương của Chúa, người tin Chúa vẫn tín thác một niềm: “Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,4).

Theo Giáo lý Công giáo, những người đã qua đời mà còn vướng mắc tội lỗi, thì họ cần phải được thanh tẩy trước khi xứng đáng ra trình diện trước nhan Đấng Tối cao. Nơi họ chịu thanh tẩy, được gọi là “Lửa luyện tội”, hoặc “Luyện ngục”. Sự hiện hữu của luyện ngục chứng minh Thiên Chúa vừa là Đấng công bằng, vừa là Đấng bao dung. Vì công bằng, nên những ai trước khi đến với Ngài phải đền bù tội lỗi họ đã phạm; vì bao dung, nên Ngài cho một cơ hội để tội nhân được thanh tẩy hết tội nhơ. Lời kinh “Từ vực thẳm” như một lời tự sự của các linh hồn đang bị giam cầm nơi luyện ngục. Chính từ nơi luyện tội này, mà các linh hồn cảm nhận được vực thẳm của sự yếu đuối tội lỗi, cũng là vực thẳm giữa Thiên Chúa chí thánh và con người phàm trần. Tại nơi này, các linh hồn bị thiêu đốt, không chỉ do ngọn lửa hình phạt, nhưng còn thiêu đốt do lòng khao khát được về với Chúa như về với cội nguồn. Nếu trong cuộc sống trần thế, chúng ta không cảm nhận được sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa, thì nơi luyện tội, các linh hồn lại thấy rõ những điều ấy. Vì thế mà lòng khao khát được kết hợp với Chúa càng trở nên mãnh liệt, để rồi, “mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người”.