Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Bài giảng ĐTC - Sống Tám Mối Phúc Thật


Nếu có "nhiều người nghèo khó trong tâm hồn hơn",
thì đã có "ít chia rẽ" trong các cộng đoàn


Bài suy ngẫm của Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin (toàn văn)

SỐNG TÁM MỐI PHÚC THẬT



Kinh Truyền Tin ngày 29 tháng 01 năm 2017

"Nếu trong các cộng đoàn của chúng ta, có nhiều người nghèo khó trong tâm hồn hơn, thì đã có ít chia rẽ, ít tranh chấp và ít đả kích nhau!". Đó là những điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố vào giờ Kinh Truyền Tin ngày 29/01/2017 do ngài chủ tọa trên quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đã kêu gọi hãy dành ưu tiên cho "sự chia sẻ" hơn là "chiếm hữu".

Dẫn nhập giờ kinh kính Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng đã suy ngẫm về bài Phúc Âm ngày hôm nay, các Mối Phúc Thật (Mt 5, 1-12a), đặc biệt về mối phúc đầu tiên: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó; vì Nước Trời là của họ" (c. 3). Tâm hồn nghèo khó, ngài giải thích, là "sự điều độ", là "khả năng nếm trải điều chủ yếu".  

Ngài đã tố cáo cái lôgic của sự "tiêu thụ ham hố": "Càng có, càng muốn có nhiều hơn… Và điều đó giết chết tâm hồn". Phải ngược lại là "luôn có tâm hồn và hai bàn tay mở rộng, không đóng lại".

"Kẻ có tâm hồn nghèo khó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn nhấn mạnh, là người Kitô hữu không chỉ tính tới mình, tới những của cải vật chất, không cứng đầu trong quan điểm của mình, mà trân trọng lắng nghe và sẵn lòng chiều theo quyết định của tha nhân".

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

Thân chào Quý Anh Chị Em!

Phụng vụ Chúa Nhật này làm cho chúng ta suy niệm về những Mối Phúc thật (x. Mt 5, 1-12a), là phần mở đầu của "bài giảng lớn trên núi", bản "đại hiến chương" (magna charta) của sách Tân Ước. Chúa Giêsu thể hiện thánh ý Thiên Chúa là dẫn đưa con người đi tới hạnh phúc. Thông điệp này cũng đã hiện diện trong những lời tiên tri của các ngôn sứ: Thiên Chúa gần gũi người nghèo và người bị áp bức và giải thoát họ ra khỏi tay những kẻ ngược đãi họ. Nhưng trong bài giảng huấn, Chúa Giêsu đi theo một con đường riêng: Người bắt đầu bằng thành ngữ "phúc cho ai", tức là hạnh phúc; Người tiếp theo với lời chỉ dẫn điều kiện để được hạnh phúc; và Người đã kết luận bằng một lời hứa hẹn. Lý do để có phúc, tức là có hạnh phúc, không nằm trong điều kiện đòi hỏi – "ai có tâm hồn nghèo khó", "ai khóc lóc", "ai khát khao nên người công chính" "ai bị bách hại"… - nhưng trong lời hứa đi theo, cần đón nhận với đức tin như là ơn phúc của Thiên Chúa. Người ta xuất phát từ điều kiện khó khăn, để mở ra với ơn phúc của Thiên Chúa và đạt tới thế giới mới, tới "nước" do Chúa Giêsu loan báo. Đây không phải là một cơ chế tự động, nhưng là một con đường sống đi theo chân Chúa, trên con đường ấy thực tế của sự bất ổn và sầu não được nhìn trong một viễn cảnh mới và trải nghiệm theo sự hoán cải được thực hiện. Người ta sẽ không hạnh phúc nếu không hoán cải, để xứng đáng tận hưởng và sống ơn phúc của Thiên Chúa.

Tôi dừng lại ở mối phúc thứ nhất: "Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (c. 3). Ngưới có tâm hồn nghèo khó là người đã tự giác đảm nhận những tình cảm và thái độ của những người nghèo mà trong điều kiện của họ, họ không nổi loạn, nhưng biết khiêm nhường, ngoan hiền, sẵn sàng cho ơn thánh của Thiên Chúa. Hạnh phúc của người nghèo - những người nghèo khó trong tâm hồn – có một tầm vóc kép: đối với của cải và đối với Thiên Chúa. Liên quan đến của cải, của cải vật chất, cái nghèo trong tâm hồn này là sự điều độ: không hẳn là một sự từ chối, nhưng là một khả năng chỉ nếm trải cái cốt yếu, là chia sẻ; là khả năng lập lại mỗi ngày sự ngạc nhiên đối với lòng nhân hậu của mọi vật, mà không bị trĩu nặng trong cái mù mịt của sự ham hố tiêu thụ. Tôi càng có nhiều, tôi càng muốn có thêm: tôi càng có nhiều, tôi càng muốn có thêm: đó là sự tiêu thụ ham hố. Và cái này giết chết tâm hồn. Và người nam hay nữ làm điều này, có thái độ này, "tôi càng có nhiều, càng muốn có thêm", không có hạnh phúc và không đạt được tới hạnh phúc. Trước mặt Thiên Chúa, phúc thứ nhất này là sự ca ngợi và công nhận rằng thế gian là phúc lành và rằng ở nguồn gốc của nó có tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa Cha. Nhưng đây cũng là sự mở lòng ra với Người, sự ngoan hiền với Đức Chúa: Chính Người, là Chúa, chính Người là Đấng Tối Cao, chứ không phải tôi là cao cả bởi vì tôi có nhiều của cải! Chính Người: Đấng đã muốn có thế gian cho hết cả mọi người và đã muốn để hết cả mọi người được hạnh phúc.

Người nghèo khó trong tâm hồn là người Kitô hữu không kể đến mình, không kể đến của cải vật chất, không cứng đầu trong những quan điểm của mình, mà lắng nghe với sự tôn trọng và vui lòng đặt mình dưới sự quyết định của tha nhân. Nếu trong những cộng đoàn của chúng ta mà có nhiều người nghèo khó trong tâm hồn hơn nữa, thì sẽ có ít đi những chia rẽ, những tranh chấp và những đả kích lẫn nhau! Đức khiêm nhường, cũng như lòng bác ái, là một nhân đức cốt yếu cho sự chung sống trong những cộng đoàn Kitô hữu. Những người nghèo khó, trên ý nghĩa Phúc Âm này, nổi bật như những người giữ cho chủ đích của Nước Trời được tỉnh thức, bằng cách để cho thoáng thấy rằng chủ đích đó đang nẩy mầm trong cộng đoàn anh em, đang dành ưu tiên cho chia sẻ những quyền sở hữu. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: dành ưu tiên sự chia sẻ quyền sở hữu. Luôn có tâm hồn và bàn tay mở rộng chứ không đóng lại (Đức Giáo Hoàng làm điệu bộ). Khi trái tim đóng lại (điệu bộ), đó là trái tim chật hẹp: nó cũng còn không biết làm sao yêu thương nữa. Khi trái tim mở ra (điệu bộ), nó bước trên con đường của tình yêu.

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, là gương mẫu và là người đứng đầu của những người nghèo khó trong tâm hồn bởi vì Mẹ đã hoàn toàn ngoan hiền đối với thánh ý Chúa, phù giúp chúng ta phó thác cho Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót, để Người đổ đầy ơn phúc cho chúng ta, đặc biệt là đồ đầy ơn tha thứ của Người.

Mạc Khải dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét